Giữa vợ chồng thường có câu rằng: “Trên trời nguyện làm chim sát cánh, dưới đất nguyện làm hoa liền cành.” Nếu đột nhiên một hôm xảy ra biến cố, khiến chim mất bạn, hoa khuyết cành, liệu có vì ân nghĩa ấy mà không tìm nửa khác? Vào đầu năm Thuận Trị, khi quân Thanh đã chiếm được phần lớn lãnh thổ của nhà Minh, có một câu chuyện rất li kỳ “Nghĩa trả vàng, nghĩa trả vợ” lưu truyền lại như thế này.

Chuyện xưa: Nghĩa trả vàng, nghĩa trả vợ
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Năm đó quân Thanh công phá thành Kim Hoa, người dân chạy loạn, có một người trong thành Kim Hoa tên là Bảo Vụ Sinh bị thất lạc vợ khi đang trốn chạy. Bảo Vụ Sinh may mắn thoát chết nhờ nằm giữa một đống thi thể, nhưng không biết vợ mình đã đi về hướng nào.

Trong lúc hỗn loạn, người vợ bị quân Thanh bắt đi, lưu lạc theo đại quân, dừng chân trú tại Hoa Đình. Vì muốn tìm vợ, Bảo Vụ Sinh cũng tới Hoa Đình, nhưng hai người bặt vô âm tín.

Lúc này, Bảo Vụ Sinh vừa khốn đốn lại mệt nhọc, bèn ngồi cạnh một quán trọ buồn rầu. Ông chủ quán trọ nhìn thấy bộ dạng thê lương của chàng, thì sinh lòng trắc ẩn, bèn tới bắt chuyện. Chủ tiệm thấy chàng biết chữ và biết tính toán, bèn giữ lại quán trọ. Ông thuyết phục rằng chưa biết chừng trong số khách trọ lui tới từ tứ phương, lại có thể lần mò manh mối về vợ. Bảo Vụ Sinh thấy chủ kiến này rất hay, bèn nhận lời.

Vụ Sinh vào làm trong quán trọ, giúp chủ quán coi sóc, chăm nom rất nhiều việc. Chủ quán rất cao hứng, có ý muốn gả con gái cho Vụ Sinh, nhưng có lẽ nghĩ tới chuyện Vụ Sinh tìm vợ, nên lần lữa mãi vẫn chưa dám mở miệng.

Một hôm, quán trọ vừa mở cửa thì một vị khách hớt hải bước vào quán, sau khi dùng cơm và trả tiền xong, lại vội vàng rời đi. Vụ Sinh thu dọn bàn ăn thì phát hiện ra vị khách bỏ quên một cái túi, mở ra thì thấy bên trong có số tiền rất lớn.

Bảo Vụ Sinh kể lại chuyện này cho chủ quán và đợi người khách quay lại. Mãi tới trưa, người khách quả nhiên phát hiện ra, hổn hển chạy tới, mồ hôi ướt nhẹp cả lưng, vẻ mặt thất thần, như kẻ mất hồn, hoảng hốt tìm kiếm.

Vụ Sinh gặng hỏi cẩn thận, người khách trả lời: “Đó là tiền sính lễ, ta tới doanh trại lấy vợ. Nhưng hiện giờ đã đánh mất rồi, giờ biết phải làm sao?”

Vụ Sinh nói: “Số tiền này vẫn còn, hiện giờ ta trả lại ngài, ngài đừng quá thương tâm.” Vụ Sinh lập tức lấy tiền ra, trả lại nguyên vẹn. Người khách vô cùng mừng rỡ, bái tạ rồi rời đi.

Vài ngày sau, người mất vàng cảm thấy cuộc hôn nhân này là do Vụ Sinh ban tặng, bèn cầm hai tấm thiệp mời tới, mời chàng và chủ quán cùng tham dự hôn lễ. Chủ quán bận chuyện quán trọ, không có thời gian tới dự, nhưng lại không nỡ cự tuyệt tấm thịnh tình của đối phương, bèn nhờ Bảo Vụ Sinh tới dự yến tiệc.

Vụ Sinh vâng mệnh chủ nhân, tới hẹn như đã định, thì thấy nhà người mất tiền hóa ra cũng là một gia đình lương thiện. Buổi chiều Vụ Sinh nhàn rỗi, bèn đi dạo ngang bờ sông. Từ phía xa chàng nhìn thấy giữa dòng sông có một con thuyền nhỏ, mọi người đều nói, thuyền của tân nương đã tới rồi. Chàng đưa mắt nhìn, thấy hình bóng vị tân nương như là vợ vậy!

Có lẽ giữa hai vợ chồng có linh cảm, lúc này tân nương cũng bất chợt ngẩng đầu, nhìn thấy Bảo Vụ Sinh đang đứng trên bờ, hình bóng như là phu quân xưa. Hai người bốn mắt nhìn nhau, Bảo Vụ Sinh bất giác đau đớn thảm thiết, ngã xuống thảm cỏ xanh. Vị tân nương cũng thấy trong lòng đau nhói, nằm phủ phục trên thuyền.

Thuyền cập bến, mọi người thúc giục tân nương đứng lên, nhưng nàng không thể đứng dậy. Hỏi ra mới biết, nàng vừa nhìn thấy người trên bờ, rất giống phu quân của mình trước đây, nên vô cùng đau đớn.

Mọi người hỏi dáng vẻ phu quân của nàng, tân lang vừa nghe tới thì thấy rất giống với Bảo Vụ Sinh. Tân lang vội vàng đi tìm, thì thấy Bảo Vụ Sinh đang nằm trên đám cỏ.

Tân lang lay hỏi Bảo Vụ Sinh, chàng trước sau chỉ im lặng. Gặng hỏi mãi chàng mới nói: “Vị tân nương vừa rồi…” lời chưa dứt, thì lại khóc lên thống thiết.

Tân lang hiểu ra mọi chuyện, bèn nói: “Ồ, ta biết rồi, vị tân nương này có phải là người vợ của ngài chăng? Ngài nhặt được tiền sính lễ, vậy số tiền sính lễ đó nên thuộc về ngài. Ngài lại trả lại cho tôi, thì chẳng phải là chuộc lại vợ về hay sao? Đây là ông Trời muốn tôi hoàn tất câu chuyện tốt lành này! Ngài đừng quá thương tâm, tôi cảm tạ ân nghĩa của ngài, sao có thể không báo đáp!”

Bảo Vụ Sinh vô cùng khó xử. Thấy thế tân lang bèn mời ông chủ quán trọ đứng ra.

Ông chủ quán nói: “Người trả vàng là một nghĩa sĩ, người trả vợ thì cái nghĩa cũng không kém việc trả vàng. Muốn lấy vợ mà lại mất vợ, như vậy không được. Ta có một đứa con gái, nếu ngài không chê, thì xin được gả cho ngài.”

Quyết định này khiến mọi người khâm phục. Ai nấy đều cảm nhận được tấm lòng rộng rãi của ông chủ quán trọ, thành toàn một lúc hai câu chuyện viên mãn. Từ đó chuyện về ba nghĩa sĩ xứ Hoa Đình lưu truyền, đúng là “Nghĩa trả vàng, nghĩa trả vợ”.

Giữa thời loạn lạc, một chữ “Nghĩa” đã tạo nên kết cục hoàn mỹ như vậy.

Theo Epoch Times
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: