Trong việc trị quốc, người vô tư công chính sẽ đem người có hiềm khích với mình hay thân thích con cái đều xem là giống nhau, đều là bách tính của quốc gia, đều có thể tin dùng tài năng. Như thế thì minh quân hay thanh quan có thể dựa vào đức hạnh phù hợp để tiến cử người đó, bất kể người này có mối quan hệ với mình như thế nào.

Cổ nhân dùng người: Không tránh thân thích, không hiềm kẻ thù
(Tranh: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)

Chương “Luận công bình” trong sách “Trinh Quán chính yếu” đã ghi chép lại một chuyện về Đường Thái Tông như vậy. Năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông bảo các đại thần theo hầu rằng:

Nay trẫm chăm việc cầu người có đức có tài, muốn chuyên tâm dồn sức vào sách lược trị nước, nghe nói có người tốt là đề bạt bổ nhiệm. Nhưng những kẻ bàn tán đều nói những người này là thân thích cố cựu của đại thần trong triều. Chỉ cần các khanh làm việc công bằng thì không phải lo lắng những lời này, có thể làm việc mà không cần câu nệ. Người xưa nói “tiến cử người của mình thì không tránh là thân thích, tiến cử người ngoài thì không tránh là kẻ thù”, là bởi họ tiến cử những người hiền thực sự. Chỉ cần có thể tuyển bạt bổ nhiệm người hiền tài thì dù là con em mình hay kẻ có oán thù cũng không thể không tiến cử.

Sách “Lã Thị Xuân Thu” cũng ghi chép một câu chuyện như vậy.

Dưới thời trị vì của Tấn Bình Công, một lần huyện Nam Dương thiếu huyện lệnh. Bình Công đã hỏi đại phu Kỳ Hoàng Dương ai là người phù hợp. Kỳ Hoàng Dương trả lời: “Giải Hồ phù hợp”. Nghe xong Bình Công rất kinh ngạc: “Chẳng phải Giải Hồ là địch nhân của khanh sao? Khanh sao lại giới thiệu một kẻ thù của mình?” Kỳ Hoàng Dương đáp: “Chúa công đang hỏi tôi ai thích hợp đảm nhận chức huyện lệnh chứ không phải hỏi ai là kẻ thù của tôi”. Thế là Bình Công phái Giải Hồ đi nhậm chức. Quả nhiên như mong đợi.

Lại có một lần, triều đình cần bổ sung một vị Nguyên quân trung úy, vì vậy Bình Công lại hỏi Kỳ Hoàng Dương tiến cử. Kỳ Hoàng Dương nói: “Kỳ Ngọ thích hợp”. Bình Công không khỏi ngạc nhiên hỏi: “Kỳ Ngọ là con trai của khanh, chẳng nhẽ khanh không sợ người khác đàm tiếu sao?” Kỳ Hoàng Dương thản nhiên đáp: “Chúa công bảo tôi tiến cử một người phù hợp làm Nguyên quân trung úy, mà không hỏi con trai tôi là ai”. Bình Công chấp nhận lời kiến nghị này, Kỳ Ngọ không phụ kì vọng, làm được rất xuất sắc.

Người có thể đề cử và tin dùng người ngoài, không tránh kẻ thù đã mười phần khó được, nhưng vẫn có thể là vì danh tiếng của bản thân. Người làm được việc đề cử kẻ thù, lại có thể đề cử và tin dùng người thân, không tránh con cái, thì cho thấy rõ là trong tâm thuần khiết, không sợ thanh danh có gì khuyết tổn, chỉ một lòng vì quốc gia bách tính. Người như vậy không bị tình cảm và danh dự chi phối, chính là chí công vô tư.

Có thể thấy rằng người xưa khi dùng người thì đạo lý chính là “nhất thị đồng nhân”. Người vô tư công chính sẽ đem người có hiềm khích với mình hay thân nhân con cái đều xem là giống nhau, đều là bách tính của quốc gia, đều có thể tin dùng tài năng. Như thế thì minh quân hay thanh quan mới có thể dựa vào đức hạnh phù hợp để tiến cử người đó, bất kể người này có mối quan hệ với mình thế nào.

Dựa theo “Đàm luận về Trinh Quán Chính Yếu – Phần 28
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Như

Xem thêm:

Mời xem video: