Nói về Sở Trang Vương, người được coi là bá chủ chư hầu thời Xuân Thu, người đời sau bình luận như thế này: “Một con chim 3 năm không hót, 3 năm không bay, nhưng khi hót là hót vang Trung Nguyên, đã bay là xuyên thấu trời cao.” Mà người góp công lớn tạo nên con chim kỳ lạ ấy không ai khác chính là vương hậu Phàn Cơ, một người phụ nữ đức hạnh và minh trí.

Chuyện vương hậu Phàn Cơ tạo nên bá chủ chư hầu thời Xuân Thu
Tranh “Phàn Cơ cảm Trang, bất thực tiên cầm”, trích từ bức “Nữ sử châm đồ”, vẽ từ thời Nam Bắc triều hoặc thời Đường, lưu giữ tại Bảo tàng Anh quốc, London. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Ham chơi, mê nữ sắc

Vào thời nhà Chu, một chư hầu là nước Sở ngày càng hùng mạnh ở phía nam, tranh ngôi bá chủ Trung Nguyên với nước Tấn.

Năm 613 TCN, cháu của Sở Thành Vương là Sở Trang Vương lên làm Vua nước Sở. Nước Sở bấy giờ có nội loạn một thời gian ngắn do mâu thuẫn giữa các đại thần, sau bình định được.

Nước Tấn nhân cơ hội này lôi kéo các nước đang quy thuận nước Sở theo mình, lập điều ước liên minh. Các đại thần nước Sở liền báo lại với Sở Trang Vương.

Nhưng Sở Trang Vương từ khi lên ngôi thì tỏ vẻ chẳng hứng thủ gì với ngôi bá chủ Trung Nguyên. Ban ngày ông mải mê săn bắn, ban đêm tiệc tùng, chỉ ham chơi với các phi tần của mình, nhất là hai phi tần dược sủng ái là Trịnh Cơ và Sái Nữ, không màng đến triều chính.

Năm 611 TCN, nhân nước Sở có tang, nước Tấn đưa quân tấn công các đồng minh của nước Sở không thần phục mình. Các quan đến báo cáo nhưng Sở Trang Vương vẫn bỏ ngoài tai. Sở Trang Vương còn cho dựng một tấm biển gỗ viết: “Ai dám can ngăn thì chém chết”. Từ đó không còn ai dám tấu trình việc triều chính nữa.

Chọn Vương hậu

Sở Trang Vương dù suốt ngày chơi với Trịnh Cơ và Sái Nữ, nhưng chưa có ai được lập làm chính thất. Một ngày Sở Trang Vương nổi hứng muốn chọn một người làm chính thất, nên yêu cầu các cung phi trong 3 ngày phải chuẩn bị một lễ vật cho mình, ai có lễ vật phù hợp và khiến ông thích nhất sẽ được chọn làm chính thất, tức Vương hậu.

Đến ngày, các cung phi đều dâng lên trân châu bảo ngọc, duy chỉ có Phàn Cơ là ung dung chẳng dâng lên thứ gì.

Sở Trang Vương gặng hỏi, Phàn Cơ đáp rằng: “Đại vương nói lễ vật đưa đến phải là vật cần thiết nhất hiện tại đối của Đại vương. Trước mắt Đại vương cần là gì? Ngoài việc lập một chính phu nhân, chẳng lẽ còn có cái gì trọng yếu hơn nữa sao?”. Sở Vương nghe thấy có lý, bèn chọn Phàn Cơ làm Vương hậu.

Phàn Cơ từ sau khi được lập, thường tìm cách khuyên nhủ Sở Trang Vương, khuyên không được lại tìm cách bổ cứu.

Trang Vương ham săn bắn, Phàn Cơ bỏ không ăn thịt thú rừng. Vậy là sau đó Trang Vương cũng không xem săn bắn làm thú vui.

Trang Vương ham nữ sắc, Phàn Cơ cất công tìm những thị nữ có phẩm hạnh, dung mạo, lễ tiết, hầu hạ Trang Vương. Trang Vương do vậy mà không còn ham thích mỹ nữ.

Chuyện này trở thành điển tích nổi tiếng “Phàn Cơ cảm Trang”, tức Phàn Cơ cảm hóa được Sở Trang Vương.

Giúp trung thần can gián vua

Phàn Cơ giúp Trang Vương dần bỏ đi các thú vui, nhưng việc triều chính thì Trang Vương vẫn chưa chú ý tới. Đại thần Ngũ Cử không thể chịu được lâu hơn liền quyết định đến can gián. Ông nghĩ ra một cách bèn xin vào gặp vua.

Khi Sở Trang Vương hỏi: “Khanh đến làm gì?”, Ngũ Cử thưa: “Có người đố thần câu đố, thần đoán không ra. Đại vương là người thông minh, xin đại vương đoán xem”.

Sở Trang Vương vốn ham chơi, nghe nói đến câu đố thì hứng thú: “Khanh nói cho ta xem nào”.

Ngũ Cử nói: “Trên núi nước Sở có một con chim lớn, thân ngũ sắc rực rỡ, dáng vẻ rất oai hùng. Nhưng nó đậu 3 năm liền mà không bay, cũng không kêu. Đó là con chim gì?”

Sở Trang Vương hiểu được ý của Ngũ Cử liền nói: “Đó không phải là chim thường đâu. Loài chim này đã không bay thì thôi chứ hễ bay là vọt tận trời cao, nó không kêu thì thôi chứ hễ kêu là kinh động. Khanh đi đi, ta đã hiểu rõ rồi”.

Mấy tháng sau Đại phu Tô Tòng liều chết đến can gián. Trang Vương hỏi: “Lẽ nào khanh không biết ta ra lệnh cấm sao?”

Tô Tòng nói: “Thần biết. Chỉ cần đại vương có thể nghe ý kiến thần thì dẫu thần có phạm lệnh cấm, bị xử tội chết cũng nguyện cam lòng”.

Sở Trang Vương vui mừng nói: “Các khanh đều thật tâm vì quốc gia, ta nào có không hiểu rõ đâu?”

Bấy giờ trong triều có một đại thần là Ngu Khâu Tử, ông ta không tài giỏi nhưng kể truyện thì lại rất hay. Sở Trang Vương thích nghe truyện của Ngu Khâu Tử kể đến mất ăn mất ngủ, bèn phong cho làm Tể tướng.

Bấy giờ Sở Trang Vương thường bãi yến thiết đĩa Ngu Khâu Tử. Phàn Cơ nhân dịp trước khi yến tiệc diễn ra, đến điện hỏi: “Vì sao lại bãi yến, hẳn có cơ duyên gì?”

Sở Trang Vương nói: “Cùng người hiền nói chuyện, thì có chuyện gì chứ?”.

Phàn Cơ lại nói: “Người bên cạnh ngài, là ai hiền?”

Trang Vương đáp: “Là Ngu Khâu Tử”.

Phàn Cơ giả bộ mím chặt miệng mà cười. Thấy thế Trang Vương hỏi: “Cơ vì sao lại cười?”

Phàn Cơ bèn đáp: “Thiếp hầu hạ quân vương, từng sai người đi khắp các nước kiếm hiền nữ hầu hạ quân vương. Ngu Khâu Tử làm Tể tướng, chưa từng tiến cử một người hiền nào, ngoại trừ người thân của ông ấy.”

Hôm sau Trang Vương gặp Ngu Khâu Tử thì nói lại những lời của Phàn Cơ, Ngu Khâu Tử hốt hoảng không nói được gì, từ đó cũng không dám quá phận nữa.

Con chim hót vang Trung Nguyên

Cũng kể từ đó, Sở Trang Vương chỉnh đốn triều chính, loại bỏ những kẻ nịnh hót, sử dụng trung thần. Sở Trang Vương chỉnh đốn binh mã, ra quân diệt nước Dung, nước Trịnh xin quy phục, diệt nước Thư Liệu, kết minh ước với nước Ngô và nước Việt.

Sau đó Trang Vương đánh bại quân Tấn, khẳng định ngôi bá chủ chư hầu, các nước khác phải đến triều kiến.

Vương hậu Phàn Cơ được xem là người có công lớn, cùng hai trung thần giúp cảm hóa được Sở Trang Vương. Chuyện về bà được chép vào “Liệt nữ truyện”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: