Làm bậc tiền bối, làm cha làm mẹ, thường là muốn lấy những gì tốt đẹp nhất để lại cho thế hệ sau. Nhưng điều tốt đẹp nhất là gì? Xưa nay đại đa số người ta tích lũy của cải tài vật trong cuộc đời, đến lúc về già đều có suy nghĩ muốn để cho con cháu. Nhưng kỳ thực bất kể là cấp cho ai, cấp cho bao nhiêu tiền của đi nữa, thì cũng đều là những vật ngoài thân. Trong lịch sử không thiếu những trường hợp của cải nhiều như nước chỉ qua vài chục năm là tài tiêu vật tán, chẳng còn chút gì. Bởi vậy các bậc hiền đức xưa đều cho rằng chỉ có dạy con trọng đức hướng thiện mới là thực sự lo cho tương lai lâu dài của chúng. Hết thảy những thứ vật chất đều sẽ tiêu tan hết nếu một người sống mà không tích phúc báo cho mình. Chỉ có đức hạnh mới có thể giúp người ta đảm bảo được một tương lai tốt đẹp.

Nhà Phật giảng rằng tiền tài là vật ngoại thân, hơn nữa còn giảng về nguyên lý nhân quả của tài vật. Có một câu chuyện xảy ra tại vương quốc Kiều Tát La vào thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế như vậy.

Trí tuệ cổ nhân: Điều một người cần tích lũy và lưu lại cho con cháu
(Ảnh minh họa: AfriramPOE, Shutterstock)

Chuyện kể rằng quốc vương nước này là Ba Tư Nặc (Thắng Quân) có một cô công chúa tên là Thiện Quang. Thiện Quang lớn lên xinh đẹp đoan trang, rất được dân chúng yêu kính.

Vua Ba Tư Nặc rất hài lòng về công chúa. Một hôm ông nói với con: “Con được dân chúng yêu quý là vì có cha là quốc vương!”

Công chúa Thiện Quang bẩm rằng: “Thưa cha, đó là nhân duyên phúc đức của con.” Vua Ba Tư Nặc hỏi con gái đến ba lần liền, nhưng cả ba lần công chúa Thiện Quang đều trả lời như vậy.

Nhà vua vô cùng tức giận, bèn đem công chúa gả cho một chàng trai nghèo khó khổ sở, rồi nói với công chúa: “Để ta xem vì con cố gắng hay là vì có cha mà con được như vậy!”

Dù được gả cho chàng trai nghèo, công chúa không oán hận, mà chỉ đơn giản là trút bỏ quần áo xa hoa, mặc quần áo đơn sơ và đi theo chồng.

Chàng trai nghèo kia vốn là con quan, nhưng vì được nuông chiều từ bé, thừa hưởng gia sản lớn mà chỉ biết ăn chơi, nên không bao lâu sau tán gia bại sản. Bởi vậy ngoài căn nhà hư nát ra thì không còn có tài sản gì.

Biết được hoàn cảnh chồng, công chúa cùng chồng quay về căn nhà nọ. Không ngờ ở đó, nàng phát hiện được một kho tàng chôn giấu nhiều vàng bạc. Vậy là chỉ mấy năm sau, cả hai vợ chồng lại trở nên giàu có, phú quý.

Vua Ba Tư Nặc khi biết chuyện thì vô cùng kinh ngạc, liền đến hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni.

Tich luy luu lai con chau 03
Tranh miêu tả cảnh Vua Ba Tư Nặc đến gặp Đức Phật. (Tranh: Hutchinson’s Story of the Nations, Wikipedia, Public Domain)
Trí tuệ cổ nhân: Điều một người cần tích lũy và lưu lại cho con cháu
Điêu khắc đá mô tả cảnh Vua Ba Tư Nặc đến gặp Đức Phật. (Ảnh: Biswarup Ganguly, Wikipedia, CC BY 3.0)

Đức Phật kể cho vua Ba Tư Nặc một câu chuyện nhân quả, đại ý là trong một kiếp trước, công chúa Thiện Quang đã làm việc đại thiện, đó là sẵn lòng đem thức ăn để trợ giúp những người tu luyện trong quá trình họ tu hành. Chồng của Thiện Quang không muốn vợ làm như vậy nên thường ngăn cản nàng. Tuy nhiên Thiện Quang không thay đổi tâm nguyện của mình và còn thuyết phục được chồng đồng ý.

Hai người kiếp này vẫn có nhân duyên là vợ chồng. Bởi vì kiếp trước Thiện Quang làm việc đại thiện nên nàng có được phúc đức ấy, kiếp này nàng rất giàu có.

Còn chồng nàng vốn cũng còn phúc đức lớn, nên mới sinh ra đã là con quan, được hưởng đời nhung lụa. Nhưng bởi vì được nuông chiều sinh ra hư hỏng, không có đức hạnh, nên anh ta nhanh chóng tiêu hết phúc phận của mình. Ngoài ra, kiếp trước anh cũng ngăn cản Thiện Quang làm việc thiện, nên không xứng có được phúc phận trọn vẹn. Tuy nhiên cuối cùng thì khi xưa anh ta đã đồng ý để Thiện Quang trợ giúp người tu hành, nên kiếp này khi gặp lại vợ thì anh ta lại được giàu có.

Con người một khi đã có phúc báo thì tự nhiên sẽ có tác động đến sự giàu có thịnh vượng của gia đình, của thế hệ sau, mặc dù không phải là “muốn gì được nấy”. Đây chính là tầm quan trọng của phúc báo, cũng chính là điều mà người ta gọi là “tích tài vật không bằng tích phúc báo”. Hơn thế nữa, dù là tài vật hay phúc báo thì cũng không phải là thứ mà một người có thể tùy tiện hưởng thụ. Con cháu không có phúc báo của mình thì đời trước tích lũy cho thứ gì cũng sẽ mau chóng mà dùng hết. Cho nên, tự bản thân mỗi người đều phải có đức hạnh để hưởng được phúc báo ấy, chính là điều mà người xưa gọi là: “Quân tử dĩ hậu đức tải vật” (Kinh Dịch), người quân tử dùng đức dày để nâng đỡ vạn vật.

Khái niệm đức hạnh nâng đỡ phúc báo này có thể hiểu đơn giản như vậy. Ví như, một cái bàn có thể gánh chịu được khối lượng nặng 10 kg mà chúng ta nhất định muốn đem trọng lượng 15, 20, 50 kg đặt lên nó, vậy thì chúng ta hãy xem cái bàn này sẽ ra sao? Nó sẽ bắt đầu run lên, bắt đầu biến dạng, xuất hiện điềm báo trước khi bị đổ sập nứt vỡ. Tiền bạc, quyền lực, danh vọng đều là những điều đè áp lên bản thân chúng ta. Vì vậy khi có được chúng, chúng ta hãy tự hỏi liệu bản thân mình có thể gánh đỡ nổi chúng không? Dựa vào cái gì để gánh đỡ chúng?

Trong nền văn hóa truyền thống, giáo dục gia đình được coi trọng. Vậy nên khi thế hệ trước chú ý tích lũy phúc đức, bồi dưỡng đức hạnh cho bản thân và gia đình, thì tự nhiên con cháu cũng có thể học theo. Phúc đức trong gia đình cũng từ đó mà được lâu bền. Người xưa có câu: “Nếu con cháu phát đạt, không cần lưu tiền cũng phát đạt. Nếu con cháu không thể phát đạt, lưu tiền chỉ làm hại chúng mà thôi. Chi bằng lưu lại phúc đức cho con cháu.” Đây chính là một kinh nghiệm, một đạo lý sâu sắc mà cổ nhân khuyên bảo người đời sau.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: