Để trở thành trạng nguyên, các sĩ tử xưa kia phải kinh qua một con đường khoa bảng vất vả, thường bắt đầu tìm thầy học khi lên 6, 7 tuổi, trải qua hàng chục năm, có những người ngoài 50 tuổi mới đỗ đạt.

Triều đình ta xưa kia không mở trường dạy trẻ em ở địa phương mà chỉ mở trường huyện, phủ, tỉnh. Quan giáo dục ở huyện gọi là huấn đạo, ở phủ gọi là giáo thụ, ở tỉnh gọi là đốc học.

Trẻ nhỏ khi mới bắt đầu là học thầy giáo làng. Thầy giáo làng được mệnh danh là thầy đồ, thường là những người học giỏi nhưng không đỗ đạt cao, hoặc có người thi đỗ nhưng không muốn ra làm quan, hoặc là quan lại nghỉ hưu về làng dạy học.

Con đường khoa bảng thời xưa
(Ảnh: Manhhai, Flickr)

Bắt đầu làm quen với chữ, học trò thường kinh qua các sách đầu tiên như “Sơ học vấn tân”, “Tam tự kinh” (kinh 3 chữ), “Tứ tự kinh” (kinh 4 chữ), “Ngũ ngôn” (văn vần 5 chữ). Sau đó trẻ tập làm văn, câu đối 2 chữ, 4 chữ, biết phân biệt vần.

Khoảng 10 tuổi, trẻ bắt đầu học “Tứ thư”“Ngũ kinh”, học lịch sử và các tấm gương các triều đại khác nhau. Học trò phải nhớ tất cả khi được thầy hỏi.

Sau đó trẻ học “Bách gia”, “Chư tử”, văn thơ tiêu biểu của các danh nhân. Các nội dung này trẻ phải học thuộc, nếu quên thì phải tìm thầy để hỏi lại.

Sau khi thuộc làu văn thơ, kinh sách, viết văn, làm thơ, vế đối, học trò phải biết viết bài luận và tập soạn thảo các loại văn bản của triều đình.

Kỳ thi khoa bảng

Kỳ thi khoa bảng đầu tiên ở nước ta được tổ chức vào năm 1075 thời vua Lý Nhân Tông. Lúc đầu 12 năm mới tổ chức một khoa thi, sau đó giảm xuống còn 7 năm một lần. Năm 1435, vua Lê Thái Tông đổi lại 6 năm tổ chức khoa thi một lần, đến năm 1466 lại đổi thành 3 năm tổ chức khoa thi một lần.

Một một khoa thi có 3 kỳ thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Để được dự kỳ thi Hương, sĩ tử phải được xã trưởng ở địa phương xác nhận là có tư cách đạo đức. Sau đó phải qua được kỳ kiểm tra sát hạch bằng cách phải ghi chép lại “Tứ thư” “Ngũ kinh” chính xác. Ai đỗ đầu kỳ thi sát hạch này được tặng danh hiệu là “Đầu xứ”, những sĩ tử nào vượt qua được mới được dự thi Hương.

Thi Hương

Thi Hương được tổ chức ở các địa phương để chọn người vào thi Hội. Kỳ thi Hương thường có 3 vòng gọi là “tam trường”, hoặc 4 vòng “tứ trường”.

Vòng đầu thi “kinh nghĩa”, “thư nghĩa”: Đề thi lấy từ “Tứ thư” “Ngũ kinh” và yêu cầu sĩ tử phải giải thích rõ ý nghĩa, vòng thi này kiểm tra khả năng hiểu biết “Tứ thư” “Ngũ kinh” của các sĩ tử. Vòng hai thi “chiếu biểu” (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ…). Vòng ba thí sinh phải sáng tác thơ phú theo yêu cầu đề thi. Vòng bốn viết bài văn sách tự luận, nhằm kiểm tra khả năng biện bác, bàn luận của sĩ tử.

Sĩ tử nào đỗ tam trường (tức qua 3 vòng đầu) được gọi là Sinh đồ (tương đương với đỗ tú tài sau này), dân gian hay gọi là ông Đồ, ông Tú. Đỗ tam trường không được triều đình bổ dụng, nhưng được trong làng phong làm chức sắc, ở trong hội đồng làng, được miễn sưu dịch; trong làng có cỗ thì được mời ngồi chiếu trên, nhận được sự kính trọng trong làng.

Nếu đỗ được cả bốn trường thì mới được xem là đậu thi Hương và được gọi là Hương cống (tương đương với bậc cử nhân ngày nay), dân gian hay gọi là ông Cống, ông Cử. Người đỗ đầu thi Hương được gọi là Giải nguyên.

Đỗ thi Hương ngoài được tiếp tục tham gia thi Hội, còn được bổ dụng làm quan ngạch cửu phẩm, được vua ban áo mũ và làng xã phải đón tiếp vinh quy.

Thi Hội

Thi Hội dành cho các sĩ tử đã đậu thi Hương và các giám sinh đã mãn khóa Quốc tử giám. Giống như thi Hương, thi Hội cũng có bốn trường với nội dung giống thi Hương nhưng ở mức độ khó hơn nhiều.

Đề thi Hội thường bao hàm nhiều kiến thức ở các lĩnh vực, đòi hỏi sĩ tử phải có kiến giải độc đáo và đưa ra phương án khả thi, nhất là thi văn sách. Có câu, muốn đỗ cả tứ trường trong thi Hội thì phải học “thiên kinh vạn quyển”.

Sĩ tử phải qua cả tứ trường mới xem là đỗ kỳ thi Hội và nhận học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh), dân gian thường gọi là ông Nghè. Người đỗ đầu thi Hội là Hội nguyên.

Thi Đình

Thí sinh đậu thi Hội lúc này còn rất ít, bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình hay Điện thí. Sở dĩ có tên gọi này vì kỳ thi được tổ chức ngay tại sân điện của nhà Vua, do đích thân Vua ra đề thi, sĩ tử làm bài văn sách rồi nộp, việc chấm thi cũng do đích thân nhà Vua chấm.

Thi Đình không có ai rớt cả, đây là cuộc thi nhằm phân định cấp bậc. Có 3 bậc như sau:

  • Bậc 1: Đỗ tiến sĩ đệ nhất giáp (tiến sĩ cập đệ), gồm 3 sĩ tử đỗ cao nhất gọi là “Tam khôi”.
  • Bậc 2: Đỗ tiến sĩ đệ nhị giáp (tiến sĩ xuất thân hay hoàng giáp), dân gian gọi là ông Hoàng.
  • Bậc 3: Đỗ tiến sĩ đệ tam giáp (đồng tiến sĩ xuất thân), dân gian gọi là Tiến sĩ.

Ngoài ra, đỗ đầu là Trạng nguyên, đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ thứ ba là Thám hoa. Tuy nhiên khi ở ngôi Trạng nguyên, sĩ tử không chỉ đỗ đầu mà còn phải đạt điểm cao tuyệt đối. Con đường dẫn đến danh hiệu Trạng nguyên không dễ dàng chút nào, trong lịch sử khoa bảng, có các khoa thi không có Trạng nguyên vì dù đỗ đầu nhưng không đạt điểm cao tuyệt đối.

Hai trường hợp trong lịch sử khoa bảng từ ăn mày trở thành tiến sĩ
“Bảng vàng” thời xưa. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Sau khi kỳ thi khoa bảng kết thúc, các sĩ tử sẽ được dự yến tiệc trong cung với nhà Vua, thăm vườn ngự uyển, được vinh quy bái tổ. Nhưng phần thưởng cao quý nhất là được ghi tên trên bảng vàng, được khắc trên bia đá ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: