Các triều Hoàng đế nhà Tống từ thời Tống Thái Tông trở đi nhiều lần muốn chiếm nước Việt. Năm 981, Tống Thái Tông tiến đánh Đại Cồ Việt nhưng bị vua Lê Đại Hành đánh cho thảm bại phải chạy về. Sau đó dù nhà Tống phải liên tục đối phó với Tây Hạ, Liêu và Đại Kim, nhưng vẫn chưa nguôi mong muốn chiếm lấy Đại Cồ Việt, luôn muốn “giành dân lấn đất”.

Đại Việt đối phó với kế hoạch giành dân lấn đất của nhà Tống thế nào
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Vùng đất nằm ở biên giới phía bắc của Đại Cồ Việt lúc đó thuộc về người Tày, người Nùng và người Thái, đứng đầu là các tù trưởng. Đứng trước 3 thế lực lớn là Đại Lý, Đại Cồ Việt và nhà Tống, các tù trưởng phải chọn cho mình một bên để thần phục. Cũng vì thế mà vùng biên giới rất phức tạp, không ổn định, có những nơi hết thuộc về bên này đến thuộc về bên khác. Tại đây, nhà Tống thực hiện kế hoạch chiêu dụ dân chúng về với mình để chiếm đất, đồng thời lấn dần các vùng đất biên giới.

Đối phó với kế hoạch này của nhà Tống, các triều vua Lý kết thân với các tù trưởng, phối hợp cùng họ giữ vững vùng biên giới, đồng thời sẵn sàng tiến quân sang đất Tống nhằm truy đuổi các toán quân lấn đất và giải cứu dân chúng.

Năm 1014, nhà Tống ngầm ủng hộ để Đại Lý tiến quân sang Đại Cồ Việt, còn nhà Tống sẽ dụ dỗ các thủ lĩnh và tù trưởng ở biên giới dâng đất theo về với mình.

Đại Việt Sử ký cho rằng Đại Lý có 20 vạn quân, trong khi An Nam chí lược thì chép quân Đại Lý chỉ có 3 vạn người. Việc ghi chép không thống nhất này, có thể là do Đại Việt Sử ký ghi cả quân binh và dân phu.

Về phía các tù trưởng, Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Mùa xuân, tháng giêng, tướng của người Man là Dương Trường Huệ và Đoàn Kính Chí đem 20 vạn người Man vào cướp, đóng đồn ở bến Kim Hoa, dàn quân đóng trại gọi là trại Ngũ Hoa”.

Tuy nhiên Đại Cồ Việt đã thắng lớn trong cuộc chiến với Đại Lý, khiến Đại Lý suy yếu. Bởi Đại Lý từng là mối lo lớn của nhà Tống ở phía tây nam trong suốt thời gian dài lịch sử nên nhà Tống tỏ ra e dè với Đại Cồ Việt hơn.

Nhà Lý mang 100 ngựa chiến là chiến lợi phẩm bắt được của Đại Lý dâng lên Hoàng đế nhà Tống nhằm thị uy. Nhà Tống e ngại sức mạnh của Đại Cồ Việt, liền đài thọ hết chi phí cho đoàn Sứ giả trở về, đồng thời cũng tặng lại rất nhiều quà.

Tuy vậy vùng biên giới giữa hai nước vẫn không bao giờ yên bình. Đại Cồ Việt cũng nhiều lần tiến sang đất Tống, cuối năm 1015, sách Tư trị thông giám chép rằng: “Tháng 12, Khâm Châu tâu giặc châu Tô Mậu cướp người và súc vật thuộc huyện An Viễn; chiếu ban Chuyển vận sứ sở tại ngăn phòng”.

Năm 1022, Đại Cồ Việt tiến đến trấn Như Hồng thuộc Khâm châu của nhà Tống: “Năm [Thuận Thiên] thứ 13 [1022], xuống chiếu cho Dực Thánh Vương đi đánh Đại Nguyên Lịch. Quân ta đi sâu vào trại Như Hồng trong đất Tống, đốt kho đụn ở đó rồi về.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Năm 1027, biên giới lại xảy ra tranh chấp lớn. Đại Cồ Việt một lần nữa tiến binh sang đất Tống, khiến trại chủ châu Thất Nguyên của Tống là Lý Tự tử trận, thu nhiều chiến lợi phẩm: “Thuận Thiên năm thứ 18 [1027]; xuống chiếu cho Khai Thiên Vương [Thái tử Phật Mã] đi đánh châu Thất Nguyên, Đông Chinh Vương đi đánh Văn Châu” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Năm 1028, quân Tống đánh phá Lạng châu, Phò mã Thân Thừa Quý đưa quân đánh bại quân Tống rồi đuổi sang đất Tống đánh đến tận châu Thất Nguyên (Thất Khê), bắt được rất nhiều quân Tống, Chúa châu Thất Nguyên là Lý Tự bị chết. Quan lại ở Ung châu sợ hãi phải thương nghị hứa không để quân sang cướp phá nữa, Thân Thừa Quý mới đưa quân về.

Tiếp tục chính sách chiêu dụ thủ lĩnh và dân chúng vùng biên giới, năm 1034, nhà Tống dụ dỗ thủ lĩnh Trần Công Vĩnh đem 600 dân chạy sang Tống. Nhà Tống tưởng rằng đây là việc nhỏ, không ngờ vua Lý Thái Tông cho hơn 1.000 quân tiến sang đất Tống đòi lại dân, khiến đám quan lại nhà Tống bất ngờ. Hoàng đế nhà Tống sợ để lâu sẽ có chiến tranh nên quyết định trả lại dân.

Năm 1050, quan lại nhà Tống lại dụ dỗ Tù trưởng ở châu Tô Mậu đưa 3.000 dân về với Tống. Vua Lý Thái Tông dùng ngoại giao đòi lại dân bằng được, cuối cùng Hoàng đế nhà Tống đuối lý phải cho thả hết số dân này.

Năm 1052, thủ lĩnh dân tộc Choang ở Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay) tiến quân sang đánh Tống, quân Tống liên tục bị mất các thành trì, phải lúng túng đối phó, vì thế mà vùng biên giới của Đại Cồ Việt được yên. Năm 1055, nhà Tống mới dẹp được Nùng Trí Cao, tình hình biên giới dần dần trở nên bất ổn. (Xem bài: Đại Cồ Việt từng vuột mất cơ hội đánh chiếm Trung Quốc)

Năm 1054, vua Lý Thánh Tông lên ngôi, đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt.

Năm 1058, Đại Việt tiến cống con lân, nhưng phía nhà Tống cho rằng giống trâu chứ không phải lân nên không nhận, lại cho giữ đoàn Sứ giả vì cho rằng Đại Việt lừa dối, sau đó mới chịu thả người.

Việc này gây mâu thuẫn giữa 2 nước. Năm 1059, Đại Việt tiến binh sang Khâm châu của Tống để thị uy, rồi rút về.

Sau đó các quan nhà Tống lại tìm cách bắt dân Việt. Vua Lý Thái Tông sai Phò mã Thân Thiệu Thái dẫn quân ở Lạng châu sang châu Tây Bình của Tống đòi người. Quân Tống do Tống Sĩ Nghiêu chỉ huy không chịu trả người mà còn đánh trả, Thân Thiệu Thái phải rút quân về.

Lấy cớ Đại Việt tiến binh sang, năm 1060, Tống Sĩ Nghiêu đưa quân tiến đánh châu Lạng nhưng bị Thân Thiệu Thái đánh bại, quân Việt đuổi theo sang tận đất Tống giết được Tống Sĩ Nghiêu cùng 4 thuộc tướng. Hoàng đế Tống vội đưa thêm quân đến Ung Châu.

Thân Tiệu Thái cho quân tiến đánh Ung châu, trên đường đi đánh bại quân Tống ở nhiều nơi, chỉ huy sứ Dương Bảo Tài cùng nhiều quân bị bắt. Hoàng đế nhà Tống sai quân phản công nhưng đều thất bại, phải cho thêm quân chủ lực bảo vệ Ung châu.

Nhà Lý thấy tình hình thuận lợi liền gửi thêm quân triều đình đến. Nhận thấy sẽ gặp bất lợi nếu xảy ra chiến tranh, Hoàng đế nhà Tống quyết định xin nghị hòa, các quan nhà Tống chủ trướng bắt dân chiếm đất của Đại Việt đều phải đứng ra nhận lỗi.

Đại Việt rút quân về nước nhưng không trả lại quân tướng nhà Tống đã bị bắt nhằm răn đe các quan tướng nhà Tống chuyên giành dân lấn đất của Đại Việt.

Chúa Động Hỏa ở phía bắc Cao Bằng của Đại Việt là Nùng Tông Đán bị các quan lại nhà Tống chiêu dụ đã đem cả Động theo Tống. Nhà Tống cho sáp nhập vùng đất này vào lãnh thổ của mình và đặt tên là châu Thuận An (thuộc tỉnh Quảng Tây ngày nay).

Nùng Tông Đán được nhà Tống phong cho chức Trung Dũng tướng quân, nhưng lại cho rằng chức này không to, Vua bèn phong cho làm Đô Giám Quế châu.

Sự việc Nùng Tông Đán làm phản khiến Đại Việt mất đất và tình hình biên giới căng thẳng thêm. Quân Động Giáp của Thân Thiệu Thái liên tục tiến đánh uy hiếp các Châu, Trại của nhà Tống, yêu cầu Tống phải trả đất, khiến nhà Tống tăng cường thêm quân tinh nhuệ để đối phó.

Năm 1062, vua Lý Thánh Tông cho Phò mã Lê Thuận Tôn sang Tống đòi đất, nhà Tống đuối lý phải trả lại động Hỏa, nhưng vẫn giữ lại dân không trả.

Cuối năm 1073 đầu năm 1074, nhà Tống lại dùng chiêu cũ dụ dỗ được thủ lĩnh ở vùng Thất Khê (thuộc Cao Bằng ngày nay) là Nông Thiện Mỹ về với mình. Nông Thiện Mỹ đưa 700 dân sang nhà Tống.

Năm 1075, nhà Lý đưa thư yêu cầu Tống trả dân, tuy nhiên nhà Tống đang chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, quân nhu tập trung ở Ung châu.

Tháng 10/1075, Lý Thường Kiệt cho quân đánh sang Tống, đến tận Ung châu.

Đến tháng 3/1076 thì Ung Châu thất thủ, Lý Thường Kiệt hạ lệnh thảm sát Ung Châu. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép:

“Tri Ung châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bèn bị hạ. Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. Người trong thành cảm ân nghĩa của Giám, không một người nào chịu hàng, giết hết hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn. Bọn Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về.”

Năm 1077, tướng Tống là Quách Quỳ chỉ huy 30 vạn quân (10 vạn quân chủ lực và 20 vạn dân phu) tiến đánh Đại Việt, nhưng thảm bại phải rút chạy về nước. Chiến thắng này cũng đã đập tan luôn ý chí xâm lược Đại Việt của nhà Tống.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: