Giàu có đến tột đỉnh, Phạm Lãi đem hết tài sản phân phát cho dân chúng, rồi lại cùng gia đình rời khỏi nước Tề. Đến đất Đào (Sơn Đông ngày nay), Phạm Lãi nhận thấy nơi đây buôn bán nhộn nhịp, là trung tâm giao thương của thiên hạ, liền định cư, đổi tên thành Đào Chu Công.

Tại đây cha con Phạm Lãi lại làm lụng. Chỉ một thời gian sau, Phạm Lãi lại tích lũy được hàng vạn lạng bạc. Ông thường chu cấp cho bách tính nghèo khó, lại rất giữ chữ tín với các thương nhân.

Đào Chu Công Phạm Lãi: Danh sĩ bậc nhất thời Xuân Thu Chiến Quốc (P1)
(Tranh minh họa tổng hợp: Wikipedia, Public Domain)

Người quân tử lắng nghe Thiên mệnh

“Sử ký” chép rằng người con thứ của Phạm Lãi giết người ở nước Sở nên bị bắt khép vào tội chết, bị tống giam chờ ngày xử tử. Phạm Lãi được tin thì nói rằng theo lẽ, giết người phải đền mạng, nhưng con nhà có phúc thì có thể sẽ không chết nơi ngục tù. Vậy nên Phạm Lãi quyết định sắp xếp một số tiền lớn cho con út đưa anh mình ra tù.

Tuy nhiên người con trai cả lại kịch liệt phản đối, muốn được đi làm việc này, nếu không sẽ tự sát. Vợ Phạm Lãi cũng ủng hộ con trai cả. Phạm Lãi biết trước kết cục, nhưng lại thuận theo vợ con.

Ông viết thư bảo con đưa cho bạn mình là Tướng quốc Trang Sinh của nước Sở, rồi dặn rằng: “Ngay sau khi đến nơi, con nhớ đưa vàng và thư cho Trang Sinh, tuaan theo sắp xếp của ông ấy mà không được thắc mắc”.

Đến nhà Trang Sinh, người con cả theo lời cha đưa số vàng và thư cho Trang Sinh. Sau khi xem thư xong, Trang Sinh nói: “Cậu hãy về đi, nếu em trai cậu được thả, cậu đừng hỏi nguồn cơn”.

Người con cả không ngờ bỏ ngoài tai lời cha dặn, tự mình ở lại nước Sở, bỏ tiền ra dò la tin tức.

Trang Sinh vốn là Tướng quốc nước Sở, rất liêm khiết và chính trực, người nước Sở trên dưới đều tôn quý ông. Trang Sinh định bụng sẽ trả lại số vàng, nhưng phải vờ nhận để làm yên lòng người con cả, nếu không anh ta sẽ dùng tiền vàng làm loạn, sẽ không cứu được em mình.

Trang Sinh vào cung tâu với Sở vương rằng thiên tượng có điều không thuận, chi bằng đại xá, ban ân đức cho dân chúng. Vua chuẩn tấu cho đại xá thiên hạ.

Tin này nhanh chóng đến tai người con cả. Anh ta nghĩ rằng Vua đã đại xá thiên hạ, em mình sẽ được thả, vậy chẳng phải mất không số vàng kia. Anh ta bèn đến nhà Trang Sinh đòi lại số vàng.

Trang Sinh cảm thấy bị xúc phạm và xem thường, bèn đến tâu với Vua rằng: “Thần nghe người ngoài kia nói con trai của Đào Chu Công phạm tội giết người ở nước Sở và bị giam giữ, người nhà đã mang rất nhiều vàng bạc đến đút lót các cận thần, cho nên đại vương đại xá không phải vì thương yêu xã tắc mà là vì con trai Đào Chu Công”.

Vua Sở liền hạ lệnh xử tội chết con trai Đào Chu Công xong rồi mới ban hành đại xá. Người con cả chỉ nhận lại được xác em.

Khi con cả đưa xác em về đến nơi, Phạm Lãi không tỏ vẻ đau buồn. Ông giải thích rằng người con cả theo ông từ khi nhà còn khó nhọc, nên hiểu được giá trị của đồng tiền, cảm thấy quý tiếc. Người con út sinh ra khi gia đình đã giàu có, nên có thể mang vạn tiền vứt qua cửa sổ mà không thấy xót xa. Chính vì thế nếu người con cả đi thì sẽ mang xác em về.

Vậy tại sao Phạm Lãi lại không giải thích rõ ràng trước khi người con cả tới Sở? Có người còn cho rằng Phạm Lãi cứu được nước Việt mà không cứu được con. Thật ra không phải, đây là bởi vì ông hiểu thiên mệnh, biết rằng lẽ Trời có nợ thì phải trả, giết người phải đền mạng. Dẫu là con nhà có phúc thì cũng phải lắng nghe mệnh Trời. Một người hiểu mệnh, biết thoái lùi nhiều lần như Phạm Lãi ắt sẽ không vì tình riêng mà phạm tới những quy luật cao thâm hơn trong Trời đất. Suy cho cùng, đạo lý này chính là “người quân tử biết nghe Thiên mệnh”, cũng rất ứng hợp với lẽ nhân quả của Phật gia.

Danh tiếng truyền đời

Phạm Lãi cả đời sáng suốt, dù là trị quốc, kinh doanh, hay thuật dùng người đều biết ứng biến phù hợp. Ông viết các tác phẩm “Binh Pháp”, “Dưỡng ngư kinh”, “Đào Chu Công sinh ý kinh”. “Đào Chu Công sinh ý kinh” gồm có 18 nguyên tắc kinh điển dạy về việc buôn bán, được xem là sách giáo khoa đầu tiên về thương mại.

Là người trượng nghĩa, kinh doanh giàu có đến phú gia địch quốc nhờ vào nền tảng đạo đức cao thượng, Phạm Lãi được người sau tôn là “Thương Thánh”, được cho là ông tổ của thương nghiệp.

Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên viết về Phạm Lãi rằng: “Phạm Lãi ba lần đổi chỗ ở mà thành danh trong thiên hạ. Không phải ông chỉ bỏ đi một cách dễ dàng và thế là hết. Ông ở đâu là nổi danh ở đấy”.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: