Trong Hoài Nam Tử, một tác phẩm kinh điển của Đạo giáo thời Tây Hán, có viết rằng: “Vua thánh minh ban ân đức cho dân chúng trong thiên hạ không phải là vì trông mong dân chúng báo đáp lại. Đế vương cử hành cúng tế Trời Đất, mặt Trăng, mặt Trời, Sông Núi và cúng tế tông miếu cũng không phải là để mưu cầu quỷ thần ban phúc cho. Núi đạt đến một độ cao nhất định thì tự nhiên sẽ xuất hiện mây bay, nước sông sâu đến một mức độ nhất định cũng tự nhiên xuất hiện giao long. Người quân tử tu hành đến một cảnh giới đạo đức nhất định thì tất nhiên cũng sẽ có phúc lộc đến với họ. Những người âm thầm tích đức nhất định đến một lúc nào đó sẽ nhận được hồi báo tốt đẹp công khai, những người âm thầm làm việc thiện cũng nhất định sẽ nhận được danh tiếng vang dội.”

Lòng biết ơn, âm đức, Đạo làm người: Hoa dù tàn vẫn lưu lại dư hương
(Ảnh minh họa: Bubbers BB, Shutterstock)

Thời cổ đại, lũ lụt trở thành tai họa cho dân chúng. Vì thế, Đại Vũ đã điều hòa dòng chảy, thông Long Môn, trị lí nạn hồng thuỷ. Đại Vũ đích thân đi xem xét núi cao sông lớn, đánh dấu mốc, xác định phương án biến thuỷ tai thành thuỷ lợi. Trong quá trình trị thuỷ, ông đã thông qua việc khơi thông sông ngòi, khiến nước chảy thông suốt, cung ứng cho bách tính sử dụng. Đại Vũ trị thuỷ thành công, công lao của ông mấy ngàn năm sau vẫn được truyền tụng.

Khi xã hội rối ren, chưa có tôn ti thứ bậc, giữa dân chúng không có sự thân cận, năm loại quan hệ nhân luân không được rõ ràng, thì ông Khế, tổ tiên của nhà Thương, đã giáo hóa dân chúng biết về tôn ti thứ bậc và lễ tiết tương quan giữa quân – thần, cha – con, vợ – chồng, anh – em.

Khi đất đai ruộng nương còn hoang vu, dân chúng thiếu quần áo mặc, thiếu lương thực để ăn thì thủy tổ của tộc Chu là Hậu Tắc liền dạy dân chúng khai khẩn đất hoang, cải tạo thổ nhưỡng, gieo trồng lương thực giúp cho dân chúng ăn no mặc ấm. Vị Thánh nhân này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sản xuất nông nghiệp ở lưu vực Hoàng Hà.

Trong một giai đoạn lịch sử dài, con cháu đời sau của ba vị Thánh vương nêu trên không có ai là không xưng vương. Đó là bởi vì tổ tiên của họ tích được âm đức lớn, phúc truyền lại đến đời con cháu. Sau khi hoàng tộc nhà Chu bị suy tàn, lễ nghi bị phế bỏ, Khổng Tử đã dùng đạo đức được truyền thừa từ ba triều đại là Hạ, Thương, Chu để giáo dục thế nhân. Ông đã đi chu du khắp thiên hạ để quảng truyền đạo làm người. Phúc trạch ấy dồi dào giúp gia tộc họ Khổng được kế tục thành danh đến tận ngày nay. 

“Có âm đức ắt có dương báo, có ẩn hành ắt có vang danh”, người tích âm đức nhất định sẽ có được hồi báo tốt đẹp, người âm thầm hành thiện tất có danh tiếng vẻ vang. Âm đức giống như hạt giống. Chỉ cần mọi người kiên trì gieo trồng thì không lo tương lai không có quả trĩu cành. Cổ nhân chủ trương làm việc thiện không muốn để ai biết, người làm việc thiện trong âm thầm sẽ tích được âm đức, tuy rằng không ai biết nhưng âm đức thì thực sự đang được tích lũy và tăng lên. Âm đức tích lâu dài sẽ càng tích càng lớn, hậu phúc cũng sẽ càng dày.

Trong “Chu Dịch” viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, nhà tích thiện tất sẽ có dư phúc. Khi âm đức của một người đạt đến một mức độ nhất định thì phúc báo mà họ đạt được tất nhiên sẽ có dư. Loại phúc trạch và phúc báo có dư này không chỉ ở đời của họ mà còn truyền đến đời con cháu. Gia tộc Khổng Tử và gia tộc Phạm Trọng Yêm đều là như vậy.

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Hành thiện vui nhất là không cầu người biết. Làm ác khổ nhất là lo sợ người biết”. Ông cho rằng làm việc thiện giúp con người vui vẻ khoái hoạt, loại cảm xúc này giúp dương khí của cơ thể tăng lên, tốt cho cả tinh thần và thể xác. Còn làm việc thiện vì cầu danh cầu lợi thì nội tâm sẽ không đạt được sự khoái hoạt vui vẻ thực sự, làm việc thiện thì ít mà cầu phúc báo thì nhiều, vậy nên thậm chí còn chiêu mời tai họa.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm: