Đạo Đức Kinh viết: “Công thành, danh toại, thân thoái, Thiên chi đạo”, công danh đều có được rồi thì nên thoái lui, đó là hợp với đạo của Trời. “Công thành thân thoái” không chỉ là sách lược trí tuệ, mà người hiểu được “công thành thân thoái” còn là người nắm chắc được thời cơ, đạt đến trạng thái nhân sinh cao thượng.

Công thành thân thoái: Người sáng suốt biết dừng lại đúng lúc
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Trong lịch sử, có một vị tể tướng thời Đường thường hay bị sử gia chê cười vì lúc có cơ hội rất tốt lại không ra làm quan, lúc đang ở vị trí “dưới một người mà trên muôn người” thì lại xin lui về, đó là Lý Bí. Lý Bí làm quan trải bốn đời Hoàng đế là Đường Huyền Tông, Đường Túc Tông, Đường Đại Tông và Đường Đức Tông. Đây là thời kỳ được đánh giá là có họa loạn, có những giai đoạn gian thần nắm quyền, Trung Nguyên bị chia cắt… Rất nhiều đại thần không phải chết bởi lời gièm pha thì cũng chết bởi đao kiếm.

Ấy vậy mà Lý Bí lại được bốn đời Hoàng đế tín nhiệm, mặc dù bị vu cáo hãm hại, gièm pha nhưng ông vẫn thoát nạn, cả đời bình an. Lý Bí làm được như vậy là dựa vào hai bí quyết: “tị quyền nhượng vị” (tránh quyền, nhường tước vị) và “công thành thân thoái” (việc hoàn thành rồi thì lui thân) .

Thời Đường Huyền Tông, Lý Bí vẫn là một thiếu niên nhưng bởi vì có trí tuệ xuất chúng mà nổi danh trong triều đình. Đường Huyền Tông muốn bổ nhiệm ông làm quan phục vụ Thái tử Lý Hanh nhưng ông khước từ, chỉ nguyện được dùng thân phận áo vải lui tới với Thái tử.

Thái tử Lý Hanh xem ông là thầy giáo, đối đãi với ông vô cùng kính trọng. Về sau này, Lý Bí bị gian thần Dương Quốc Trung đố kỵ, gièm pha mà bị bài xích. Vì thế ông từ bỏ chức vụ mà đi. Ông du ngoạn tới Tung Sơn, Dĩnh Thủy, kết quả tránh được họa nạn lần này.

Sau thời kỳ họa loạn do Dương Quốc Trung gây ra, Lý Hanh lên ngôi lấy hiệu là Đường Túc Tông đã phái sứ thần đến thỉnh mời Lý Bí rời núi và phong cho ông chức tể tướng. Nhưng Lý Bí chỉ rời nơi ẩn cư chứ kiên quyết từ chối nhận chức vị, nói với Đường Túc Tông rằng: “Bệ hạ dùng thân phận khách quý, bạn bè để đối đãi thần, đây chẳng phải là tôn quý hơn chức vị tể tướng hay sao? Xin đừng miễn cưỡng thần!”

Hoàng đế Đường Túc Tông đành phải để tùy ông lựa chọn. Nhưng Hoàng đế vô cùng tin tưởng ông, bất kể là việc lớn gì trong triều đình, Hoàng đế đều thỉnh giáo ông, thậm chí cả việc bổ nhiệm tể tướng, nguyên soái, chọn người… Mỗi khi trong triều có nghị sự, ông lại được Hoàng đế hỏi ý. Đây đúng là điều mà người ta gọi là “người không ở đấy mà mưu ở đấy”.

Khi quân đội triều Đường thu phục được phản loạn, giành được nhiều thắng lợi, Lý Bí lại hướng Hoàng đế xin được lên núi quy ẩn. Bấy giờ Đường Túc Tông còn giữ Lý Bí bên cạnh, cùng chia sẻ giường ngủ để tiện bề đàm đạo. Vậy là Lý Bí nói: “Thần đã báo đáp được ân trọng của bệ hạ đối với thần, bây giờ, một lần nữa lại muốn trở thành người tự tại. Đối với thần, không có điều gì vui hơn điều này!”

Chuyện này khiến Đường Túc Tông vô cùng ngỡ ngàng: “Mấy năm qua, ta và tiên sinh, cùng nhau trải qua gian nan khổ cực, hiện giờ sắp được cùng nhau hưởng sung sướng, vì sao tiên sinh lại đột nhiên rời đi?”

Lý Bí nghiêm túc nói: “Thần có năm lý do không thể ở lại, khẩn cầu Bệ hạ để mặc cho thần được đi, miễn cho thần tội chết!”

Đường Túc Tông không hiểu, bèn hỏi: “Tiên sinh hãy chỉ giáo ta!”

Lý Bí nói: “Thần và bệ hạ hiểu nhau quá lâu, bệ hạ ủy thác cho thần quá nặng, bệ hạ tin tưởng thần quá sâu, công trạng của thần quá lớn, hành vi lại quá không bình thường. Năm điều này chính là lý do thần không thể ở lại.”

Đường Túc Tông không tỏ thái độ, chỉ nói: “Nên đi ngủ thôi, việc này về sau hãy nói!”

Lý Bí kiên trì nói tiếp: “Hiện giờ, thần và bệ hạ ngủ cùng giường, thỉnh cầu của thần còn không được phê chuẩn. Huống chi sau này ở trên triều đường, bàn xử án ở phía trước! Bệ hạ không cho phép thần rời đi, đây chẳng khác nào muốn đẩy thần vào chỗ chết!”

Đường Túc Tông nói: “Không ngờ tiên sinh đối với ta lại có lo lắng đến bước này, ngài quả thực xem ta giống như Câu Tiễn chỉ có thể chung hoạn nạn mà không thể chung vui!”

Lý Bí nói: “Nguyên nhân chính là vì bệ hạ sẽ không giết thần, thần mới thỉnh cầu quy ẩn, nếu là bệ hạ quyết định giết thần, thần sao dám nói? Bệ hạ luôn luôn đối đãi thần tốt như vậy, có một số việc thần còn không dám nói, tương lai sau này khi thiên hạ yên ổn rồi, thần lại càng không dám nói”.

Lý Bí có cái nhìn thông thấu với công danh, nhưng ông vẫn tránh không được sự đố kỵ, gièm pha của hoạn quan trong triều. Lý Bí cuối cùng kiên quyết rời khỏi hoàng cung, ẩn cư ở núi Hành Sơn. Đường Túc Tông ban thưởng cho ông bổng lộc của quan tam phẩm, xây dựng phòng ốc cho ông ở núi Hành Sơn.

Sau này Đường Đại Tông lên ngôi lại mời Lý Bí về Trường An, rất tín nhiệm ông, nhưng cũng không thể thuyết phục được Lý Bí nhận chức tể tướng. Trong thời gian này, Lý Bí lại góp nhiều công trong việc bình loạn, ổn định triều chính.

Đến thời Đường Đức Tông lại càng tin tưởng Lý Bí hơn. Cuối cùng sau bốn đời Hoàng đế mong mỏi, Lý Bí đã trở thành tể tướng, lại tiếp tục cống hiến nhiều kế sách để giúp đỡ dân chúng, an định triều đình, dù không thể ngăn cản nổi sự sa đọa của Đức Tông.

Lý Bí từng là đạo sĩ tu Đạo, ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của Đạo gia. Lý Bí đã thấu hiểu lời dạy “công thành thân thoái” của Lão Tử, biết đó là đạo Trời nên khi việc lớn đã hoàn thành, ông liền không cầu quan, không luyến tiếc tước vị, biết tùy thời mà dừng nên không bị ràng buộc, lại có thể tránh được họa mà bảo toàn được tính mạng. Đây thật sự là cảnh giới cao thượng của một vị tể tướng.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: