“Đề bài không hoàn chỉnh, giải toán như thế nào?”, trong toán học thì vấn đề này thực ra không có gì là khó. Đặt ẩn, chọn tham số, thêm giả thiết, lấy điều kiện, v.v. đều là những cách để bạn có thể đưa ra một câu trả lời trọn vẹn. Đáp số toán học có “nếu-thì”, có “và-hoặc”, vậy nên giải ra được đáp số là đã nhẹ lòng rồi… Nhưng rất nhiều khi cuộc sống không phải là toán học.

Trong cuộc sống, sẽ có những lúc người ta gặp phải “đề bài không hoàn chỉnh”. Nếu là bạn, bạn sẽ làm như thế nào?

Có người chọn cách nghĩ an toàn rằng: không có đủ dữ liệu thì đừng giải. Nhưng đôi khi, “không làm gì” cũng là một tội ác. Bạn có thể trung lập không, nếu có một điều “có vẻ xấu” đang diễn ra ngay trước mắt mình? Nếu bạn nhìn thấy một người phụ nữ “có vẻ như đang muốn tự tử”, liệu bạn sẽ sẵn sàng chạy tới ghì lấy cô ta chứ? Hay là bạn sẽ đợi? Chỉ mới hôm 16/2 vừa qua thôi, tài xế xe buýt tên là Damone Hudson ở Ohio, Mỹ, đã cứu sống một người phụ nữ sắp tự tử trên thành cầu, bởi vì anh ta sẵn sàng dừng công việc bận rộn của mình lại để quan tâm tới người khác. “Người hùng” ấy đơn giản là nghe theo tiếng gọi của lương tri.

Đề bài không hoàn chỉnh, giải toán như thế nào?
Damone Hudson dừng xe buýt để hỏi thăm người phụ nữ đứng trên thành cầu. (Ảnh chụp từ video giám sát xe buýt)

Cũng có người cho rằng, “đề bài không hoàn chỉnh”, giải thế nào cho mình không bị thiệt, cho người thân không bị thiệt, hẳn là đã đủ. Nhưng đôi khi, đáp số lại là điều sẽ giày vò bạn suốt cả cuộc đời. Sử sách Việt Nam chẳng phải cũng có ghi lại điều đó? Năm 1285, khi 50 vạn quân Nguyên Mông thế mạnh như chẻ tre khiến kinh thành Thăng Long thất thủ, nhiều quý tộc nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng và đặc biệt là Trần Ích Tắc đã mang cả gia quyến dâng thư hàng giặc. Nhưng kết quả lại là: người Việt đại phá quân Nguyên Mông. Còn Trần Ích Tắc vốn nổi tiếng “thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời”, cuối cùng lại trở thành một “Ả Trần” bán nước cầu vinh, sống lưu vong ở chốn phương Bắc. Ngược lại, tại sao nước Việt lại có một vị Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn lẫy lừng thế giới? Bởi vì đứng trước nguy cơ của đất nước, ông đã dám gạt bỏ “thù nhà”.

Đề bài không hoàn chỉnh, giải toán như thế nào?
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa)

Lại có người nghĩ, chẳng quản “đề bài” là thế nào, dẫu sao thì mình cũng chỉ là “làm công việc của mình” mà thôi. Nhưng bạn có biết rằng, Adolf Eichmann, tên trùm phát xít lên kế hoạch cho việc diệt chủng người Do Thái, đã nói như thế nào khi bị phán tử hình không? Y nói: “Tôi chỉ làm theo lệnh”… “Làm công việc của mình” đôi khi không phải là trách nhiệm, mà là sự lẩn tránh lạnh lùng! Thời ấy, khi người Do Thái trốn chạy khỏi Đức và một số nước bị Đức thôn tính, thế giới đã thờ ơ “xếp xó” những lời cầu cứu của họ bởi những lý do như “thiếu bằng chứng”, “thiếu thông tin”, hay “thông tin một chiều”. Hầu hết các quốc gia đều bàng quan trước con số khổng lồ những người Do Thái chạy tị nạn, và số phận của những người Do Thái tại châu Âu. Cuộc diệt chủng Do Thái đã cướp đi từ 6 triệu tới 11 triệu nhân mạng, trong đó có 1,5 triệu trẻ em – Bởi vì người ta chỉ “làm công việc của mình”.

Đề bài không hoàn chỉnh, giải toán như thế nào?
Xác chết của những người Do Thái tại một trại tập trung – Đây có phải là thứ bằng chứng mà thế giới muốn nhìn thấy trước khi hành động?

“Đề bài không hoàn chỉnh” thì cũng có người muốn làm cho nó hoàn chỉnh. Nhưng bạn có biết chăng? Đôi khi cái bạn nhận được sau rất nhiều cố gắng vẫn chỉ là một “đề bài không hoàn chỉnh”, bởi vì cuộc sống không phải là toán học và con người ta không nhìn nhận cuộc sống như một “mệnh đề”.

– – – –

Hãy giả thiết rằng, có người tới xin bạn lên tiếng cho một tội ác, bạn sẽ làm gì?

Bạn từ chối vì bạn không có được thông tin đầy đủ?

Bạn từ chối vì bạn sợ rằng mình sẽ bị lừa?

Bạn từ chối vì bạn muốn trung lập?

Bạn từ chối vì nó chẳng liên quan đến mình?

Bạn từ chối vì tội ác ấy nghe có vẻ phức tạp lắm?

Bạn từ chối vì tội ác ấy nghe có vẻ chính trị?

Bạn từ chối vì cảm thấy tiếng nói của mình quá nhỏ nhoi?

Nhưng hãy ngẫm lại xem, bạn mất gì khi lên tiếng cho một tội ác? Nếu lời buộc tội đó là sai, bạn chỉ là mất một chút cảm xúc của chính mình. Nó to lớn đến vậy sao?

Thật ra trong cuộc sống, rất nhiều khi đáp số cho một đề bài không phải là “có” hay là “không”, không phải là “ủng hộ” hay là “phản đối”. Nhưng đôi khi “có” hay là “không” ấy lại thật sự vô cùng quan trọng.

Bởi vì đó là tiếng nói lương tri.

Người ta thường muốn làm những việc mà bản thân sẽ cảm thấy không ân hận. Vậy thì bạn có ân hận trước tiếng nói của lương tri? Dù đúng hay sai, ít nhất bạn vẫn biết rằng nội tâm của mình không hề bị vấy bẩn. Bởi vì chỉ có lương tri mới có thể bỏ qua những ích kỷ, chỉ có lương tri mới vượt qua được những bất đồng, chỉ có lương tri mới có thể nhận thức ra đâu là tốt và đâu là xấu. Lương tri thật sự là lựa chọn tốt nhất cho một “đề bài không hoàn chỉnh”.

Tại sao nhà văn nổi tiếng người Nhật Haruki Murakami lại nói: “Giữa bức tường sừng sững cứng rắn và trứng gà, người trí thức phải luôn đứng về bên trứng gà”? Đó là bởi vì nếu bạn không đứng về phía trứng gà, trứng gà chắc chắn sẽ bị vỡ nát.

Vậy còn bạn? Nếu thật sự chứng kiến một trận chiến giữa “Đông ki sốt” và chiếc cối xay gió ngoài đời thực, hay một cuộc đối đầu không cân sức giữa David và Goliath, bạn sẽ chọn ai?

Quang Minh

Xem thêm: