Trong cuộc sống, người ta thường hay đàm luận sai sót của người khác mà quên suy xét lại chính mình. Nhưng cổ ngữ nói: “Nhân vô thập toàn”, ai cũng có thể mắc lỗi lầm dù cho là bậc thánh nhân đi nữa. Bởi vậy, thường xuyên suy xét lỗi của mình, trò chuyện đừng đàm luận thiếu sót của người, đó mới là nguyên tắc cơ bản mà một người cần có, cũng thể hiện ra mức độ tu dưỡng và đạo đức cao thượng của người ấy.

đạo đức cao thượng
(Tranh trong bộ “Thập bát học sĩ đồ” thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

“Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, câu cổ ngữ này khuyên người ta cần thường xuyên tìm thời gian yên lặng, tĩnh tại suy xét lại chính mình, từ đó nhận ra và sửa chữa lại sai lầm, làm cho bản thân tiến bộ hơn lên; còn khi nói chuyện thì không nên tùy tiện đàm luận sai lầm khuyết điểm của người khác. Đây vừa là phép tắc làm người của cổ nhân, cũng là phẩm đức tốt đẹp mà người quân tử cần có, cũng là cách tạo phúc báo, tránh tai họa. Người có đạo đức cao thượng, có đức hạnh sẽ không đàm luận thị phi của người khác, không quá khắt khe với người khác mà thường tìm những khuyết thiếu ở bản thân mình.

Tăng Tử nói: “Ta mỗi ngày xét mình ba điều. Làm việc cho người khác thành tâm chưa? Kết giao bạn bè đã giữ chữ tín chưa? Kiến thức thầy truyền dạy, đã luyện tập chưa?” Những người bình thường như chúng ta có thể mỗi ngày không suy xét được ba việc như vậy, nhưng ít nhất trong một ngày, lúc thanh nhàn ngồi yên tĩnh cũng cần phải ngẫm lại hành vi của bản thân mình, lý tính phân tích việc nào là đúng việc nào là sai, có lẽ cũng không phải là việc quá khó. Làm được như vậy chính là đang tu dưỡng bản thân rồi. Ngoài ra, mỗi khi có sự tình không hay xảy ra, không nên chỉ đổ thừa là lỗi lầm của người khác mà hãy nghĩ đến thiếu sót của bản thân mình trước. Người mà chỉ luôn nhìn vào khuyết điểm của người khác thì sẽ không thể có khả năng suy xét lại chính mình.

Khi người khác có thiếu sót, người có đạo đức cao thượng cũng không ngay lập tức chỉ trích, phê bình mà nên hợp thời chỉ ra một cách có thiện ý. Danh thần Hàn Dũ thời Đường viết: “Cổ chi quân tử, kì trách kỉ dã trọng dĩ chu, kì đãi nhân dã khinh dĩ ước”, tức là quân tử thời xưa yêu cầu bản thân rất nghiêm ngặt về mọi phương diện, như vậy mới có thể kịp thời sửa đổi, không ngừng tiến lên, nhưng đối với người khác thì khoan dung bình dị, làm cho người khác vui. Khoan dung chính là một loại trí huệ, là bao dung trong khi kiên trì giữ vững đạo nghĩa, là quan tâm yêu mến và có trách nhiệm với người khác, có tấm lòng phóng khoáng và thiện tâm với người khác.

Người có thể thời khắc khiêm tốn, suy xét lại mình, không nói lỗi của người, chừa cho người một đường lui, thì không chỉ được người khác kính trọng vì sự tu dưỡng thâm sâu, mà còn nhận được hậu phúc về sau.

Thời Tây Hán, Bính Cát xuất thân từ viên quan lại nhỏ quản lý án tù, sau này học “Kinh Thi”, “Lễ” mà sáng tỏ đạo lý trong đó. Đến khi làm Thừa tướng, ông có tấm lòng rộng lớn bao dung, nhường nhịn người khác. Thuộc hạ có lỗi hoặc không làm tròn trách nhiệm, Bính Cát luôn cho họ nghỉ phép dài ngày, để họ tự động từ chức, còn ông không bao giờ đàm luận hay tra xét xử lý lỗi lầm của họ.

Đối với các quan lại phụ tá, Bính Cát luôn không nói những khuyết thiếu mà thường nói những cái tốt đẹp của họ. Bính Cát có một viên tiểu lại đánh xe thích uống rượu, nhiều lần không hoàn thành trách nhiệm. Một lần theo Bính Cát ra ngoài, vì say rượu nên nôn ọe trên xe của Thừa tướng. Viên quan phụ trách nói với Bính Cát muốn đuổi viên lại này đi, Bính Cát nói: “Chỉ vì lỗi rượu say cơm no nôn mửa trên xe Thừa tướng mà đuổi ông ta đi, người này sau này làm sao có thể có chỗ dung thân trên đời? Ông hãy nhẫn một chút, bỏ qua cho ông ta đi. Việc này chẳng qua cũng chỉ làm bẩn đệm trên xe của ta mà thôi.” Cuối cùng, người này đã không bị đuổi đi.

Viên lại này là người ở quận biên giới, biết rất rõ sự việc phòng bị, cảnh báo ở biên cương. Có lần đi ra ngoài, vừa hay thấy người trạm dịch lấy túi thư trắng đỏ xen lẫn, đó là thư báo cáo quân địch xâm nhập biên cương. Viên lại này bèn đi theo nghe ngóng hỏi han tin tức, biết được quân địch đã xâm nhập quận Vân Trung, quận Đại. Ông ta lập tức trở về phủ Thừa tướng báo cáo tình hình với Bính Cát, đồng thời kiến nghị: “E rằng trong những quận biên giới mà giặc Hồ xâm phạm thì quan lại ở Nhị Thiên Thạch có người già cả bệnh tật, không chịu nổi chiến loạn, nên xem xét trước.”

Bính Cát cho rằng anh ta nói rất có lý, thế là sai người kiểm tra tình hình quan lại các quận biên giới, ghi chép chi tiết tình hình cụ thể.

Việc này còn chưa làm xong thì Hoàng đế xuống chiếu triệu kiến Thừa tướng, Ngự sử, hỏi về tình hình quan lại ở các quận biên giới bị giặc Hồ xâm nhập. Bính Cát nhờ chuẩn bị trước nên có thể trả lời tường tận. Ngự sử Đại phu trong lúc gấp rút đã không thể nhanh chóng trả lời được nên bị Hoàng đế khiển trách một chút. Vì thế Bính Cát được Hoàng đế xem là Thừa tướng tốt, làm hết trách nhiệm, lo lắng đến biên phòng, quản lý quan lại cấp dưới rất đắc lực.

Bính Cát ra về liền than rằng: “Kẻ sỹ không có người nào là không thể dung nhẫn, mỗi người đều có tài năng sở trường riêng của mình. Nếu như ta không nghe theo lời khuyên của viên lại trước thì làm sao có thể được Hoàng thượng khen là cần cù làm hết trách nhiệm đây?”

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: