Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông Lâm Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, Viện Hạt nhân Đà Lạt… đều là những công trình nổi tiếng cho đến tận ngày nay, và tất cả đều do một tay kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tài ba thiết kế .

Tuổi thơ nghèo khó cùng mối nhân duyên tiền định

Ngô Viết Thụ sinh năm 1926 trong một gia đình nghèo khó ở Thừa Thiên Huế, tuổi thơ nhọc nhằn vất vả, ở với ông ngoại và được dạy kèm chữ Hán.

Học xong trung học, cậu học trò nghèo xứ Huế đến Đà Lạt để nhập học vào trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt. Thành phố Đà Lạt lúc ấy còn rất xa lạ với cậu học trò, và người đầu tiên mà Ngô Viết Thụ hỏi đường là cô gái Võ Thị Cơ.

Sau này cha của Võ Thị Cơ muốn tìm một sinh viên thật giỏi và có đạo đức, để làm gia sư dạy kèm cho con cô con gái cùng mấy đứa em trong nhà. Và chàng sinh viên mà ông ưng ý lại chính là Ngô Viết Thụ.

Như một mối nhân duyên tiền định, Ngô Viết Thụ nhận ngay ra người con gái mà mình đã hỏi đường vào lần đầu đến Đà Lạt. Từ đó, hai người đã phát triển tình cảm và quyết định làm đám cưới vào năm 1948.

Ngô Viết Thụ
Vợ chồng Ngô Viết Thụ. (Ảnh từ bài viết “Thành phố Đà Lạt” của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn)

Nhận thấy con rể của mình rất có tài, gia đình bên vợ muốn để Ngô Viết Thụ sang Pháp du học để có thể phát triển sở học hơn nữa. Nhưng ông vẫn luôn áy náy vì gia cảnh quá nghèo, không muốn sống dựa vào nhà vợ.

Hiểu rõ điều đó, vợ ông quyết định nghỉ học ở nhà buôn bán cùng cha mẹ để có tiền cho ông đi du học. Lấy lý do là ông sẽ dùng tiền của vợ chứ không phải của gia đình nhà vợ, bà Võ Thị Cơ đã thuyết phục được chồng đi Pháp vào năm 1950.

Con đường đến với giải “Khôi nguyên La Mã”

Tại Pháp, Ngô Viết Thụ miệt mài học tập ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Trong quá trình đó, Ngô Viết Thụ đã xuất sắc đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức. Năm 1955, ông bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc D.P.L.G.

Cũng năm 1955, Học viện Hội họa và Điêu khắc tổ chức “Giải thưởng lớn Rôma” thường được gọi là giải “Khôi nguyên La Mã”. Đây là giải thường có truyền thống lâu đời từ năm 1663 ở Pháp dưới thời vua Louis XIV, dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điêu khắc và kiến trúc. Vì là giải thưởng rất danh giá và lâu đời nên cuộc thi quy tụ được hàng trăm thí sinh xuất sắc nhất châu Âu.

Ngô Viết Thụ được ưu tiên mời tham gia cuộc thi này. Vì trước đó ông đã đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức nên không cần tham gia vòng ngoài mà trực tiếp vào thi 3 vòng sau cùng. Ngô Viết Thụ đã xuất sắc vượt qua 2 vòng liền để lọt vào vòng chung kết với 10 thí sinh còn lại.

Để chuẩn bị cho bài thi của mình, Ngô Viết Thụ đã miệt mài vẽ kiến trúc công trình Ngôi thánh đường trên Địa Trung Hải. Đến lúc chỉ còn 1 tuần nữa là hết hạn thì ông mới nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm khi chọn phương án thiết kế theo phong cách cổ điển.

Thời gian gian rất gấp, nhưng Ngô Viết Thụ vẫn quyết định mạo hiểm bỏ luôn bản cũ mà vẽ lại toàn bộ theo phong cách hiện đại với tư duy mới đột phá. Cuối cùng bản vẽ thiết kế của ông cũng kịp hoàn thành đúng hạn.

Bài thi của Ngô Viết Thụ được hội đồng đánh giá cao nhất. Nhưng họ vẫn chất vấn ông là vì sao Ngôi thánh đường không xoay về hướng Đông, hướng về Jerusalem như thông lệ, mà lại xoay về hướng dòng nước. Ông giải thích rằng dựa trên giáo lý Ki Tô thì Thiên Chúa hiện hữu ở khắp mọi nơi chứ không chỉ hiện hữu tại thánh địa Jerusalem; hơn nữa hướng của Giáo Đường cần xoay về hướng tốt nhất cho thiết kế.

Giải thích của ông làm giám khảo cười, sau đó ông nhận được 28 phiếu thuận, 1 phiếu nghịch từ hội đồng giám khảo. Điều này giúp ông đoạt giải nhất về lĩnh vực kiến trúc.

Chuyện về kiến trúc sư tài ba Ngô Viết Thụ (P1)
(Ảnh từ nhacxua.vn, do gia đình kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cung cấp)

Ngày hôm sau, báo chí Pháp đăng tin: Một người Vệt Nam đoạt giải “khôi nguyên La Mã” với số phiếu 28/29. Cánh nhà báo lúc đó còn điều tra và giải thích rằng 1 phiếu nghịch mà Ngô Viết Thụ nhận được là do trong số 29 vị giám khảo có 1 vị có học trò cùng tranh tài, nên ông ta chỉ bỏ phiếu thuận duy nhất cho học trò của mình.

Khi kết quả được công bố, bạn bè của Ngô Viết Thụ, chủ yếu là người Pháp, đã sung sướng công kênh ông lên vai trên những con phố ở Paris trong niềm vui sướng vô hạn. Cho đến tận hôm nay, ông là người châu Á duy nhất đoạt được giải thưởng “Khôi nguyên La Mã” này.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: