Cuộc tiến quân xuống phía nam của 26 vạn quân Đại Việt không chỉ giúp ổn định biên giới mà còn mở mang bờ cõi, các nước lân bang đều e sợ.

Cuộc nam tiến thời Lê sơ giúp mở mang bờ cõi, lân bang e sợ
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Chiêm thành tiến đánh Đại Việt

Năm 1460 vua Chiêm là Trà Duyệt mất, em là Trà Toàn lên ngôi. Đại Việt sử ký toàn thư của Đại Việt mô tả Trà Toàn là “hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, ngạo mạn kiêu căng”.

Trà Toàn lăng nhục cả sứ thần Đại Việt do vua Lê gửi đến, cho quân gây hấn biên giới với Đại Việt rồi sai người tâu với vua nhà Minh rằng Đại Việt xâm lấn và cầu viện binh giúp đỡ.

Tháng 8 âm lịch năm 1470, Trà Toàn cho 10 vạn quân tiến đánh Đại Việt, sự kiện này Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép như sau:

Tháng 8, quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn thân hành đem hơn 10 vạn quân thuỷ bộ cùng voi ngựa đánh úp châu Hoá. Tướng trấn giữ biên thuỳ ở châu Hoá là bọn Phạm Văn Hiển đánh không nổi, phải dồn cả dân vào thành, rồi cho chạy thư cáo cấp.

Đại Việt nam tiến

Nhận được tin báo, vua Lê Thánh Tông cấp tốc chuẩn bị 26 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành, trước khi xuất quân Vua soạn tờ chiếu kể tội Trà Toàn cùng những việc làm sai trái của quân Chiêm.

Ngày 6 tháng 11 âm lịch, Vua cho hơn 10 vạn quân xuất phát trước. Đến 16 nhà Vua cùng hơn 15 vạn quân còn lại lên đường đánh Chiêm.

Quân Đại Việt theo đường thủy tiến đến vùng biển thuộc tỉnh Bình Định ngày nay, nhằm đưa quân tiến đánh Kinh thành Chà Bàn của Chiêm.

Ngày 5 tháng 2 âm lịch năm 1471, Trà Toàn sai em của mình cùng 6 tướng dẫn 5 vạn quân đến đánh doanh trại Đại Việt. Ngày 6 vua Lê sai 3 vạn quân bí mật vào cửa biển Sa Kỳ để chặn đường quân Chiêm rút về; đồng thời sai tướng Nguyễn Đức Trung đưa quân đến chân núi mai phục.

Khi 5 vạn quân Chiêm tiến đến, vua Lê Thánh Tông cho 1.000 thuyền ở cửa biển Tân Áp và Cựu Toa đánh trống reo hò rất khí thế. Quân Chiêm thấy quân Việt đông đúc thì bỏ chạy vào thành Chà Bàn, nhưng bị quân Đại Việt chờ sẵn tiến đánh, khiến quân Chiêm tử trận rất nhiều.

Trà Toàn sợ hãi vội dâng biểu xin hàng. Ngày 27 vua Lê cho quân tiến đánh tan quân Chiêm ở thành Thi Nại. Ngày 28 quân Đại Việt tiến đến Kinh thành Chà Bàn, bao vây nhiều vòng. Dù Trà Toàn nhiều lần đem lễ vật xin hàng, nhưng vua Lê Thánh Tông quyết phải bắt sống Trà Toàn.

Quân Đại Việt đóng thang để vượt tường thành, đồng thời cũng phá được cửa đông và tiến vào thành. 4 vạn quân Chiêm bị tiêu diệt, 3 vạn quân cùng vua Trà Toàn bị bắt. Hậu nhân có người nhận xét đây là một cuộc thảm sát do quân Chiêm đã xin hàng và đã ở vào đường cùng.

Trà Toàn bị bắt và quy hàng, bị giải về Đại Việt, nhưng trên đường đi đến Nghệ An thì lo lắng thành bệnh mà qua đời.

Giữ yên biên giới, mở mang bờ cõi, lân bang e sợ

Tướng Chiêm Thành là Bô Trì Trì chạy đến Phan Lung, tự xưng Chúa chiếm giữ 1/5 đất Chiêm, rồi cho người mang lễ vật cống nạp và xin được thần phục Đại Việt. Vua Lê Thánh Tông đồng ý phong Bô Trì Trì làm vương vùng đất thuộc Phan Rang, Thuận Hải ngày nay.

Cuộc nam tiến thời Lê sơ giúp mở mang bờ cõi, lân bang e sợ
Bản đồ trước khi đánh Chiêm Thành. (Tranh: [email protected])

Đồng thời vua Lê Thánh Tông cũng phong Vương cho người Ê Đê ở xứ Hoa Anh (Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay), và phong Vương cho người Jarai ở Nam Bàn (gồm tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk ngày nay).

Cuộc nam tiến thời Lê sơ giúp mở mang bờ cõi, lân bang e sợ
Bản đồ sau khi đánh Chiêm Thành. (Tranh: [email protected])

Cuộc tiến quân toàn thắng của Đại Việt không chỉ giữ yên vùng biên giới phía nam, mà còn giúp mở mang bờ cõi. Lãnh thổ phía bắc của Chiêm Thành từ đèo Hải Vân – Đà Nẵng đến đèo Cù Mông – Phú Yên (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay) được sáp nhập vào Đại Việt.

Không chỉ thế, các nước láng giềng khác cũng e ngại sức mạnh Đại Việt như Lan xang (Lào ngày nay), Ayutthaya, Campuchia, Lan Na (Thái Lan ngày nay), Ava (Miến Điện ngày nay).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: