Xưa nay người đại lượng có thể dung nhẫn là vô cùng khó kiếm hiếm gặp. Giai thoại về công phu nhẫn nhục của Lâu Sư Đức dưới đây thật là khiến người ta phải mở rộng tầm mắt.

Triều Đường có một vị tể tướng vô cùng độ lượng tên là Lâu Sư Đức. Ông quyền cao chức trọng, dưới một người mà trên vạn người, nhưng dẫu người khác đối xử với ông thế nào, ông vẫn cười hỷ hả thiện đãi họ, xưa nay chưa hề tức giận với ai. Dẫu là nô bộc hay phu xe trong nhà đối xử vô lý với ông, ông vẫn đối đãi tốt với họ.

Một lần nọ, người nô bộc bất cẩn đánh vỡ chiếc bình hoa bằng sứ cổ mà ông vô cùng yêu thích. Người nô bộc chẳng những không nhận sai mà còn viện lý lẽ oán trách rằng vị trí đặt chiếc bình hoa không thoả đáng. Sư Đức không hề tức giận mà vẫn cười nói: “Không sao, vỡ rồi thì thôi. Tay của ngươi không xây xước là tốt rồi!”

Một lần khác, Sư Đức sớm đã định ra ngoài làm việc công nhưng phu xe của ông say rượu chưa tỉnh ngủ, vẫn nằm im bất động. Ông bèn lặng lẽ ra ngoài tìm một chiếc xe bên đường tới nha môn.

Vị phu xe tỉnh dậy, thấy chủ nhân không có nhà, không những không cảm thấy xấu hổ vì mình không làm tròn chức trách mà ngược lại còn bắt nạt Sư Đức lòng dạ lương thiện. Ông ta chạy tới cửa nha môn của Sư Đức làm om sòm lên, trách móc Sư Đức vì sao không gọi ông ta dậy. Sư Đức vẫn cười nói: “Đúng rồi, ta không gọi ông dậy. Ta thấy ông hôm qua đi nhiều quá sẽ mệt mỏi, do vậy mới muốn để ông nghỉ ngơi thêm một chút!”

Sư Đức khoan dung đại lượng khiến cả người nô bộc và phu xe đều cảm thấy thẹn thùng, từ đó nguyện ý sửa sai quy thiện.

Một lần khác em trai của Sư Đức được bổ nhiệm tới Đại Châu làm Thứ Sử. Trước khi nhậm chức em trai tới chỗ Sư Đức bái biệt, đồng thời thỉnh giáo Sư Đức rằng: “Huynh làm quan bao nhiêu năm nay, kinh nghiệm nhân tình thế thái rất phong phú. Lần này là lần đầu tiên đệ tới Đại Châu, rất nhiều đạo lý lập thân xử thế còn phải nhờ huynh chỉ giáo mới phải.”

Một chuyện hài hước: Công phu nhẫn nhục của người xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Sư Đức nói: “Đệ còn trẻ khí thịnh nên thường dễ kết oán với người, bị người khác đố kị, sau này phải luôn để tâm đấy.”

Tiểu đệ của ông nói: “Đây là nhược điểm của đệ, lời nhắc nhở của huynh sau này đệ phải đặc biệt lưu tâm mới được.”

Sư Đức hỏi: “Đệ sẽ lưu tâm như thế nào?”

Tiểu đệ nói: “Từ nay về sau, dẫu có người nhổ nước bọt vào mặt đệ, đệ cũng không nói lý lẽ với họ.”

Sư Đức hỏi lại: “Không nói lý lẽ với họ thì thế nào?”

Tiểu đệ nói: “Đệ sẽ tự lau đi là xong.”

Sư Đức lắc đầu nói: “Vẫn còn chưa được”

Tiểu đệ vô cùng kinh ngạc hỏi: “Như vậy cũng không được, thì còn cách nào khác chăng?”

Sư Đức nói: “Người ta nhổ nước bọt vào mặt đệ, có thể khẳng định rằng họ đang nổi giận với đệ. Nếu đệ lau nước bọt đi thì chính là hành động ghét bỏ họ, sẽ khiến họ càng thêm tức giận. Do vậy chi bằng đừng lau, mà cứ để nó tự khô mới phải.”

Tới lúc này, vị tiểu đệ mới cảm nhận sâu sắc được rằng công phu nhẫn nhục của đại huynh quả thực là cao hơn người khác một bậc.

Về sau “Thóa diện tự kiền” (để nước bọt trên mặt tự khô) trở thành thành ngữ nổi tiếng để chỉ sự nhẫn nại và đại lượng của một người.

Câu chuyện hài hước về “công phu nhẫn nhục” này kể ra là vậy nhưng trong thực tế cuộc sống không mấy ai gặp phải. Chúng ta gặp phải mâu thuẫn, có chăng cũng chỉ là một chút mâu thuẫn thường nhật mà thôi. Ấy vậy mà rất nhiều khi chúng ta không thể nào nhẫn nại được.

Tại phương Tây chẳng phải cũng có câu chuyện tương tự hay sao? Chúa Giê-su giảng rằng: Nếu bị người tát vào má bên phải, hãy đưa má trái ra cho họ. Ông cũng lại giảng rằng: Hãy yêu mến kẻ thù. Ai có thể làm được như vậy thì quả thật là đã có thể khoan dung nhẫn nại, có thể làm việc đó tự nhiên như từng hơi thở rồi.

Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời nghe radio: