Thần tích xã Trâm Nhị (nay thuộc huyện Ân Thi, Hưng Yên) có ghi chép và lưu truyền câu chuyện đặc biệt về việc Triệu Việt Vương có được cung phi và tướng tài thông qua một giấc mộng.

Chuyện Triệu Việt Vương được cung phi và tướng tài nhờ giấc mộng kỳ lạ
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Chuyện kể về gia đình sống vào thời thuộc Lương, của ông Nguyễn Bộ, vốn dòng dõi hào trưởng ở trang Bảo Đài, huyện Lôi Dương, châu Ái (nay thuộc huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa), cùng vợ là Đặng Thị Châu (thường gọi là Châu Nương), quê ở giáp Đường, trang Đặng Xá, huyện Đường Hào, xứ Đông Hải (nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).

Một lần bà Châu Nương nằm ngủ, mộng thấy bay lên trời, đến cung Quảng bẻ được một cành quế đỏ và hái được một bông hoa lan. Sau đó bà thụ thai rồi sinh được con trai, đặt tên là Nguyễn Chiêu (thường được gọi là Chiêu Công).

Hai năm sau, Châu Nương lại có mang, trước khi sinh nằm mộng thấy có con chim xanh rực rỡ bay vào trong phòng kêu lên 3 tiếng rồi bay đi mất. Sau đó bà sinh được bé gái xinh xắn, đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc (thường gọi là Ngọc Nương).

Sinh ra và lớn lên trong gia đình hào trưởng, Chiêu Công được nuôi nấng cẩn thận, giỏi cả văn lẫn võ, nhiều người mến phục. Ngọc Nương thì thông minh lại đức hạnh, càng lớn càng xinh đẹp.

Giấc mộng kỳ lạ

Lúc này Triệu Việt Vương đã đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi, xây dựng nước Vạn Xuân. Một lần Vua đi các nơi để tìm hiểu đời sống dân chúng, đến huyện Đường Hào thì dừng lại nghỉ ngơi. Đêm ấy, vua nằm mộng thấy có một nam một nữ đến nói là hai anh em ruột quê ở Bảo Đài đến xin giúp nước, anh tên là Chiêu, em tên là Ngọc.

Sáng hôm sau Vua đến giáp Đường, trang Đặng Xá. Trong đám đông dân chúng Vua bất ngờ nhìn thấy cô gái có dung mạo xinh đẹp giống y như giấc mộng đêm trước, liền hỏi chuyện, nhưng không dám chắc đây có phải người con gái trong giấc mộng của mình không, nên hỏi thêm rằng: “Phải chăng nhà nàng còn có một người anh tên là Chiêu?”

Lúc này đến lượt Ngọc Nương ngạc nhiên đáp rằng đúng là như vậy. Vua cho gọi Chiêu Công đến thì quả nhiên giống hệt như người trong giấc mộng đêm trước.

Vua mừng rỡ ban thưởng cho người dân trang Đặng Xá 3.000 quan tiền, rồi đưa anh em Chiêu Công và Ngọc Nương về cung. Hai anh em lạy tạ cha mẹ rồi đi theo Vua. Nhà Vua ban cho Chiêu Công làm Quản lĩnh thủy bộ tướng quân, còn Ngọc Nương được phong làm Đệ tứ cung phi, hiệu là Xuân Hoa.

Chiêu Công đánh bại quân Lương

Mấy năm sau quân Lương lại xâm lấn, Chiêu Công nhận lệnh đưa quân đến biên giới, còn Ngọc Nương động viên dân ở Đặng Xá quê nhà tòng quân giữ nước.

Chiêu Công đưa quân đánh bại quân Lương, tiêu diệt hàng nghìn quân giặc. Vì lập công to, Chiêu Công được Vua phong tước Triết Gia quân công.

Sự việc này được truyền trong Thần tích xã Trâm Nhị nhưng không có trong chính sử.

Từ quan về quê

Đất nước được hưởng thái bình chẳng bao lâu thì từ Dã Năng, Lý Phật Tử đưa quân tiến đánh Vạn Xuân. Hai bên có 5 lần giao tranh lớn, nhưng Triệu Việt Vương có các tướng giỏi nên lần nào cũng chiến thắng. Nghĩ tình từng cùng là người một nhà, lần nào Triệu Việt Vương cũng để quân Lý Phật Tử rút đi mà không truy kích tiêu diệt.

Thấy không thể làm gì được, Lý Phật Tử xin hòa, Triệu Việt Vương nhớ tới việc từng theo Lý Bí kiến lập nước Vạn Xuân nên đồng ý. Hai bên lấy bãi Quân Thần (nay là Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới, phía tây thuộc về Lý Phật Tử. Lý Phật Tử cũng xin thề suốt đời giữ hòa hiếu giữa hai bên.

Lý Phật Tử lại ngỏ ý muốn con trai là Nhã Lang lấy con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương và xin được ở rể. Triệu Việt Vương đồng ý, tuy nhiên các tướng không tin Lý Phật Tử, hết lòng khuyên can Triệu Việt Vương. Thấy khuyên can Vua không được, các tướng tài như Triệu Chí Thành, anh em Trương Hống, Trương Hát đều từ quan về quê. Chiêu Công cùng xin được về quê chăm sóc cha mẹ già.

Ngọc Nương dù là vợ Vua đã lâu nhưng không sinh được con, liền xin Vua về quê gốc ở trang Bảo Đài, huyện Lôi Dương, châu Ái, tu hành tại một ngôi chùa.

Ít lâu sau, Vua nhớ đến Ngọc Nương, liền cho sửa sang ngôi chùa ở giáp Đường, trang Đặng Xá để làm nơi tu hành, lại còn truyền đặt pháp hiệu là Diệu Phương, tên tự là Pháp Tuân.

Từ quan nhưng vẫn một lòng trung thành với Vua

Chiêu Công về quê nhà, nhưng là một trung thần nên rất lo lắng cho Vua. Vì biết Lý Phật Tử đầy mưu mô, còn Vua thì nhân đức nhưng lại không nghe lời các hiền thần, Chiêu Công bèn bỏ tiền ra mộ quân, tích trữ lương thảo xây dựng một đội quân cho riêng mình để giúp Vua khi có biến.

Đúng như đoán trước, trong thời gian ở rể, Nhã Lang tìm hiểu hết cách bố phòng quân của Triệu Việt Vương rồi về báo lại toàn bộ cho Lý Phật Tử. Năm 571, Lý Phật Tử phụ lời thề cho quân bất ngờ đánh úp quân của Triệu Việt Vương. Trong thế trận bị đánh bất ngờ, lại bị lộ hết cách bố phòng, Triệu Việt Vương không thể chống đỡ nổi đành bỏ chạy tìm nơi hiểm yếu. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, ông chạy đến cửa biển Đại Nha thì cùng đường, không còn lối thoát, đành nhảy xuống biển tự vẫn.

Chiêu Công nghe tin Lý Phật Tử phản bội đem quân đánh Vạn Xuân, liền đưa toàn bộ 2.000 quân của mình đi cứu giá. Tuy nhiên khi đến nơi mới biết Vua đã cùng đường nhảy xuống biển.

Quân của Lý Phật Tử rất đông, vây chặt 2.000 quân của Chiêu Công. Trong tình thế quân ít thế cô, biết không thể thoát được, Chiêu Công gieo mình xuống sông chết cùng với Triệu Việt Vương.

Cảm động trước tấm lòng trung nghĩa, một lòng vì Vua, dân chúng đã lập đền thờ Chiêu Công ngay tại nơi ông mất.

Ngọc Nương hay tin cả chồng và anh trai đều mất thì buồn bã, tắm rửa sạch sẽ rồi uống thuốc độc mà chết. Người dân Giáp Đường thương tiếc đã tổ chúc an táng chu đáo, lập miếu thờ.

Sau này Đinh Bộ Lĩnh trên đường dẹp loạn 12 Sứ quân đã ghé đền thờ anh em Chiêu Công, Ngọc Nương mong thắng trận, sau đó linh ứng. Hết loạn 12 Sứ quân thống nhất đất nước, Đinh Điền liền xin Đinh Tiên Hoàng phong mỹ tự cho 2 thần. Đinh Tiên Hoàng liền sắc phong Chiêu Công làm Thượng đẳng phúc thần, hiệu là Phong Hiển linh ứng thông, Chiêu Thánh đô úy khang tiết đại vương; Ngọc Nương là Đoan Trinh quảng đức Diệu Phương, Pháp Tuấn từ bi Xuân Hoa công chúa.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: