Cổ nhân có câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh”, “Đả tăng mạ Đạo, tất có ác báo” (đánh giết sư phỉ báng Đạo, tất có ác báo). Có những trường hợp làm việc ác, hủy tượng Phật, mà bị quả báo ngay lập tức, gọi là “hiện báo”, những ghi chép về việc này trong sách cổ có khá nhiều. Trong sách “An Sỹ Toàn Thư” của Chu Tư Nhân thời nhà Thanh có ghi chép một việc như vậy.

Chuyện xưa: Hủy tượng Phật, gặp ác báo
(Ảnh minh họa: Ken Eckert, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Vào đầu những năm Khang Hy thời Thanh, gỗ đàn hương rất đắt. Ở quận Tô có một cửa hàng bán hương liệu, trước đó đã dùng 3 lượng vàng để thỉnh về một bức tượng Quan Âm làm bằng gỗ đàn hương. Người trong cửa tiệm đó lén bàn với nhau rằng: “Nếu mài bức tượng này đi, làm thành gỗ đàn hương thì giờ có thể bán được 16 lượng vàng”. Thế là họ quyết định phá hủy bức tượng Phật.

Bấy giờ có một gia nhân sợ đắc tội với Thần Phật nên ngăn cản việc đó. Lúc đó, con rể của chủ tiệm đến thăm bố vợ và muốn đón vợ mình về. Đúng lúc anh ta ở đó, nghe bàn việc này, bèn đứng dậy nói với gia nhân đó rằng: “Ngươi là một đầy tớ thì việc gì đến ngươi? Cứ làm theo lệnh là được rồi”.

Đêm hôm đó, con gái của chủ tiệm bị đau bụng nên không thể về nhà, đành phải ở lại nhà của cha đợi khỏi bệnh rồi mới về. Anh con rể cũng đành phải tiếp tục ở lại đó.

Ngày hôm sau, có một đứa trẻ sáu tuổi cùng cha đi ngang qua cửa tiệm, đứa bé đột nhiên chỉ vào cửa tiệm và hỏi cha: “Tại sao ngôi nhà kia lại bị dán giấy niêm phong đỏ to như vậy?”. Tất nhiên, trẻ con thuần chân trong sáng, nên có thể nhìn thấy những việc mà người lớn nhìn không thấy. Cha đứa bé không nhìn thấy giấy niêm phong đỏ, tưởng rằng con mình nhìn nhầm nên cấm đứa bé nói linh tinh.

Tối hôm đó, cửa hàng hương liệu bị hỏa hoạn, cả gia đình bị thiêu chết. Tuy nhiên, đám cháy lại không hề lan sang những nhà xung quanh.

Kể riêng về người con rể. Anh ta muốn chui ra ngoài qua cái lỗ ở lầu trên, nhưng bị chắn lại, anh ta kêu la thảm thiết vì không thoát được, cuối cùng bị thiêu sống trong biển lửa.

Còn người gia nhân từng ngăn cản phá hoại bức tượng Quan Âm, sáng sớm hôm đó đã được một cửa hàng hương liệu khác một mực nhờ sang làm giúp hai ngày, nên anh ta không bị thiêu chết.

Chu Tư Nhân viết:

“Người con rể và gia nhân, tâm chỉ có một chút khác biệt, nhưng kết quả lại hoàn toàn khác nhau. Người con rể vốn dĩ muốn về nhà, nhưng lại khiến cho anh ta không về được, phải chịu tai ương. Người gia nhân không muốn đi, nhưng lại có người cưỡng ép anh ta phải đi, nên tránh được kiếp nạn. Đúng là họa phúc không có cửa, là tự mình chuốc lấy!”

Theo “Thiện ác hữu báo là đạo lý cổ kim
Đăng trên ChanhKien.org
Ninh Sơn biên tập

Xem thêm:

Mời quý vị xem video: Vì sao khi Đức Phật tại thế không có tượng Phật, chùa chiền, kinh sách?