Diễn văn “Thời khắc lựa chọn” là một diễn văn nổi tiếng của Tổng thống Ronald Reagan, khi ông còn chưa chạy đua Tổng thống và tham gia ủng hộ cho ứng viên đảng Cộng hòa Barry Goldwater trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 1964. Mặc dù Barry Goldwater sau đó đã thua trong cuộc bầu cử, nhưng bài diễn văn của Ronald Reagan lúc đó đã ngay lập tức giúp cuộc đua vào Nhà trắng của Barry Goldwater quyên góp được 1 triệu USD, một số tiền khá lớn lúc bấy giờ. Đồng thời, bài diễn văn này cũng khiến Ronald Reagan nổi tiếng, và là bước chân đầu tiên của ông trong hành trình trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. “Thời khắc lựa chọn” cũng vô cùng đặc biệt, nó một lần nữa cho thấy tầm nhìn của các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ cũng như tầm nhìn của Ronald Reagan về như thế nào là một chính phủ Hoa Kỳ đích thực.

Chúng ta cũng biết rằng khi Tổng thống Kennedy muốn “làm gì đó với đầm lầy”, ông đã bị ám sát. Chuyện gì đã xảy ra? Không ai biết. Một điều rất đáng chú ý là thời đó ở Hoa Kỳ xuất hiện vụ bê bối Bobby Baker bị cáo buộc vì hối lộ và sắp xếp nhu cầu tình dục cho các doanh nhân và chính trị gia khác để đổi lấy tiền bạc và quyền lực. Một vụ bê bối động chạm đến “đầm lầy”. Tuy nhiên Bobby Baker lại đứng sau Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson. Vụ điều tra Bobby Baker và Lyndon B. Johnson bị dừng lại sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963 và Lyndon B. Johnson trở thành Tổng thống tạm thời, sau đó là Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. Bài diễn văn của Ronald Reagan xuất hiện trong bối cảnh bầu cử Tổng thống năm 1964. Là một Đảng viên Dân chủ nhưng quyết định ủng hộ ứng viên Cộng hòa, ông đã chỉ ra những lừa dối mà Đảng Dân chủ đang thực hiện sẽ hủy hoại Hoa Kỳ. Bài diễn văn này trở thành bước đầu tiên đưa Ronald Reagan đến với chức vị Tổng thống Hoa Kỳ. Những lời của Ronald Reagan trong bài diễn văn này khiến người ta không khỏi tự nhủ ông là một “nhà tiên tri” đáng kính.

Diễn văn: "Đế chế tà ác" - Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan
(Ảnh: Mark Reinstein, Shutterstock)

Dưới đây là bản dịch toàn văn của bài diễn văn, bản gốc xem tại đây.

*

Cảm ơn. Cảm ơn rất nhiều. Cảm ơn và xin chào quý vị. Chương trình này đã có nhà tài trợ, nhưng không giống phần lớn các chương trình truyền hình khác, hôm nay tôi không được đưa cho kịch bản của nhà đài. Thực tế là, tôi được cho phép biên soạn bài phát biểu của mình và bàn luận về ý kiến của riêng mình về sự lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt trong vài tuần tới.

Phần lớn cuộc đời của mình, tôi đã sống với tư cách là một đảng viên Đảng Dân chủ. Gần đây tôi thấy đã tới lúc phù hợp để bản thân chuyển hướng. Tôi tin rằng các vấn đề mà chúng ta đang đối mặt là vấn đề vượt qua ranh giới đảng phái. [Đảng Dân chủ] phía bên kia đang bảo chúng ta rằng vấn đề của cuộc bầu cử này là ở chỗ duy trì hòa bình và thịnh vượng. Họ đã sử dụng khẩu hiệu: “Người Hoa Kỳ chưa bao giờ sống tốt đến thế.”

Nhưng tôi có một cảm giác bất an rằng sự thịnh vượng này không phải là điều mà chúng ta có thể gửi gắm hy vọng và tương lai của chúng ta. Không có quốc gia nào trong lịch sử lại phải trải qua gánh nặng thuế lên tới một phần ba thu nhập quốc dân. Ngày nay, người ta kiếm được 1 đô-la thì phải đóng 37 xu cho người thu thuế, vậy mà chính phủ của chúng ta vẫn tiếp tục chi tiêu 17 triệu đô mỗi ngày, nhiều hơn số tiền thu được. Trong 34 năm qua, có tới 28 năm chúng ta đã không cân bằng được ngân sách. Chúng ta đã nâng hạn mức nợ lên 3 lần trong vòng 12 tháng qua, và giờ đây nợ quốc gia đã nhiều hơn 1.5 lần tất cả tổng số nợ của các quốc gia khác trên thế giới gộp lại. Chúng ta có dự trữ vàng trị giá 15 tỷ đô-la trong ngân khố, nhưng kỳ thực chúng ta không được sở hữu một xu [vì nó còn chưa đủ để trả nợ]. Lượng Đô-la tại quốc tế được cho là ở vào 27.3 triệu đô. Và chúng ta mới vừa thông báo rằng tiền đô-la Hoa Kỳ của năm 1939 sẽ được mua lại với giá quy đổi 45 xu cho 1 đô.

Đối với nền hòa bình mà chúng ta đang gìn giữ, tôi tự hỏi ai trong chúng ta muốn đến gặp và hỏi han những người vợ hoặc người mẹ có chồng hoặc con trai đã chết ở miền Nam Việt Nam, hỏi rằng họ có nghĩ rằng đây là một nền hòa bình cần được duy trì vô thời hạn hay không. Liệu họ có nghĩ đây là hòa bình không, hay họ sẽ nói hãy để cho họ yên? Đối với phần còn lại của người dân Hoa Kỳ mà nói, không thể có hòa bình thực sự trong khi một công dân Hoa Kỳ đang chết ở một nơi nào đó trên thế giới. Chúng ta đang chiến tranh với kẻ thù nguy hiểm nhất mà nhân loại từng phải đối mặt trong hành trình từ đầm lầy lên các vì sao, và người ta nói rằng nếu chúng ta thua trong cuộc chiến đó, và mất đi tự do của chúng ta, thì lịch sử sẽ ghi lại rằng đây là một điều quá bàng hoàng, vì những người có thể mất nhiều nhất trong cuộc chiến này đã làm ít nhất để ngăn chặn thảm kịch xảy ra. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta tự hỏi bản thân rằng liệu chúng ta có còn hiểu về các quyền tự do mà những vị Cha Lập quốc đã dành cho chúng ta hay không.

Cách đây không lâu, hai người bạn của tôi nói chuyện với một người tị nạn Cuba, một doanh nhân đã trốn thoát khỏi [Fidel] Castro. Và trong cuộc nói chuyện, một người bạn của tôi quay sang người kia và nói, “Chúng ta không biết rằng chúng ta đã may mắn đến nhường nào.” Và người Cuba dừng lại rồi nói, “Có thật là may mắn không? Tôi có thể trốn đến một vài nơi [còn các anh, những người Hoa Kỳ, sẽ không còn nơi nào để đi nếu thua cuộc chiến này].” Câu nói đơn giản đó của người Cuba đã nói lên tất cả. Nếu chúng ta mất tự do ở đây, sẽ không có nơi nào để trốn thoát. Đây là pháo đài cuối cùng trên trái đất.

Và ý tưởng rằng chính phủ thuộc về người dân, rằng quyền lực của nó là đến từ người dân, vẫn là ý tưởng mới nhất và độc đáo nhất trong lịch sử lâu dài về mối quan hệ của con người với con người.

Vấn đề của cuộc bầu cử này là liệu chúng ta có nên tin tưởng vào khả năng tự lập chính phủ của mình, hay chúng ta nên từ bỏ cuộc cách mạng của Hoa Kỳ và thú nhận rằng một số tầng lớp trí thức nhỏ ở một thủ đô xa xôi có thể lên kế hoạch cuộc sống của chúng ta tốt hơn chính chúng ta lên kế hoạch cuộc sống cho bản thân mình.

Mỗi ngày, bạn và tôi đều được bảo là phải lựa chọn giữa cánh tả và cánh hữu. Tôi muốn đề xuất rằng không có thứ gọi là tả hay hữu. Chỉ có lên hoặc xuống: đi lên là ước mơ và khát vọng xa xôi của nhân loại, sự tự do tối thượng của cá nhân, sự tự do phù hợp với luật pháp và trật tự [của các giá trị phổ quát(*)]; hoặc đi xuống là đi vào tổ kiến ​​của chủ nghĩa toàn trị. Và dù cho họ [những người thuộc Đảng Dân chủ] có “chân thành” thế nào và động cơ của họ “nhân đạo” ra sao, họ vẫn là những người đánh đổi tự do của chúng ta và bước vào con đường đi xuống đó.

(*) Xem bài: Hoa Kỳ lập quốc: Luật pháp, quyền bất khả xâm phạm và luật của Chúa

Trong thời gian “thu hoạch phiếu bầu” này, họ [những người thuộc đảng Dân Chủ] sử dụng các thuật ngữ như “Xã hội Vĩ đại”, hoặc như Tổng thống [Dân chủ] đã nói vài ngày trước, chúng ta phải chấp nhận một chính phủ hoạt động lớn hơn nữa cho các sự vụ của người dân. Nhưng họ đã dùng những từ ngữ rõ ràng hơn trong quá khứ và giữa họ với nhau; và tất cả những điều tôi trích dẫn dưới đây đã xuất hiện trong văn bản in. Đây không phải là những lời buộc tội của đảng Cộng hòa [mà là những điều Đảng viên Đảng Dân chủ nói ra]. Ví dụ, có những người nói rằng, “Chiến tranh lạnh sẽ kết thúc thông qua việc chúng ta chấp nhận một chủ nghĩa xã hội phi dân chủ”. Một người khác lại nói, “Động cơ lợi nhuận đã trở nên lỗi thời. Nó phải được thay thế bằng cách khuyến khích phúc lợi tới từ nhà nước.” Hoặc, “Hệ thống tự do cá nhân truyền thống của chúng ta không có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp của thế kỷ 20.” Thượng nghị sĩ Fulbright đã nói tại Đại học Stanford rằng Hiến pháp đã lỗi thời. Ông gọi Tổng thống [tạm thời của Đảng Dân chủ, Lyndon B. Johnson – sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát] là “người thầy đạo đức và nhà lãnh đạo của chúng ta” và ông nói rằng Tổng thống đang “gặp khó khăn trong nhiệm vụ của mình bởi những hạn chế quyền lực được áp đặt lên ông do văn bản cổ hủ này.” Và rằng Tổng thống phải “được giải phóng”, để ông “có thể làm cho chúng ta” những gì ông biết “là tốt nhất.” Và Thượng nghị sĩ Clark của Pennsylvania, một phát ngôn viên rõ ràng khác, định nghĩa chủ nghĩa tự do là “đáp ứng nhu cầu vật chất của quần chúng thông qua quyền lực của chính phủ tập trung.”

Về phần mình mà nói, tôi bực mình khi nghe một vị đại diện của nhân dân gọi tôi, các bạn, những người đàn ông và phụ nữ tự do trên đất nước này là “quần chúng”. Đây là một thuật ngữ mà chúng ta chưa áp dụng cho công dân Hoa Kỳ. Nhưng còn hơn cả thế, cái cụm từ “quyền lực của chính phủ tập trung” này là điều mà các vị Cha Lập quốc đã tìm cách giảm thiểu. Họ biết rằng chính phủ không kiểm soát mọi thứ. Một chính phủ không thể kiểm soát nền kinh tế mà không kiểm soát người dân. Và họ biết khi một chính phủ bắt đầu làm điều đó, nó phải sử dụng vũ lực và cưỡng chế để đạt được mục đích của mình. Những vị Cha Lập quốc cũng biết rằng ngoài các chức năng hợp pháp của chính phủ, trong các vấn đề khác, chính phủ không thể làm tốt hơn hoặc có hiệu quả kinh tế như các khu vực tư nhân của nền kinh tế.

Giờ đây, chúng ta có thể lấy một ví dụ trực quan nhất về tầm nhìn này, đó là việc chính phủ tham gia vào kinh tế trang trại trong hơn 30 năm qua. Kể từ năm 1955, chi phí của chương trình này đã tăng gần gấp đôi. 1/4 số trang trại ở Hoa Kỳ [do chính phủ kiểm soát] chiếm 85% số chi phí bị đội lên đó. 3/4 số trang trại hoạt động trên thị trường tự do [không bị chính phủ kiểm soát] và đã cho thấy mức tiêu thụ bình quân đầu người của tất cả các sản phẩm tăng 21%. Bạn thấy đấy, 1/4 số trang trại được quản lý và kiểm soát bởi chính phủ liên bang. Trong 3 năm gần đây, cứ mỗi 1 đô-la ngô chúng ta thu về thì chúng ta đã chi ra 43 đô-la cho chương trình chăm sóc ngũ cốc mà chúng ta [những công dân Hoa Kỳ] không canh tác [vì chính phủ Hoa Kỳ kiểm soát việc canh tác tại các trang trại đó].

Tuần trước, Thượng nghị sĩ Humphrey đã buộc tội rằng nếu [ứng viên Cộng hòa] Barry Goldwater trở thành Tổng thống, ông ấy sẽ tìm cách loại bỏ nông dân. Nếu Thượng nghị sĩ làm “bài tập về nhà” của mình tốt hơn một chút, ông ấy sẽ phát hiện ra rằng số trang trại tại Hoa Kỳ đã sụt giảm đi 5 triệu do các chương trình [kiểm soát] của chính phủ. Thượng nghị sĩ cũng sẽ thấy rằng chính quyền của Đảng Dân chủ đã tìm cách thúc đẩy Quốc hội cho phép mở rộng chương trình trang trại để kiểm soát được 3/4 số trang trại còn đang tự do. Thượng nghị sĩ sẽ thấy rằng họ [Đảng Dân chủ] cũng đã yêu cầu quyền bỏ tù những người nông dân không giữ lại chỗ khoán theo quy định của chính phủ liên bang. Bộ trưởng Nông nghiệp yêu cầu quyền thu giữ các trang trại thông qua việc kết án và bán lại cho các cá nhân khác. Và trong chương trình được đề xuất là một điều khoản cho phép chính phủ liên bang loại bỏ 2 triệu nông dân khỏi đất đai của họ.

Đồng thời, số lượng nhân viên của của Bộ Nông nghiệp đã tăng lên. Hiện cứ 30 trang trại ở Hoa Kỳ thì có một người quản lý, thế mà họ vẫn không thể cho chúng ta biết làm thế nào mà 66 chuyến tàu chở ngũ cốc hướng đến Áo đã biến mất không dấu vết và Billie Sol Estes [một doanh nhân dùng lỗ hổng chính sách kiểm soát trang trại để lừa gạt nông dân kiếm lợi] chưa từng rời bờ biển.

Mỗi nông dân và mỗi tổ chức trang trại có trách nhiệm đã nhiều lần yêu cầu chính phủ giải phóng kinh tế trang trại, nhưng làm thế nào? Thực ra chỉ có nông dân mới là người biết điều gì tốt nhất cho họ. Những người nông dân trồng lúa mì đã bỏ phiếu chống lại một chương trình lúa mì của chính phủ. Nhưng chính phủ đã bất chấp và thông qua. Hiện nay giá bánh mì tăng lên, [nhưng giá lúa mì] mà người nông dân thu về giảm xuống.

Trong khi đó, ở thành phố, trong quá trình đổi mới đô thị, cuộc tấn công vào tự do vẫn tiếp diễn. Quyền sở hữu tư nhân bị mờ nhạt đến mức cái gọi là “lợi ích công cộng” trở thành bất cứ điều gì mà một số nhà hoạch định chính phủ quyết định. Trong một chương trình lấy của người nghèo và chia cho kẻ tham lam, chúng ta thấy những cảnh tượng như ở Cleveland, Ohio, một tòa nhà trị giá một triệu rưỡi đô-la mới hoàn thành ba năm trước phải bị phá hủy để nhường chỗ cho cái mà các quan chức chính phủ gọi là “sử dụng đất thích hợp hơn”. Tổng thống [Đảng Dân chủ] nói với chúng tôi rằng bắt đầu từ giờ ông ấy sẽ xây dựng các đơn vị nhà ở công cộng với số lượng hàng nghìn, tại nơi mà trước đây chúng tôi chỉ cho xây dựng hàng trăm. Nhưng Cơ quan Nhà ở Liên bang FHA và Cục Quản lý Cựu chiến binh cho chúng tôi biết họ có đang có 120.000 đơn vị nhà ở mà họ đã lấy lại thông qua việc tịch thu tài sản thế chấp. Trong 3 thập kỷ, chúng ta đã tìm cách giải quyết vấn đề thất nghiệp thông qua việc lập kế hoạch từ chính phủ, và càng thất bại thì các nhà hoạch định càng lập kế hoạch nhiều hơn. Mới nhất là Cơ quan Tái phát triển Khu vực.

Họ vừa tuyên bố Hạt Rice, Kansas là một khu vực sa sút. Hạt Rice, Kansas, có hai trăm giếng dầu, và 14.000 người ở đó có hơn 30 triệu đô-la tiền gửi tiết kiệm cá nhân trong ngân hàng của họ. Và khi chính phủ nói với bạn rằng bạn đang chán nản, hãy nằm xuống và chán nản.

Có rất nhiều công dân Hoa Kỳ đã nhìn thấy một người đàn ông béo đứng bên cạnh một người gầy, nhưng lại không đi đến kết luận rằng người đàn ông béo đã đạt được điều đó bằng cách lấy đi của người gầy, [vậy nhưng phía Dân chủ lại có thể “khẳng định chắc chắn” điều đó]. Vì vậy, phía Dân chủ sẽ giải quyết tất cả các vấn đề về sự khốn cùng của con người thông qua chính phủ và các kế hoạch của chính phủ. Chà, bây giờ, nếu việc lập kế hoạch và phúc lợi của chính phủ là câu trả lời của họ – và họ đã có gần 30 năm cho nó – chúng ta có nên mong đợi chính phủ [của Đảng Dân chủ] sẽ tiếp tục những chính sách đó hay không? Đáng nhẽ là chính phủ Hoa Kỳ, họ phải làm sao để số lượng người cần giúp đỡ giảm đi, làm sao để nhu cầu về nhà ở công cộng giảm đi, họ có nói với chúng ta điều đó không?

Sự thật là điều ngược lại đã xảy ra. Mỗi năm nhu cầu càng lớn; chương trình cũng phát triển lớn hơn. 4 năm trước, họ nói với chúng ta rằng 17 triệu người đi ngủ mà chịu đói mỗi đêm. Điều đó “có lẽ đúng”. Những người đó đều đang ăn kiêng. Nhưng bây giờ họ nói với chúng ta rằng 9,3 triệu gia đình ở đất nước này đang nghèo đói vì thu nhập ít hơn 3.000 đô-la một năm. Chi tiêu cho phúc lợi [lớn] gấp 10 lần so với thời điểm Hoa Kỳ đang nằm trong hố sâu tăm tối của cuộc Đại Khủng hoảng. Chúng ta đang chi 45 tỷ đô-la cho phúc lợi. Bây giờ, hãy làm một phép tính nhỏ, và bạn sẽ thấy rằng nếu chúng ta chia đều 45 tỷ đô-la cho 9 triệu gia đình nghèo đó, chúng ta sẽ có thể chia cho mỗi gia đình 4.600 đô-la mỗi năm. Và nếu thêm vào đó là thu nhập của họ, thì họ sẽ được xóa nghèo. Tuy nhiên, viện trợ trực tiếp cho người nghèo chỉ vào khoảng 600 đô-la cho mỗi gia đình. Có vẻ tiền bạc đang bị đưa vào một chỗ nào đó.

Vì vậy bây giờ đất nước chúng ta [dưới sự điều hành của Đảng Dân chủ] tuyên bố “cuộc chiến với đói nghèo”, hoặc “Bạn cũng có thể trở thành một Bobby Baker(*)”. Bây giờ, họ thực sự mong đợi chúng ta tin rằng nếu chúng ta thêm 1 tỷ đô-la vào 45 tỷ chúng ta đã đang chi tiêu, thì họ sẽ có một chương trình nữa thêm vào những “chương trình” chúng ta đang có – và hãy nhớ rằng, chương trình mới này không thay thế bất kỳ chương trình nào, nó chỉ là sao chép các chương trình hiện có. Có phải họ tin rằng sự nghèo đói sẽ đột nhiên biến mất nhờ phép thuật chăng? Công bằng mà nói, tôi nên giải thích rằng có một phần của chương trình mới không bị trùng lặp. Đây là đặc điểm “mới”. Bây giờ chúng ta sẽ giải quyết vấn đề bỏ học, vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên, bằng cách tái thiết một cái gì đó giống như các trại CCC [Quân đoàn Bảo tồn Dân sự] cũ, và chúng ta sẽ đưa những đứa trẻ phạm pháp vào những trại này. Nhưng một lần nữa, hãy thực hiện một số phép tính, và chúng ta thấy rằng chúng ta sẽ chi tiêu cho mỗi thanh niên ở đó 4.700 đô-la một năm. Gửi chúng đến Harvard cũng chỉ mất có 2.700 đô-la một năm thôi! Tất nhiên, đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không nói rằng Harvard là câu trả lời cho tình trạng phạm pháp ở tuổi vị thành niên.

(*) Như đã đề cập đến ở đầu bài, Bobby Baker là một chính trị gia bị cáo buộc vì hối lộ và sắp xếp nhu cầu tình dục cho các doanh nhân và chính trị gia khác để đổi lấy tiền bạc và quyền lực, tuy nhiên ông ta lại hậu thuẫn cho Lyndon B. Johnson và cuối cùng vụ điều tra bị dừng lại sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát và Lyndon B. Johnson trở thành Tổng thống.

Nhưng nghiêm túc mà nói, chúng ta đang làm gì với những người mà chúng ta muốn giúp đỡ? Cách đây không lâu, một thẩm phán đã gọi tôi đến đây ở Los Angeles. Anh ta kể cho tôi nghe về một phụ nữ trẻ đến trước mặt anh ta để ly hôn. Cô có sáu đứa con, đang mang thai đứa thứ bảy. Dưới sự thẩm vấn của anh ta, cô tiết lộ chồng mình là một người lao động kiếm được 250 đô-la một tháng. Cô ấy muốn ly hôn để được tăng thêm 80 đô-la. Cô ấy sẽ có đủ điều kiện nhận 330 đô-la một tháng trong Chương trình Trợ giúp cho Trẻ em Phụ thuộc. Cô ấy bắt chước hai người phụ nữ trong khu phố của cô ấy, những người đã thực hiện điều tương tự.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào bạn và tôi đặt câu hỏi về “âm mưu” của những “người [tự cho là] thiện nguyện”, chúng ta sẽ bị tố cáo là chống lại các mục tiêu nhân đạo của họ. Họ nói rằng chúng tôi luôn luôn “chống lại” mọi thứ – chúng tôi không bao giờ “vì” bất cứ điều gì.

Chà, điều rắc rối đối với những người bạn [Dân chủ] muốn tự do của chúng ta không phải là họ không biết gì; chỉ là họ biết quá nhiều mà lại không biết gì mà thôi.

Bây giờ – chúng ta đưa ra một điều khoản rằng tình trạng nghèo khó không nên xảy ra khi bạn thất nghiệp do tuổi già, và vì mục tiêu đó, chúng ta đã chấp nhận An sinh xã hội như một bước để giải quyết vấn đề.

Nhưng chúng tôi chống lại những người được giao phó cho chương trình này, khi họ thực hiện hành vi lừa dối về những thiếu sót tài chính của chương trình. Với bất cứ lời chỉ trích nào, họ đều buộc tội là chúng ta muốn chấm dứt các khoản thanh toán cho những người phụ thuộc vào họ để sinh sống. Họ đã gọi nó là “bảo hiểm” đối với chúng ta trong “hàng trăm triệu tác phẩm văn học”. Nhưng sau đó họ xuất hiện trước Tòa án Tối cao và họ làm chứng rằng đó là một chương trình phúc lợi. Họ chỉ sử dụng thuật ngữ “bảo hiểm” khi bán nó cho người dân. Và họ nói rằng phí An sinh Xã hội là một loại thuế sử dụng chung cho chính phủ, và chính phủ đã sử dụng khoản thuế đó. Không có quỹ, bởi vì Robert Byers, người đứng đầu cơ quan tính toán, đã xuất hiện trước một ủy ban quốc hội và thừa nhận rằng An sinh xã hội tính đến thời điểm này đã lỗ số tiền 298 tỷ đô-la. Nhưng ông ta lại nói rằng không có lý do gì để lo lắng vì miễn là họ có quyền đánh thuế, họ luôn có thể lấy đi của người dân bất cứ thứ gì họ cần để cứu họ thoát khỏi khó khăn. Và họ đang làm điều đó.

Một thanh niên, 21 tuổi, làm việc với mức lương trung bình và đóng góp vào An sinh Xã hội, điều này sẽ giúp anh có được một hợp đồng bảo hiểm đảm bảo 220 đô-la một tháng ở tuổi 65 trên thị trường bảo hiểm mở. Chính phủ [chỉ] hứa hẹn 127 đô-la. Anh ta có thể sống cho đến khi anh 31 tuổi và sau đó theo đuổi một hình thức sẽ trả nhiều hơn An sinh xã hội. Bây giờ [chính phủ Đảng Dân chủ của] chúng ta thiếu ý thức kinh doanh đến mức chúng ta không thể đưa ra một chương trình hợp lý, để những người yêu cầu những khoản thanh toán đó sẽ thấy rằng họ có thể nhận chúng khi đến hạn – rằng cái tủ đựng tiền không trống rỗng.

[Ứng viên Cộng hòa] Barry Goldwater nghĩ rằng chúng ta có thể [sửa chữa điều này].

Đồng thời, chẳng nhẽ chúng ta không thể giới thiệu các tính năng tự nguyện, cho phép một công dân có thể không tham gia bảo hiểm, vì anh ta tin rằng anh ta sẽ làm tốt hơn, miễn là anh ta xuất trình bằng chứng rằng anh ta đã dự phòng cho những năm không kiếm được tiền? Chúng ta có nên từ chối cho phép một góa phụ có con đi làm, mà không bị mất các khoản trợ cấp mà người chồng đã mất của cô ấy từng trả? Tôi và bạn có nên được phép tuyên bố ai là người thụ hưởng của chúng ta trong chương trình này [thay vì khi chúng ta qua đời thì khoản trợ cấp cũng biến mất], việc ấy chúng ta cũng không thể làm? Tôi nghĩ rằng chúng ta đã nói với những người cao tuổi của chúng ta rằng không ai ở đất nước này nên bị từ chối chăm sóc y tế vì thiếu tiền. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta chống lại việc buộc tất cả công dân, bất kể nhu cầu của họ, phải tham gia vào một chương trình bắt buộc của chính phủ, đặc biệt là khi chúng ta có những ví dụ như vậy, như đã được thông báo vào tuần trước, khi Pháp thừa nhận rằng chương trình Medicare của họ hiện đã phá sản. Họ đã đi đến cuối con đường.

Ngoài ra, Barry Goldwater có trách nhiệm không, khi ông ấy đề nghị chính phủ của chúng ta từ bỏ chương trình lạm phát có kế hoạch, có chủ ý, để sau này khi bạn nhận được lương hưu An sinh xã hội, 1 đô-la sẽ có giá 1 đô-la, chứ không phải là 45 xu?

Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ [còn có nghĩa vụ] là một tổ chức quốc tế, nơi các quốc gia trên thế giới có thể [dựa vào để] tìm kiếm hòa bình. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần chống lại việc lợi ích của Hoa Kỳ phụ thuộc vào [Liên Hợp Quốc,] một tổ chức đã trở nên không bền vững về mặt cấu trúc đến mức ngày nay bạn có thể tập hợp 2/3 phiếu bầu trên sàn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc từ các quốc gia đại diện cho dưới 10% dân số thế giới. Tôi nghĩ rằng chúng ta chống lại thói đạo đức giả khi ai đó [từ đảng Dân chủ] tấn công các đồng minh của chúng ta chỉ bởi vì ở chỗ này, chỗ khác, họ có một thuộc địa. Trong khi đó, chúng ta “tham gia” vào một âm mưu lặng lẽ và không bao giờ hé răng về việc hàng triệu người bị nô lệ trong các thuộc địa của Liên Xô ở các quốc gia vệ tinh (*).

(*) Bấy giờ phe Hoa Kỳ và phe Liên Xô đang đối đầu. Tuy nhiên Đảng Dân chủ đã sử dụng tiêu chuẩn kép, chỉ trích các quốc gia như Pháp, Anh, vốn là đồng minh của Hoa Kỳ, nhưng lại lờ đi Liên Xô. Tổng thống Ronald Reagan là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng đó khi gọi Liên Xô là một Đế chế Tà ác (Xem bài: Diễn văn: “Đế chế tà ác” – Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan). Vấn đề “tiêu chuẩn kép” này trước đó có liên quan trực tiếp đến chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến mà trên một cái nhìn tổng quan là sự đối đầu giữa Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đáng lẽ phải hỗ trợ các đồng minh của mình bằng cách chia sẻ những phước lành vật chất của chúng ta với những quốc gia có chung niềm tin cơ bản với chúng ta, nhưng chúng ta [dưới sự điều hành của Đảng Dân chủ đã] chống lại việc cung cấp tiền cho chính phủ của họ, tạo ra một bộ máy quan liêu, nếu không phải là chủ nghĩa xã hội, trên toàn thế giới. Chúng ta mong muốn giúp thêm 19 quốc gia. Chúng ta đang giúp đỡ 107 quốc gia. Chúng ta đã chi 146 tỷ đô-la. Với số tiền đó, [hài hước thay, thay vì để giúp đỡ họ, chúng ta đã tạo ra chủ nghĩa xã hội hoặc quan liêu cấp độ thế giới,] chúng ta đã mua cho Haile Selassie [của Ethiopia] một chiếc du thuyền trị giá 2 triệu đô-la. Chúng ta đã mua những bộ âu phục cho quan chức Hy Lạp, mua thê thiếp cho các quan chức chính phủ Kenya. Chúng ta đã mua một nghìn chiếc TV cho một nơi không có điện. Trong sáu năm qua, 52 quốc gia đã mua số vàng trị giá 7 tỷ đô-la của chúng ta, và tất cả 52 quốc gia đang nhận viện trợ nước ngoài từ chính đất nước chúng ta.

Không có chính phủ nào tự nguyện giảm quy mô của mình. Vì vậy, các chương trình của chính phủ, một khi được đưa ra, không bao giờ biến mất.

Trên thực tế, văn phòng chính phủ là cơ quan gần nhất với sự sống vĩnh cửu mà chúng ta từng thấy trên trái đất này.

Nhân viên liên bang – số nhân viên liên bang là hai triệu rưỡi; và lao động của liên bang, tiểu bang và địa phương, chiếm 1 phần 6 lực lượng lao động của quốc gia được chính phủ tuyển dụng. Những văn phòng phát triển mạnh mẽ này với hàng nghìn quy định của họ đã khiến chúng ta phải mất nhiều công sức trong các biện pháp bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ. Có bao nhiêu người trong chúng ta nhận ra rằng ngày nay các đặc vụ liên bang có thể xâm nhập tài sản của một người đàn ông mà không cần lệnh? Họ có thể phạt tiền mà không cần xét xử chính thức, chứ đừng nói đến việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn? Và họ có thể thu giữ và bán tài sản của anh ta trong cuộc đấu giá để thi hành việc nộp phạt đó. Ở Chico, Arkansas, James Wier đã trồng quá nhiều lúa trên ruộng của mình. Chính phủ thu được một phán quyết trị giá 17.000 đô-la. Và một cảnh sát trưởng Hoa Kỳ đã bán trang trại rộng 960 mẫu Anh của anh ấy trong cuộc đấu giá. Chính phủ cho biết cần phải làm vậy để cảnh báo những người khác, để “hệ thống hoạt động”.

Ngày 19 tháng 2 vừa qua tại Đại học Minnesota, ông Norman Thomas, 6 lần là ứng cử viên cho chức Tổng thống trên tấm vé của Đảng Xã hội, nói, “Nếu Barry Goldwater trở thành Tổng thống, ông ấy sẽ ngăn chặn bước tiến của chủ nghĩa xã hội ở Hoa Kỳ.” Tôi nghĩ đó chính xác là những gì Barry Goldwater sẽ làm[, ngăn chặn bước tiến của chủ nghĩa xã hội ở Hoa Kỳ].

Nhưng với tư cách là một cựu đảng viên Đảng Dân chủ, tôi có thể nói với bạn, Norman Thomas không phải là người duy nhất so sánh rằng có một sự “song song” giữa chủ nghĩa xã hội với chính quyền [của Đảng Dân chủ] hiện tại. Vào năm 1936, chính ông Al Smith, một người Hoa Kỳ vĩ đại, đã đi tới trước mặt nhân dân Hoa Kỳ và buộc tội lãnh đạo Đảng Dân chủ của ông đang khiến Đảng của [các Tổng thống Hoa Kỳ tuyệt vời như] Jefferson, Jackson và Cleveland xuống đường đứng dưới các biểu ngữ của [các nhân vật cộng sản như] Marx, Lenin và Stalin. Và Al Smith đã rời bỏ Đảng Dân chủ mà không bao giờ trở lại cho đến ngày ông chết – bởi vì cho đến ngày nay, sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ đó đã đưa chính nó, chính Đảng danh dự đó, đi xuống con đường của Đảng Lao động Xã hội Anh quốc(*).

(*) Socialist Party of Great Britain: Một đảng theo chủ nghĩa xã hội được thành lập tại Anh quốc, phản đối Liên Xô, cho rằng Liên Xô là chủ nghĩa tư bản, nhưng tuyên bố quyết tâm tiếp tục đi theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx. Tương tự như vậy, Đảng Dân chủ Hoa Kỳ lên tiếng phản đối Liên Xô, nhưng cũng “quyết tâm” đi theo chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay không cần phải trưng thu tài sản tư nhân hoặc doanh nghiệp thì mới có thể thực thi chủ nghĩa xã hội. Có ý nghĩa gì đâu nếu bạn nắm quyền sở hữu doanh nghiệp và tài sản, nhưng chỉnh phủ lại nắm giữ quyền định đoạt đối với công việc kinh doanh hay tài sản đó? Cơ chế đó hiện đã tồn tại. Chính phủ có thể đưa ra một số cáo buộc chống lại bất kỳ mối bận tâm nào mà họ chọn để đưa ra truy tố. Mỗi doanh nhân đều có trải nghiệm bị quấy rối của riêng mình. Ở một nơi nào đó, sự hủ bại đã diễn ra. Các quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm của chúng ta hiện nay bị coi là sự sắp đặt của chính phủ, và tự do chưa bao giờ mong manh đến mức gần như tuột khỏi tầm tay của chúng ta như lúc này.

Các đối thủ đảng Dân chủ của chúng ta dường như không muốn tranh luận về những vấn đề này. Họ muốn làm cho bạn và tôi tin rằng đây là cuộc so tài giữa hai người đàn ông – chúng ta chỉ việc chọn lựa giữa hai cá tính.

Vậy điều mà họ muốn tiêu diệt bên trong người đàn ông [là ứng viên của Đảng Cộng hòa] này là gì – và khi tiêu diệt ông ta, họ sẽ phá hủy luôn cả thứ mà ông ấy đại diện, những ý tưởng mà bạn và tôi đều trân quý? Ông ấy có phải là người đàn ông thô lỗ và nông cạn và hiếu chiến như lời họ nói? Chà, tôi có đặc quyền là biết về ông “từ thời ấy”. Tôi biết ông từ rất lâu trước cả khi ông ấy từng ước mơ vươn lên chức vụ cao, và về chủ quan tôi có thể nói với bạn rằng tôi chưa bao giờ biết một người đàn ông nào trong đời như ông ấy, vì ông là người không có khả năng làm những điều bất lương hoặc ô nhục.

Đây là một người đàn ông, trong công việc kinh doanh của riêng mình trước khi bước vào chính trị, đã lập kế hoạch chia sẻ lợi nhuận trước cả khi các công đoàn suy nghĩ đến việc đó. Ông đã đề ra bảo hiểm y tế và sức khỏe cho tất cả nhân viên của mình. Ông lấy 50% lợi nhuận trước thuế và thiết lập một chương trình hưu trí, một kế hoạch lương hưu cho tất cả nhân viên của mình. Ông ấy gửi séc hàng tháng cho đến trọn đời cho một nhân viên bị ốm và không thể làm việc. Ông ấy cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng cho con cái của những bà mẹ làm việc trong các cửa hàng. Khi Mexico bị lũ lụt tàn phá ở Rio Grande, ông đã leo lên máy bay của mình để gửi thuốc men và vật tư xuống đó.

Một cựu quân nhân đã nói với tôi về trải nghiệm được gặp ông ấy. Đó là một tuần trước lễ Giáng sinh trong Chiến tranh Triều Tiên, và người cựu quân nhân ấy đang ở sân bay Los Angeles cố gắng bắt chuyến bay về nhà ở Arizona để đón Giáng sinh. Và ông ấy nói rằng [có] rất nhiều quân nhân ở đó và không còn chỗ ngồi trên máy bay. Và sau đó một giọng nói phát ra từ loa phóng thanh, “Bất kỳ người đàn ông mặc đồng phục nào muốn đi đến Arizona, hãy đến đường băng này này” và họ đi xuống đó, và có một người tên là Barry Goldwater đang ngồi trên máy bay riêng. Mỗi ngày trong những tuần trước lễ Giáng sinh, suốt cả ngày, ông ấy lấp đầy máy bay những người hồi hương, bay đến Arizona, chở họ về nhà, bay trở lại để đưa thêm người.

Trong thời gian chỉ tích tắc trước một chiến dịch [tranh cử], đây là người đàn ông đã dành thời gian ngồi bên cạnh một người bạn già đang chết vì bệnh ung thư. Những người quản lý chiến dịch của ông ấy tỏ ra thiếu kiên nhẫn một cách dễ hiểu, nhưng ông ấy nói, “Không còn nhiều người quan tâm đến những gì xảy ra với cô ấy. Tôi muốn cô ấy biết tôi quan tâm.” Đây là một người đàn ông đã nói với cậu con trai 19 tuổi của mình, “Không có nền tảng nào vững hơn khối đá của sự trung thực và công bằng, và khi con bắt đầu xây dựng cuộc sống của mình trên khối đá đó, bằng chất liệu xi măng là đức tin vào Chúa của con, đó là khi con có một khởi đầu thật sự.” Đây không phải là một người đàn ông có thể bất cẩn đưa đứa con trai của một người xa lạ tham chiến. Và đó là vấn đề của chiến dịch [tranh cử] này, cũng như tất cả những vấn đề khác mà tôi đã thảo luận về mặt học thuật, [chúng ta sẽ thua] trừ khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta đang ở trong một cuộc chiến bắt buộc phải thắng.

Những kẻ [thuộc Đảng Dân chủ] đánh đổi sự tự do của chúng ta để nhận đồ phát chẩn từ nhà nước phúc lợi đã nói với chúng ta rằng họ có một giải pháp không tưởng là “hòa bình không thắng”. Họ gọi chính sách của họ là “thích nghi”. Và họ nói chỉ cần chúng ta tránh mọi cuộc đối đầu trực tiếp với kẻ thù, hắn sẽ quên đi những đường lối xấu xa của mình và học cách yêu thương chúng ta. Tất cả những ai phản đối họ đều bị coi là những kẻ hiếu chiến. Họ nói rằng chúng ta đưa ra những câu trả lời đơn giản cho những vấn đề phức tạp. Chà, có lẽ có một câu trả lời đơn giản thật – không phải là một câu trả lời dễ dàng – nhưng đơn giản: Bạn và tôi cần có can đảm nói với các quan chức được bầu của chúng ta rằng chúng ta muốn chính sách quốc gia mình dựa trên những gì chúng ta tin là đúng đắn về mặt đạo đức.

Chúng ta không thể mua được sự an toàn của mình, sự tự do của mình khỏi mối đe dọa của bom bằng cách phạm một điều vô luân lớn đến mức nói với hàng tỷ con người hiện đang bị bắt làm nô lệ sau Bức màn sắt [của Liên Xô], “Hãy từ bỏ ước mơ tự do của các người đi, vì để cứu lấy mặt mũi mình, chúng ta sẵn sàng thỏa thuận với chủ nô của các người.” Alexander Hamilton từng nói, “Khi một quốc gia ưa chuộng sự hổ thẹn hơn là sự nguy hiểm thì nó đã chuẩn bị để đón kẻ thống trị, và nó đáng bị như thế.” Bây giờ chúng ta hãy đính chính lại. Không có tranh cãi nào về sự lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh, chỉ có một cách bảo đảm cho bạn có hòa bình – và bạn có thể có nó ngay trong giây tới – đầu hàng.

Phải thừa nhận rằng luôn có rủi ro khi chúng ta theo đuổi bất kỳ con đường nào khác, nhưng mọi bài học của lịch sử đều cho chúng ta biết rằng rủi ro lớn hơn nằm ở sự xoa dịu, và đây là bóng ma mà những người bạn [Dân chủ yêu] tự do có “thiện chí” của chúng ta từ chối đối mặt – chính sách thích nghi của họ là sự xoa dịu. Nhưng không có sự lựa chọn giữa hòa bình và chiến tranh, mà chỉ có giữa chiến đấu hoặc đầu hàng. Nếu chúng ta tiếp tục thích ứng, tiếp tục lùi và rút lui, cuối cùng thì chúng ta vẫn phải đối mặt với yêu cầu cuối cùng – tối hậu thư. Và điều gì xảy ra sau đó – Nikita Khrushchev nói với nhân dân của ông ta rằng ông ta biết câu trả lời của chúng ta sẽ là gì? Ông ấy đã nói với họ rằng chúng ta đang rút lui dưới áp lực của cuộc Chiến tranh Lạnh, và một ngày nào đó khi thời điểm đưa ra tối hậu thư cuối cùng đến, sự đầu hàng của chúng ta sẽ là tự nguyện, bởi vì lúc đó chúng ta sẽ bị suy yếu từ bên trong về mặt tinh thần, về mặt đạo đức, và về mặt kinh tế. Ông ấy tin thế bởi vì từ phía chúng ta, ông ấy đã nghe thấy những tiếng nói cầu xin “hòa bình bằng mọi giá” hoặc “[cách mạng] Đỏ tốt hơn chết”, hoặc như một nhà bình luận nói, ông ấy thà “sống trên đầu gối của mình hơn là chết trên đôi chân của mình”. Và lẩn khuất trong đó là con đường dẫn đến chiến tranh, bởi vì những tiếng nói đó không đại biểu cho nguyện vọng của chúng ta.

Bạn và tôi đều biết và không tin rằng cuộc sống quá thân thương và sự hòa bình quá ngọt ngào để phải mua bằng cái giá của xiềng xích và nô lệ. Nếu không có điều gì đáng để hy sinh trong cuộc sống này, thì việc gì phải bắt đầu nữa – việc gì phải đối mặt với kẻ thù này? Hay là Moses(*) nên bảo con dân Israel phải làm nô lệ dưới thời các pha-ra-ôn? Đấng Christ có nên từ chối thập tự giá không? Những người yêu nước ở Cầu Concord (**) có nên vứt súng xuống và từ chối bắn những phát súng vang vọng “khắp năm châu”? Những vị tử sĩ trong lịch sử không phải là những kẻ ngu ngốc, và những liệt sĩ được vinh danh của chúng ta, những người đã hy sinh mạng sống của mình để ngăn chặn bước tiến của Đức Quốc xã đã không chết vô ích. Vậy, con đường dẫn đến hòa bình ở đâu? Rốt cuộc thì câu trả lời lại quá đơn giản.

(*) Moses là nhà tiên tri người Do Thái đã dẫn dắt người Do Thái thoát khỏi các pha-ra-ôn. Ông là nhà tiên trị quan trọng của cả 3 tín ngưỡng phương Tây là Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Hoa Kỳ là do các tín đồ Thanh giáo, một nhánh Kitô giáo, sáng lập nên.

(**) Cầu Concord là nơi bắt đầu cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ với Vương quốc Anh.

Bạn và tôi có đủ can đảm để nói với kẻ thù của chúng ta, “Có một cái giá mà chúng tôi sẽ không trả”. “Có một cột mốc mà họ không được phép bước qua”. Và đây – đây là ý nghĩa trong cụm từ “hòa bình nhờ sức mạnh” của ông Barry Goldwater. Ông Winston Churchill đã nói, “Số phận của con người không được đo lường bằng các phép tính vật chất. Khi các thế lực lớn đang chuyển dịch trên thế giới, chúng ta biết rằng chúng ta là linh hồn cao quý chứ không phải thú vật.” Và ông nói, “Có một điều gì đó đang xảy ra trong thời gian và không gian, và vượt qua cả thời gian và không gian, mà dù muốn hay không, chúng ta đều có nghĩa vụ phải thực hiện.”

Bạn và tôi có một cuộc hẹn định mệnh.

Chúng ta sẽ gìn giữ điều này cho con cái chúng ta, hy vọng tốt đẹp cuối cùng của con người trên trái đất, hoặc chúng ta sẽ kết án hậu duệ mình, khiến chúng phải đi bước đi cuối cùng vào ngàn năm tăm tối.

Chúng tôi sẽ khắc ghi và nhớ rằng Barry Goldwater luôn tin tưởng vào chúng ta. Ông ấy có niềm tin rằng bạn và tôi có khả năng, phẩm giá và quyền tự quyết định và định đoạt số phận của chính mình.

Xin chân thành cảm ơn.

Video Ronald Reagan đọc diễn văn “Thời khắc lựa chọn”:

*

Minh Nhật biên tập
Các chú thích trong bài và các phần ngoặc vuông là của người dịch để làm rõ nghĩa

Trong quá trình biên dịch, chúng tôi cố gắng khiến bản dịch sát nghĩa và thể hiện được tinh thần của bài diễn văn trong khả năng tốt nhất của mình, tuy nhiên để mang được cái hồn của những áng văn tới độc giả là một điều không dễ. Chúng tôi trân trọng mọi ý kiến giúp cho bản dịch hoàn chỉnh và hay hơn.

Xem thêm:

Mời xem video: