Bậc trí giả, người có tu dưỡng thời xưa đều coi trọng đạo làm người, làm việc và tu tâm dưỡng tính. Họ sống thanh bần đạo hạnh, được hậu nhân kính trọng. Dưới đây là cảnh giới làm người, làm việc, tu tâm mà họ thường hướng đến.

Cảnh giới làm người, làm việc, tu tâm của bậc trí giả
(Ảnh minh họa: JekLi, Shutterstock)

Cảnh giới tu tâm: Thủ giữ bình thường tâm

Vương Dương Minh được đánh giá là một trong bốn gương mặt lớn của Nho học, sau Khổng Tử, Mạnh Tử và Chu Hy, sống vào thời nhà Minh. Thời còn niên thiếu, ông là con trai của trạng nguyên Vương Hoa, lên 8 tuổi đã có khả năng đọc qua là nhớ, thậm chí xem qua là thuộc. Năm lên 10 tuổi, ông đã có thể hạ bút làm thơ. Người đời đều cho rằng với tài năng như vậy, Vương Dương Minh tương lai nhất định sẽ là trạng nguyên, không thể sai khác được.

Thế nhưng đến năm 22 tuổi, Vương Dương Minh liên tiếp tham gia thi cử hai lần mà đều không đỗ đạt. Thời ấy, đối với những người có học, việc thi trượt là một chuyện khó chấp nhận, khó có tương lai. Hơn nữa, Vương Dương Minh lại là con nhà có truyền thống học tập, danh gia vọng tộc.

Tuy vậy, đối mặt với chuyện không thi đỗ, Vương Dương Minh lại cho rằng: “Thế nhân lấy chuyện không đỗ đạt làm hổ thẹn, riêng ta lấy việc động tâm làm hổ thẹn”. Vương Dương Minh cho rằng động tâm trước cái danh, cái lợi mới là chuyện đáng hổ thẹn. Từ câu nói của Vương Dương Minh chúng ta thấy được ba chữ “bình thường tâm”. Một người có thể dùng bình thường tâm để đối đãi với được mất và nghe theo thiên mệnh thì sống không bị phiền nhiễu.

Cổ ngữ cũng có câu: “Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn, tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan”. Người ta khi làm việc mà có thể xem vinh nhục cũng bình thường như đóa hoa kia sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm bình lặng không kinh động, có thể xem chức vị đến rồi đi biến đổi thất thường tựa như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ được tâm vô vi thanh tịnh. Vì vậy, thủ giữ được một tâm bình thường là điều bậc trí giả vô cùng coi trọng.

Cảnh giới làm việc: Tận sức làm việc trong bổn phận

“Bổn phận” nói ra thì rất giản dị, đó là làm những việc mình nên làm, tận tâm tận sức với những việc là nghĩa vụ của mình. Không thể hồ đồ làm việc, cũng không thể lơ là không làm tròn chức trách. Nghiêm túc làm tốt những việc trong bổn phận của mình cũng chính là thủ giữ tốt bổn phận của bản thân mình.

Bổn phận của người làm thầy là giáo dục ra những học trò tốt, bổn phận của người làm quan là chăm lo cho dân, bổn phận của người đầu bếp là nấu ra những món ăn theo yêu cầu… Do vậy người hiện đại thường gọi điều này là “đạo đức nghề nghiệp”.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn gặp một số người làm việc “không đầu không đuôi”, “làm trước quên sau”, không làm tròn phận sự, trách nhiệm của mình. Những người như vậy khi được phân công việc gì cũng khiến người khác không an tâm, trái lại còn lo âu, lưỡng lự. Bậc trí giả không làm việc như vậy.

Đại thần triều Thanh, Tăng Quốc Phiên, mới đầu khi làm quan ở kinh thành thì không được trọng dụng. Mặc dù trong lòng ông có chút buồn khổ nhưng ông vẫn kiên trì làm tốt những việc bản thân ông cần phải làm. Ngoài việc công, ông còn tích cực học tập, lập chí, hàng ngày ghi lại nhật ký để xem xét điều chưa tốt, tu dưỡng bản thân. Sau cùng, ông trở thành một vị quan đại thần trụ cột của triều đình. Những thành tựu mà Tăng Quốc Phiên đạt được đều là kết quả của quá trình tích lũy và kiên định của ông mà thành.

Cảnh giới làm người: Làm người nhân hậu

Có câu: “Bậc đại trượng phu ở chỗ dày dặn mà tránh chỗ mỏng mảnh, ở chỗ chân thực mà tránh chỗ hào nhoáng”. Thế tức là bỏ cái hào nhoáng, mỏng mảnh mà giữ cái dày dặn, thực chất. Chu Dịch viết:“Người quân tử lấy đức dày để nâng đỡ vạn vật”. Người nhân hậu có thể “hải nạp bách xuyên”, giống như biển dung nạp trăm con sông, lấy đức thu phục lòng người.

Người phúc hậu ở đâu, lúc nào cũng đều suy nghĩ cho người khác, bởi vì họ mong muốn những điều tốt đẹp đến với người khác, hy vọng người khác có được cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Đây chính là một loại thiện niệm. Bởi vì có thiện niệm nên quảng kết được thiện duyên, có thể được nhiều người giúp đỡ lại, được nhiều người nghe theo.

Tương truyền Thương Thang, vị vua khai quốc của nhà Thương là người có lòng nhân hậu lớn. Một lần, ông thấy một nông phu giăng lưới bắt động vật, mà Đông Nam Tây Bắc đều quây lại, lại còn khấn xin trời đất cho tất cả các loài vật mắc lưới. Thương Thang bèn lệnh cho thuộc hạ tháo ba mặt lưới, chỉ để lại một phía, gọi là “Võng khai nhất diện”. Sau đó ông cầu rằng: “Chim bay trên trời, thú chạy dưới đất, muốn trốn thoát hãy cố gắng trốn thoát, nếu không nghe lời thì mới sa vào lưới này!”

Rất nhanh sau đó câu chuyện “Võng khai nhất diện” của Thương Thang được lưu truyền rộng rãi khắp chư hầu. Chư hầu thấy Thương Thang đối với chim thú cũng nhân từ như vậy đều lũ lượt quy thuận ông. Thế nên người nhân hậu có một nguồn sức mạnh cảm hóa và hiệu triệu mọi người tự nguyện tới phò tá, trợ giúp họ.

Bậc trí giả chính trực thiện lương, không coi trọng danh lợi, không vì danh lợi mà làm ra những chuyện trái lương tâm hại người. Từ xưa đến nay trong cuộc sống, ai cũng đều nguyện ý mong muốn kết giao cùng người phúc hậu. Bởi vì người phúc hậu khiến người bên cạnh cảm thấy an tâm và tin tưởng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: