Bài diễn thuyết dưới đây là của luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada, David Matas, trình bày tại Trung tâm Ấn độ, Đại học Winnipge, Canada. Ông David Matas là một luật sư nhân quyền quốc tế chuyên hỗ trợ các vấn đề tị nạn, di cư và quyền con người. Ông nhận được giải thưởng nhân quyền năm 2009 của tổ chức Xã hội Quốc tế vì Nhân quyền (International Society for Human Rights) và từng được đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2010 vì những nghiên cứu về tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn. Bài diễn thuyết có tiêu đề: “Gandhi và nhân quyền trong bối cảnh hiện đại”.

Diễn thuyết: "Nếu Gandhi sống dưới chế độ độc tài"
Luật sư nhân quyền David Matas. (Ảnh: Minghui.org)

*

Tôi muốn bắt đầu bằng đoạn trích từ một bài viết vào năm 1949 của George Orwell về Gandhi[, người được coi là Quốc phụ của Ấn Độ vì lãnh đạo phong trào đòi độc lập cho đất nước kiên trì theo đường lối bất bạo động]. Đoạn trích đó như sau:

“Có lý do để nghĩ rằng Gandhi, người đã được sinh ra vào năm 1869, không hiểu bản chất của chủ nghĩa toàn trị và nhìn nhận cuộc đối đầu với chính phủ Anh là cuộc chiến của cá nhân ông. Vấn đề không phải là vì Gandhi có thể kêu gọi cộng đồng nên người Anh đã đối xử nhẫn nại với ông […] Vấn đề ở chỗ Gandhi tin vào việc khơi dậy lương tri của thế giới, mà điều này chỉ có thể thực hiện được nếu thế giới có cơ hội nghe thấy những gì ông đang làm. Thật khó để thấy các phương pháp của Gandhi có thể được áp dụng như thế nào ở một quốc gia, nơi những người chống đối chế độ biến mất vào lúc nửa đêm và không bao giờ được nghe nói đến nữa. Không có báo chí tự do và quyền hội họp, thì không thể thu hút được công chúng, càng không thể nói đến việc đưa một phong trào quần chúng thành hiện thực, hay thậm chí để phe đối lập biết ý định của bạn. Có Gandhi ở Nga vào thời điểm này không? Và nếu có, người ấy đang đạt được thành tựu gì? Quần chúng Nga chỉ có thể thực hiện phong trào bất tuân dân sự nếu họ cùng lúc có ý tưởng đó trong đầu, và thậm chí sau [việc bất tuân dân sự] đó, thì [một điều tương tự thảm kịch] lịch sử là nạn đói Ukraine có thể xảy ra, việc làm của họ sẽ không tạo ra thay đổi gì”.

Là một nhà hoạt động và bênh vực nhân quyền, đây là những câu hỏi tôi thường phải giải quyết. Dưới bàn tay của các chế độ đàn áp độc tài, các phương tiện kiểm soát, kiểm duyệt, che đậy, tường thuật phản sự thật, đàn áp người thổi còi, tra tấn, mất tích và giết người hàng loạt đã phát triển đáng kể so với thời điểm năm 1949 khi Orwell viết trích đoạn trên.

Ngày nay, liệu có thể khơi dậy lương tri của thế giới về những vụ vi phạm nhân quyền lớn, khi các nạn nhân biến mất một đi không trở lại hay không? Ngày nay, liệu có thể phơi bày công khai những vi phạm này không? Liệu có thể lan truyền thông tin để thức tỉnh lương tâm công chúng khi những vụ mất tích xảy ra ở một quốc gia không có tự do ngôn luận hoặc tự do hội họp hay không? Liệu ngày nay có thể kêu gọi ý kiến của ​​cộng đồng quốc tế về những vụ mất tích xảy ra trong nước không? Liệu ngày nay, một cuộc đấu tranh đòi tôn trọng nhân quyền ở một quốc gia bị đàn áp có thể biến thành một phong trào quần chúng được hay không? Ngày nay có “Gandhi” ở các quốc gia bị đàn áp hay không? Nếu có, họ có thể làm được bất cứ điều gì hay không? Ngày nay, phương pháp phản kháng bất bạo động của Gandhi có thể được sử dụng để chống lại các chế độ độc tài đàn áp hay không?

Câu trả lời chung của tôi cho những câu hỏi này là có. Tuy nhiên, làm sao để thực hiện được? Một lần nữa, câu trả lời chung của tôi là, khi chúng ta đang đối phó với các chế độ độc tài đàn áp, các phương pháp của Gandhi là hợp lệ, nhưng cần có một sự thay đổi.

Phản kháng bất bạo động phải chuyển từ bên trong [quốc gia đó] ra bên ngoài [thế giới]. Gây sự chú ý, truyền bá nhận thức, thu hút dư luận toàn cầu, tạo nên một phong trào quần chúng, tất cả những điều này không thể thực hiện được ở quốc gia xảy ra cuộc đàn áp. Nhưng chúng có thể được thực hiện bên ngoài quốc gia đó. Và những hành động nhỏ bé của các “Gandhi” ngày nay bên trong đất nước mà họ bị đàn áp đã có thể thúc đẩy hành động từ bên ngoài.

Câu trả lời cụ thể tùy thuộc vào từng quốc gia và từng loại vi phạm nhân quyền khác nhau. Trong thời gian cho phép của sự kiện hôm nay, tôi sẽ chỉ đề cập đến một quốc gia, đó là Trung Quốc, và chỉ về một vi phạm nhân quyền, đó là việc giết hàng loạt tù nhân lương tâm để lấy nội tạng của họ.

Đây là tình huống xấu nhất. Nếu câu trả lời cho toàn bộ câu hỏi cho tình huống này là đúng, thì nó sẽ đúng với các tình huống còn lại.

Ở Trung Quốc, kể từ đầu những năm 2000, hàng trăm nghìn tù nhân lương tâm đã bị giam giữ tùy tiện và vô thời hạn, và mỗi năm có hàng chục nghìn người đã bị giết để lấy nội tạng. Nội tạng được bán cho khách du lịch cấy ghép tạng hoặc những người Trung Quốc có tiền hoặc có quan hệ tốt. Các tù nhân lương tâm bị giết chết bằng hình thức lấy nội tạng và sau đó xác của họ bị đem đi hỏa táng.

Nạn nhân chủ yếu là người tập Pháp Luân Công, một môn tập luyện tinh thần của Trung Quốc tương tự như yoga, và gần đây là người Duy Ngô Nhĩ. Tiếp theo đó là người Tây Tạng và Cơ đốc nhân tại gia, với số lượng ít hơn.

Lý do khiến cho hàng trăm nghìn người tập Pháp Luân Công bị giam giữ tùy tiện và vô thời hạn là vì, đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ bị coi như một phong trào quần chúng. Đảng Cộng sản Trung Quốc ban đầu khuyến khích việc tập Pháp Luân Công vì nó có lợi cho sức khỏe. Việc khích lệ này diễn ra bởi vì Đảng chuyển từ chủ nghĩa xã hội sang chủ nghĩa tư bản, và sự chuyển tiếp này tạo ra một khoảng trống ý thức hệ. Pháp Luân Công đã lấp đầy khoảng trống này với sự pha trộn và nâng cấp các bài tập khí công truyền thống của Trung Quốc cùng các tín ngưỡng Phật giáo và Đạo giáo truyền thống của Trung Quốc.

Pháp Luân Công không có gì nói về chính trị, nhưng số lượng người theo tập là quá lớn. Họ tập các động tác ở ngoài trời theo nhóm lớn. Và họ xuất hiện khắp Trung Quốc. Riêng tại Bắc Kinh có 3.000 nhóm như vậy.

Chính quyền Trung Quốc ước tính vào năm 1999 rằng có 70 triệu người tập. Con số thực tế mà những người tập Pháp Luân Công ước tính là gần 100 triệu.

Chế độ Trung Quốc không phải là một nền dân chủ, người ta nắm giữ quyền lực không phải bằng cách vận động, bỏ phiếu, huy động sự ủng hộ của công chúng. Cuộc đấu tranh giành quyền lực chính trị ở Trung Quốc diễn ra theo cách khác, thông qua các cuộc chiến ý thức hệ. Chế độ giống như một “giáo hội” mà trong đó các vị “giáo chủ” đều cố gắng chứng tỏ rằng họ thánh thiện hơn các anh em của mình. Cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc là một sự phân chia bè phái mà mỗi bên đều tự cho mình là “Cộng sản” hơn bên kia, có khả năng duy trì và nâng cao quyền lực của Đảng Cộng sản tốt hơn bên kia. Các ứng cử viên tìm kiếm cơ sở tư tưởng để đánh cược.

Ngay cả khi không có mối đe dọa thực sự nào đối với quyền lực tối cao của Đảng Cộng sản, những người tìm kiếm quyền lực vẫn tạo ra các mối đe dọa để biện minh cho việc nắm giữ quyền lực và duy trì quyền lực của họ. Pháp Luân Công bị ném vào cuộc giao tranh giữa các phái xung đột của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà thậm chí không nhận ra điều gì đang tấn công họ.

Việc Pháp Luân Công quá phổ biến và được một vài người trong Đảng khuyến khích đã khiến họ trở thành mục tiêu của một số kẻ khác. Mặc dù sự thật là Pháp Luân Công hòa bình, không có tổ chức, và phi chính trị. Nhưng điều đó cũng không ngăn cản được những người muốn leo lên nấc thang quyền lực trong Đảng xem họ như là một mục tiêu dễ dàng. Những người đó nói, hãy nhìn vào con số người tập mà xem. Họ nói, hãy nhìn vào khả năng huy động của Pháp Luân Công mà xem. Họ nói, hãy nhìn vào đức tin của họ mà xem, đó không phải là đức tin của những người cộng sản. Họ nói, hãy nhìn vào tín ngưỡng của họ mà xem, không phải là tín ngưỡng vô thần, trong khi Chủ nghĩa cộng sản là vô thần. Họ nói, hãy nhìn vào sự tương đồng của môn tập này với văn hóa truyền thống Trung Quốc mà xem, nó đồng nghĩa với việc họ không hiện đại như “những người Cộng sản chúng ta”.

Một phe cánh của Đảng bắt đầu phát động những lời chỉ trích trong trò chơi quyền lực của họ. Điều này khiến cộng đồng Pháp Luân Công phản đối, bởi vì họ cảm thấy họ là những người vô tội. Người tập Pháp Luân Công đã phản đối, thỉnh nguyện, kiến nghị, nói rằng một phe cánh trong Đảng đang nhắm vào họ, và “các bạn đang hiểu sai về chúng tôi”.

Nhưng bởi vì sự phản kháng đó, những “tưởng tượng” của phe cánh trong Đảng về “mối đe dọa của Pháp Luân Công” đã trở thành một lời tiên đoán tự ứng nghiệm. Khi những người tập Pháp Luân Công bắt đầu phản đối phe cánh vu oan cho họ, phản ứng của phe chống Pháp Luân Công là “thấy chưa, chúng tôi đã nói rồi mà”. Cuối cùng phe chống Pháp Luân Công đã thành công trong việc biến một môn tập phổ biến dựa trên nền tảng tu dưỡng tinh thần thành kẻ thù theo mục tiêu chính trị của họ và thắng thế trong Đảng.

Những gì mà Pháp Luân Công trải qua tại Trung Quốc là minh họa cho những điều Orwell viết [mà chúng ta đã đề cập tới lúc đầu]. Ở Trung Quốc, không thể cho phép một phong trào quần chúng ra đời, ngay cả khi phong trào quần chúng đó không liên quan gì đến chính trị. Thực tế vì nó là một phong trào quần chúng nên nó đã trở thành mục tiêu cho một phe cánh trong các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ của Đảng. Trường hợp của Pháp Luân Công đã cho thấy rằng không thể có phong trào quần chúng nào ở Trung Quốc, dù là phong trào ôn hòa nhất.

Cho phép tôi nhắc lại câu hỏi mà Orwell từng hỏi về nước Nga của Stalin vào năm 1949. Có Gandhi ở Trung Quốc vào thời điểm này không? Câu trả lời của tôi là có. Đó là Cao Trí Thịnh.

Cao Trí Thịnh là một luật sư nhân quyền, người đã viết ba bức thư ngỏ phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 12/2004, tháng 10/2005 và tháng 12/2005. Sau bức thư thứ hai, Sở Tư pháp thành phố Bắc Kinh đã đình chỉ hoạt động của văn phòng luật sư Cao Trí Thịnh trong 1 năm. Tháng 12/2005, anh bị thu hồi giấy phép hành nghề.

Phản ứng của Cao đối với hành vi này là công khai thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản và viết lá thư thứ ba. Bắt đầu từ tháng 12/2005, anh và gia đình bị cảnh sát giám sát liên tục.

Cảnh sát đã bắt Cao vào tháng 1/2006 vì đã quay phim cảnh sát sau khi anh nhận thấy họ quay phim anh. Vài ngày sau, cũng trong tháng 1, một chiếc xe ô tô có biển số được che đi, theo sau là một chiếc xe quân sự cũng có biển số được che lại, đã cố gắng đâm vào Cao.

Cao đã đáp lại bằng cách tổ chức tuyệt thực tiếp sức. Các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền lần lượt nhịn ăn trong một hoặc hai ngày để phản đối sự đàn áp của nhà nước. Để đáp lại, chính quyền đã bắt giữ nhân viên văn phòng của anh. Cao vẫn mở văn phòng của mình bất chấp sự ngăn cản; nhưng từ giữa tháng 2 anh đã phải tiếp tục công việc mà không có nhân viên.

Một tổ chức phi chính phủ, Liên minh Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công, vào tháng 5/2006, đã yêu cầu David Kilgour và tôi, với tư cách là các chuyên gia độc lập, điều tra và viết báo cáo về các cáo buộc rằng việc thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công đang xảy ra ở Trung Quốc. David Kilgour là cựu Quốc vụ khanh Canada về vấn đề châu Á – Thái Bình Dương.

Để thực hiện cuộc điều tra, chúng tôi muốn đến Trung Quốc. Chúng tôi đã yêu cầu lời mời từ bên trong Trung Quốc để thực hiện công việc này. Người trả lời là Cáo Trí Thịnh. Trong thư mời của mình, anh ấy viết:

“Vì tất cả điện thoại và mạng của tôi đã bị cắt, tôi chỉ có thể liên lạc [bằng điện thoại di động] thông qua các phóng viên và phương tiện truyền thông.”

Và thực sự là thông qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi đã nhận được thư mời. Cao đã gọi điện chuyển lời mời đến một phóng viên. Vị phóng viên đó đã gọi cho phiên dịch của chúng tôi để chuyển lời mời. Vị phóng viên này sau đó đính kèm lời mời trong tờ báo mà cô đang cộng tác, tờ Epoch Times, số ra tháng 6/2006.

Tôi cảm thấy không thoải mái về những gì Cao đã làm, vì anh ấy đang tự đặt mình vào nguy hiểm khi mời chúng tôi theo cách này. Anh ấy đã đoán trước và trả lời mối quan tâm này trong lá thư của mình:

“Các ông có thể lo lắng rằng sự ủng hộ và lời mời của tôi dành cho các ông có thể gây nguy hiểm cho tôi. Nhưng mối nguy hiểm mà tôi đang đối mặt không phải vì sự ủng hộ và mời gọi của tôi đối với các ông, mà là vì chúng ta đang phải đối mặt với một hệ thống độc tài ma quỷ. Do đó, nguy hiểm vốn vẫn hiện hữu. Nguồn gốc của nguy hiểm nằm trong hệ thống vô nhân đạo độc ác này, chứ không phải vì những gì chúng ta chọn làm.”

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada đã nói rõ với chúng tôi, trong cuộc họp giữa David Kilgour với các nhân viên đại sứ quán, rằng họ sẽ không cấp thị thực cho chúng tôi. Họ chỉ muốn phủ nhận bằng chứng lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi chưa bao giờ nộp đơn xin thị thực chính thức và cũng chưa bao giờ gửi lời mời của Cao cho họ.

Mặc dù vậy, sau khi mời chúng tôi, Cao đã bị bắt, tra tấn và bị kết án. Gia đình anh đã trốn khỏi Trung Quốc và hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ. Cao chỉ được thả vào tháng 8/2014 và bị quản thúc tại gia. Theo luật sư quốc tế của Cao là Jared Genser, Cao đã bị “hủy hoại hoàn toàn” trong lao tù. Vào tháng 8/2017, Cao lại bị bắt và không có tin tức gì của anh kể từ đó. (Xem thêm chuyên đề: Cao Trí Thịnh – Dũng khí vượt qua sợ hãi)

Trường hợp của Cao Trí Thịnh không phải là điều khiến tôi bắt đầu công việc về vấn đề Pháp Luân Công. Tôi đã bắt đầu công việc này trước khi biết về anh. Nhưng trường hợp của anh đã khuyến khích tôi tiếp tục và kiên trì. Nếu Cao sẵn sàng để mạo hiểm nhiều đến vậy, thì tôi, người đang an toàn ở Winnipeg, cần làm những gì mà tôi có thể.

Làm thế nào để có thể phản kháng bất bạo động bên ngoài Trung Quốc trong việc chống lạm dụng cấy ghép nội tạng của các tù nhân lương tâm? Tôi đề nghị các hình thức phản kháng bất bạo động sau:

Luật pháp

Liệt kê các thủ phạm theo đạo luật Magnitsky: Đạo luật này cho phép các cơ quan chức năng phong tỏa tài sản của những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và từ chối họ nhập cảnh. Những người phạm tội bị xác định sẽ bị nêu tên công khai theo luật. Canada vẫn chưa liệt kê bất kỳ thủ phạm Trung Quốc nào theo luật này. Đã có một yêu cầu tới chính phủ Canada vào tháng 12/2018, liệt kê 14 người bức hại hàng đầu đối với Pháp Luân Công.

Yêu cầu báo cáo về du lịch ghép tạng: Cần phải yêu cầu công dân báo cáo về hành vi du lịch cấy ghép tạng. Việc du lịch cấy ghép tạng ở nước ngoài có liên quan đến việc lạm dụng [con người], [và có thể đồng lõa] bởi các chuyên gia y tế cho đến các nhà quản lý y tế. Hiện không có tỉnh nào ở Canada yêu cầu báo cáo này.

Quy định rằng đồng lõa với việc lạm dụng cấy ghép tạng ở nước ngoài là một hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ: Ở Canada, một dự luật có hiệu lực đã được cả Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội Canada thông qua, nhưng dưới các hình thức khác nhau. Dự luật cần được ban hành để trở thành luật.

Tạo một ngoại lệ cho luật miễn trừ: Ngoại lệ sẽ cho phép các vụ kiện dân sự chống lại các nhà nước và những người có quyền lực của nhà nước đó khi họ thực hiện những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Áp dụng lệnh cấm nhập cư: Lệnh cấm nên được áp dụng đối với những người đồng lõa trong việc lạm dụng cấy ghép nội tạng.

Y đức

Nhân viên y tế không được ra nước ngoài cùng bệnh nhân để ghép tạng và nhận tiền đền bù.

Nhân viên y tế không được giới thiệu bệnh nhân cho các nhà môi giới cấy ghép nội tạng.

Nhân viên y tế không nên giới thiệu bệnh nhân đến một quốc gia nơi luật địa phương không cấm mua bán nội tạng, nơi thông tin về nguồn nội tạng không minh bạch, nơi có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và không tuân theo pháp quyền hoặc nơi có vi phạm y đức trong ghép tạng.

Bác sĩ không nên giới thiệu bệnh nhân đến cấy ghép nội tạng ở nước ngoài mà không chắc chắn rằng người hiến tạng tự nguyện đồng ý.

Các bác sĩ không nên thực hiện các cuộc điều tra y tế để chuẩn bị cho việc cấy ghép nội tạng được mua bán.

Các bác sĩ không nên kê đơn các loại thuốc sẽ được sử dụng trong quá trình cấy ghép nội tạng được mua bán.

Bác sĩ không nên cung cấp hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân để du lịch ghép tạng.

Nghiên cứu và đào tạo

Không chấp thuận việc trình bày hay xuất bản các nghiên cứu liên quan đến dữ liệu bệnh nhân hoặc mẫu từ người nhận nội tạng hoặc mô từ các tù nhân bị giết để lấy nội tạng

Không hợp tác với các nghiên cứu lâm sàng liên quan đến người nhận nội tạng hoặc mô từ tù nhân bị giết để lấy nội tạng.

Các chuyên gia cấy ghép không nên nhận lời mời thuyết trình khoa học hoặc giáo dục hoặc cung cấp chuyên môn của họ để hỗ trợ các hoạt động trong chương trình cấy ghép tạng ở Trung Quốc.

Các bệnh viện và trường đại học không được nhận thực tập sinh lâm sàng hoặc tiền lâm sàng đến từ hoặc tham gia các chương trình cấy ghép sử dụng nội tạng hoặc mô từ các tù nhân bị giết để lấy nội tạng.

Các doanh nghiệp

Các công ty dược phẩm không nên tham gia vào các cuộc thử nghiệm thuốc chống đào thải nội tạng sau cấy ghép ở Trung Quốc.

Các công ty bảo hiểm không nên mở rộng phạm vi bảo hiểm cho du lịch ghép tạng.

Kết luận

Tôi có thể tiếp tục nói nữa. Dù danh sách này đã đủ dài nhưng còn lâu nó mới hoàn thiện. Điểm chính của bài diễn thuyết này là ở chỗ, chúng ta không cần phải ở trong một quốc gia để chống lại sự đàn áp của quốc gia đó.

Tác động từ bên ngoài thì sẽ không có hiệu quả ngay lập tức. Nhưng nó có ưu điểm là tương đối an toàn và có thể truyền thông điệp ra toàn cầu. Bằng cách tiếp cận sự với các nạn nhân ở xa, vượt qua rào cản về ngôn ngữ, tinh thần, văn hóa, sắc tộc, chúng ta gửi đi thông điệp về tình đoàn kết toàn cầu, về sự thống nhất và bình đẳng của nhân loại – điều mà ở bên trong quốc gia bị đàn áp sẽ không thể thực hiện được.

Gandhi nói: “Bạn phải là người thực hiện sự thay đổi nếu bạn muốn nhìn thấy thế giới thay đổi.” Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Solon hỏi: “Khi nào thì chúng ta có thể chấm dứt sự bất công?” Câu trả lời mà ông ấy đưa ra là sự bất công sẽ chấm dứt “khi những người không phải là nạn nhân cũng cảm thấy bị xúc phạm như những người đang là nạn nhân.” Những nguyên tắc này được hiện thực hóa khi chúng ta nhận ra rằng sự phản kháng bên ngoài cũng quan trọng như sự phản kháng bên trong vậy.

Tốt nhất là sự phản kháng lại áp bức ở bên ngoài nên cộng hưởng với sự phản kháng bên trong. Khi không thể, chỉ riêng sự phản kháng bất bạo động bên ngoài cũng có thể có tác động. Tấm gương của Gandhi vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Tác giả: David Matas
Minh Nhật biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: