Hoa cúc không thơm ngát khiến lòng người rung động, nó lặng lẽ chịu đựng được sự cô độc, tịch mịch trong gió rét và mưa lạnh, ở nơi thế tục mà bảo trì được vẻ bình tĩnh và thong dong đặc biệt của mình. Người ta nói cúc mang trong mình cốt cách chí khí của người quân tử, nó cùng với lan, mai, trúc được xưng là “Tứ quân tử”. 

Hoa cúc có hình dáng thanh đẹp, sắc vàng tươi sáng giống như màu vàng của bậc đế vương, sắc trắng thanh sạch giống như màu của người quân tử. Từ xa xưa, hoa cúc đã được coi là biểu tượng của đạo đức cao đẹp, thanh khiết và cao nhã. Nó không muốn cùng quần hoa tranh xuân, nguyện ở lúc phong hàn lạnh thấu xương cuối thu mà khai nở giống như ẩn sĩ cao ngạo vậy. Chính tính cách không sợ giá lạnh này khiến cho người ta thêm yêu thích cúc. Vào cuối mùa thu, khi vạn hoa sắp héo rũ tàn lụi, trăm cỏ sắp điêu tàn thì hoa cúc lại lặng lẽ ẩn mình nơi thôn dã nở trong sương giá.

Tam dam nhu hoa cuc 02
(Tranh: Vương Diên Cách, Public Domain)

Dưới ngòi bút của văn nhân họa sĩ xưa, hoa cúc là loài hoa quân tử, hoa ẩn sĩ, hoa trường thọ. Nó hiện ra với dáng điệu khi thì kiều diễm, khi thì lạnh lùng, lúc lại hoang sơ ẩn dật, thể hiện lý tưởng nhân cách không màng danh lợi, sẵn sàng sống giản dị, có khí khái riêng.

Trong các triều đại từ xa xưa đã có truyền thống trồng cúc, thưởng cúc và vịnh cúc. Người ta ký thác cho hoa cúc những nội hàm văn hóa đặc sắc như đức của người quân tử mà Nho gia tôn sùng, phong thái ẩn dật của Đạo gia, sự siêu phàm thoát tục của Phật gia, lại có hy vọng về sức khỏe và tuổi thọ mà những người bình thường theo đuổi.

Thời Tam Quốc, mưu sĩ của Tư Mã Chiêu nhà Ngụy là Chung Hội từng khen ngợi hoa cúc là loài hoa có năm loại mỹ đức. Đó là:

  • “Viên hoa cao huyền, thùy thiên cực dã”, hoa cúc hình tròn ở trên cao có khí thế đế vương, đế vương dùng hoa cúc để thể hiện ý chí của mình.
  • “Thuần hoàng bất tạp, hậu thổ sắc dã”, hoa cúc vàng được coi trọng nhất trong các loại cúc, màu vàng là màu đại diện của thổ trong ngũ sắc, cũng là màu của đế vương, mang vẻ đẹp của “trung hòa”.
  • Tảo thực vãn phát, quân tử đức dã”, hoa cúc được trồng cùng với các loài hoa khác, nhưng sau khi các loài hoa khác héo rồi nó mới nở, hoa cúc không tranh đua với các hoa khác mà để hoa khác khoe vẻ đẹp của mình. Đây là đức hạnh của người quân tử “thành tựu cái đẹp cho người”.
  • Mạo sương thổ dĩnh, tượng trinh chất dã”, hoa cúc đối mặt với sương lạnh mà nở, tinh thần này là chính trực, ngay thẳng.
  • Bôi trung thể khinh, Thần tiên thực dã”, hoa cúc là loài hoa cát tường, có thể kéo dài tuổi thọ, được ví là món ăn của Thần tiên.
Cảnh giới nhân sinh: Tâm đạm như hoa cúc
(Tranh: Met Museum, Public Domain)

Người biết thưởng thức hoa cúc phải kể đến Khuất Nguyên, thi nhân nổi tiếng của nước Sở thời Chiến Quốc. Trong bài “Ly tao” ông viết: “Triêu ẩm mộc lan trụy lộ hề, tịch xan thu cúc chi lạc anh”, sáng uống sương sa dưới gốc mộc lan, triều ăn hoa rụng bên nhành thu cúc. Khuất Nguyên tán thưởng hoa cúc có phẩm chất thuần khiết, trong như ngọc trắng như ngà, siêu phàm thoát tục.

Thi nhân điền viên nổi tiếng thời Đông Tấn là Đào Uyên Minh cũng có rất nhiều bài thơ về hoa cúc. Trong đó nổi danh nhất là bài “Ẩm tửu”, có câu: “Thải cúc đông li hạ, du nhiên kiến nam sơn”, hái cúc dưới giàn phía đông, thảnh thơi ngắm nhìn núi nam. Ông dùng hình tượng hoa cúc tao nhã, đạm bạc để ví với chí thú riêng không giống thói tục của mình. Vì thế người đời sau coi hoa cúc là tiết tháo của người quân tử, cũng tượng trưng cho cái chí của dật sĩ. Hoa cúc nhờ Đào Uyên Minh mà càng thêm nổi tiếng, được phong hiệu là “Hoa trung ẩn sĩ”, ẩn sĩ trong giới hoa.

“Tâm đạm như cúc, tâm tĩnh như nước” chính là một cảnh giới tinh thần cao thượng. Trong cõi hồng trần ồn ào náo nhiệt, không khoa trương, không phóng đại, phàm là mọi việc đều nhìn thấy điểm mạnh của người khác, chọn sống một cuộc sống khiêm nhường mặc dù có tài hoa hơn người, người có nhân cách như vậy khiến người khác vô cùng cảm kích, tán thưởng. Nếu như dùng một loài hoa để hình dung miêu tả về một nhân cách như vậy thì phải là: “nhân đạm như cúc”.

“Nhân đạm như cúc”, đạm ở đây chính là đạm nhạt với vinh nhục, với danh lợi, với tranh đấu, với cả những hấp dẫn mê hoặc nơi thế gian. Tâm đạm nhạt như vậy có thể khiến chúng ta ở trong cõi hồng trần coi trọng vật chất mà đột phá được loạn thế, nhìn rõ được sự đời, khước từ được phồn hoa, trở về với sự giản dị chất phác mà đạt được cảnh giới tư tưởng “Lạc hoa vô ngôn, nhân đạm như cúc, tâm tĩnh như thủy”. Dùng tâm đạm nhạt đối đãi với được mất, dùng ánh mắt lạnh nhạt mà nhìn thấu phồn hoa, như vậy thì lúc suôn sẻ sẽ không kiêu ngạo, lúc thất vọng sẽ không chán nản. 

Cổ nhân nói: “Tâm vi hình sở lụy”, tâm vì lợi ích vật chất mà mệt mỏi, dục vọng càng lớn thì áp lực càng lớn, dục vọng càng mạnh thì áp lực càng nặng. Con người một khi ngã vào vực sâu của dục vọng, không thể tự kiềm chế thì tâm linh sẽ bị ăn mòn dần, lương tri bị sa đọa thậm chí có thể trở thành nô lệ của dục vọng. Dục vọng của con người có rất nhiều phương diện, nếu không biết tiết chế dục vọng thì cả cuộc đời chỉ có thể là một quá trình không ngừng sinh ra và thỏa mãn tư dục mà thôi.

Chỉ người có thể thanh tâm quả dục mới thấy đơn giản là phúc, bình thản là chân, biết đủ là vui. Làm một người, tâm đạm như cúc chính là một loại cảnh giới hạnh phúc và khoái hoạt. Loại tâm cảnh này không liên quan đến tiền tài, quyền lực, danh lợi và tiếng tăm, chỉ cần có thể sống đối đãi khoan dung với cuộc sống, với mọi người thì đóa hoa cúc không bao giờ tàn sẽ trỗi dậy trong lòng chúng ta, khiến tâm hồn chúng ta thư thái và thanh thản.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: