Các bậc hiền nhân thời cổ đại lưu lại cho hậu thế rất nhiều phép tắc và kinh nghiệm quý giá, đối với việc lập thân xử thế hay tề gia đều có lợi ích. Trong đó, trung hậu cần kiệm, tránh xa ngông cuồng xa xỉ là điều cổ nhân nhấn mạnh trong đối nhân xử thế và quản lý gia đình.

Cổ huấn: Trung hậu giúp hưng nghiệp, cần kiệm giúp hưng gia
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Trung hậu cần kiệm không chỉ được minh quân, trung thần, danh sĩ các triều đại đề xướng mà còn trở thành gia huấn, gia quy trong các gia tộc thời xưa.

Vương Vĩnh Bân, tác giả của cuốn “Vi lô dạ thoại”, đề cập nhiều đến các phương diện như đạo đức, tu thân, đọc sách, an bần lạc đạo… Trong đó ông có viết: “Trung hậu túc dĩ hưng nghiệp, cần kiệm túc dĩ hưng gia”, ý nói trung hậu đủ để hưng nghiệp, cần kiệm đủ để hưng gia.

Ông còn nói: “Cẩn thủ phụ huynh giáo điều, trầm thực khiêm cung, tiện thị thuần tiềm đệ tử. Bất cải tổ tông thành pháp, trung hậu cần kiệm, định vi du cửu nhân gia”. Cẩn thận tuân theo những lời dạy bảo của cha ông, đối đãi với người hết mực khiêm tốn cung kính thì đó chính là con cháu đôn hậu. Không tự ý sửa đổi di huấn của tổ tông, xử thế khoan dung cần kiệm thì gia đạo nhất định không suy.

Xưa nay, cha mẹ hiểu đạo, biết cách đối nhân xử thế luôn dạy con cháu mình thành thật thận trọng, đối đãi với người hết mực khiêm tốn cung kính. Phận làm con làm cháu, nếu giữ được những lời dạy bảo của cha mẹ, một là hiếu đễ trung tín, hai là đôn hậu thận trọng, thì đó chính là con cháu tốt. Kinh nghiệm từng trải của những người đi trước luôn phong phú hơn người đời sau. Nếu như không nghe những lời khuyên răn, tự tiện làm bừa, thường hay lỗ mãng thì không thể trở thành những người có tính tình đôn hậu có giáo dục được.

Gia pháp của tổ tông, hơn một nửa là sự tích luỹ kinh nghiệm của tiền nhân, không thể tự tiện hủy hoại. Trung hậu cần kiệm là mĩ đức mà tổ tiên dùng để dạy bảo con cháu đời sau. Trung hậu đủ để hưng nghiệp, cần kiệm đủ để hưng gia. Người mà trung hậu cần kiệm thì nhất định sẽ gây dựng được sự nghiệp, tích luỹ được giàu có, gia đạo tự nhiên sẽ mãi không suy.

“Cần kiệm túc dĩ hưng gia”, để một gia đình hưng thịnh là điều rất khó, yêu cầu phải dụng tâm mới có thể đạt được. Bất luận là gia đình đang ở trong tình trạng nào đi nữa thì các thành viên trong gia đình đều phải thời khắc ghi nhớ lời dạy cần kiệm của cổ nhân. Bởi vì cần lao (siêng năng lao động) có thể khiến người ta phát triển những thói quen tốt, có ích cho việc nâng cao thu nhập của gia đình và nâng cao tu dưỡng đạo đức cá nhân. Còn tiết kiệm giúp người ta nhận thức được thái độ đối với cuộc sống, giúp tích lũy được một sức mạnh và nền tảng nhất định khi gặp khó khăn hay biến cố, đồng thời không bị mất phương hướng khi giàu sang phú quý.

“Trung hậu túc dĩ hưng nghiệp”, bất kể làm việc gì cũng vậy, phải dùng tấm lòng trung hậu để đối đãi. Lòng trung hậu là điều tất yếu để đổi lấy sự công nhận và tôn trọng của mọi người. Đừng đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả, cần học được cách chịu thiệt một chút, làm lợi cho người khác một chút, như vậy sẽ có được hồi báo xứng đáng không ngờ.

Rất nhiều bậc hiền nhân đều có chung tư tưởng như vậy về trung hậu và cần kiệm. Danh sĩ nổi tiếng đời nhà Thanh, Kỷ Hiểu Lam cũng có quan điểm như vậy. Một lần, khi vua Càn Long hỏi Kỷ Hiểu Lam về người giàu có nhất trong thiên hạ, Kỷ Hiểu Lam đáp rằng: “Thần cho rằng người giàu nhất thiên hạ là người cần kiệm, còn người nghèo nhất thiên hạ là người tham lam. Chỉ cần cần kiệm thì cho dù nhà có bốn bức tường không cũng sẽ dần dần mà giàu có. Còn nếu như đã tham mà lại thèm thì cho dù có gia tài lớn đến đâu rồi cũng sẽ tiêu xài sạch.”

Cổ nhân nói: “Cần năng bổ chuyết, kiệm dĩ dưỡng liêm”, cần cù có thể bù đắp cho kém cỏi, tiết kiệm có thể dưỡng liêm khiết. Một người nếu sống giản dị thì tự nhiên sẽ không có tâm ham hưởng thụ, không bị hấp dẫn bởi những mê hoặc bên ngoài mà làm ra những sự tình trái đạo lý, trái pháp luật, như thế họ cũng tránh được các mối họa xảy ra với bản thân và gia đình. Đạo lý này cũng được đúc kết trong “Nhị thập tứ sử”: “Kiên trì chăm chỉ cần kiệm, thực hành tiết kiệm, là cội nguồn để mở rộng chính đạo, còn sùng bái xa xỉ, phóng túng dục vọng là cái gốc làm bại hoại đạo đức.”

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: