Cổ nhân coi trọng đức hạnh, coi trọng tu thân, cả nam và nữ đều như vậy. Người nữ khi chưa lấy chồng thì phải kính trọng anh trai và chị dâu, yêu thương em trai và em gái. Sau khi lấy chồng, đến nhà chồng thì người phụ nữ phải hòa thuận với chị em dâu, yêu thương trẻ nhỏ. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là hòa giải mâu thuẫn giữa anh em, có như vậy mới khiến đại gia đình chung sống hòa thuận.

Chị em dâu chung sống: Nhường nhịn, thuận hòa
(Tranh minh họa: Public Domain)

Trong “Khuê phạm” của Lữ Khôn thời Minh có một phần về “Tự đễ chi đạo”. “Tự đễ” có nghĩa là chị em dâu, là cách gọi đối với người vợ của anh em trai trong nhà. Vợ của người anh được gọi là “Tự”, vợ của người em được gọi là “Đễ”. Hai người vợ này có thể khiến cho anh em thân thiết hơn, cũng có thể khiến anh em quay lưng ngoảnh mặt. Chính bởi vậy, dân gian xưa có cách nói: “Huynh đệ nhất khối nhục, phụ nhân thị đao trùy; huynh đệ nhất phủ canh, phụ nhân thị diêm mai”, ý nói tình anh em khăng khít không có khoảng cách giống như một khối thịt mà vợ là con dao sắc cứa vào cốt nhục, anh em ruột thịt hòa hợp gắn bó như món canh mà vợ thì như gia vị chua hay mặn.

Vậy những người phụ nữ hiền đức thời cổ đại làm cách nào để xử lý mối quan hệ chị em dâu trong nhà? Trong từ đường của họ Thôi ở Hà Nam có một câu đối: “Tô thiếu đễ năng hòa trục lý, Đường phu nhân thiện sự cô chương”. Câu đối trước kể về câu chuyện của một người phụ nữ thời nhà Tống, họ Tô, đã bằng thiện tâm cảm hóa các chị dâu của mình. Câu đối sau nói về bà tổ mẫu Thôi Viễn thời Đường đối đãi chí hiếu với mẹ chồng, sáng sớm mỗi ngày đều để mẹ chồng già bú sữa.

Tô thiếu đễ, vốn họ Thôi, kết hôn với con trai út của Tô gia, vì vậy cô được gọi là “Tô thiếu đễ”, ý nói người con dâu út nhà họ Tô. Họ Tô có gia cảnh khá giả, có năm anh em trai, bốn anh lớn đều đã lấy vợ. Giữa các chị em dâu có mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi, hơn nữa nô tì của họ cũng thường xuyên truyền miệng nhau những lời lẽ khó nghe. Từ đó dẫn đến giữa các chị em dâu hàng ngày cãi vã, thậm chí nhiều lần còn xảy ra xô xát với nhau.

Nhà họ Thôi cũng đã nghe nói về mối quan hệ bất hòa trong nhà họ Tô cho nên trước khi Tô thiếu đễ về nhà chồng, gia đình và người thân của cô đều rất lo lắng. Nhưng Tô thiếu đễ nói: “Nếu như là gỗ, đá, cầm, thú, thì tôi không cách nào giao tiếp với họ, nhưng trên thế gian này có ai là người không thể hòa hợp đây?” Tô thiếu đễ cho rằng chỉ cần bản thân phó xuất chân tâm, dùng thật tâm đối đãi với họ thì nhất định có thể hòa thuận.

Sau khi Tô thiếu đễ về nhà chồng, cô đã đối xử với bốn chị dâu vô cùng cung kính và lễ phép. Nếu các chị dâu thiếu thứ gì, Tô thiếu đễ sẽ nói bản thân mình có và đưa cho họ mà không một chút hối tiếc. Nếu mẹ chồng sai các chị dâu làm việc gì đó mà các chị dâu chỉ nhìn nhau không muốn làm thì Tô thiếu đễ sẽ chủ động tiến lên trước nói với mẹ chồng: “Con là út nhất và là nàng dâu cuối cùng vào nhà mình, việc này nên do con làm.”

Những khi gia đình mẹ ruột mang cho trái cây và những món ăn ngon khác, Tô thiếu đễ đều gọi các cháu trai cháu gái đến và chia sẻ với chúng. Sự rộng lượng và vị tha của Tô thiếu đễ, đương nhiên các chị dâu đều nhìn thấy hết.

Tô thiếu đễ còn vô cùng thủ lễ. Khi ăn cơm, nếu các chị dâu chưa động đũa thì cô cũng sẽ không ăn trước. Khi các chị dâu phàn nàn với cô về lỗi của người khác ở nơi riêng tư, Tô thiếu đễ thường chỉ mỉm cười không nói gì. Thấy Tô thiếu đễ như vậy, các chị dâu dần bớt so đo.

Một ngày nọ, nô tì của Tô thiếu đễ kể lại cho cô những gì nghe được từ các chị dâu khác, Tô thiếu đễ lập tức trách phạt nô tì, cũng nói với các chị dâu rằng tì nữ của mình không hiểu chuyện, cho nên đã trách phạt.

Một lần, khi Tô thiếu đễ đang bế cháu trai nhỏ của mình, cháu trai nhỏ đột nhiên đại tiện làm bẩn y phục của cô. Chị dâu vội vàng bế đứa trẻ lên vì sợ em dâu sẽ tức giận, nhưng Tô thiếu đễ lại nói: “Chị đừng làm đứa trẻ sợ hãi.” Trong ngôn từ của cô không có chút ý trách giận nào.

Lời nói và việc làm của Tô thiếu đễ đã dần ảnh hưởng đến bốn chị dâu. Hơn một năm sau, bốn chị dâu đều cảm thấy xấu hổ, làm hòa. Kể từ đó, bốn người chị dâu cũng khiêm nhường tôn kính như Tô thiếu đễ, đại gia đình cư xử hòa thuận với nhau, không còn bất kỳ lời oán trách nào nữa. Họ Tô từ trên xuống dưới đều tràn ngập hòa khí.

Đức hạnh của người con dâu út đã cảm hóa các chị dâu, cũng khiến cho người một nhà càng thêm hữu ái, hòa thuận. Khó trách, khi Lữ Khôn bình phẩm về đức hạnh của Tô thiếu đễ đã nói: “Tam tranh tam nhượng, thiên hạ vô tham nhân hĩ; Tam nộ tam tiếu, thiên hạ vô hung nhân hĩ”, ý nói là người tranh mà có người nhường cho thì thiên hạ không có người tham lam, người tức giận mà có người cười làm hòa thì thiên hạ không có người hung hãn.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: Lấy vợ lấy đức không lấy sắc, kết bạn kết tâm chẳng kết tài