Tề là một nước lớn thời Xuân Thu. Dưới triều Hoàn Công, Tề là nước hùng mạnh bởi có nhiều người giỏi như Quản Trọng, Thấp Bằng, Bão Thúc Nha giúp sức, nhưng nổi bật nhất chính là Quản Trọng. Ông là nhà tư tưởng lớn, nhà quân sự đại tài, chính trị gia lỗi lạc đồng thời là kinh tế gia có nhiều cải cách xã hội táo bạo và hiệu quả. Đặc biệt, ông để lại những đạo lý sâu sắc trong việc giáo hóa dân chúng.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Giáo hóa dân chúng
Tranh “Đế vương đạo thống vạn niên đồ” của họa sĩ Cừu Anh thời Minh. (Tranh: Public Domain)

Quản Trọng sống cách thời đại Lão Tử, Khổng Tử hơn cả trăm năm, làm tể tướng dưới thời Tề Hoàn Công, giúp vua “tập hợp chư hầu, sửa sang thiên hạ”. Khổng Tử sau này tôn kính, coi Quản Trọng là người có lòng Nhân.

Ở dưới một người mà trên muôn người, Quản Trọng thường thi hành giáo hóa dân chúng. Ông quan niệm: “Kho thóc đầy thì hiểu lễ tiết, cơm áo đủ mới biết vinh nhục”. Theo ông, trái với việc tu dưỡng cá nhân mỗi người, đứng từ góc độ một quốc gia mà nói, chỉ khi xã tắc có quốc lực giàu mạnh, mới có vốn đề xướng lễ nghĩa, bách tính chỉ khi cơm no áo ấm mới có thể hiểu thế nào là vinh quang, thế nào là hổ thẹn.

Mạnh Tử tiếp nối tư tưởng của Quản Trọng mà cho rằng thực hành vương đạo không hề khó, trước tiên hãy chia cho mỗi hộ 5 mẫu đất, để họ xây nhà, trồng dâu, nuôi lợn nuôi gà. Rồi lại chia thêm 100 mẫu đất cấy cày, để cả nhà không phải lo lắng chuyện cơm ăn áo mặc, để người già có thịt ăn, có áo lụa mặc. Sau đó xây dựng trường làng, để người trẻ đọc sách học lễ, xã hội tự nhiên sẽ đi vào quỹ đạo.

Mạnh Tử còn nói: “Dân chi vi đạo dã, Hữu hằng sản giả hữu hằng tâm, Vô hằng sản giả vô hằng tâm”, ý rằng đối với thường dân bách tính mà nói, quân vương có kế bền lâu thì dân mới kiên trì với xã tắc, không có kế bền lâu thì chẳng thể làm được như vậy. Cố nhiên đây cũng xuất phát từ giấc mộng của Quản Trọng.

Quản Trọng cho rằng một đất nước thì như một cột trụ lớn chống Trời, được níu bởi bốn sợi dây là bốn giếng mối lớn, “một giềng mối đứt thì nghiêng, hai giềng mối đứt thì nguy, ba giềng mối đứt thì đổ, bốn giềng mối đứt thì diệt vong!” Mà bốn giềng mối, bốn phép tắc lớn này có: “Một là lễ, hai là nghĩa, ba là liêm, bốn là sỉ. Lễ là không vượt khuôn phép, nghĩa là không tự cúi luồn để tiến thân, liêm là không che đậy việc xấu, sỉ là không theo điều tà vọng.”

Quân vương biết lấy mình làm gương, lại biết giáo hóa kẻ dưới, thi hành từ trên xuống dưới như quét cầu thang, quan lại dân chúng biết lễ, nghĩa, liêm, sỉ thì giang sơn vững mạnh, xã tắc hùng cường.

Đối với Quản Trọng, quốc gia cũng giống như con người, đều phải dựa vào đạo đức mới có thể sinh tồn. Lễ nghĩa không trọng, liêm sỉ mất hết, thì dẫu quốc khố sung túc nữa, quân đội hùng mạnh nữa, cũng khó có chỗ đứng trong thiên hạ.

Bàn về việc giáo hóa dân chúng, Quản Trọng có một câu nói nổi tiếng: “Kế một năm, chi bằng trồng lúa; Kế mười năm, chi bằng trồng cây; Kế trọn đời, chi bằng trồng người.” Nguyên đoạn này trong sách Quản Tử, chương Quyền Tu là:

Kế cho một năm thì không gì bằng trồng lúa; kế cho mười năm thì không gì bằng trồng cây; kế cho suốt đời thì không gì bằng đào tạo con người. Trồng một mà lợi ích một đó là lúa; trồng một mà lợi ích mười, đó là cây; đào tạo một mà lợi ích một trăm đó là con người. Nếu chúng ta chú trọng đào tạo con người, thì hiệu dụng như thần, làm việc mà thu được hiệu quả thần kỳ thì chỉ có con đường của bậc vương giả mới có thể làm được.

Bình về Quản Trọng, trong thiên Hiến Vấn của sách Luận ngữ, Khổng Tử nói như sau:

Người này ư, vua Tề lấy ấp Biền ba trăm nhà của Bá Thị thưởng công cho Quản Trọng khiến Bá Thị nghèo khổ suốt đời mà không hề oán hận.

Quản Trọng có thể khiến người khác nghèo khổ mà vẫn không oán không hận, đủ biết tầm vóc của ông trong lòng người khác lớn đến thế nào.

Khổng Tử còn khen:

Vua Tề Hoàn Công nhiều lần triệu tập họp chư hầu mà không dùng binh lực. Đó là nhờ công sức của Quản Trọng, như thế còn ai nhân bằng?

Thời Quản Trọng làm tể tướng, nước Tề trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn công được tôn lên đứng đầu Ngũ bá.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: