Khi xã hội trượt dốc, đạo đức sa đọa, thì lại càng cần những người nắm quyền thanh chính liêm khiết, không sợ quyền thế, không phô trương hình thức, không thể hiện quyền uy, giữ mực giản dị, gặp người khốn khó thì dốc sức tương trợ… Những người làm quan như vậy mới có thể không hổ thẹn với cuộc đời, không hổ thẹn với bản thân, bởi coi dân chúng như cha mẹ mình mà đối đãi, cuối cùng tự nhiên sẽ được người dân coi là “cha mẹ”.

Chuyện xưa ngẫm lại: Làm quan "không hổ thẹn"
(Tranh minh họa: Council Auction House)

Chu Thường là một viên quan triều Minh, là người chính trực, từng giữ chức quan Tuần án ngự sử trong nhiều năm, sau đó làm phó Đô ngự sử. Ông luôn phụng sự chính nghĩa, được bách tính ca ngợi là một vị quan thanh liêm. Ông làm quan dưới thời Minh Vũ Tông, khi Hoàng đế phóng đãng hoang dâm, ngông cuồng vô đạo, khiến cho triều chính loạn lạc, bị gian thần xâu xé. Trong hoàn cảnh đó, ông vẫn bảo trì khí tiết của mình, nỗ lực hết sức để tạo phúc cho dân chúng. Chuyện của ông được ghi chép lại trong “Minh sử”, một trong 24 cuốn chính sử Trung Hoa.

Chu Thường từng được bổ nhiệm làm Tuần diêm ngự sử, quản lý ngành muối ở Hà Đông. Đương thời, cẩm y vệ thân tín của Hoàng đế là Tiễn Ninh cậy quyền cậy thế nên đã hống hách ngang ngược, phái người buôn lậu muối để mưu lợi mà không ai dám ngăn cản. Khi Chu Thường đến, ông đã kiểm tra và nghiêm cấm không cho những người này buôn lậu muối, nhất định chiểu theo pháp luật để trừng phạt họ.

Chu Thường luôn chú trọng giáo hóa dân chúng và quan tâm đến đời sống của trăm họ. Ông đã viết bài thơ “Lao diêm thi” sau khi tận mắt chứng kiến người dân làm muối vất vả như thế nào dưới cái nắng gay gắt của mùa hè. Trong bài thơ, ông đã miêu tả chân thực và sinh động cuộc sống lao dịch nặng nhọc của mười vạn phu muối do nhà Minh cưỡng bách tới làm việc tập trung trên các ruộng muối, và nỗi nhớ nhà tha thiết của họ. Ông cũng biểu đạt sự đồng cảm sâu sắc đối với nỗi vất vả nhọc nhằn của những người này.

Bấy giờ để tự do vui chơi, Hoàng đế trọng dụng hoạn quan và để những người này chuyên quyền. Vương Tương là một quan Giám sát ngự sử thanh liêm và cương trực. Ông đi tuần tra ở Sơn Đông, phát hiện thấy hoạn quan Lê Giám mượn danh Hoàng đế để vơ vét và bóc lột dân chúng, khiến người dân oán thán dậy. Vậy là Vương Tương dâng sớ tấu trình việc Lê Giám làm rối loạn kỷ cương. Lê Giám chối tội trước mặt Hoàng đế và còn vu oan hãm hại Vương Tương, khiến Vương Tương bị đọa vào lao ngục.

Sau khi Chu Thường đi tuần ở bên ngoài trở về triều đình, biết được việc Vương Tương bị vu oan hãm hại, liền không sợ hãi mà dâng một lúc hai bản tấu lên Hoàng đế. Một bản trình bày việc oan khuất của Vương Tương và một bản vạch trần 8 tội trạng của Lê Giám. Chu Thường cũng khuyên Hoàng đế cần phân biệt được đúng và sai, trung thần và gian thần. Cuối cùng Minh Vũ Tông đã miễn tội chết cho Vương Tương và giáng chức ông đi làm phán quan ở Giang Tô.

Minh Vũ Tông trọng dụng gian thần Giang Bân, dung túng cho hắn ta cướp đoạt ruộng đất để xây dựng điền trang ở khắp mọi nơi. Giang Bân còn dụ dỗ Hoàng đế đi tuần du ở bên ngoài, bỏ bê triều chính và chơi bời phóng đãng. Khi nhiều văn võ bá quan đều dâng tấu thư can gián, khuyên nhủ Hoàng đế trở về Hoàng cung lo việc triều chính, Minh Vũ Tông liền nổi giận. Ông ta hạ lệnh nhốt 40 người vào ngục, bắt 170 người phải quỳ trước Ngọ môn trong năm ngày và đánh 146 người bằng roi.

Bấy giờ Chu Thường đi tuần ở bên ngoài trở về kinh, sau khi nghe được chuyện này, thì không màng tới được mất của bản thân, quyết chí tiếp tục dâng tấu thư khuyên can Minh Vũ Tông “chính tâm, ngừng chơi bời, ở gần người quân tử, tránh xa kẻ tiểu nhân”. Chu Thường còn thẳng thắn yêu cầu Hoàng đế ban chiếu thư tự trách mình, thừa nhận sai lầm của mình và tạ tội với lê dân bách tính.

Minh Vũ Tông lập tức giáng chức Chu Thường và đày ông đến một vùng xa xôi hẻo lánh nhậm chức tri phủ.

Chu Thường bị đày tới Củng Xương, là một vùng đất xa xôi lạc hậu, đã bị hạn hán và ôn dịch hoành hành trong nhiều năm, lại bị tộc người ở phía Tây tấn công, bách tính vô cùng khốn khổ.

Sau khi Chu Thường đến nhậm chức, ông thành kính hướng lên Trời cầu mưa. Không ngờ trời mưa to liên tục trong mười ngày, chấm dứt tình trạng hạn hán. Sau đó Chu Thường chế phục tộc người ở phía Tây, bình định biên giới, tạo dựng một hoàn cảnh yên ổn cho dân chúng. Ông còn kiến lập các quy định, thi hành giáo dục, khuyến khích dân cư. Không lâu sau, diện mạo của Củng Xương thay đổi to lớn.

Sau khi Minh Thế Tông lên ngôi Hoàng đế, triều đình khảo sát lại hoạt động của các quan lại, Chu Thường là tri phủ tốt nhất, được triều đình khen ngợi.

Trong những năm Gia Tĩnh, Chu Thường được phái tới Chiết Giang nhậm chức Đề đốc lương trữ, sau đó là chức Tả bố chính sử, rồi đến chức Phó đô ngự sử. Ông đã giảm các loại sưu cao thuế nặng, loại bỏ những kẻ gian thần, ngăn chặn các việc làm bất hợp pháp, chấn chỉnh quan lại ở Chiết Giang, khiến cho tham quan không còn chỗ nương thân.

Sau khi nhậm chức Phó đô ngự sử, Chu Thường đã đôn đốc và giám sát việc trị thủy trên cả nước. Vì sông Hoàng Hà hay có lũ lụt gây thiệt hại lớn về sinh mệnh và tài sản của người dân, nên ông đã đề xuất nhiều kế sách để trị thủy trên sông Hoàng Hà, tự mình tham gia vào việc thi công và giám sát xây dựng đường sông.

Chu Thường luôn giản dị trong sinh hoạt, trong suốt những năm làm quan ông đều giữ mình trong sạch và thanh liêm. Khi cha của ông qua đời, Chu Thường trở về nhà chịu tang cha. Nhà của ông bấy giờ vẫn là một cái lều tranh, không có tu sửa gì, và cũng không được cơi nới thêm một mẫu đất nào.

Mặc dù Chu Thường nghèo túng, nhưng ông vẫn luôn luôn cố gắng hết sức giúp đỡ người dân địa phương, cứu giúp những người túng quẫn. Mọi người đều quý trọng nhân phẩm của ông: thanh liêm, thương dân, dám lên tiếng vì chính nghĩa. Tại quê nhà của ông, người dân đã xây dựng “Vô quý đình” (đình không hổ thẹn) để biểu dương công đức và sự nghiệp của ông.

Theo “Chu Thường và Vô quý đình”
Đăng trên
Minghui.org

Xem thêm:

Mời xem video: