Mã Viện hay Phục Ba tướng quân là một viên tướng tài trong lịch sử Trung Hoa, giúp Hán Quang Vũ Đế thống nhất đất nước sau thời kỳ loạn Vương Mãng, đồng thời cũng chinh phục và bình định được nhiều vùng đất xung quanh. Đối với người Việt mà nói, Mã Viện là viên tướng từng đưa quân đánh bại Hai Bà Trưng, khiến nhà Hán tiếp tục xâm chiếm và cai trị Giao Chỉ.

Ngay sau khi Mã Viện mất vào năm 49, nhiều người đã tâu lên Hoàng đế nhà Hán tội trạng của ông, trong đó có việc mang theo một xe chở đầy báu vật “minh chu văn tê” (ngọc quý và sừng tê giác) về nước làm của riêng sau khi bình định được Giao Chỉ.

Quang Vũ Đế tin theo những lời cáo buộc này, tước đi Thái ấp và tước Hầu của Mã Viện. Tới năm 78, Hán Chương Đế mới minh oan và phong cho ông là Trung Vũ hầu.

Đoạn sử này cũng có nhiều điều đáng chú ý.

Hạt giống của Giao Chỉ khiến Mã Viện ưa thích

Khi Mã Viện đến Giao Chỉ là vào cuối mùa hè, thời tiết nóng bức và ẩm thấp, binh tướng không quen khí hậu thổ nhưỡng nên bị mắc bệnh chướng khí. Bệnh này triệu chứng là chân tay bị tê, đau, có nhiều người hai chân bị sưng phù lên, sau đó toàn thân phù nề, khó thở, tiêu chảy. Nhiều người bị chết.

Mã Viện cho người tìm hiểu về căn bệnh này thì được mách bảo rằng chỉ cần dùng thứ hạt ý dĩ có sẵn tại địa phương để nấu cháo hay cơm thì sẽ chữa được. Quân Hán dùng thứ hạt này thì quả nhiên khỏi bệnh.

Mã Viện từ đó xem hạt này là vật quý vì thường xuyên phải đi đánh đông dẹp bắc, đối diện với lam chướng. Hạt ý dĩ ở Giao Chỉ lớn hơn Trung Quốc và dược tính mạnh hơn, nên khi về nước Mã Viện đã mang theo một xe đầy ý dĩ về trồng.

Trước khi quân Hán đánh bại Hai Bà Trưng, thì đội quân Trưng Vương là một uy hiếp lớn với nhà Hán, đã từng tiến đánh tới tận dãy Ngũ Lĩnh, ngoài Giao Chỉ còn gồm thâu cả Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Do đó việc Mã Viện đánh bại Hai Bà Trưng đối với nhà Hán là công rất lớn. Điều này khiến nhiều kẻ ghen ghét.

Bên cạnh đó, thời bấy giờ người Trung Quốc vẫn luôn cho rằng Giao Chỉ là đất có nhiều cống vật quý hiếm như ngọc, trân châu, sừng tê giác… Vì thế việc Mã Viện mang một xe riêng từ Giao Chỉ về khiến tiếng đồn nổi lên không dứt. Dẫu vậy, ông lúc này được phong Hầu, được sủng ái nên không có ai dám tâu lên Hán Quang Vũ Đế.

Chuyện Mã Viện thành bởi Giao Chỉ, bại cũng bởi Giao Chỉ
Tượng Mã Viện tại núi Phục Ba, Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Gisling, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Mã Viện tìm cách minh oan không được, liền đổ hết cả xe ý dĩ xuống sông Ly Giang ở Quế Lâm. Về sau dân chúng vùng này gọi núi ở khúc sông đó là núi Phục Ba. Trong núi có hang lớn chứa được hàng trăm người, được gọi là “hoàn châu động” tức hang trả ngọc. Trong hang có một cây thạch nhũ lớn rủ xuống đất, được gọi là “Thí kiếm thạch”. Ngày nay trái núi này là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng ở Quế Lâm, được gọi là “Thắng cảnh Phục Ba”.

Mã Viện chết

Nguyên ở Vũ Lăng (nay là khu giáp ranh giữa tỉnh Hồ Nam và Quý Châu, Trung Quốc) có người Mèo sinh sống, nơi đây có 5 dòng suối nên dân ở đây được gọi là dân Ngũ Khê.

Năm 48, các Bộ lạc của dân Ngũ Khê nổi dậy, Lưu Thượng đem quân đi dẹp, dân Ngũ Khê dựa vào địa thế hiểm trở tiêu diệt toàn bộ quân Hán.

Mã Viện năm ấy 63 tuổi vẫn xin được lĩnh quân đi đánh. Hán Quang Vũ Đế cho Mã Viện dẫn 4 vạn quân.

Quân Hán tới Hạ Tuyển thì có 2 con đường dẫn tới Ngũ Khê. Con đường thứ nhất bằng phẳng dễ đi nhưng xa hơn, lại dễ bị phát hiện. Con đường thứ hai tuy gần hơn nhưng khó đi, phải ngược dòng một con sông và phải qua một ngọn núi.

Mã Viện nghĩ rằng con đường thứ hai khó đi nên quân Ngũ Khê sẽ ít phòng bị hơn, tiến theo đường này sẽ tạo được bất ngờ.

Nhưng thực tế cuốc tiến quân lại khó khăn hơn dự tính, con sông chảy xiết, càng lên cao càng bị ngược dòng, khiến quân Hán rất khó nhọc.

Khi đến được chân núi thì quân Hán thấy quân Ngũ Khê đã chuẩn bị cố thủ vững chắc trên cao rồi, khiến quân Hán không tiến được.

Quân Ngũ Khê còn chặn luôn đường rút của quân Hán, khiến quân Hán tiến thoái lưỡng nan, đành dựng trại cố thủ. Quân Ngũ Khê vây ở ngoài lại thường hay hò hét như sắp tấn công vào trại khiến quân Hán dù rất mệt mỏi nhưng phải luôn ở trong tư thế phòng bị.

Sống trong rừng suốt mấy tháng, thời tiết khiến quân Hán ốm la liệt, Mã Viện cũng bị ốm nằm liệt rồi chết.

Bị tước Thái ấp và tước Hầu

Ngay sau khi có tin Mã Viện mất, nhiều người nhân cơ hội vu oan, bẩm báo lên Hán Quang Vũ Đế rằng Mã Viện chở ngọc quý và sừng tê giác về nước làm của riêng.

Bởi vì trong số những lời sàm tấu có cả phó tướng của Mã Viện và phò mã của Hán Quang Vũ Đế, nên Hoàng đế tin lời, tước Thái ấp và tước Hầu của Mã Viện. Vợ con Mã Viện không dám đem thi hài đi chôn cất, bạn bè thân thuộc cũng không dám đi phúng điếu.

Có thể nói, Mã Viện đạt tới tột đỉnh bởi Giao Chỉ, mà bại đến tột cùng sau khi mất cũng bởi Giao Chỉ vậy.

Chuyện Mã Viện thành bởi Giao Chỉ, bại cũng bởi Giao Chỉ
Đền Phục Ba tại huyện Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Về sự việc này, sách “Hậu Hán thư” phần “Mã Viện liệt truyện” có chép rằng:

“Chuyện trước kia, khi Mã Viện tại Giao Chỉ, thường dùng hạt ý dĩ làm thuốc để thân thể được nhẹ nhàng, tiết dục, chống lại chướng khí. Nam phương hạt ý dĩ rất lớn, Viện muốn trồng loại này, tải một xe chở về. Lúc bấy giờ người ta cho rằng đất đai phương Nam có nhiều thứ trân quí, những người quyền thế đều ham chuộng; nhưng lúc Viện còn sống được sủng ái, nên không ai dám nói gì. Ðến khi Mã Viện mất, có người dâng thư lên vua sàm tấu rằng trước đây Viện chở về đều là trân châu và sừng tê giác có hoa văn. Mã Vũ cùng con Tăng Vũ hầu trình bày tội trạng khiến Thiên tử giận. Vợ con Mã Viện sợ hãi không dám đưa thi thể về chôn tại mồ mả đất nhà; đành tạm vùi tại mấy mẫu đất gai góc nơi phía tây thành; khách khứa bạn bè người quen cũ không ai dám phúng điếu. Nghiêm lệnh vợ con Viện có liên quan, bắt đến triều đình định tội.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: