Cổ nhân giảng rằng, dân là gốc, Quân vương là ngọn, phải có gốc thì mới có ngọn. Vì vậy, thời cổ đại, càng là bậc Quân vương có trí tuệ và đạo đức cao thượng thì càng coi trọng người dân thường, còn những vị Quân vương coi khinh dân chúng thì thường là kẻ mất nước. Thương Thang khi cầu mưa cho con dân nhà Thương đã có một câu nói thể hiện điều này đến cực điểm: “Thân Trẫm có tội, không thể giáng cho trăm họ; Trăm họ có tội, tội cũng tại thân Trẫm”.

Ngày nay trong chế độ xã hội hiện đại, rất nhiều người mặc nhiên cho rằng người có địa vị cao thì có quyền hơn người, cũng có thể hưởng sự giàu sang phú quý nhiều hơn. Còn người nghèo hèn là người không đáng được coi trọng trong xã hội. Nhưng thời cổ đại, những người có trí huệ, có đức độ, thì càng ở vị trí cao thì càng coi trọng muôn dân trăm họ.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Quân vương khinh dân thì mất nước
(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Trong “Sử ký – Ngụy Thế Gia” có ghi lại một câu chuyện như thế này:

Thời Chiến Quốc, có một người tên là Điền Tử Phương rất được Ngụy Văn Hầu, vị quân chủ khai quốc của nước Ngụy, trọng dụng. Sau khi nước Ngụy chiếm lĩnh được kinh thành của nước Trung Sơn, Ngụy Văn Hầu đã phái Thái tử Kích đến cai quản ở đây.

Một hôm Thái tử Kích đi ra ngoài, trên đường đi gặp Điền Tử Phương. Vì đã biết đến danh tiếng của Điền Tử Phương, Thái tử liền dừng xe lại để cho xe ngựa của Điền Tử Phương đi trước. Không ngờ khi xe ngựa đi qua, Điền Tử Phương ngay cả một cái liếc mắt cũng không nhìn về phía Thái tử, thản nhiên đi tiếp.

Thái tử Kích tức giận cho dừng xe Điền Tử Phương lại rồi cật vấn: “Người giàu sang phú quý mới hay kiêu ngạo, còn kẻ nghèo hèn thì lấy tư cách gì mà khinh người khác?”

Điền Tử Phương bình tĩnh trả lời: “Chỉ có người nghèo hèn mới có thể kiêu ngạo, người giàu sang phú quý sao dám kiêu ngạo chứ? Quân vương khinh dân thì mất nước. Quan lại khinh dân thì mất chức. Bậc đại phu khinh dân thì mất đi lãnh địa tước phong.”

Thái tử Kích nghe xong hiểu ra đạo lý trị quốc, lập tức hướng về phía Điền Tử Phương bái tạ rồi rời đi.

Lại có một câu chuyện về Triệu Uy Hậu, vương hậu của Triệu Huệ Văn Vương, coi trọng người dân như sau:

Thời Chiến Quốc, Tề Tương Vương phái sứ giả mang theo thư đến thăm hỏi Triệu Uy Hậu. Thư còn chưa mở, Uy Hậu liền hỏi sứ giả: “Năm nay việc thu hoạch thóc lúa có tốt không? Đời sống của dân chúng có tốt không? Tề Vương cũng khỏe chứ?”

Vị sứ giả nghe xong, trong lòng rất không vui: “Thần phụng mệnh Đại Vương đi sứ đến quý quốc, đến vấn an Thái hậu. Thái hậu không một lời hỏi thăm Đại Vương chúng tôi trước, mà lại hỏi việc thu hoạch thóc lúa, tình trạng của dân chúng. Như vậy chẳng phải là đảo ngược tôn ti trật tự sao?”

Triệu Uy Hậu bình tĩnh nói: “Ngài nghĩ sai rồi! Ngài thử nghĩ xem, nếu việc thu hoạch thóc lúa không tốt thì dân chúng sao có thể sinh tồn được? Nếu không có dân chúng thì làm gì có Quốc quân?”

Sứ giả nghe xong lời nói của Triệu Uy thái hậu cảm thấy vô cùng có đạo lý, vội vàng dập đầu tạ tội.

Người xưa có câu: “Người được lòng dân thì được thiên hạ, mất lòng dân thì mất thiên hạ”, vì thế, các bậc minh quân thời xưa luôn lấy dân làm gốc, yêu dân như con, dùng nhân từ và đức độ để cai trị mà được “hưng dân lợi quốc”.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: