Thời cổ đại có không ít cao nhân, kỳ nhân có khả năng tiên đoán chính xác được sự tình sẽ xảy ra trong tương lai. Họ trên thông thiên văn dưới tường địa lý, liệu sự như thần. Những tri thức của các cao nhân, kỳ nhân cổ đại ấy lại không phải đạt được thông qua việc tìm tòi sách vở như các chuyên gia, học giả nơi thế gian loài người. Trái lại, hầu hết họ đều là những ẩn sĩ, thế ngoại cao nhân hoặc truyền nhân kế thừa được tinh hoa trong các môn tu luyện hoặc tàn tích văn minh cổ xưa, hoặc thông qua một sự việc nào đó mà có được năng lực đặc biệt. Bởi vậy điều các nhân vật lỗi lạc thời cổ đại tiếp xúc đến, tri thức mà họ thể hiện ra, cảnh giới mà họ đạt được đều là những điều vượt khỏi xã hội người thường.

Tri thức của các cao nhân trí huệ và nhà tiên tri cổ đại đến từ đâu?
(Ảnh minh họa: Outer Space, Shutterstock)

Có thể nhiều người đã nghe nói đến truyền kỳ về các nhà tiên tri và các vần thơ tiên tri. Những vần thơ nổi tiếng nhất ở phương Tây thuộc về nhà tiên tri người Pháp Nostradamus (1503-1566). Cuốn sách “Les Centuries” (Các thế kỷ) của ông đã ứng nghiệm với rất nhiều sự kiện trong các thời kỳ khác nhau trên toàn thế giới mà không hề gián đoạn. Từ thế kỷ 16 khi Nostradamus còn sống, ông đã tiên đoán những việc như vua Henry II chết như thế nào, số phận của hoàng hậu và con cái ra sao; cho tới tận thế kỷ 21, từ vụ khủng bố ngày 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở Hoa Kỳ, cho tới cái chết của Saddam Hussein ở Iraq. Trong đó, các sự kiện trung gian như các vị vua Pháp sau thế kỷ 16, đại cách mạng Pháp, tên của Napoleon và Hitler, cho tới vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima… đều xuất hiện trong 942 bài thơ tiên tri trải dài 10 cuốn sách.

Tất nhiên, đối với giới học giả phương Tây hiện đại mà nói, sẽ có những người phản đối, cố gắng nói rằng những vần thơ của Nostradamus là mơ hồ và thế này hay thế khác. Với họ, việc chấp nhận khả năng của những người như Nostradamus là không thể trong phạm vi chật hẹp của khoa học thực chứng. Nhưng hãy dừng bước lại một chút, và suy ngẫm về Albert Einstein, một bộ óc thuộc hàng vĩ đại nhất của khoa học nhân loại. Einstein từng nói rất nhiều về thuyết “tất định” (predetermined hay determinism) (*) như sau:

“Tôi là một người tin vào thuyết tất định. Tôi không tin có ý chí tự do.”

“Người ta không có tự do trong tư duy, tình cảm và hành động của mình, mà bị ràng buộc vào tính nhân quả như các tinh tú trong các chuyển động của chúng,”

“Mọi người hành động không chỉ do cưỡng bức từ bên ngoài, mà còn tuân theo tính tất yếu ở bên trong.”

Thuyết tất định này của Einstein có lẽ là quá đáng sợ, quá “hãi hùng” (abhorrent) với người phương Tây – như nhà vật lý nổi tiếng Max Born từng viết trả lời Einstein (*).

Bà Hedwig, vợ của Born cũng nói với Einstein rằng bà “không thể tưởng tượng nổi ông tin tưởng rằng – theo lời kể lại của chồng tôi – ‘sự ngự trị hoàn toàn bằng qui luật’ ngụ ý mọi việc trong vũ trụ đều do tiền định, chẳng hạn đến cả việc tôi có muốn chích ngừa cho con tôi hay không.”

Tại sao Born và vợ ông không thể chấp nhận được điều Einstein nói? Đối với tri thức và văn hóa phương Tây mà nói, đây là một điều khó có thể tiếp nhận được. Nhưng điều này lại cực kỳ dễ tiếp nhận đối với người phương Đông.

Tri thuc cua cao nhan tien tri 03
Einstein cùng các nhà vật lý lỗi lạc khác của thế giới trong một hội nghị năm 1927. Max Born ngồi ở hàng 2, là người thứ 2 từ phải sang. (Ảnh: I Harsten, Flickr, CC BY 2.0)

Tư tưởng của Einstein, nói một cách dễ hiểu, là cho rằng số phận của người ta, lịch sử của nhân loại đều tràn ngập sự “tất định”, hay nói cách khác chính là có “định số”. Nếu đã có định số thì việc một sự kiện nào đó diễn ra trong lịch sử chẳng phải là điều tất sẽ xảy ra hay sao?

Người phương Đông từ xưa đến nay tin vào số mệnh, có rất nhiều tàn tích cổ xưa trong văn hóa phương Đông là đề cập đến điều này. Từ Kinh Dịch, Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Quái, tới những cách xem bói chỉ tay, bói bát tự… đều cho thấy một thực tế rằng số phận của người ta là “tất định”. Chúng ta gọi đó là “số phận”, là “vận mệnh”.

Thơ tiên tri ở phương Đông mà nói là đặc biệt nhiều. Ngay ở Việt Nam, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ nổi tiếng với cuộc cờ “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc sau này, mà còn nổi tiếng bởi “Sấm trạng Trình” tiên tri về các biến cố chính của dân tộc Việt Nam trong khoảng 500 năm. Chỉ có điều sấm ký này đã bị phá hoại bằng cách thêm bớt, nên ngày nay không ai biết đâu là bản sấm ký thực sự nữa.

Trong sử sách phương Đông vẫn lưu lại câu chuyện Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang bói mệnh nhà Đường cho Đường Thái Tông. Không ngờ Lý Thuần Phong ngồi suy tính một hồi, ra đến vận mệnh của Trung Nguyên hàng nghìn năm sau. Cho đến lúc Viên Thiên Cang đẩy lưng của Lý Thuần Phong và nói: “Thiên cơ không thể tiết lộ, hay là đi về nghỉ ngơi đi!” mới dừng lại. Vậy là cả hai ông để lại kỳ thư “Thôi Bối Đồ”, trong đó mỗi triều đại mỗi sự kiện lớn của Trung Hoa đều ứng nghiệm, khiến nó trở thành sách cấm thời Tống, Nguyên, Minh. Thậm chí đến ngày nay, những lời sấm này vẫn còn được hậu thế chứng nghiệm.

Mà đâu chỉ có “Thôi Bối Đồ”, còn có “Bách Tự Minh”, “Mai Hoa Thi” của Thiệu Ung triều Tống, “Bộ Hư Đại Sư Thi Văn”, “Thần Sư Thi” triều Đường, “Thiêu Bính Ca” của Lưu Bá Ôn triều Minh, “Cách Am Di Lục” của Nam Sư Cổ người Triều Tiên…

Người phương Đông phổ biến cho rằng tri thức của các bậc tiên tri, các cao nhân trí huệ thời cổ đại là đến từ những tàn tích cổ văn minh như Kinh Dịch, Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Quái, v.v.., họ gọi cổ nhân là học giả lý học, Dịch học, v.v.. Nhưng ngày nay những kiến thức này thực tế vẫn tồn tại, vậy thì tại sao không có một Nguyễn Bỉnh Khiêm, không có một Lưu Bá Ôn nào xuất sinh nữa? Điều mà người thời nay có thể thông qua kinh nghiệm mà sờ mó đến được bất quá chỉ là một chút tri thức bề ngoài, có thể thông qua toán quái mà suy ra một vài sự kiện trong cuộc đời một người đã là khá lắm rồi.

Trí huệ thật sự của văn minh cổ đại thật ra không phải là tri thức, kiến thức, sự hiểu biết hay sự thông minh. Trong cuộc sống, mặc dù cũng có rất nhiều người học rộng, tri thức nhiều nhưng trí huệ của họ thực sự lại rất hữu hạn. Một nhà khoa học lỗi lạc được giải Nobel Vật lý như Max Born cũng không thể có đủ dũng cảm để bước thẳng vào chủ đề tín ngưỡng như Albert Einstein đã làm được. Và Albert Einstein với tất cả tri thức của ông, những tri thức về vũ trụ mà có thứ đến hiện nay khoa học mới thực chứng được, lại nói rằng:

“Tôi không phải là người vô thần. Tôi không nghĩ tôi có thể gọi mình là một kẻ phiếm thần. Vấn đề được nêu ở đây quá rộng lớn đối với trí óc hạn hẹp của chúng ta. Chúng ta chỉ ở vị trí của một đứa bé đi vào trong một thư viện khổng lồ chứa đầy sách bằng nhiều ngôn ngữ. Đứa bé biết rằng chắc có một người nào đó đã viết những sách ấy. Bé không biết sách đã được viết ra bằng cách nào. Bé không hiểu ngôn ngữ trong những sách ấy. Bé chỉ mù mờ nửa tin nửa ngờ rằng có một trật tự huyền bí trong việc sắp đặt những cuốn sách đó nhưng không biết rõ trật tự đó là gì. Hình như đối với tôi, đó là thái độ cần có của ngay cả một người thông minh nhất đối với vấn đề Thượng đế. Chúng ta nhận thấy vũ trụ được sắp xếp một cách kỳ diệu và tuân theo một số qui luật nhất định, nhưng chúng ta chỉ hiểu lờ mờ những qui luật này.” (*)

Điều mà Einstein nói đến ở đây, nếu nói theo văn hóa phương Đông thì cực kỳ đơn giản. Cái trật tự này trong văn hóa phương Đông được gọi là “Đạo”. Điều mà phương Tây không có sẵn khái niệm thì nền văn hóa phương Đông cổ xưa đã có sẵn danh từ riêng để gọi tên từ hàng ngàn năm về trước!

tu Phật tu Đạo
Một phần của bức tranh “Hiên Viên vấn Đạo đồ” mô tả cảnh Hoàng Đế tới núi Không Động để tìm Quảng Thành Tử cầu “Đạo”. (Họa sĩ Thạch Duệ thời Minh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Phương Đông là “huyền bí”. Với người phương Tây mà nói, phương Đông thật sự là “huyền bí”, bởi vì ngay cả tri thức lưu lại trong các cuốn cổ thư phương Đông cũng vượt khỏi nhận thức của khoa học phương Tây. Những thứ như kinh mạch, huyệt đạo, khí công… sẽ làm chấn động bất cứ người phương Tây nào tiếp xúc với nó. Tất nhiên, những tri thức cổ đại này vốn không phải là sản vật của sự tìm tòi thực chứng và ngay đến người phương Đông hiện đại theo Tây học cũng e dè khi tiếp xúc với chúng.

Kỳ thực nền văn hóa Phương Đông cổ xưa ngập tràn khái niệm “tu luyện”. Trong xã hội, các ngành các nghề đều giảng về “Đạo”, nên mới có Bách Gia, Lão Tử lại giảng: “Đạo khả đạo, phi thường đạo”. Người xưa khi đứng khi ngồi đều có tư thế, lại giảng vận khí, hô hấp. Trong các thời kỳ thịnh trị, việc người ta tìm hiểu những con đường khác nhau của Phật gia, Đạo gia là vô cùng phổ biến. Các bậc tu hành xa xưa đã để lại những kinh điển cao thâm, trả lời cho nhân thế những câu hỏi được coi là chỗ mê vĩnh hằng như: nguồn gốc nhân loại, mối quan hệ giữa nhân loại và vũ trụ, ý nghĩa của sự tồn tại. Đồng thời họ lại thông qua các hình thức tu luyện khác nhau như tu tâm, tu Thiện, tu thân, tu Chân, đức tin, cứu rỗi, v.v, để định hình nên khái niệm về tu luyện. Tri thức của phương Đông cổ đại “huyền bí” cũng từ đó mà xuất sinh.

Chuyện cổ Phật gia: Sinh mệnh đời người rốt cuộc dài bao lâu?
(Ảnh minh họa: ThewayIsee, Shutterstock)

Sau sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp, rồi sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật hiện đại, nhân loại đắm chìm vào một nền văn minh vật chất mà lãng quên đi tâm linh của mình, thậm chí còn phản đối những giá trị phổ quát truyền thống.

Nhưng nền khoa học hiện đại của nhân loại thì như thế nào đây? Chúng ta tìm hiểu đến các hạt nhỏ bé hơn như nguyên tử, điện tử, hạt nhân, neutron, v.v.. cũng bất quá là nhờ đo đạc và gán cho sự chuyển động của chúng những “công thức” mà chúng ta cho là đúng vì “công thức” đó phù hợp với tri thức hiện hữu của chúng ta. Và công thức thay đổi khi tri thức khoa học được mở rộng ra thêm một chút! Chúng ta nhìn ngắm vũ trụ mà không khiêm tốn tự nhận rằng điều chúng ta nhìn thấy chỉ là vũ trụ hàng chục vạn năm ánh sáng về trước. Diện mục chân thực của vũ trụ ngày nay ra sao? Từ vi quan tới hồng quan, kỳ thực con người còn chưa thể vượt qua khỏi một vài hạt nhỏ bé, cũng chưa thể đi ra khỏi hệ Mặt Trời. Chúng ta như “người mù sờ voi”, và bởi vì tuân theo “thực chứng”, nên sờ thấy cái gì thì cho rằng cái đó là chân lý!

Suốt nhiều thập kỷ, nhân loại đã luôn nỗ lực tìm kiếm tri thức và khẳng định bản thân. Nhưng trong nền văn minh vật chất quá nhiều giới hạn này, chúng ta đã thất bại trong việc đạt được một nhận thức cao hơn về tồn tại của nhân loại và vũ trụ. Đời sống tinh thần của người ta trở nên mờ nhạt, khái niệm thiện ác hỗn loạn, đạo đức trở thành tương đối, thẩm mỹ truyền thống trở thành một giáo điều, tôn giáo biến tướng khiến người ta chỉ “theo” mà không thật sự “tin”.

Đây chính là nguyên nhân hầu hết các học giả của văn minh nhân loại hiện đại chỉ có thể “sờ mó” tri thức bề mặt mà không thể xuất hiện sự đột phá về tri thức và cảnh giới sinh mệnh như các bậc cao nhân, các nhà tiên tri trong quá khứ.

An Hòa biên tập

(*) Tham khảo các ghi chép về Einstein qua bài viết “Einstein & Faith” của nhà viết tiểu sử nổi tiếng thế giới Walter Isaacson, cùng bản dịch của dịch giả Trần Ngọc Cư

Xem thêm:

Mời xem video: