Tượng Thần Mặt Trời ở Rhodes là một bức tượng vĩ đại nằm trên đảo Rhodes của Hy Lạp. Đây từng là một trong Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại cho đến khi nó sụp đổ sau một trận động đất vào năm 226 TCN…

Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại là một danh sách các công trình kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng trong thời kì cổ đại. Danh sách này do nhà văn Hy Lạp Antipater xứ Sidon lập ra trong thế kỉ thứ 2 TCN, dựa trên tầm nhìn của người Hy Lạp thời ấy. Nó chỉ bao gồm các công trình tại vùng Địa Trung Hải mà người Hy Lạp cho là vĩ đại nhất, có thể đại diện cho nền văn minh của nhân loại thời bấy giờ.

Bảy kỳ quan thế giới cổ đại bao gồm:

  1. Đại kim tự tháp Giza
  2. Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes
  3. Hải đăng Alexandria
  4. Lăng mộ của Mausolus
  5. Đền Artemis
  6. Tượng thần Zeus ở Olympia
  7. Vườn treo Babylon
Dự án xây dựng lại tượng Thần Mặt Trời – một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại
Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại (Tranh tổng hợp của Mark22 từ nhiều tác giả, Wikimedia, Public Domain)

Trong số đó, Đại kim tự tháp Giza là vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes, Hải đăng Alexandria, Lăng mộ của Mausolus, Đền Artemis, Tượng thần Zeus ở Olympia đều đã bị phá hủy. Riêng vườn treo Babylon đã trở thành một truyền thuyết, và thậm chí một số nhà khoa học còn cho rằng khu vườn này không hề tồn tại trong thực tế.

Tượng Thần Mặt Trời ở Rhodes

Tượng Thần Mặt Trời Helios ở Rhodes được dựng nên từ năm 292 tới năm 280 TCN. Bức tượng vĩ đại này cao 34 m, đứng trên bệ đá cẩm thạch trắng cao 15 m. Người dân đảo Rhodes đã tốn 12 năm để hoàn thành bức tượng, nhưng nó chỉ tồn tại trong vòng 56 năm. Năm 226 TCN, một trận động đất đã khiến đầu gối của tượng bị gãy và làm cho bức tượng sụp đổ.

Lịch sử tượng Thần Mặt Trời ở Rhodes
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tượng Nữ Thần Tự do lấy cảm hứng từ bức tượng Thần Mặt Trời. (Tranh: Gravure sur bois de Sidney Barclay numérisée, Wikipedia, Public Domain)

Một lời sấm truyền đã khiến những người Rhode lo sợ rằng họ đã xúc phạm đến Thần Mặt Trời, và vì thế, họ đã không dám xây dựng lại bức tượng hùng vĩ. Những phần đổ vỡ của bức tượng tiếp tục nằm trên mặt đất trong hơn 800 năm cho tới khi chúng bị đem bán để lọc lấy những tấm đồng.

Lịch sử bức tượng Thần Mặt Trời

Alexander Đại Đế qua đời vào năm 323 TCN khi chưa kịp lập ra bất kỳ một kế hoạch nào cho người kế vị. Cuộc chiến giành quyền lực đã nổ ra giữa những tướng lĩnh của ông và cuối cùng, ba người trong số họ chia nhau phần lớn đế chế tại vùng Địa Trung Hải.

Tại thời điểm này, đảo Rhodes đứng về phía tướng Ptolemy, và khi vị tướng này chiếm được quyền kiểm soát Ai Cập, Rhodes và Ai Cập đã lập ra một đồng minh kiểm soát các hoạt động thương mại ở phía đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, một tướng khác của Alexander là Monophthalmus phản đối việc đó.

Dự án xây dựng lại tượng Thần Mặt Trời – một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại
Tòa tháp công thành của Demetrius (Ảnh: History Volume II, Polybius, Public Domain)

Năm 305 TCN, Monophthalmus cho con trai là Demetrius tấn công đảo Rhodes với một đội quân 40.000 người. Tuy nhiên, thành phố được phòng ngự vững vàng và Demetrius buộc phải xây dựng một số tòa tháp để quân đội có thể leo được lên tường thành. Tháp đầu tiên được dựng trên sáu chiếc tàu, và chúng đã bị một cơn bão lật úp trước khi có thể đem ra sử dụng.

Demetrius thử lại lần nữa với một tòa tháp dựng trên mặt đất có kích thước lớn hơn, gọi là Helepolis, nhưng những người lính phòng ngự trong thành phố Rhodes đã cho nước chảy tràn ra khu đất trước tường thành, khiến tháp này không thể di chuyển được.

Năm 304 TCN, một lực lượng viện binh gồm nhiều tàu chiến do Ptolemy gửi đến đã buộc quân của Demetrius phải nhanh chóng rút chạy. Họ phải để lại hầu như toàn bộ những trang bị vây hãm của mình.

Lịch sử tượng Thần Mặt Trời ở Rhodes
Một bức tranh mô tả bức tượng Thần Mặt Trời cổ xưa tại bến cảng đảo Rhodes. (Tranh: Marten van Heemskerck, Wikipedia, Public Domain)

Để ăn mừng thắng lợi, người Rhodes quyết định xây dựng một bức tượng vĩ đại cho vị thần bảo hộ của mình là Thần Mặt Trời Helios. Việc xây dựng được giao cho kiến trúc sư Chares, một người sinh ra tại Rhodes từng tham gia thiết kế nhiều bức tượng lớn. Để có tiền chi trả cho việc xây dựng tượng thần Mặt Trời, người Rhodes đã bán toàn bộ các trang bị vây hãm mà Demetrius để lại phía trước thành phố của họ.

Từng có dự án mong muốn xây dựng lại tượng Thần Mặt Trời

Khoảng năm 2015-2016, một dự án đã được một nhóm các chuyên gia châu Âu tới từ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý và Anh khởi xướng. Mục đích của họ là xây dựng một tượng Thần Mặt Trời mới tại Rhodes với những tiêu chuẩn vượt trội của thế kỷ 21. Theo đó, họ mong muốn đem đến cho khách tham quan cảm giác đầy ấn tượng mà những người cổ xưa đã trải nghiệm khi tới thăm đảo Rhodes từ hơn 2.200 năm trước.

Bức tượng Thần Helios mới sẽ có độ cao 150 m, với lớp da màu đồng có khả năng hấp thụ năng lượng Mặt Trời. Nó sẽ trở thành một ngọn hải đăng hùng vĩ trên biển, và cũng là một thư viện kiêm bảo tàng lịch sử cho những cổ vật khai quật được tại hòn đảo Rhodes.

Đã từng có nhiều lời bàn cãi về việc có nên xây dựng lại bức tượng hay không. Những người ủng hộ cho rằng điều này sẽ làm bùng nổ lượng khách du lịch tới Rhodes, nhưng phía phản đối lại không hài lòng vì hơn 100 triệu Euro dành cho bức tượng là quá lớn. Ý tưởng xây dựng lại một trong Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại đã nhiều lần được đặt ra kể từ năm 1970, nhưng vì thiếu hụt tài chính nên người ta vẫn chưa thể thông qua dự án.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: