Vào thế kỷ 19, nhiều nước châu Á trở thành thuộc địa của cường quốc phương Tây, người Nhật Bản hiểu rằng để tránh phải chịu chung số phận thì cần cải cách đưa đất nước đến hùng mạnh, có tiềm lực quân đội ngang phương Tây thì mới được.

Cải cách

Sau khi giành được quyền từ chế độ Mạc Phủ, Thiên Hoàng Minh Trị cùng những nhân tài xung quanh ông thực hiện chính sách cải cách thay đổi quân sự, xã hội, chính trị và kinh tế, đưa Nhật Bản trở thành cường quốc công nghiệp, nhưng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống và niềm tin tín ngưỡng của dân tộc mình.

Nhật Bản cho nhập khẩu vũ khí từ phương Tây, thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn tìm hiểu, để có thể tự sản xuất được vũ khí. Các sĩ quan nước ngoài trực tiếp huấn luyện quân đội: hải quân theo mô hình của Anh, bộ binh theo mô hình của Đức, hệ thống hậu cần được học hỏi từ nước Mỹ, đồng thời các sĩ quan của Nhật cũng được đưa sang Anh, Pháp học tập. Sau một phần tư thế kỷ quân đội Nhật Bản thay đổi hoàn toàn.

Nhật Bản đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến năm 1894-1895. Thất bại này khiến nhà Thanh phải dâng Đài Loan, quần đảo Bành Hồ cùng bán đảo Liêu Đông cho Nhật Bản. Đồng thời Nhật Bản cũng thay nhà Thanh giữ quyền thiên triều bảo hộ cho Triều Tiên.

Năm 1902, trước sự hùng mạnh của mình, người Nhật tự tin tuyên bố xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng đã ký trước đây với các nước phương Tây.

Đế quốc Nga bành trướng về phương đông

Lúc này Đế quốc Nga hùng mạnh và tham vọng liên tục tiến về phía Đông, từ Trung Á đến tận bán đảo Kamchatka (ở miền viễn Đông nước Nga). Nga cho làm đường sắt xuyên Sibir đến tận hải cảng Vladivostok để củng cố ảnh hưởng ở Đông Á.

Tháng 12/1897, hạm đội Nga cập cảng Lữ Thuận (ở bán đảo Liêu Đông). Nhận thấy hải cảng này hoạt động rất tốt, Nga muốn có được nó. Bởi vì dù Nga đã có hải cảng Vladivostok nhưng cảng không hoạt động được vào mùa đông do bị đóng băng.

Cuộc chiến với Nga giúp Nhật Bản khẳng định vị thế cường quốc (P1)
Bản đồ bán đảo Liêu Đông. (Ảnh: Kmusser, Wikipedia, CC BY-SA 2.5)

Đầu năm 1898, Nga ỷ là cường quốc, đàm phán với nhà Thanh và buộc nhà Thanh phải ký hiệp định cho Nga được chiếm giữ và hoạt động ở cảng Lữ Thuận và cảng Đại Liên trên bán đảo Liêu Đông, dù trước đó nhà Thanh đã dâng bán đảo này cho Nhật. Nga cảm thấy tự đắc vì không cần vũ lực mà vẫn có được cảng Lữ Thuận hoạt động quanh năm lại nằm ở vị trí chiến lược.

Triều Tiên lúc này dù đang được Nhật bảo hộ, nhưng Nga lại gây sức ép để Triều Tiên cho phép mình được khai thác mỏ và đẵn gỗ ở lưu vực sông Áp Lục và Đồ Môn (Tumen).

Lúc này ở Trung Quốc có loạn quân Nghĩa Hòa Đoàn ngày càng mạnh. Năm 1900, các Sứ quán phương Tây ở Bắc Kinh bị loạn quân bao vây. Do Nga và Nhật gần Bắc Kinh nhất nên cùng cho quân tiến đến giải vây cho Sứ quán các nước. Sau đó Nga đưa quân đến đóng luôn ở Mãn Châu, rồi trấn an rằng sẽ rút đi khi vãn hồi được trật tự.

Chiến tranh Nga Nhật
Màu xanh là vị trí Mãn Châu. (Ảnh: Boracasli, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Thế nhưng 3 năm sau tức năm 1903, Nga vẫn không có ý định rút quân mà còn tính đóng chiếm lâu dài. Nga Hoàng còn xuống chiếu lệnh cho quân đội loại trừ ngoại bang ở Mãn Châu và dốc sức xây dựng quân đội Nga ở viễn đông.

Nhật tuyên chiến với Nga

Trước những mâu thuẫn lợi ích của hai bên, Nga và Nhật đã ngồi vào bàn đàm phán phân chia quyền lợi ở Đông Á. Nga cho rằng mình là nước mạnh, nên muốn giành nhiều lợi ích, khiến hai bên không thống nhất được. Đặc biệt Nhật muốn giữ cảng Lữ Thuận nhưng Nga muốn lấy cho bằng được hải cảng này.

Việc bành trước của Đế quốc Nga khiến Nhật có nguy cơ bị mất cả Triều Tiên, Mãn Châu và bán đảo Liêu Đông. Nga tuyên bố nếu Nhật không đồng ý với các đàm phán của Nga thì đe dọa chiến tranh.

Ngày 8/1/1904, Nhật Bản tuyên chiến với Nga, khiến chính quyền Nga sững sờ. Cả Sa Hoàng Nikolai II cùng các bộ trưởng Nga trước đó vẫn nghĩ Nhật là nước phương Đông yếu hơn, sẽ không thể làm gì một cường quốc như Nga.

Đây được xem là cuộc chiến lớn nhằm liễu giải sức mạnh của Nhật sau thời kỳ Minh Trị. Nếu Nhật thất bại thì Nga sẽ chiếm Mãn Châu cùng bán đảo Liêu Đông, Mãn Châu. Thất bại có thể khiến Nhật yếu đi và các nước phương Tây tiếp tục lấn tới. Nhật sẽ đứng trước nguy cơ biến thành thuộc địa như các nước châu Á khác.

Cuộc chiến với Nga giúp Nhật Bản khẳng định vị thế cường quốc (P1)
Kỳ hạm Mikasa của Đô đốc Tōgō Nhật Bản được bảo quản và trưng bày. (Ảnh: Nesnad, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Đáp trả lại tuyên bố của Nhật, 8 ngày sau Nga cũng tuyên chiến với Nhật.

Thế giới mặc dù không đứng về phe nào cả nhưng hẳn là rất nhiều quốc gia cho rằng một nước mới cải cách để phát triển như Nhật thì cũng chỉ là học phương Tây. Mà học của phương Tây thì không thể thắng một cường quốc như Nga được. Nga là nước mạnh, hải quân Nga được đánh giá mạnh thứ 2 trên thế giới lúc bấy giờ.

Khởi đầu cuộc chiến, Nhật muốn đánh đuổi Nga ra khỏi Mãn Châu. Muốn làm vậy thì trước tiên phải diệt hạm đội Nga ở cảng Lữ Thuận. Việc này được xem là khó khăn bởi Nga đã thiết lập được căn cứ hải quân mạnh ở Lữ Thuận.

  • (Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: