Năm 1858, quân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng nhưng sau đó bị cầm chân ở đây. Tháng 2/1859, quân Pháp chuyển hướng tấn công Gia Định. Điều này đã dẫn đến việc triều Nguyễn xây dựng đồn Chí Hòa và đặt hết kỳ vọng ngăn quân Pháp vào đây.

Đồn Chí Hòa và kỳ vọng ngăn bước quân Pháp của triều Nguyễn (P1)
Quân Pháp tấn công đồn Chí Hòa (Kỳ Hòa). (Ảnh: Manhhai, Flickr)

Tôn Thất Hiệp dựng đồn Chí Hòa ngăn quân Pháp

Ngay khi quân Pháp đến cửa biển Vũng Tàu bắn phá, Tổng đốc Gia định là Võ Duy Ninh biết quân Pháp chuyển hướng tấn công Nam bộ liền cấp báo về Triều đình.

Nhận được tin, Triều đình vội cử Thượng thư bộ Hộ là Tôn Thất Hiệp (còn gọi là Tôn Thất Cáp) đem 1.000 viện binh vào Nam, chỉ huy toàn quân phòng thủ.

Tôn Thát Hiệp đến Biên Hoà thì nhận được tin thành Gia Định thất thủ. Vào đến Gia Định, Thôn Thất Hiệp chọn địa điểm làng Chí Hòa và Phú Thọ để xây dựng đồn ngăn quân Pháp. Tên ban đầu gọi là đồn Phú Thọ, sau đó gọi là đồn Chí Hòa (hay Kỳ Hòa).

Về vị trí xây dựng đồn Chí Hòa nhà văn Sơn Nam đã viết trong tác phẩm “Bến Nghé xưa” như sau:

“Tướng Tôn Thất Hiệp (rồi tướng Nguyễn Tri Phương) đều nhất trí chọn lựa cuộc đất trong địa phận làng Chí Hòa và Phú Thọ dọc theo rạch Nhiêu Lộc, lấy con đường đi Tây Ninh làm trung tâm để xây đồn lũy gồm nhiều lý do:

– Vị trí này có thể khống chế và cắt Saigon – Chợ lớn ra làm hai khu vực, không cho thực dân bám vào nguồn tiếp tế từ đồng bằng sông Cửu Long.

– Quân đồn điền từ Gò Công Mỹ Tho dễ tới lui xây dựng thành.

– Phía bắc của Phú Thọ – Chí Hòa giáp 18 thôn Vườn trầu, đông đúc những người côi cút làm ăn, giàu nghĩa khí.”

Đồn Chí Hòa gồm 3 đồn là đồn Tiền, đồn Hữu và đồn Tả. Trong đó đồn Tiền là hệ thống phòng thủ rất vững chắc.

Cuốn sách “Monographie de la province de Gia Định” của Hội nghiên cứu Đông Dương xuất bản năm 1902 mô tả như sau:

“Một ngàn quân do vị quan Tôn Thất Hiệp chỉ huy đóng tại ngôi làng cũ tại Chí Hòa, ở 5km phía tây Saigon. Vị tướng này cho xây đắp ba đồn: Đồn Tiền trên đường đi Tây Ninh với hai đồn ở hai bên, bên hữu và bên tả, cách nhau 400m là đồn Hữu và đồn Tả, đồn sau này ở trên rạch Bà Tiềm”.

Quân Pháp bị chặn đứng

Đồn Chí Hòa được xây xong trở thành bức tường ngăn quân Pháp. “Đại Nam thực lục” mô tả rằng:

“Quân Tây dương đến đồn Phú Thọ do Tôn Thất Cáp. Quân Tây dương đánh phá Hữu đồn, Hoàng Ngọc Chung cố sức đánh bị chết trận. Tôn Thất Cáp cùng Tôn Thất Điển đốc lính ở Kinh chống nhau với giặc, chém được và bắn chết nhiều”.

Tháng 4/1860, quân Pháp tổng tấn công vào đồn Chí Hòa, một cuộc chiến lớn xảy ra. Quân Việt quyết chiến giữ đồn khiến quân Pháp bị thua to. Sách “Monographie de la province de Gia-dinh” mô tả trận đánh này như sau:

“Vào những ngày đầu tháng 4 năm 1860 quân Nam ở đồn Chí Hòa được mật báo sẽ xảy ra một cuộc tấn công vào đồn lũy Chí Hòa, thật vậy, vào sáng 16/4 đại pháo của Pháp bắn về phía Cây Mai, pháo binh Pháp tiến đến trước Đồn Hữu và bắn vào Đồn. Quân Nam bắn trả, một lúc sau, đại pháo bảo vệ đồn bị bắn hạ và quân Pháp tấn công vào thành.

Quân Nam chống trả mãnh liệt và chỉ chịu thua khi chỉ huy của họ là Trần Tương Tư bị trúng một phát đạn vào đầu khi đang ở trên thành. Họ rút lui vào đồn Tiền, đồn này được phòng thủ vững chắc. Một hố rộng bao quanh thành, các vật dẫn hỏa, những cây gỗ lở, chởm mũi nhọn chất đầy mặt thành, sẵn sàng rơi xuống đầu kẻ tấn công thành. Quân phòng thủ cộng thêm số ở đồn Hữu chạy sang có khoảng 1500 người.

Lúc 8 giờ, quân Pháp tấn công dưới làn đạn của đồn Tiền và đồn Tả. Sự cố gắng của họ bị thất bại trước chướng ngại dồn dập. Sau hai giờ chiến đấu quyết liệt làm thiệt hại mỗi bên hơn 20 người. Đến 3 giờ chiều, họ trở lại Cây Mai.

Dưới thành Đồn tiền có 6 xác thủy quân pháp bị giết ở những lỗ châu mai khi họ tìm cách đột nhập vào thành. Các quân Nam cho ném họ vào một cái đảo nhỏ bên cạnh (Mật-cật). Cùng ngày tướng Tôn Thất Hiệp cho quân thông báo về Huế tin chiến thắng. Triều đình gởi tiền bạc vào để khen thưởng quân sĩ.”

Sau trận thua này, quân Pháp nhận thấy cần một lực lượng đông hơn để có thể tiến đánh đồn Chí Hòa nên không tiếp tục mà chờ viện quân.

Để củng cố thế trận chống Pháp, năm 1860 vua Tự Đức cử Nguyễn Tri Phương giữ chức Gia Định quân thứ thay Tôn Thất Hiệp, cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển vào nam ngăn quân Pháp.

Biết rõ người Pháp có hỏa lực rất mạnh và hiện đại, quân Việt không thể đối đầu trực diện, nên Nguyễn Tri Phương lựa chọn chiến lược thủ vững bằng chiến lũy để dần bao vây quân Pháp, ép người Pháp phải rút đi như kịch bản xảy ra trước đó ở Đà Nẵng.

Nguyễn Tri Phương tập trung binh lính cùng dân chúng xây dựng đồn Chí Hoà thành đại đồn rộng lớn, kéo dài thành tấm chắn ngăn quân Pháp tấn công Nam bộ. Đại Đồn được xây dựng từ tháng 8/1860 đến tháng 2/1861 thì hoàn thành.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: