Cổ nhân giảng rằng làm điều thiện sẽ có điều thiện đáp lại, làm điều ác sẽ gặp phải điều ác. Liệu niềm tin đó có phải chỉ là một lẽ sống, một ước vọng, hay thật sự là một đạo lý bất biến trong trời đất này?

Ôn cổ minh kim: Thiện ác hữu báo
(Ảnh qua Pixabay)

Minh Tâm Bảo Giám, một cuốn sách cổ của người xưa dùng để sửa mình, có chép:

Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác.
Tử tế tư lương, thiên địa bất thác.
Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
Nhược hoàn bất báo, thời thần vị đáo.

Có nghĩa là:

Tích thiện sẽ gặp điều thiện, tích ác sẽ gặp điều ác.
Suy nghĩ điều tử tế thì trời đất sẽ không phụ người.
Làm điều thiện sẽ có điều thiện đáp lại, làm điều ác sẽ có điều ác đáp lại.
Nếu chưa thấy đáp lại, chẳng qua là thời điểm chưa tới mà thôi.

Thiện ác hữu báo là một đạo lý mà người xưa tâm niệm, nhất là vào thời điểm các tín ngưỡng tôn giáo hưng thịnh nhất. Nhưng ngày nay, không có nhiều người thực sự tin vào điều ấy. Có chăng người đời chỉ cho rằng đó là một lẽ sống, hay một ước vọng cao đẹp của cổ nhân. Cũng có người coi đó không gì hơn là lời an ủi động viên cho những người tốt không may trong xã hội.

Một nguyên nhân quan trọng nhất cho sự thay đổi đó chính là con người ngày càng cảm thấy mình có nhiều tri thức hơn, ngày càng tự mãn hơn, ngày càng cảm thấy khoa học hiện đại có thể lý giải cho mọi việc. Nhưng khi những phát hiện khoa học tiên phong hé lộ cho chúng ta một thực tế khác, thì hiếm có ai thật sự tỉnh táo nhìn lại, thật sự có thể hiểu được người xưa, tỏ tường đạo lý, “dĩ kim minh cổ”.

Có rất nhiều ví dụ về phương diện này, trong đó có các nghiên cứu về tinh thể nước của tiến sĩ Nhật Bản Masaru Emoto, cố chủ tịch Hội Hado Quốc tế (hội nghiên cứu về nước và sóng nước) với hai cuốn sách “Bí mật của nước” và “Thông điệp của nước” đã được phát hành ở Việt Nam. Từ năm 1994, tiến sĩ Masaru Emoto đã nghiên cứu về tinh thể của nước ở những môi trường khác nhau. Ông phát hiện ra rằng khi chúng ta nói với nước những lời thân yêu như “cám ơn” thì nước ở trạng thái các tinh thể tuyệt đẹp, ở cấu trúc như viên kim cương lấp lánh rất bền vững; còn khi để nước nghe những lời như “đồ ngốc” hay chửi bới thì tinh thể nước sẽ bị biến dạng, ở trạng thái dễ vỡ, méo mó, không xác định. Ông cũng phát hiện rằng những ý niệm tốt và những lời cầu nguyện có thể làm thanh lọc và cải thiện tinh thể nước, khiến chúng trở nên đẹp hơn.

tinh the nuoc 1
Tinh thể nước thể hiện trạng thái của mình khi ở trong 2 lọ thí nghiệm được dán 2 dòng chữ với hai thái độ khác nhau (Ảnh qua hado.com)

Cơ thể con người chứa 70% là nước, và nước cũng chiếm 70% bề mặt Trái Đất chúng ta, nó là điều kiện tiên quyết của sự sống. Điều đó có nghĩa là khi bạn giúp đỡ một người nào đó, thì việc thiện của bạn sẽ lan tỏa tới toàn bộ môi trường xung quanh, lan tỏa tới từng phân tử nước ở trong bạn và quanh bạn. Chẳng phải ngay lập tức bạn đã được “thiện báo”? Và thậm chí không chỉ có bạn được “thiện báo”, mà toàn bộ vật chất, toàn bộ sinh mệnh xung quanh cũng được “thiện đãi” hay sao?

Cũng từ đó, người ta có thể lý giải được tại sao những suy nghĩ tích cực lại có ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh nhân, tại sao những suy nghĩ tiêu cực lại khiến bệnh tình trở nên trầm trọng. Và bạn hãy thử chiêm nghiệm xem, khi nhìn thấy người khác cáu gắt, dù không phải là người bị chí trích, tại sao bạn lại cảm thấy không vui? Có lẽ là toàn bộ từng phân tử nước của bạn đang cảm nhận được sự tiêu cực ấy, tâm hồn của bạn đang cảm nhận được sự tiêu cực ấy. Với người ngoài còn là như vậy, thì có thể tưởng tượng cơ thể người cáu giận sẽ cảm thấy thế nào. Phải chăng đó cũng là “ác hữu ác báo”?

thiện duyên
(Ảnh minh họa qua read01)

Và qua những suy nghĩ trên, chúng ta lại hiểu rõ hơn thế nào là “thiện” và “ác”. “Thiện” ấy không chỉ là làm việc tốt, và cũng không phải là những việc bề mặt mà tôn giáo vẫn giảng như xây chùa, thắp hương, bái lạy. “Thiện” ấy là thiện niệm, là điều tốt đẹp trong mỗi từng suy nghĩ của con người. “Ác” ấy là ác niệm, là điều xấu xa ẩn giấu trong tư tưởng của chúng ta. Chính vì thế, con người không chỉ cần xem xét từng hành động của mình, mà còn phải xem xét từng suy nghĩ của mình. Đây cũng chính là hàm ý của “tu tâm” mà tôn giáo giảng.

tinh the nuoc
Tinh thể tuyệt đẹp này phải chăng là điều thế giới vật chất mong muốn con người cảm nhận? (Ảnh qua hado.com)

Nói rộng ra, nếu như toàn bộ những suy nghĩ của chúng ta, thời thời khắc khắc, là vị tha, là quên đi bản thân, là thiện niệm chân thành, thì chẳng phải lúc đó những phân tử nước của chúng ta sẽ biến đổi tuyệt đẹp hay sao? Thậm chí những phân tử vật chất khác, những hạt nhỏ bé hơn nữa cũng biến đổi tuyệt đẹp. Nói một cách khác, dù bề ngoài không có gì thay đổi, nhưng toàn bộ tồn tại vật chất của người đó đã thay đổi rồi, trở nên đẹp hơn rất nhiều rồi. Nếu như con người thực sự có phần hồn (một thứ vật chất không nhìn thấy được), thì họ sẽ thăng hoa tới đâu? Đây cũng chính là điều mà các tín ngưỡng cổ xưa nhắc tới.

Ôn cổ minh kim: Thiện ác hữu báo
(Ảnh qua 500px.com)

Dù không hoàn toàn lý giải được kết quả thực chứng với tinh thể nước, tiến sĩ Masaru Emoto đã nhắc nhở giới khoa học nói riêng và nhân loại nói chung rằng: con người có thể sử dụng khoa học để chứng minh cho tín ngưỡng, cho các đạo lý cổ xưa. Lúc đó, chúng ta sẽ thấy rằng, “thiện ác hữu báo” không chỉ hiện hữu ở thế giới con người, mà còn hiện hữu ở thế giới phân tử của nước, hay mở rộng ra là thế giới của các hạt vi quan nhỏ bé hơn. Hiểu được điều này, chúng ta mới thấm thía đạo lý của người xưa: “Thiện ác hữu báo”.

Quang Minh

Xem thêm: