Năm 1868 Nhật chính thức cải cách.
1894-1895: Đánh thắng đế quốc Thanh (hình mẫu thiên triều)
1904-1905: Đánh bại Nga – đế quốc khổng lồ ở Viễn Đông

1894-1868 = 26 năm.
1904-1868 = 36 năm.

Trong khoảng 30 năm ấy người Nhật học hỏi phương Tây và đuổi kịp họ, dùng kỹ thuật và phương thức quản trị hiện đại của phương Tây đánh bại hai đối thủ đáng gờm.

Để học được các kĩ thuật tiên tiến và phương thức quản trị của phương Tây bấy giờ, người Nhật phải có nền tảng tốt nếu không thầy có giỏi (thuê Tây) trò cũng bó tay không học được.

Những nền tảng trước và đặc biệt là trong thời Edo đã góp phần quan trọng tạo ra nền tảng đó: giáo dục xã hội (đại chúng), sự trưởng thành của giới tinh hoa (thương nhân, võ sĩ bậc thấp, bậc trung), hàng trăm học giả Tây học, tỉ lệ người biết đọc, viết, tính toán cao…

Không có nội lực và sự chuẩn bị lâu dài, thời cơ có đến cũng sẽ không nhận ra và bỏ qua.

Muốn vậy thì phải cầu thị và học hỏi. Năm 1853, Hắc thuyền của Perry đến Nhật dọa dẫm. Năm 1854, Nhật mở các cảng biển thông thương và ký các hòa ước bất bình đẳng.

Từ đó cho đến kể cả sau 1868, nước Nhật giằng xé giữa phái thủ cựu và tân học, giữa yêu nước chống Tây và yêu nước học Tây. Ám sát cũng có, loạn cũng có, thịt lẫn nhau cũng có.

Nhưng rồi phái cầu thị học hỏi thắng thế vì tập hợp được những người ưu tú nhất có sức hấp dẫn lớn với đại chúng.

Việt Nam ta lúc đó thì sao?

Hãy nghe cụ Phan Châu Trinh bắt bệnh:

“Xét Hoàng Phan Thái giết vua Tự Đức, việc làm ấy lại đem tôn chuộng trong quốc dân! Nay các đảng chống vua ở châu Âu, nếu không có lòng làm lợi cho nước, pháp luật văn minh còn cho là giặc nghịch đem ra trị tội, huống gì ở nước ta? Như cho là thần không lạy, lại đem Đoàn Trưng, Đoàn Trực ra tôn sùng. Lại xét ông ấy cho rằng nước ta mất là do Tự Đức, thì thật là ngu lầm. Vì nước ta lúc bấy giờ học giới suy sút tới cực điểm, trên dưới vua tôi đều ngủ giấc ngủ vạn năm; đến như ngày nay bắt đầu có sách mới du nhập, rõ như trỏ vào bàn tay, mà còn có người ngoan cố giữ cái cũ không chịu rời một ly! Lúc bấy giờ dẫu cho Minh Trị của Nhật, Bi Đắc của Nga mà sinh vào nước ta thì cũng bó tay, huống gì là vua Tự Đức? Ngày nay chỉ là một cách là mọi người trên dưới đều tự gắng gổ để chuộc lỗi trước. Như Trung Quốc bảy lần mất mới biết hối; riêng nước ta mới một lần mất mà nay đã biết, đã gắng gổ, thì cũng đáng mừng vậy. Và Phan Bội Châu sinh vào ngày nay mà kiến thức sai lầm còn như vậy, nếu vào thời thế kia, ắt ông ấy chủ chiến, sao chịu cúi mình thờ Pháp làm thầy để duy tân, biến pháp?”

Tôi cho rằng cụ Phan nói có lý. Muốn thay đổi vận mệnh quốc gia khi đó không thể chỉ dựa vào một ông vua hay vài ông quan mà có thể làm được. Anh minh cỡ nào mà triều thần, nho sĩ nhao nhao phản đối và chỉ bàn chuyện Thuấn Nghiêu thì cũng chịu.

Chưa kể nói đến bình dân.

Nên nhớ khi đó cùng lắm nước ta có 3-4% người dân biết chữ trong đó bao nhiêu phần trăm đủ sức đọc thông sách vở nhất là sách vở tiếng Tây?

Người Việt khi đó quá lười học tiếng Tây.

Bản thân Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng không dùng tốt tiếng Pháp, tiếng Nhật. Các cụ đành phải đọc tri thức phương Tây qua sách dịch của các học giả Tàu.

Cụ Phan Châu Trinh có vẻ như còn nói được tiếng Pháp ở mức độ nhất định (nhưng không diễn thuyết được vì mỗi lần cụ diễn thuyết ở Pháp lại có người dịch), cũng không viết được văn bản Pháp (tôi chưa tìm được văn bản nào cụ viết bằng Pháp ngữ, thường cụ nhờ người Pháp dịch).

Cụ Phan Bội Châu cũng không nói, viết được tiếng Nhật.

Thế hệ các cụ có nhiều lý do, hoàn cảnh. Nhưng ngày nay, thanh niên nhất định phải phấn đấu dùng được ngoại ngữ để hiểu thế giới thông qua đọc sách của thiên hạ viết ra cũng như cố gắng diễn thuyết, giao lưu, trao đổi với người trên thế giới.

Chi bằng học không chỉ là di ngôn của cụ Phan Châu Trinh mà đấy là lời nhắn nhủ tận đáy lòng.

Không thể thắng kẻ thù, bảo vệ mình rồi xây dựng đất nước bằng sự ngu dốt dù có thừa lòng quả cảm. Cũng không thể phủi tay nói rằng mình chỉ là thứ dân can gì việc nước mà phải học, phải cầu tiến bộ.

Đấy là mệnh đề khá khó tiếp nhận, nhưng cần suy nghĩ nghiêm túc.

Công dân cần tự học, tự cầu tiến bộ trong tư thế cầu thị để thúc đẩy xã hội tiến lên.

Tất nhiên, cái học này là ở nghĩa rộng không chỉ là học nghề hay học lấy bằng cấp để mũ áo xênh xang.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: