Cổ nhân tin rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Tục ngữ cổ cũng có câu: “Thiện ác không phải không có báo mà là chưa đến lúc”. Kỳ thực, nhìn lại lịch sử chúng ta có thể thấy, kể từ thời sơ khai đã có vô số những ví dụ về “làm việc ác bị ác báo”.

làm việc ác bị ác báo
Tạo hình nhân vật Triệu Cao trong phim (Ảnh: Qua Kknews.cc)

Dưới đây xin trích dẫn một ví dụ điển hình về “làm việc ác bị ác báo” của hoạn quan Triệu Cao triều nhà Tần được ghi chép trong sách sử “Tư trị thông giám”.

Sau khi Tần nhị thế Hồ Hợi lên làm Hoàng đế, đã tin một cách mù quáng vào hoạn quan Triệu Cao. Thậm chí Hồ Hợi còn bổ nhiệm Triệu Cao làm Lang trung lệnh. Triệu Cao từ lúc lên làm quan lớn lập tức thể hiện ra bộ dạng đắc chí của kẻ tiểu nhân.

Ông ta một mặt dẫn dụ Tần nhị thế Hồ Hợi trầm mê vào tửu sắc, một mặt lại tận sức tiêu diệt những người đối lập. Bởi vậy, quan chức cao thấp trong triều đình đều căm hận ông ta. Hơn nữa, rất nhiều người còn muốn giết chết ông ta.

Triệu Cao cũng biết rằng trong triều có rất nhiều người muốn lấy mạng của mình, vì thế ông ta tìm cách mượn tay Hồ Hợi để loại bỏ những người đối địch trước.

Triệu Cao nói: “Bệ hạ! Thiên tử nếu muốn khiến đại thần tôn kính và phục tùng thì cần phải làm cho họ ngay từ đầu đã có một loại cảm giác thần bí. Bệ hạ nên khiến họ chỉ có thể nghe thấy tiếng của Người mà không thể nhìn thấy dung mạo của Người. Huống hồ hiện tại Bệ hạ còn rất trẻ tuổi, lúc làm việc khó tránh khỏi những chỗ không thỏa đáng. Nếu Bệ hạ mỗi ngày đều triệu kiến đại thần, thời gian lâu dài chỉ e sẽ bị chúng đại thần nhạo báng.”

Tần nhị thế Hồ Hợi nghe xong gật gật đầu, nói: “Khanh nói có lý, nhưng ta phải làm thế nào? Dù sao thì cũng không thể không lên triều được!”

Triệu Cao cười, nói: “Thần có một biện pháp, Bệ hạ mỗi ngày hãy ở trong thâm cung, giao cho thần và một số quan hiểu rõ luật nhận bản tấu của các đại thần. Thần tiếp tấu chương xong sẽ giao lại cho người xem, cùng bàn bạc xử lý. Cứ như thế, Bệ hạ cũng sẽ không phải lo lắng có sự tình nào xử lý không được thỏa đáng.”

Hồ Hợi nghe xong vô cùng cao hứng và đồng ý với ý kiến của Triệu Cao. Từ đó về sau, mỗi lần chúng thần vào triều đều không còn được gặp Hoàng thượng nữa. Thay vào đó, họ chỉ có thể gặp được Triệu Cao cùng những người trong vây cánh của ông ta diễu võ dương oai, độc tài xử lý việc triều chính.

làm việc ác bị ác báo
Tạo hình nhân vật Triệu Cao trong phim (Ảnh: Qua jianshu.com)

Các đại thần vô cùng tức giận, bất bình nhưng chỉ có thể để trong lòng mà không làm gì được. Một thời gian sau, Thừa tướng Lý Tư vốn là người cùng mưu với Triệu Cao sửa chiếu thư trợ giúp Hồ Hợi lên ngôi cũng càng ngày càng bất mãn trước việc làm của ông ta. Triệu Cao sau khi biết được tâm ý ấy của Lý Tư đã nghĩ ra một kế độc, dự tính giệt trừ Lý Tư.

Hôm ấy, Triệu Cao tìm đến quý phủ và nói với Lý Tư: “Lý Thừa tướng, ta có chuyện muốn cầu ngài. Ngài nhất định phải giúp ta!”

Lý Tư cười nhạt một tiếng và nói: “Thật sao? Không ngờ, Lang trung lệnh cũng có việc cầu ta!”

Triệu Cao giả vờ như không nghe thấy lời ấy của Lý Tư, làm bộ ra một vẻ đáng thương rồi nói: “Thừa tướng! Ta biết hiện giờ cả triều đình đang nói ta không đúng. Nhưng mà chính là ta cũng không có cách nào khác! Ngài cũng biết, hiện giờ thiên hạ đại loạn, nơi nơi đều là phản tặc.

Nhưng còn Hoàng thượng thì sao? Mỗi ngày chỉ biết uống rượu mua vui, vừa xây dựng cung A Phòng, vừa thu thập một số đồ vô dụng (ý chỉ kỳ trân dị bảo). Ngài nói xem, những người bề tôi như chúng ta có thể không sốt ruột sao? Kỳ thực, ta vẫn luôn muốn can gián Hoàng thượng, nhưng nghĩ lại một chút thì thấy mình chỉ là một hoạn quan, địa vị quá thấp hèn, cho nên cũng không dám đi. Ngài thì không như thế, ngài là Thừa tướng của đại Tần, chẳng phải đây chính là việc thuộc bổn phận của ngài sao!”

Lý Tư nghe xong, thở dài một tiếng rồi nói: “Ai nha! Kỳ thực, ta cũng sớm muốn đến khuyên can Hoàng thượng. Nhưng hiện giờ Hoàng thượng không lên triều, ta ngay cả gặp mặt Hoàng thượng cũng không được, làm sao có thể can gián được đây?”

Triệu Cao thấy Lý Tư đã mắc bẫy của mình, liền vội vàng nói: “Triệu Cao ta tuy rằng địa vị thấp hèn, nhưng sẵn lòng muốn giúp ngài chuyện này. Lần sau, đợi lúc Hoàng thượng rảnh, ta sẽ cử người đến báo cho ngài. Đến lúc ấy, ngài nhất định phải đến can gián Hoàng thượng!”

Lý Tư nghe xong, không biết đây là độc kế của Triệu Cao nên vô cùng cảm tạ ông ta. Hơn nữa, ông còn vô cùng hối hận vì bản thân trước đây đã trách lầm người.

Nhưng thực ra, tâm địa của Triệu Cao đâu có tốt như vậy! Ông ta thực sự đã phái người đến báo cho Lý Tư. Nhưng cũng không phải là lúc Hoàng thượng không rảnh rỗi, chỉ có điều là vào đúng những lúc Hồ Hợi đang chơi đùa vui vẻ, hoan lạc, phấn khích nhất.

Sau mấy lần như thế, Hồ Hợi liền nói với Triệu Cao: “Tên Lý Tư này thực sự làm trẫm mất hứng, sớm không đến, muộn không đến, cố tình chờ trẫm đang lúc chơi vui sướng nhất thì đến. Chẳng lẽ ông ta cho rằng trẫm ít tuổi, kiến thức quá nông cạn sao?”

Triệu Cao thấy thời cơ đã thích hợp, liền nói lời bậy bạ về Lý Tư ngay trước mặt Hồ Hợi. Ông ta nói, Lý Tư từng trợ giúp Tần nhị thế lên ngôi, nhưng hiện giờ lại không có đất phong xưng vương nên trong lòng vẫn ghi hận. Hơn nữa, Trần Thắng tạo phản ở Đại Trạch, nơi cách địa bàn mà con trai cả của Lý Tư nắm giữ không xa. Triệu Cao cho rằng, Lý Tư là thông đồng với Trần Thắng tạo phản.

Tần nhị thế Hồ Hợi nghe xong, giận tím mặt, muốn nhanh chóng trừng phạt Lý Tư. Nhưng Hồ Hợi cũng e sợ oan uổng cho Lý Tư, nên phái người đi điều tra sự thật việc thông đồng này.

Sau khi Lý Tư biết được tin tức ấy, tức giận nổi trận lôi đình, lập tức viết một phong thư gửi cho Tần nhị thế. Trong thư nói: “Xưa kia, tướng quốc Điền Thường của Vua Tề Giản Công thật biết cách ‘đùa bỡn’ quyền lực. Ông ta vừa lấy được sự tin tưởng của Vua Tề Giản Công, vừa lấy được lòng của các quan lại, giành được sự giúp sức của dân chúng.

Cuối cùng, Điền Thường phát động phản loạn, giết chết Tề Giản Công, chiếm được nước Tề. Hiện giờ, Triệu Cao chiếm được đại quyền trong triều, vô cùng giàu có. Thần căn cứ vào tất cả các biểu hiện của ông ta, phỏng đoán rằng, tên tiểu nhân này nhất định có mưu đồ làm loạn, sớm hay muộn gì cũng sẽ có ngày mưu hại Bệ hạ!”

làm việc ác bị ác báo
(Hình minh họa: Qua pchome.net)

Không ngờ, Tần nhị thế đọc xong vô cùng xem thường, nói: “Triệu Cao sao có thể muốn phản ta được? Hắn đối với Trẫm vô cùng trung thành. Hơn nữa, công trạng của hắn đều là dựa vào chính tài năng và lòng trung thành mà đổi lấy. Khanh đừng hoài nghi ông ta.”

Triệu Cao thấy Lý Tư tố cáo mình, liền nói với Tần nhị thế: “Lý Tư vu khống thần làm phản, kỳ thực, thần thấy chính ông ta mới là giống Điền Thường. Hiện tại chỉ có thần là người duy nhất khiến ông ta lo lắng. Chỉ sợ thần vừa chết thì ông ta sẽ noi theo Điền Thường làm phản.”

Thời ấy, quân khởi nghĩa của thiên hạ càng ngày càng đông, triều đình phái người đi tấn công quân khởi nghĩa. Lý Tư kết hợp với Tả thừa tướng Phùng Khứ Tật, đại tướng quân Phùng Kiếp cùng đến khuyên can Hồ Hợi. Họ hy vọng Tần nhị thế Hồ Hợi có thể dừng việc xây dựng cung A Phòng để dân chúng bớt kêu than.

Nhưng Tần nhị thế vừa nghe xong, trong lòng giận dữ, tống cả ba người họ vào ngục giam. Kết quả, Phùng Khứ Tật và Phùng Kiếp tự sát ở trong ngục, chỉ có Lý Tư là không chết. Về sau, vì để ép Lý Tư nhận tội, Tần nhị thế lại giao Lý Tư cho Triệu Cao xử.

Triệu Cao thấy cơ hội rốt cuộc đã đến, liền dùng các loại cực hình tra tấn Lý Tư. Lý Tư vốn là một thư sinh, không thể chịu được các loại hình phạt tàn khốc như vậy. Cuối cùng, Tể tướng đành phải hàm oan nhận tội.

Lý Tư cho rằng, bản thân mình không có ý mưu phản, dựa vào tài năng của bản thân thì nhất định sẽ nhận được tín nhiệm của Hoàng thượng. Vì vậy, ông viết một lá thư gửi cho Hoàng thượng đọc. Nhưng Triệu Cao không đồng ý, cười và nói: “Hừ! Một tên tù nhân mà cũng muốn lên lớp giảng bài cho Hoàng thượng!”

Cuối cùng, Lý Tư bị Triệu Cao phán quyết chém ngang lưng.

Từ đó về sau, tiểu nhân Triệu Cao đắc ý, mãn nguyện, tùy ý hoành hành. Ông ta tự nhận mình là Thừa tướng, nắm giữ quyền lực, “chỉ hươu bảo ngựa”, hoàn toàn khống chế triều đình.

Năm 207 trước CN, Triệu Cao liên kết với Diễm Nhạc sát hại Tần nhị thế, lập Tử Anh (cháu Tần nhị thế) làm Vua. Nhưng không lâu sau, ác báo đã tới, Triệu Cao và ba đời nhà ông ta bị Tử Anh giết chết.

An Hòa (dịch và t/h)

Xem thêm: