Sau khi phục quốc, người Do Thái không dễ dàng trụ vững chút nào trong vòng vây của các nước Ả Rập khổng lồ xung quanh. Bị tấn công bất ngờ từ 2 hướng vào ngày lễ rửa tội Yom Kippur năm 1973, Israel phải vội vã huy động quân dự bị trong dân chúng cho cuộc chiến khốc liệt này.

ban do
Bản đồ lãnh thổ. Phần màu xám đen là phần đất bị Israel chiếm giữ sau cuộc chiến 1973. Phần màu đỏ đậm là phần đất bị Ai Cập chiếm giữ sau cuộc chiến. (Tranh: Raul654, Wikipedia, CC BY-SA 2.5)

Cầm cự tại bán đảo Sinai

Ngày 8/10, sư đoàn bọc thép 162 với 3 lữ đoàn của Israel phản công tại bán đảo Sinai, tuy nhiên 1 lữ đoàn bị kẹt, 2 lữ đoàn khác chỉ tập hợp được một nửa quân số.

Quân Israel tấn công vào Hizayon, nhưng quân Ai Cập dùng tên lửa chống tăng vác vai AT-3 Sagger (ở Việt Nam gọi là B-72 hay Pháo lủi) phá hủy nhiều xe tăng thiết giáp khiến quân Israel bị thiệt hại nặng.

ten lua chong tang 01
Tên lửa chống tăng AT-3 Sagger. (Ảnh: Srđan Popović, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Sau đó quân Ai Cập tấn công vào sư đoàn 162, nhưng sư đoàn bọc thép 163 của Israel đã đến kịp lúc, chặn được quân Ai Cập. Quân Israel lại chuyển sang tấn công nhưng hầu như không chiếm được vị trí nào và bị thiệt hại rất nhiều.

Đến ngày 9/10 tức sau 3 ngày, phía Israel đã bị mất một nửa số xe tăng cùng 1/3 lực lượng không quân. Đến tối ngày 9/10, tổng thống Mỹ Nixon nói với Thủ tướng Israel Golda Meir rằng “tất cả tổn thất về máy bay và xe tăng của Israel sẽ được thay thế”. Mỹ đã phê chuẩn gói viện trợ quân sự 2,2 tỷ USD cho Israel, vũ khí được vận chuyển bằng đường hàng không, vật liệu được vận chuyển bằng đường biển.

quân Israel
Xe tăng M60 Patton của Israel bị phá hủy tại Sinai. (Ảnh: Sherif9282, Wikipedia, Public Domain)

Đến ngày 10/10 thì quân Ai Cập giảm cường độ tấn công, đến ngày 11 thì dừng hẳn. Phía Ai Cập cho rằng những thắng lợi đạt được đã vượt trên mức kế hoạch đặt ra trước đó. Phía Israel cũng bị thiệt hại nặng nề nên không muốn tiếp tục tấn công.

Cuộc chiến tại cao nguyên Golan

Tại phía bắc cao nguyên Golan, quân Israel ở thế yếu vẫn quả cảm phòng thủ trước sức ép của quân Syria. Nhờ trải qua thao luyện pháo tự hành trên cao nguyên này, quân Israel đã sử dụng thành thục pháo tự hành, nhiều lần đẩy lui quân Syria. Bộ binh và xe tăng cũng cầm cự đến kiệt sức để đứng vững trước quân Syria.

Máy bay Israel cũng đến gúp sức, nhưng tên lửa Sam của Liên Xô đã bắn hạ 40 máy bay. Các phi công Israel tìm ra chiến thuật mới, bay thấp đến lãnh thổ của Jordan, rồi ngoặt sang trái tấn công vào sườn quân Syria trên cao nguyên Golan.

Cùng lúc, Israel tập hợp các dân binh thành lực lượng dự bị. Các dân binh này nhận xe tăng, cũng không cần tập điều khiển thành thục, không kịp chờ súng máy được gắn trên tháp pháo, cũng chẳng còn thời gian chỉnh lại nòng pháo, lập tực ra ngay chiến trường chi viện gấp cho quân Israel đang cầm cự với quân Syria ở cao nguyên Golan.

Quân dự bị đến cao nguyên Golan chỉ sau 15 giờ gây bất ngờ cho quân Syria, vì họ dự tính phải mất đến 24 giờ. Tuy nhiên quân dự bị không qua huấn luyện nhiều, được tập hợp vội vã, không thể chặn được quân Syria dù bị thiệt hại nhiều binh sĩ cùng 200 xe tăng.

Quân Israel rút lui qua lớp hào chống tăng. Quân Syria không chuẩn bị lực lượng công binh như quân Ai Cập nên không thể vượt qua lớp hào này. Các xe tăng Syria bị dồn ứ không thể vượt qua, nhờ đó lữ đoàn thiết giáp “Barak” 188 tinh nhuệ của Israel kịp thời đến nơi và tấn công khiến quân Syria bị thiệt hại nặng.

Đến ngày 7/10, quân Syria cũng qua được hào chống tăng và tấn công, nhưng quân Israel đã chuẩn bị trước xe tăng ở vị trí trên cao trút hỏa lực xuống “thung lũng nước mắt”, phá vỡ đội hình Syria, hàng trăm xe tăng Syria bị bốc cháy trong khi Israel bị mất 50 xe tăng.

Cuộc tấn công của Syria ở phía bắc cao nguyên Golan đến đây đã bị chặn đứng với 500 xe tăng bị tiêu diệt.

Trong khi đó tại phía nam cao nguyên Golan, quân Syria lại thu được thành công, đẩy lui quân Israel về phía bên kia sườn dốc của cao nguyên. Nhưng khi quân Syria đang đà tấn công thì nhận được lệnh phải dừng lại mà không rõ lý do.

Đúng lúc này quân Israel điều lực lượng dự bị kịp đến ứng phó. Ngày 8/10, quân Israel chặn đứng và đẩy lui quân Syria. Đến ngày 10/10, quân Syria bị đẩy lùi về vị trí xuất phát trước khi chiến tranh.

Đánh vào lãnh thổ Syria, đối đầu với liên quân 3 nước Ả Rập

Đến ngày 11/10, quân Ai Cập ngừng tấn công, phía Isrel cũng nắm được ý đồ của người Ai Cập không muốn tiến tiếp nên điều lực lượng về cao nguyên Golan. Từ ngày 11/10 đến 14/10, Israel đuổi theo quân Syria, tiến sâu vào 50 km đến khu dân cư Alonei HaBashan của lãnh thổ Syria và chỉ cách thủ đô Damascus 40 km.

Iraq vội đến ứng cứu với 3 vạn quân cùng 500 xe tăng và 700 xe bọc thép, tuy nhiên quân Iraq cũng không cản được quân Israel. Thêm một lữ đoàn của Jordan được điều đến. Liên quân Syria, Iraq và Jordan phản công nhằm đẩy lui quân Israel ra khỏi Alonei HaBashan nhưng bất thành.

Quân Israel dù chiếm được Alonei HaBashan nhưng cũng không tiến được đến thủ đô Damascus của Syria. Mặt khác nếu tiếp tục tiến quân có thể Liên Xô sẽ tham chiến nhằm bảo vệ Syria, vì thế mà Israel quyết định ngừng lại.

Israel đe dọa tiến đến Cairo

Nhận thấy Israel tấn công vào lãnh thổ Syria, ngày 14/10, Ai Cập quyết định tấn công tại bán đảo Sinai nhằm giảm áp lực cho Syria. Quân Ai Cập huy động 2 quân đoàn cùng 400 xe tăng cho cuộc tấn công này.

quân Israel
Trực thăng Bell AH-1 Cobra. (Ảnh: US Army, Wikipedia, Public Domain)

Nhưng quân Israel đã lập sẵn một thế trận phòng thủ đánh tan cuộc tấn công này. Trực thăng AH-1 Cobra của Israel lập công lớn khi bắn hạ hàng loạt xe tăng. Kết quả 250 xe tăng Ai Cập bị tiêu diệt.

Quân Israel mở cuộc tấn công đuổi quân Ai Cập đến kênh đào Suez. Xe tăng Israel phá hủy hệ thống phòng không của Ai Cập dọc theo bờ tây kênh đào. Công binh Israel bắc 2 cầu phao, cho quân Israel vượt kênh tiến vào lãnh thổ Ai Cập.

quân Israel
Xe tăng Israel vượt kên đào Suez tiến vào Ai Cập. (Ảnh: Israel Defense Forces, Wikipedia, Public Domain)

Việc phá tan hệ thống phòng không Ai Cập giúp máy bay Israel làm chủ bầu trời, hỗ trợ bộ binh. Lúc này Ai Cập cùng liên quân Ả Rập ở Syria hoàn toàn thất thế, tình thế nguy ngập. Quân Israel đe dọa tiến vào thủ đô Cairo của Ai Cập và chỉ còn cách thủ đô Damascus của Syria 40 km.

Lúc này Liên Xô cũng cung cấp thêm cho Syria xe tăng. Liên quân Syria, Iraq và Jordan chuẩn bị phản công vào ngày 23/10.

Các nước Ả Rập còn gấp rút đưa ra một lệnh cấm vận dầu mỏ với phương Tây nhằm gây áp lực.

Mỹ và Liên Xô triệu tập cuộc họp khẩn tại Liên Hợp Quốc, rồi áp đặt lệnh ngừng bắn ngay lập tức vào ngày 22/10.

Kết quả cuộc chiến

Ngày 11/11, Ai Cập và Israel cùng ký thỏa thuận ngừng bắn. Israel trả lại kênh đào Suez và bán đảo Sinai cho Ai Cập, phía Ai Cập cũng mở eo biển Tiran cho Israel được giao thương.

Nhưng Syria không ký thỏa thuận nào với Israel vì bị mất lãnh thổ mà không có được điều gì. Đến tháng 5/1974, Israel mới trả các vùng đất mà mình chiếm được cho Syria, nhưng vẫn giữ lại cao nguyên Golan.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: