Ít người biết trước thời điểm Lăng Cô được công nhận là một trong những “vịnh đẹp nhất thế giới” (2009) đến 93 năm (tức năm 1916), vua Khải Định đã phát hiện được những giá trị về cảnh quan và khí hậu tuyệt vời của Lăng Cô và cho xây dựng một cung điện mùa hè tại đây.

Ông vua thứ 12 của triều Nguyễn này là người đầu tiên cho xây dựng hành cung ở Lăng Cô để hưởng những giá trị trời cho ở khu vực cực Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế. Suốt chiều dài lịch sử, hiếm có một nơi nào trên đất nước Việt Nam được những người đứng đầu nhà nước thời quân chủ chọn làm nơi thừa lương của họ như vua Khải Định đã chọn Lăng Cô.

Lăng Cô và sự ra đời của Hành cung Tịnh Viêm

Theo Hoàng Việt Giáp Tý Niên biểu và ông Nguyễn Đắc Vọng – Ngũ đẳng Thị vệ hầu cận của vua Khải Định, vào trung tuần tháng 4/1916, vua Khải Định lên ngôi. Bốn tháng sau, vua “ngự giá đi Quảng Nam xem xét phong tục, tập quán” (8/1916).

Cũng có một cung điện mùa hè được xây dựng dưới triều nhà Nguyễn
Bia “Hành Cung Tịnh Viêm” do vua Khải Định ngự chế (1919) dựng bên đường đi vào làng An Cư Đông thuộc Thị trấn Lăng Cô ngày nay. (Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân)

Trên đường đi và về, nhà vua đã nghỉ lại Lăng Cô một thời gian. Những phát hiện, đánh giá về cảnh quan và khí hậu tuyệt vời ở Lăng Cô của ông được ông ghi lại rõ trong tấm bia Hành cung Tịnh Viêm và được học giả Phan Thuận An dịch nguyên văn từ chữ Hán sang chữ Việt sau đây:

Bài văn bia Hành cung Tịnh Viêm do vua Khải Định ngự chế.

Vào tháng sáu mùa hè năm đầu (tức tháng 8-1916) Trẫm mới lên ngôi (1916), nhân dịp đi tuần du trong tỉnh[1] để xem xét phong tục, xe loan hướng về phía Nam, vượt qua sông núi, không đâu không nhìn ngắm kỹ, bỗng gặp được chốn này.

Ở đây đất liền với núi Phú Gia, bãi cát giăng ngang, nước tiếp đại dương, sông chảy quanh quất. Núi non cao ngất ôm phía sau, đầm nước trải dài về phía trước. Phía Nam giáp với Hải Vân Quan, phía Bắc liền với cửa biển Cảnh Dương. Thôn yên, đảo vắng, nơi nơi cây biếc ráng hồng; bãi hạc đầm le, thỉnh thoảng vọng tiếng tiều phu và nhịp chèo ngư phủ. Trông về núi thì thấy mây lạ bay lên từ hang hốc, như những nàng tiên múa ở non bồng; nhìn xuống nước thì gió trong xua sóng biển, như muôn ngựa chầu về. Bấy giờ mới dừng xe trông ra bốn phía, vui mắt nhìn xem, thấy nào là khí lành, nào là gió dịu, nào là cảnh vui, nào là vật đẹp. Đắm nhìn một hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở hẳn ra, và xúc cảnh sinh tình.

Đến ngày quay xe trở về, liền ban sắc bảo Bộ Công đến đó xây dựng hành cung, đặt tên là Hành cung Tịnh Viêm, để làm nơi hóng mát giữa mùa hè, thỉnh thoảng rước lưỡng cung[2] về tránh nóng và ngắm xem phong cảnh. May mà được hai ngài ưa thích. Vậy thì hành cung này chẳng phải để riêng Trẫm vui thú lúc rảnh rang mà còn ghi chép để lưu lại về sau một nơi nghỉ mát và một thắng cảnh. Vì thế cho nên làm bài văn này để khắc vào bia đá.

Ngày 24 tháng 2 năm Khải Định thứ 4 (tức là ngày 25/3/1919).[3]

Bác tôi là ông Nguyễn Đắc Vọng – Ngũ đẳng Thị vệ, người được chọn hầu hạ bên vua Khải Định, nhiều lần bác theo phục vụ vua ở Hành cung Tịnh Viêm. Qua bác Ngũ, tôi biết được chút đỉnh lai lịch về sự ra đời của Hành cung Tịnh Viêm và những người trong Hoàng gia đã từng sống qua ở đó.

Cũng có một cung điện mùa hè được xây dựng dưới triều nhà Nguyễn
Hành cung Tịnh Viêm.

Hành cung Tịnh Viêm được xem như dinh thất của Hoàng gia ở phía Nam Huế. Đúng như nhà vua đã viết, ông từng mời hai bà mẹ (vợ vua Đồng Khánh) vào nghỉ mát ở Lăng Cô và hai bà rất thích Lăng Cô.

Vào mùa viêm nhiệt, có “ngài ngự” hay không, các bà phi (vợ vua Khải Định) vẫn đem nhau vào đó nghỉ mát. Vua Bảo Đại lúc còn là Hoàng tử Vĩnh Thụy mới năm sáu tuổi cũng thường theo Đức Từ Cung vào đây.

03 15
Vua Khải Định (1916-1925) – người chọn Lăng Cô làm khu nghỉ mát cho Hoàng gia và đời sau. (Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm)

Người vào đây nổi tiếng nhất là bà Đệ nhị Giai phi Hồ Thị Chỉ (vợ thứ hai của vua Khải Định, thường gọi là bà Ân Phi). Bà Ân Phi họ Hồ, con gái quan Đại thần Hồ Đắc Trung, trẻ, đẹp, biết tiếng Pháp, không có con nên bà có nhiều thời gian ở Hành cung Tịnh Viêm hơn. Thỉnh thoảng, nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Bảo hộ Pháp như Khâm sứ Trung Kỳ, Công sứ Thừa Thiên vào Lăng Cô hầu chuyện với bà.

Cũng có một cung điện mùa hè được xây dựng dưới triều nhà Nguyễn
Hai bà mẹ vua Khải Định: bà Thánh Cung (Nguyễn Thị Nhàn)
và bà Tiên Cung (Dương Thị Thục). (Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm)

Đến thời Bảo Đại (1926-1945), trong khuôn viên Hành cung Tịnh Viêm xây dựng thêm nhiều kiến trúc mới theo kiểu Tây phương để làm khu nghỉ mát cho gia đình ông vua cuối cùng triều Nguyễn sống theo phong cách Tây phương. Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và các hoàng tử công chúa cuối cùng của triều Nguyễn đã đến nghỉ mát ở Lăng Cô. Cho mãi đến đầu năm 1947, khu vực Hành cung Tịnh Viêm mới bị triệt hạ trong cao trào “Tiêu thổ kháng chiến chống Pháp”.

05 5
Đức Từ Cung và Hoàng tử Vĩnh Thụy. (Ảnh: Con Rồng An Nam – Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm)

Với con mắt của người làm văn hóa du lịch, theo tôi, khu Hành cung Tịnh Viêm xưa ở Lăng Cô là cung điện mùa hè của các vua cuối triều Nguyễn. Với những nhân vật triều Nguyễn sống qua ở đây, ta có thể xem họ là những khách du lịch quốc gia và quốc tế đã đến Lăng Cô từ đầu thế kỷ trước. Hành cung Tịnh Viêm là cơ sở lịch sử vững chắc cho khu du lịch quốc gia Lăng Cô sau này. Suy nghĩ như vậy cho nên trong cuộc Hội thảo “Về tiềm năng và cơ hội để phát triển Lăng Cô thành khu du lịch quốc gia Việt Nam” do UBND tỉnh tổ chức tại Lăng Cô vào chiều 21-8-2005, tôi đã đề xuất nên xây dựng lại Hành cung Tịnh Viêm. Nhưng rất tiếc, đề nghị của tôi không được hội thảo quan tâm. Sau đó tôi gởi đăng đề nghị của tôi lên Trang miền Trung báo Lao Động và trao đổi riêng với một số người thân quen đang phụ trách nhiều cơ sở du lịch ở Lăng Cô. Các bạn đã tình thật bảo tôi:

– Nếu anh cung cấp được một tấm ảnh Hành cung Tịnh Viêm cho chúng tôi thì đề nghị của anh mới khả thi, còn chỉ căn cứ trên tấm bia thì không tài nào xây dựng lại được!

Các bạn đã chọc đúng vào chỗ yếu của tôi là chưa tìm được tấm ảnh Hành cung Tịnh Viêm nên tôi đành xếp đề nghị đó qua một bên. Nhưng rồi mỗi lần đi qua Lăng Cô, thấy Lăng Cô phát triển du lịch mạnh, nhiều nhà hàng khách sạn mọc lên nguy nga làm cho tôi sực nhớ lại đề nghị của mình hồi mùa thu năm 2005. Tất cả những gì Lăng Cô đang có nhiều nơi khác cũng có, có chỗ còn nguy nga sang trọng, phong phú hơn Lăng Cô nhiều. Với kinh nghiệm đi du lịch nhiều nước trên thế giới, tôi nghĩ Lăng Cô muốn hơn thiên hạ thì phải có sự độc đáo. Ý tưởng đi tìm sự độc đáo cho Lăng Cô lại dậy lên trong tâm trí tôi. Tôi đã chia sẻ tâm sự của mình với nhiều bạn bè trong và ngoài nước.

Xây dựng, tôn tạo Hành cung Tịnh Viêm, điểm nhấn du lịch độc đáo cho Lăng Cô

Sau nhiều năm tìm kiếm, trong lúc tôi vẫn chưa tìm được hình ảnh Hành cung Tịnh Viêm thì tôi lại sưu tập được nhiều mẩu chuyện, nhiều hình ảnh về những nhân vật từng đến Hành cung Tịnh Viêm và những nơi khác liên quan đến triều Nguyễn và Huế xưa. Bỗng năm qua, nhân bức tranh Chiều Tà của vua Hàm Nghi được đưa ra bán đấu giá ở Paris, chuyện hình ảnh vua Hàm Nghi và gia đình ở nước ngoài, rộ lên. Một nhà sưu tập ảnh cổ (xin giấu tên) đọc báo và xem phim Đi tìm dấu tích ba vua, biết tôi đã gặp được Công chúa Như Lý con gái vua Hàm Nghi (năm 2000), biết tôi có nhiều hình ảnh chưa công bố liên quan đến những năm tháng vua Hàm Nghi bị lưu đày ở xứ người, đã tìm cách liên lạc trao đổi với tôi. Ông cho biết, ông sống ở nước ngoài nhưng có nhà ở Sài Gòn. Ông tha thiết muốn có tấm bưu thiếp chụp lâu đài De la Nauche có bút tích của Công chúa Như Lý gởi qua đường bưu điện tặng tôi trước khi công chúa qua đời (2005) ở Corrèze (miền Trung Tây nước Pháp). Ông tự giới thiệu có một bộ sưu tập bưu ảnh và ảnh triều Nguyễn và Huế xưa trên dưới một ngàn tấm.

Những tấm ảnh cổ nhất là các bức chân dung Phái đoàn ngoại giao do cụ Phan Thanh Giản dẫn đầu sang Pháp năm 1863. Tấm ảnh mới nhất chụp cảnh một chiếc tàu chiến của Hoa Kỳ chở hàng ngàn người chạy thoát ra khỏi cửa Thuận An hồi cuối tháng 3-1975. Nhiều bưu ảnh về một di tích, về một nhân vật được chụp qua nhiều thời kỳ, nhiều tấm ông đã có nhưng khi gặp lại ông vẫn mua nên trùng nhau. Ông sẵn sàng đổi cho tôi bất cứ tấm bưu ảnh nào ông có hai bản để ông lấy tấm bưu ảnh lâu đài De La Nauche có bút tích của Công chúa Như Lý viết tặng tôi. Tôi vốn rất quý tấm bưu ảnh có bút tích của Công chúa Như Lý tặng, nên trước chuyện “mặc cả” này làm cho tôi hơi bâng khuâng. Nhưng rồi, tôi đánh liều trả lời “đối tác”:

– OK. Tôi không quan tâm đến những gì ông đang có, nếu ông có tấm ảnh Hành cung Tịnh Viêm ở Lăng Cô xây dựng năm 1916, tôi có thể…

Tôi được “đối tác” trả lời một cách lạnh lùng:

– Làm gì có. Tôi sẽ gởi cho ông một danh sách để ông chọn một tấm khác được không?

Tôi đáp:

– Tôi là nhà nghiên cứu, tôi cần thông tin chứ tôi không phải là nhà sưu tập vật cổ, ảnh cổ! Nếu ông chưa có Hành cung Tịnh Viêm thì ông tìm hộ, tôi sẽ chờ ông!

– OK!

Như thế, từ cuối năm 2010, tôi có được một “cộng tác viên” ở Pháp giúp tôi tìm hình ảnh Hành cung Tịnh Viêm. Gần một năm chờ đợi, không được hồi âm, tôi nghĩ chuyện ấy đã rơi vào quên lãng. Đột nhiên, cuối tháng 10-2011 vừa qua, tôi được “đối tác” điện thoại và hẹn gặp ở Sài Gòn. Với giọng trịnh trọng, ông báo:

– Tôi đã mua được tấm ảnh Lăng Cô: Résidence d’Été de L’Empereur d’ Annam – tức Hành cung Tịnh Viêm mà ông yêu cầu. Tôi cám ơn ông, nhờ ông mách mà tôi biết để đặt cho các hiệu sách cũ ở Paris tìm cho tôi tấm ảnh quý mà trong bộ sưu tập của tôi chưa hề có. Tôi nhớ ông có nói ông “chỉ cần thông tin” cho nên tôi xin tặng ông một bản sao Hành cung Tịnh Viêm để ông sử dụng. Còn tấm bưu ảnh của Công chúa Như Lý của ông, tôi sẽ dành cho ông chọn lựa một tấm bưu ảnh khác mà ông thích!

Nhận được thông tin này tôi quá mừng. May là nói qua điện thoại nên “đối tác” không thấy được sự phấn khởi bốc lên trên khuôn mặt tôi. Tuy thế tôi vẫn cố giữ giọng bình thản đáp:

– Vui quá. Cám ơn ông rất nhiều. Nhưng sao ông không thực hiện sự trao đổi như chúng ta đã hứa với nhau cuối năm ngoái!

Đối tác đáp:

– Xin lỗi. Tôi xin tặng ông một bản sao có đầy đủ thông tin cho ông rồi. Còn tôi phải giữ tấm bưu ảnh đó để bổ sung cho bộ sưu tập của tôi. Nếu thiếu tấm bưu ảnh đó bộ sưu tập của tôi giảm giá trị rất nhiều. Tấm bưu ảnh đó vô giá nếu nó nằm trong bộ sưu tập của tôi. Còn như đưa nó ra ngoài, để chung với lèo tèo năm ba cái bưu ảnh Huế khác thì không có giá trị mấy. Những người chơi cổ vật mới hiểu giá trị của các bộ sưu tập. Mong ông thông cảm!

Đề nghị xây dựng lại Hành cung Tịnh Viêm ở Lăng Cô của tôi năm 2005 đã “khả thi”. Mừng quá nên tôi cám ơn “đối tác” bằng một lời hứa xanh rờn:

– Tôi hiểu. Như thế tôi sẽ gởi tấm bưu ảnh lâu đài De la Nauche – nơi thờ vua Hàm Nghi ở Pháp, có bút tích của Công chúa Như Lý vào bộ sưu tập vô giá của ông mà không nhận lại bất cứ một bưu ảnh nào khác của ông cả!

“Đối tác” reo lên trong máy:

– Ôi trời! Cám ơn ông đã dành cho tôi một sự bất ngờ mà tôi chưa bao giờ gặp được. Xin mời ông 5 giờ chiều nay đến quán Chay trên đường… nhận bản sao Hành cung Tịnh Viêm mà tôi đã sao dành tặng ông!

– Cám ơn ông. Tôi sẽ đến đúng giờ!

5 giờ chiều một hôm cuối tháng 10-2011, tôi đã nhận được bản sao tấm ảnh Hành cung Tịnh Viêm từ một Việt kiều Pháp trong một quán ăn chay. Nhận được một món quà quý và quý hơn nữa là từ nay tôi có thêm được một người bạn yêu Huế xưa như tôi. Bức ảnh quý của triều Nguyễn ở Lăng Cô sẽ đến với ngành du lịch Thừa Thiên Huế – Lăng Cô ngay dưới đây.

Cầm tấm ảnh này trong tay, với sự hướng dẫn của ông Trịnh Cao Phong – Chánh văn phòng UBND thị trấn Lăng Cô, tôi được biết kiến trúc chính của Hành cung Tịnh Viêm là một ngôi nhà rường ba gian hai chái, dựng trên một đồi cát hướng ra vịnh Lăng Cô. Đoạn giữa dãy hành lang phía trước xây lồi ra một khoảng rộng được xem như cái “Đài Vọng Hải” dành cho Hoàng gia ngồi ngắm biển. Vị trí đồi cát nằm phía sau tấm bia Hành cung Tịnh Viêm thuộc làng An Cư Đông ngày nay. Ông Phong cho biết thêm, các vị bô lão ở Lăng Cô từng kể cho con cháu nghe ngày xưa vua Khải Định và sau đó là vua Bảo Đại hay về nghỉ mát ở Lăng Cô, họ thường ra câu cá ở đầm An Cư. Các vua không dùng nước ở các giếng trong Làng Chài. Giếng nước dành cho vua – “Giếng ngự”, ở mãi dưới chân đèo Hải Vân phía bên kia đầm An Cư (nay vẫn còn). Hằng ngày, những người phục vụ vua phải chèo đò sang bên ấy chở nước về cho Hoàng gia dùng.

*****

Muốn dựng lại Hành cung Tịnh Viêm để khai thác du lịch còn nhiều việc phải bàn. Tuy thế cho đến nay, so với Biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn, Cung Nam Phương ở Đà Lạt, Biệt điện của Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột… không có nơi nào được chủ nhân của nó chọn và đánh giá cao về mặt du lịch như Hành cung Tịnh Viêm ở Lăng Cô, không có nơi nào thuận lợi để tổ chức thành một bảo tàng về các vua cuối triều Nguyễn “đi du lịch” bằng Hành cung Tịnh Viêm ở Lăng Cô.

Mọi việc còn ở phía trước, xin dành cho các nhà kinh doanh du lịch. Riêng đối với tôi, Mùa Xuân 2012 này, tôi có thêm được một niềm vui là đã đi đến cùng nguyện vọng tìm cho du lịch Lăng Cô một nét độc đáo. Vui thay!

Gác Thọ Lộc, Tháng 12-2011
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân

Đăng lại từ bài viết “Gần một trăm năm trước, Lăng Cô đã ‘lọt mắt xanh’ của vua Khải Định”, đăng trên Báo điện tử Thừa Thiên Huế
Tham khảo từ Fanpage Cố Đô.

Chú thích:

[1]. Trong Niên biểu vua Khải Định ghi là “đi Quảng Nam”

[2]. Tức hai bà Thánh Cung (Nguyễn Thị Nhàn) và bà Tiên Cung (Dương Thị Thục), mẹ đích và mẹ đẻ của vua Khải Định

[3]. Phan Thuận An, Huế Xưa và nay Di tích và danh thắng, Nxb Văn hóa Thông tin, HN. 2008, tr 182-183.

Xem thêm:

Mời xem video: