Biết suy ngẫm từ căn bản, từ lợi ích dài lâu, không bị mê hoặc bởi danh lợi trước mắt, mà coi trọng giá trị chính nghĩa, thưởng phạt phân minh, tôn sùng đạo đức, đây là trí tuệ trị quốc “thưởng phạt theo nghĩa” của cổ nhân.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Thưởng phạt theo nghĩa
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

Nếu chỉ nhìn vào lợi ích ngắn ngủi trước mắt mà vứt bỏ đạo đức và chính nghĩa, khéo léo tranh đoạt, thì những thói xấu như gian trá, giả dối, cướp bóc, tham loạn sẽ hoành hành quốc gia dân tộc. Lâu dần phong tục bại hoại, nhân tính biến mất, quốc gia sẽ lâm nguy, khó bề cứu vãn, lúc đó dẫu thưởng phạt nghiêm minh, hậu đãi cũng vô ích.

Thưởng phạt theo nghĩa là tinh thần trung thành, thủ tín, là đạo đức giúp giáo hóa dân chúng, là sách lược trị quốc. Cũng bởi “thưởng phạt theo nghĩa” nên từ trên xuông dưới người dân tự nhiên cũng sẽ tôn sùng đạo đức, nghĩa lý vì vậy mà được thực thi.

Có một câu chuyện về Tấn Văn Công thưởng phạt theo nghĩa như thế này.

Trước khi Tấn Văn Công giao tranh với nước Sở tại Thành Bộc, đã hỏi Cữu Phạm, cậu của mình rằng: “Nước Sở quân đông, nước ta thì ít, làm thế nào mới có thể giành thắng lợi?”

Cữu Phạm nói: “Thần nghe nói, bậc quân vương coi trọng lễ nghi, không chán ghét lễ nghi quá rộng. Bậc quân vương thường chỉ huy chiến trận, không chán ghét sự giả dối quá nhiều. Vậy thì, quân vương ngài thử lừa gạt nước Sở là được rồi.”

Văn Công mang những lời này nói lại với Ung Quý, Ung Quý nói:

“Tháo cạn nước bắt cá, sao có thể không bắt được cá? Nhưng đến năm sau thì cũng không còn cá nữa. Đốt sạch đầm lầy mà săn bắt, sao có thể không bắt được dã thú? Nhưng năm sau sẽ không còn dã thú nữa. Dùng cách lừa gạt cũng như vậy, mặc dù có thể đắc được lợi ích trước mắt, nhưng sau này sẽ không thể đạt được điều gì nữa. Nó không phải là kế dài lâu.”

Tấn Văn Công sau đó dùng kế của Cữu Phạm đánh bại nước Sở. Nhưng sau khi về nước luận công ban thưởng thì ông lại cho Ung Quý đứng đầu. Mọi người xung quanh can ngăn rằng: “Chiến thắng tại Thành Bộc là công mưu lược của Cữu Phạm. Quân vương ngài đã tiếp nạp mưu kế của ông ta trước. Nhưng sau này ban thưởng như vậy có lẽ không nên.”

Tấn Văn Công nói: “Lời của Ung Quý có lợi cả trăm đời. Lời của Cữu Phạm là việc nhất thời. Đâu có đạo lý coi việc nhất thời đặt trước lợi ích trăm đời đây?”

Sau khi nghe được chuyện này, Khổng Tử nói: “Gặp lúc nguy nan, dùng kế cũng đủ để đánh bại quân địch. Sau khi về nước lại tôn sùng bậc hiền nhân, đủ để báo đáp ân đức. Tấn Văn Công mặc dù không thể kiên trì trước sau như một, nhưng cũng đủ để làm nên nghiệp bá.”

Thành công nếu chỉ dựa vào lừa gạt dẫu thành nhưng sau này ắt hỏng, thắng lợi chỉ nhờ mưu mô, dẫu thắng sau này ắt bại. Người từng chiến thắng trong thiên hạ rất nhiều, nhưng có thể làm nên bá nghiệp khi ấy lại chỉ có vài người, Tấn Văn Công là một trong số đó. Cho nên nước Sở về mặt quân sự dẫu hùng mạnh nổi danh chư hầu thời ấy, nhưng vẫn thường khi thắng khi bại.

Thời xưa, Chu Văn Vương hiểu được đạo lý thành bại ở nhân nghĩa này, nên hễ đánh là thắng, người tự theo về. Kỳ thực trong bất kỳ xã hội nào, trước tiên con người đều phải coi trọng đạo đức mới có thể đạt được lợi ích mang tính căn bản. Vứt bỏ đạo đức và chính nghĩa, vứt bỏ nhân tính và lương tâm thì đâu còn lợi ích để mà nhắc nữa? Chính nghĩa tất nhiên sẽ chiến thắng cái ác, bởi cái ác rồi cũng sẽ tiêu vong. Đây chính là cội nguồn trí tuệ thưởng phạt theo nghĩa.

Xã hội ngày nay có nhiều việc quá khốc liệt, không màng tới đạo đức, bất chấp mọi thủ đoạn, không giảng thành tín, dẫu có thể đắc được lợi ích nhất thời, nhưng cuối cùng cũng sẽ thân bại danh liệt. Thành công sau cùng đều thuộc về những người coi trọng đạo đức thương nhân.

Con người sống trên đời phần nhiều là vì lợi ích, điều ấy không sai, vấn đề chỉ là sử dụng những biện pháp chính đáng mà thôi. Con người cần thông qua những đường lối cao thượng mà đạt được lợi ích một cách quang minh chính đại. Cổ nhân có câu: “Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử yêu mến tài vật nhưng chỉ lấy những thứ phù hợp với Đạo mà thôi. Chính là đạo lý ấy.

Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: