Lâu nay trong thái độ đối với hiện tình của giáo dục nước nhà và động thái cải cách dường như có ba xu hướng.

Xu hướng thứ nhất là bàng quan, không quan tâm hoặc tỏ ra không quan tâm. Với họ đó là chuyện xã hội không ảnh hưởng gì đến nồi cơm manh áo nhà mình hoặc là họ tư duy rằng việc đó đã có người khác lo, mình quan tâm, bày tỏ chẳng để làm gì có khi thêm thiệt.

Xu hướng thứ hai là những người có xu hướng muốn cải cách cho dù sự thể hiện rất phong phú ở nhiều mức độ khác nhau từ vỗ tay cho đến xả thân. Trong xu hướng cải cách, đa phần những người này mong muốn học hỏi từ thế giới văn minh để cải thiện nền giáo dục nước nhà.

Xu hướng thứ ba là những người mặc dù tỏ ra ủng hộ cải cách hoặc tham gia các dự án cải cách hoặc công, hoặc tư nhưng lại luôn tuyên bố “học tập phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam” và luôn tỏ ra công kích, phê phán sự “vọng ngoại”.

Ở đây, sẽ bàn kĩ hơn về nhóm thuộc xu hướng thứ ba.

Xét về logic hình thức, ý kiến và lập luận của họ khá ổn. Một thứ xa lạ đem vào môi trường mới không phù hợp thì sẽ chết hoặc không đem lại hiệu quả. Nhiều người gật gù cho họ là thức giả.

Nhưng phân tích kĩ sẽ thấy đó là một lối tư duy có gì đó mang màu sắc ngụy biện và nếu nói thẳng nó thể hiện tầm nhìn hạn hẹp không khác các trí thức Nho giáo bảo thủ ngày xưa nhìn nhận văn minh phương Tây khi họ tìm đến phương Đông.

Sự học về bản chất luôn là sự hướng ra bên ngoài và tìm kiếm các giá trị tiến bộ ở xung quanh. Thử hỏi trên thế giới này có nền văn minh nào không giao lưu học hỏi mà tồn tại được? Hãy nhìn những nền văn minh có tính chất tự cao, đóng kín và số phận của nó trước sự biến chuyển của thế giới mà xem.

Sự học ban đầu luôn bắt đầu bằng sự “bắt chước”. Sau bắt chước sẽ là nội địa hóa, biến nó thành yếu tố nội sinh và cuối cùng là tạo ra đặc trưng mới, nâng cấp nó và biến nó thành của mình, phát triển nó lên thành thứ có chất lượng, trình độ cao hơn thứ bắt chước đưa vào.

Nhìn lại lịch sử Nhật Bản hay Việt Nam đều thấy rõ điều đó.

Người Nhật học văn hóa Đường của Trung Quốc để xây dựng nên văn hóa Nhật Bản.

Người Nhật cũng học văn minh phương Tây để cận đại hóa đất nước và văn minh hóa quốc dân.

Người Nhật sau 1945 cũng học lại các giá trị phổ quát để trở thành quốc gia hòa bình, dân chủ và đóng góp vào sự tiến bộ của thế giới.

Ở Việt Nam, suốt chiều dài lịch sử cũng là quá trình học hỏi Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp, Mỹ và các nước khác mà thôi.

Cải cách Minh Trị được Việt Nam đánh giá cao là thế nhưng nếu nhìn lại các cuốn sách giáo khoa tiểu học của họ trong giai đoạn đầu sẽ thấy nó rất… ngô nghê. Đơn giản vì các học giả Nhật đã dịch và bê nguyên xi sách giáo khoa của Mỹ. Nhưng dần dần, họ đã tự soạn được sách của họ. Tương tự, từ chỗ trả đến 1/3 kinh phí của bộ công nghiệp cho chuyên gia nước ngoài, hạ mình học hỏi họ từng chút một, người Nhật đã tự làm được mọi thứ máy móc và xây dựng hệ thống đường sắt ngang dọc khắp đất nước.

Các từ người Việt vẫn dùng thoải mái ngày nay như “Lịch sử”, “Kinh tế” , “Chính trị”, “Dân chủ”… chính là những từ mà các trí thức trong Minh Lục xã do Fukuzawa lãnh đạo cố gắng tạo ra vào buổi ấy.

Không thể đem sự tự cao dựa vào sự thiếu hiểu biết để chống lại thế giới văn minh. Bài học của các trí thức Nho giáo nhà Nguyễn là một sự nhãn tiền.

Sách giáo khoa lịch sử lớp 11 (bản sử dụng trước năm 2000) từng ghi lại cảnh Tự Đức gọi các tiến sĩ vào thi đình và ra bài luận văn sách hỏi “Nhật Bản học theo nước Thái Tây mà trở nên cường thịnh ta có nên học theo Nhật Bản không?”. Kết cục tất thảy các tiến sĩ đều thưa rằng “Nhật Bản học theo Thái Tây mà cường thịnh nhưng bỏ văn minh Trung Hoa thì cuối cùng cũng hóa ra loài mọi rợ”. 30 năm sau, các tiến sĩ thì ngồi trên bia đá, còn nước Việt thì chìm trong cảnh lầm than.

Cuối cùng, đây mới là ý quan trọng. Việc cải cách không phải là chờ lọc lấy những cái phù hợp với môi trường có sẵn để đem về. Việc đó là há miệng chờ sung và duy ý chí vì bản chất chẳng có thứ nào như thế. Nếu có thì đấy không thể gọi là cải cách đổi mới vì thứ đó khi đem vào môi trường kiểu đó sẽ bị nuốt luôn hoặc thoái hóa biến chất (giống con cá rô thả vào ao tù thì mù mắt, phình đầu).

Bản chất của cải cách là vừa phải đưa vào các yếu tố mới vừa phải nỗ lực cải tạo môi trường, điều kiện hiện tại để cho các yếu tố mới đó nảy nở, sinh sôi mạnh mẽ để rồi cuối cùng cải tạo môi trường đó ngày một tốt hơn tạo ra sức mạnh nội sinh làm nên thành tựu mới.

Khi cải cách giáo dục thời Minh Trị, người dân Nhật đã cấm con đến trường, đốt cả trường học vì lúc đó thể chế trường học cận đại là một thứ lạ lẫm. Để đối phó nhà nước Nhật vừa trợ cấp cho học sinh vừa tiến hành luật cưỡng bách giáo dục. Sau 10 năm, quốc dân Nhật thấy rằng muốn tiến bộ không thể không cho con đến trường.

Cải cách giáo dục ở Việt Nam với nào là “nghiên cứu bài học”, “dạy học qua di sản”, “trường học mới VNEN”, “thông tư 30”, “dạy học tích hợp” và rồi rất có thể không cẩn thận và không biết, không chịu lắng nghe thì sẽ là cả “dạy học phát triển năng lực, phẩm chất” đã thất bại hoặc tạo ra sản phẩm “đầu Ngô mình Sở” vì người ta không chịu hiểu bản chất nói trên (hoặc không chịu làm).

Những thứ trên sẽ không thể nào chạy được suôn sẻ trong môi trường là nền hành chính giáo dục tập trung không có phân quyền và đảm bảo sự tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục của các trường đặc biệt là từng giáo viên.

Một thực tế đau xót là thế này. Những người phê phán vọng ngoại thật ra trong nhiều trường hợp lại là những người thích được đi nước ngoài “tham quan học tập” nhất cho dù trình độ ngoại ngữ chỉ là “hê nô, nai tu mít iu” hoặc hăng hái nhất trong các dự án sử dụng vốn tài trợ từ nước ngoài. Hoặc họ cũng là có những người có con cái, cháu chắt đi du học nước ngoài.

Không ít người có xu hướng tư duy như trên đơn giản vì họ đã từng hoặc đang có vị trí hoặc hưởng lợi lớn từ hiện trạng giáo dục hiện tại. Đòi hỏi họ tư duy cải cách là bất khả.

Nói một đằng, làm một nẻo và sống đa nhân cách là một bi kịch lớn mà chúng ta đang phải nếm trải đau đớn hàng ngày.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch gi:

Mời xem video: