Tại tòa Khâm Sứ, quân Pháp bị bất ngờ tấn công giữa đêm khuya nên tập trung cố thủ để đợi đến sáng. Trong cuộc tấn công của phái chủ chiến, lực lượng quân Đại Nam có hơn 12.000 quân và 1.100 khẩu pháo thần công; phía quân Pháp có 1.400 quân cùng 17 khẩu pháo.

Quân Pháp cố thủ

Dù nắm lợi thế tấn công bất ngờ, nhưng pháo thần công của quân Triều đình có sức công phá yếu, chỉ bắn sập mái nhà và lầu tòa Khâm Sứ Pháp. Súng quân Triều đình có tầm bắn ngắn hơn súng quân Pháp nên dù quân số đông hơn nhưng khó tấn công được vào trong.

Cuộc tấn công bất ngờ vào tòa Khâm Sứ Pháp ở Huế (P2)
Tòa Khâm Sứ Pháp tại Huế. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Tại đồn Mang Cá, quân Triều đình hò reo phóng hỏa khiến trại lính bị thiêu cháy. Quân Pháp đang ngủ say vội bật dậy, tập trung đến nơi cách xa tầm đạn quân Triều đình để cố thủ.

Sau này vào năm 1916, A.Delvaux (ngoại vụ Paris) đã tường thuật lại trong bài viết của mình đăng trên tập san “Đô thành hiếu cổ” như sau:

“Một trong những phát đạn đại bác bắn từ ổ pháo phía Đông đã làm thủng mái và nền nhà của nhà Phái bộ (tức tòa Khâm Sứ Pháp).

Các trại lính của đại đội 27 và 30 của Tiểu đoàn 4 Thủy quân lục chiến bị cháy cùng một lúc với chỗ để đồ đạc của Phái bộ và các nhà hậu cần. Binh lính chạy đến bức tường bằng cửa phía trước của tòa nhà đối diện với trại binh. Ông De Courcy chỉ huy 160 người, bố trí cứ một cửa sổ hai người, biến ngôi nhà thành một pháo đài. Hàng loạt đạn súng trường bắn ra nhưng quan trọng nhất là sáu cỗ đại bác ở góc đông của Kinh thành đã cầm chân 1500 quân tấn công không có nhiều súng ống và ở cự ly xa. Cũng may là căn nhà để điện thoại ở cách xa nhà phái bộ 300m không bị đạn, nhờ vậy mà ông tướng (tức De Courcy) có thể liên lạc với đồn Thuận An. Ông tướng bị kẹt trong gian nhà chính giữa rất lo cho số phận của đồn Mang Cá. Đến sáng thì khẩu đội pháo gồm hai khẩu đại bác hướng nòng về phía Tây nhà phái bộ đã bị một trung đội thủy quân lục chiến tiến đánh tập hậu và chiếm được…”

Quân Triều đình dù đông nhưng vũ khí lạc hậu, tầm bắn gần nên không sao tiến được vào trong, vì thế mà quân Pháp phòng thủ thành công. Trời vừa mờ sáng, đại bác quân Pháp bắn trả ầm ầm khiến quân Triều đình thiệt hại. Quân Pháp tổ chức phản công vào Kinh thành.

Quân Pháp đánh vào Kinh thành

Pháo hạm trên tàu của Pháp bắn dồn dập dọn đường cho bộ binh tấn cống. Quân Pháp chia làm 3 cánh tấn công vào Kinh thành.

Sau những giờ chủ động tấn công đầy phấn khích, quân Triều đình bất ngờ bị phản công nhưng cũng cố gắng cầm cự. Bên ngoài Kinh thành, quân Triều đình chống cự khiến một số sĩ quan Pháp bị tử trận, nhưng quân Pháp với hỏa lực mạnh vẫn vượt qua tiến đến tường thành.

Trên tường thành, đạn pháo quân Triều đình bắn xuống xối xả khiến quân Pháp bị thiệt hại, một toán quân châu Phi bị tiêu diệt. Nhưng với hỏa lực mạnh hơn, quân Pháp vẫn qua được các cửa thành và tiến vào trong.

Phía trong Kinh thành, dù đã chuẩn bị các trận địa từ trước, nhưng quân Triều đình vẫn không chống cự được hỏa lực mạnh mẽ của quân Pháp. Quân Triều đình chạy ra phía cửa Đông Ba, nhưng quân Pháp từ phía cửa Trài tiến đến hình thành thế bao vây. Một cuộc thảm sát đã diễn ra khiến 1.500 bình lính và thường dân thiệt mạng. Quân Pháp tiến vào Đại Nội, ra sức đốt phá, cướp bóc. Tôn Thất Thuyết cùng các quân còn lại phò tá vua Hàm Nghi chạy thoát ra ngoài.

Quân Pháp cướp phá

Quân Pháp chiếm được một số lượng của cái lớn trong Kinh thành gồm 2.6 tấn vàng và 30 tấn bạc. Sau này lính Pháp phải đóng hòm mất 5 ngày mới hết 700.000 lạng bạc để chở về Pháp.

Linh mục Père Siefert, nhân chứng sự kiện này đã ghi lại: “Kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần 24 triệu quan vàng và bạc… Cuộc cướp cạn ấy kéo dài trong 2 tháng còn gây tai tiếng hơn cuộc cướp phá Cung điện Mùa Hè của Thanh Đế ở Bắc Kinh”.

Cũng theo Père Siefert, khi đối chiếu với bảng kiểm kê tài sản của hoàng gia lập trước ngày 5/7/1885 với những gì đã mất, thì quân Pháp đã cướp: “228 viên kim cương, 266 món nữ trang có nạm kim cương, hạt trai, hạt ngọc, 271 đồ bằng vàng trong cung của bà Từ Dụ”.

Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rằng riêng tại Phủ Nội vụ ở tầng dưới cất giữ 91.424 thỏi bạc đỉnh 10 lạng, 78.960 thỏi bạc đỉnh 1 lạng; tầng trên cất giữ khoảng 500 lạng vàng, khoảng 700.000 lạng bạc; kho gần cửa Thọ Chỉ cất giữ 898 lạng vàng, 3.400 lạng bạc. Toàn bộ số vàng bạc này đã bị Pháp chiếm.

Quân Pháp trong quá trình truy đuổi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đã thu được 34 hòm bạc chứa 36.557 tiền bạc và 6 hòm bạc chứa 196 thỏi bạc, mỗi thỏi 10 lạng và 18.696 tiền bạc.

Ngày 24/7/1885, tướng De Courcy đã gửi về Pháp bức điện như sau: “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng”.

Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi đến căn cứ Tân Sở ở Quảng Trị đã chuẩn bị sẵn từ trước đó. Vua ra hịch Cần Vương kêu gọi người dân đồng lòng chống Pháp. Từ đó phong trào Cần Vương chống Pháp nổ ra khắp nơi trong nước.

Tưởng niệm

Người Huế lập bàn thờ tưởng niệm những người đã mất trong cuộc thảm sát kinh hoàng. Hai điểm chính trong khu vực Thành Nội là Đàn Âm Hồn ở đường Ông Ích Khiêm (phường Thuận Hòa) và miếu Âm Hồn tại ngã tư Mai Thúc Loan- Lê Thánh Tôn). Cứ vào ngày xảy ra trận thảm sát 23 tháng 5 âm lịch hàng năm, người dân Huế tụ tập đến nơi đây thắp nhang, đốt đèn truy điệu hàng nghìn người đã mất. Nhiều nhà dân cũng tổ chức tưởng niệm người đã mất trong biến cố lịch sử này.

Sự thất bại của Triều đình dẫn đến số của cải khổng lồ trong Kinh thành bị mất sạch. Nếu như trước đó vua Tự Đức nghe theo lời Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Lê Đỉnh mà thực hiện một cuộc cải cách thay đổi, dùng số của cải này trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội, tăng cường binh lực, thì Tôn Thất Thuyết cùng đội quân của ông có lẽ đã không thất bại nhanh đến thế, và người Pháp không dễ gì giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: