Trong suốt hàng ngàn năm qua, văn hóa truyền thống của nhân loại luôn giảng rằng: “Thiện ác hữu báo”, đạo Trời ban thưởng cho người làm việc thiện, trừng phạt người làm việc ác. Người phương Đông giảng “nghiệp”, người phương Tây giảng “tội”. Khi báo ứng đến, khi món nợ đến thì con người nhất định phải hoàn trả, không cách nào có thể tránh né được. Ngay cả các bậc giác ngộ cũng không thể phá vỡ Thiên lý này, chỉ có thể giúp các đồ đệ của họ – những người tu luyện chân chính – ở trong quá trình giải quyết tội nghiệp mà thăng hoa, từ đó thiện giải hoặc cân bằng được ác nghiệp.

Chuyện cổ Phật gia: Có nợ thì nhất định phải trả
(Ảnh minh họa: Vectorx2263, Shutterstock)

Có một câu chuyện Phật gia kể về Mục Kiền Liên, đệ tử “thần thông đệ nhất” của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như vậy. Bấy giờ, Đức Phật Thích Ca còn tại thế, trực tiếp dẫn dắt đệ tử. Một ngày nọ, ngài nói với Mục Kiền Liên rằng: “Chủ nợ của con sắp đến đòi nợ rồi đó.”

Mục Kiền Liên nghe xong thì nói: “Con có thần thông. Nếu chủ nợ của con từ phía đông mà đến, con sẽ đi về phía tây. Nếu người đó từ phía bắc đến thì con sẽ đi về phía nam.”

Đức Phật nghe đệ tử của mình nói như vậy, không giải thích gì nhiều, chỉ nói: “Quả báo là không cách nào tránh né được.”

Sau đó, Mục Kiền Liên dù đã dùng “thần túc thông” để không ngừng đi khắp nơi trong nháy mắt, nhưng lại đột nhiên bị rơi xuống núi, ở ngay trước mặt một ông lão. Ông lão này bỗng nhiên nhìn thấy Mục Kiền Liên từ đâu rơi xuống, hình dạng kỳ quái, cho rằng là điều không may, bèn tiện tay cầm đồ đạc đánh tới tấp liên hồi. Kết quả, Mục Kiền Liên bị ông lão ấy đánh gãy xương.

Đức Phật Thích Ca thấy đệ tử của mình đã hoàn được nợ, liền giúp đệ tử tĩnh hạ tâm xuống và khôi phục được hình dạng vốn có. Sau đó Ngài nói: “Ông ấy kiếp trước là cha của con. Vì con và ông ấy luôn khắc khẩu với nhau, nên trong lòng con nghĩ muốn đánh gãy xương ông ấy. Chính bởi ác niệm này mà con phải gặp tai ương. Con phải nhớ kỹ rằng cần đối xử tốt với chúng sinh, bao gồm cả lời nói, việc làm và tâm niệm.”

Mục Kiền Liên hiểu sâu hơn về nhân quả, dốc lòng tu hành, thiện hóa chúng sinh, nên về sau đã đắc được thiện quả.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng nợ thì phải trả, đó là Thiên lý. Người ta nhất định phải lấy thiện tâm làm căn bản trong việc đối đãi với mọi người, ngàn vạn lần không được khởi ý nghĩ xằng bậy và tà niệm. Có rất nhiều người ngày nay tự cho rằng mình đàng hoàng lắm, chưa làm điều gì xấu xa. Nhưng trong ý nghĩ, lời nói của họ đã mang theo đủ loại tà niệm rồi. Người trong tâm nuôi dưỡng thứ xấu thì sao có thể là người tốt được?

Khái niệm này thực ra là một giá trị phổ quát, cũng đồng thời được giảng trong tín ngưỡng phương Tây. Ví như Chúa Giê-su giảng rằng: “Ta bảo các con, ai nhìn đàn bà mà động lòng dục với người ấy thì trong tâm trí xem như đã phạm tội ngoại tình với người đàn bà ấy rồi.” Bởi thế không phải cứ nhìn kết quả hành động thì mới tính là có tội, bất cứ một niệm thiện ác đều có báo ứng của nó.

Một người chỉ có thật lòng tin tưởng vào các giá trị phổ quát, kiên trì giữ vững lương tri, khơi dậy thiện niệm, loại bỏ ác niệm, kính trọng đạo và quý trọng đức, thì mới có thể khiến hết thảy oán duyên được thiện giải, tạo được phúc báo và thiện quả cho tương lai của bản thân cũng như của những sinh mệnh có duyên nợ ân oán với mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: