Trong thần thoại Ba Tư, chim Simurgh được coi là một loài thần điểu cao quý, chỉ bay trên đầu các vị vua và những giáo sĩ đức cao vọng trọng. Sinh vật này mang hình dáng kỳ lạ, là một sự kết hợp giữa đôi cánh và bộ lông sặc sỡ của loài công, thân hình của sư tử và đầu của loài chó (đôi khi lại xuất hiện với khuôn mặt giống con người và có tận 2 đôi cánh).

Simurgh là một sinh vật hiền từ, một biểu hiện của phúc lành, sứ giả của các vị Thần, khắc tinh của loài rắn (nhìn chung loài rắn thường bị coi là biểu tượng cho sự xấu xa độc ác) và là linh vật bảo vệ cho thiên nhiên hoang dã. Tuy tính tình hiền lành nhưng với vóc dáng to lớn và những hàm răng sắc nhọn, Simurgh có thể quắp được cả cá voi và có thể trừng phạt những kẻ xấu xa bằng cách xé xác chúng.

Bộ lông sặc sỡ của chim Simurgh không chỉ có tác dụng trang trí, những chiếc lông vũ của nó theo lời đồn có thể giúp chữa lành mọi vết thương trên đời, làm trong sạch các nguồn nước và đất đai bị nhiễm độc, cũng như hồi sinh người chết và mang lại khả năng sinh sản. Rất nhiều vị anh hùng tài giỏi trong Thần thoại Ba Tư đã lớn lên từ tổ của loài chim này, cũng chính vì thế mà chim Simurgh còn mang biểu tượng cho tình mẫu tử.

Chuyện về loài chim Simurgh cao quý trong Thần thoại Ba Tư
(Tranh: Sadiqi Beg, Wikipedia, Public Domain)

Được cho là sinh sống tại dãy núi thiêng Hara Berezaiti, chim Simurgh có thói quen sống gần các nguồn nước và chỉ làm tổ trên những cây Gaokerena – một loại cây trong truyền thuyết, chứa đựng tất cả các hạt giống của mọi loại cây cỏ trên thế gian. Mỗi khi bay trên trời, chim Simurgh cũng đồng thời reo rắc những hạt giống của cây Gaokerena dính trên đôi cánh của nó, khiến chúng vương vãi khắp mặt đất, và từ đó mà cây cối đâm chồi nảy nở.

Giống như loài phượng hoàng, Simurgh có tuổi thọ rất cao (trung bình khoảng 1500 – 2000 năm), sau đó nó sẽ chết đi và rồi lại hồi sinh dưới dạng một chú chim non, bước sang vòng đời kế tiếp của mình. Chính nhờ “sống lâu lên lão làng”, Simurgh có vốn kiến thức vô cùng uyên bác, và nó thường xuyên chia sẻ với những người anh hùng Ba Tư được nó nuôi dưỡng.

Simurgh loai chim huyen thoai 01
(Tranh: Los Angeles County Museum of Art, Wikipedia, Public Domain)

Có một câu chuyện rất ý nghĩa về chim Simurgh như thế này. Trong “Manṭiq-uṭ-Ṭayr” (Hội nghị của các loài chim), một truyện thơ của Farid al-Din Attar với khoảng 4500 cặp câu thơ, muôn loài chim tập hợp lại để chọn ra một vị vua giúp chúng vượt qua sự hỗn loạn. Chim Đầu Rìu – loài khôn ngoan nhất trong tất cả – gợi ý rằng nên đi tìm Simurgh huyền thoại.

Chim Simurgh ở đâu? Tương truyền rằng Simurgh xuất hiện lần đầu trước người trần mắt thịt ở Trung Hoa, sau ngọn núi Kaf.

Chim Đầu Rìu sẽ dẫn đường cho các loài chim, mỗi loài chim đại diện cho một lỗi lầm của con người, lỗi lầm ngăn cản loài người đạt được giác ngộ. Chim Đầu Rìu nói với những con chim rằng chúng phải băng qua 7 thung lũng để đến được nơi ở của Simurgh. Các thung lũng này bao gồm:

1. Thung lũng Tìm Kiếm, nơi người ta bắt đầu gạt bỏ mọi giáo điều, niềm tin và ngờ vực.

2. Thung lũng Ái Dục, nơi lý trí bị đánh rơi vì ái dục.

3. Thung lũng Tri Thức, nơi tri thức thế gian trở nên vô dụng.

4. Thung lũng Phân Ly, nơi tất cả những ham muốn và chấp trước vào thế giới bị từ bỏ. Ở đây, những gì được cho là “hiện thực” cũng biến mất.

5. Thung lũng Nhất Thể, nơi người ta nhận ra rằng mọi thứ đều được kết nối và Đấng Từ Bi vượt lên trên tất cả mọi thứ, bao gồm cả sự hài hòa, đa nghĩa và vĩnh cửu.

6. Thung lũng Kỳ Diệu, nơi triển hiện vẻ đẹp từ Đấng Từ Bi, người ta trở nên bối rối và chìm đắm trong nỗi sợ hãi, nhận ra rằng mình chưa bao giờ biết hoặc hiểu bất cứ điều gì.

7. Thung lũng Diệt, nơi cái tôi biến mất trong vũ trụ và người ta trở nên siêu vượt thời gian, tồn tại trong cả quá khứ và tương lai.

Khi những con chim nghe mô tả về các thung lũng này, chúng cúi đầu đau khổ; một số thậm chí chết vì sợ hãi ngay lập tức. Một số tìm lý do thoái thác: sơn ca vin vào tình yêu dành cho hoa hồng; vẹt vin vào việc quen sống trong lồng; đa đa không thể vắng tổ trong những ngọn đồi; diệc không thể vắng đầm lầy; cú cũng không thể vắng những phế tích…

Nhưng rồi cũng có những con bắt đầu hành trình. Trên đường đi, nhiều con chết khát, nóng hoặc bệnh, trong khi những con khác trở thành mồi của dã thú, trở nên hoảng loạn và bạo lực.

Cuối cùng, chỉ có 30 con chim đến được nơi ở của Simurgh. Tại đó, chúng soi mình xuống một cái hồ và chợt nhận ra rằng chúng chính là đại diện của Simurgh : ba mươi (si) + con chim (murgh). Giống như ánh mặt trời vĩ đại có thể được nhìn thấy từ hình ảnh phản chiếu trên những dòng sông, lũ chim hiểu rằng trải qua muôn vàn khó khăn, chúng đã giác ngộ và đặc tính của Đấng Từ Bi cũng hiện diện trong chúng.

Simurgh loai chim huyen thoai 03
(Tranh: British Library, Wikipedia, CC0 1.0)

Hành trình của những con chim kỳ thực tượng trưng cho hành trình tu luyện giác ngộ của con người. Chúng ta biết rằng Phật gia, Đạo gia đều nói về tu luyện, nhưng tu luyện là để làm gì? Phật gia tu Phật, Đạo gia tu Đạo. Tu Phật thì trở thành Phật, tu Đạo thì trở thành Đạo. Tu Phật lấy Thiện làm chủ đạo. Tu Đạo lấy Chân làm chủ đạo. Thái tử Tất Đạt Đa thông qua tu luyện mà trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni, đại từ đại bi, đại Thiện. Lão Tử thông qua tu luyện mà thành Đạo, trở thành Chân Nhân, cũng là đạt được chữ Chân. Người tu luyện thông qua kiên trì nỗ lực mà trở thành bậc Giác Giả, mang trong mình chân lý của vũ trụ, là trí huệ mà Đấng Sáng Thế từ bi lưu cấp lại. Chính là có hàm ý như thế.

Lê Quang

Xem thêm:

Mời xem video: