Nhắc đến từ “quy phục”, chúng ta có thể sẽ liên tưởng đến sự thất bại, tuy nhiên nó lại mang ý nghĩa tích cực trong hoạt động tâm linh. Theo nghĩa đen, quy phục có nghĩa là ngừng chiến đấu và nhường quyền kiểm soát cho người khác. Hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng họ có thể ngừng chiến đấu nhưng lại miễn cưỡng nhường quyền kiểm soát. Có lẽ điều này phụ thuộc vào ai là người mà bạn muốn quy phục?

đức tin
Nhắc đến từ “quy phục”, chúng ta có thể sẽ liên tưởng đến sự thất bại, tuy nhiên nó lại mang ý nghĩa tích cực trong hoạt động tâm linh. (Ảnh: worradirek/ Shutterstock)

Nếu bạn đầu hàng trước một kẻ vũ phu, loạn trí và cố chấp thì bạn sẽ cảm thấy thất bại vô vọng. Tuy nhiên, nếu bạn đang quy phục một Đấng nhân từ toàn năng, thì điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm, giải thoát và bình yên. Nhiều người được hồi sinh sau trải nghiệm cận tử đã mô tả cảm giác như vậy, và những ai đang đi trên con đường tâm linh đều cố gắng hướng tới trạng thái hạnh phúc này. 

Sự quy phục và đức tin

Đạo Hồi (Islam), một tôn giáo lớn trên thế giới do Nhà tiên tri Mohammed sáng lập, là một thuật ngữ tiếng Ả Rập có nghĩa là “sự quy phục”. Người Hồi giáo được kêu gọi quy phục ý muốn của đấng Allah, hay Thượng đế, hoàn toàn phục tùng ý chí thiêng liêng của Ngài – một chủ đề chung giữa các tín ngưỡng tâm linh khác nhau.

Trong Cơ đốc giáo, sự quy phục chắc chắn là một khái niệm quan trọng, là một hành động của đức tin. Một Cơ đốc nhân được khuyến khích tin tưởng và phó thác quyền kiểm soát cho Thượng Đế và sự chỉ dẫn hoàn hảo của Ngài. Châm Ngôn 3:5-6 minh họa cho điều này: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”

Sự quy phục cũng là trung tâm của Do Thái giáo. Những người Do Thái thông tuệ thường thừa nhận rằng bất kể họ đã nỗ lực thế nào thì kết quả là tùy thuộc vào Đức Chúa Trời. Họ tin rằng Thượng Đế hoàn toàn kiểm soát thế giới này, và sự quy phục Ngài giúp một người có thể “tìm thấy sự bình an và được giải thoát khỏi những nỗi sợ hãi trần tục.”

Quy phục trong Phật gia là nhắc đến khái niệm “tín Thần”, trong bất kỳ hoàn cảnh sống nào, nhất là trong thời đạo đức xã hội tuột dốc, vẫn có thể tin tưởng và làm theo những lời Thần Phật dạy, thì có thể đắc được sự che chở và cứu độ. “…Trong hoàn cảnh gian khổ người có thể bảo trì thiện niệm; đối mặt với xung kích của quan niệm hiện đại, người có thể kiên trì quan niệm truyền thống; trong xung kích của vô thần luận, tiến hóa luận, vẫn còn có thể tín Thần; người như thế chính là đạt được mục đích được cứu trở về trời. Hết thảy loạn tượng đều là Thần an bài vào cuối cùng, mục đích là khảo nghiệm chúng sinh có thể được cứu độ chăng, đồng thời trong quá trình này cũng có thể tiêu tội nghiệp; hết thảy đều là để cứu người trở về thế giới thiên quốc.” (Trích Vì sao có nhân loại).

Điểm mấu chốt trong sự quy phục tâm linh là nhận ra rằng rốt cuộc con người không thể kiểm soát được mọi việc, bằng cách từ bỏ vai trò mà bản ngã của chúng ta muốn đóng để tuân theo an bài của Thần.

Quy phục trước chân ngã của bạn

Khái niệm về Thần có thể rất khác nhau. Một số tôn giáo chỉ thờ một vị Thần cụ thể, trong khi những tôn giáo khác tin vào nhiều vị Thần. Ngoài ra, những người có tín ngưỡng cho rằng Thần hiện hữu ở khắp mọi nơi, nghĩa là trong tất cả mọi người và mọi vật. Phật gia giảng rằng trong mỗi người đều có cả ma tính và Phật tính. Vì vậy, quy phục một vị Thần cũng có thể được hiểu là quy phục mặt tốt đẹp và cao thượng hơn của chính mình. Ức chế ma tính tuân theo Phật tính sẽ đưa bạn đến gần hơn với chân ngã của bạn và nguồn gốc thần thánh của nó. 

Trí tuệ cổ nhân: Điều một người cần tích lũy và lưu lại cho con cháu
Phật gia dạy rằng giác ngộ chỉ có thể đạt được thông qua việc dần dần buông bỏ những suy nghĩ và ham muốn trần tục. (Ảnh minh họa: AfriramPOE, Shutterstock)

Sự quy phục tinh thần đưa bạn đến đâu?

Vượt lên trên những ham muốn và dục vọng của người bình thường, sự quy phục tâm linh giúp chúng ta được giải thoát khỏi nỗi đau và sự lo lắng khi đấu tranh cho cái tôi ích kỷ. Khi chúng ta từ bỏ cái tôi ích kỷ, chúng ta có thể vượt qua những rào cản do nó đặt ra để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Bởi vì sự quy phục tâm linh loại bỏ mọi sự kháng cự; như thể bức màn được vén lên và chúng ta có thể nhìn thấy giá trị trong cả trải nghiệm tích cực và tiêu cực. Như một vị La Hán vui vẻ, chúng ta xem nhẹ mọi thứ và không còn vướng mắc bởi bất cứ điều gì. Do vậy sự quy phục tạo điều kiện cho sự phát triển tâm linh, khai mở trí huệ và sự giác ngộ.

shutterstock 333790364
(Ảnh: ANURAK PONGPATIMET/ Shutterstock)

Quy phục so với bỏ cuộc

Có lẽ điều khó khăn nhất ngăn trở một người có đức tin là họ không muốn từ bỏ những theo đuổi vật chất hay những thứ thoải mái quen thuộc, kể cả những quan niệm cứng đầu. Tuy nhiên, chỉ cần một sự thay đổi trong suy nghĩ sẽ có thể tạo nên sự khác biệt.

Quy phục tâm linh không phải là từ bỏ của cải vật chất, cách sống hay những mong muốn — mặc dù thật tốt nếu chúng ta có thể xem nhẹ những điều này; nó nghiêng nhiều hơn về sự cho – nhận một cách tự nhiên: Chấp nhận mọi thứ đến và đi, mọi người là chính họ và mọi thứ diễn ra theo cách của nó.

“Luôn nói “có” với thời điểm hiện tại. Còn gì vô ích và điên cuồng hơn là tạo một sự đối kháng bên trong để chống lại những gì đang hiện hữu? Còn gì điên rồ hơn là kháng cự lại với chính cuộc sống, điều đang và luôn luôn là Hiện Tại? Hãy thuận theo những gì đang diễn ra. Chấp nhận cuộc sống – và bạn sẽ thấy cuộc sống bỗng nhiên làm việc cho bạn, thay vì chống lại bạn.” – Eckhart Tolle

Quy phục tâm linh có nghĩa là chấp nhận và trân trọng những gì mình đang có, thay vì đấu tranh để đạt được những gì không có. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta từ bỏ mọi theo đuổi mà là tâm thái sẽ trở nên nhẹ nhàng và cao thượng hơn.

Chúng ta nên luôn cố gắng hết sức để làm những gì chúng ta tin là đúng. Điều quan trọng là không được quá coi trọng kết quả. Hãy khiêm tốn nhận lấy trách nhiệm, con đường và chướng ngại đã được an bài cho bạn. Mọi thứ sẽ diễn ra theo cách chúng muốn, và khi chúng ta tin vào điều này thì nghĩa là chúng ta đang quy phục ý chí của Thần.

Sự quy phục tinh thần đem lại những gì?

Sự quy phục tâm linh là một trạng thái tinh thần gắn liền với sự tích cực trong nhận thức và mang đến những phẩm chất tốt đẹp như khiêm tốn, niềm tin và kiên nhẫn.

Nhận thức được chân ngã

Những nhà truyền đạo thường nói về chính niệm, hoặc sống ở thực tại. Mặc dù chính niệm có thể giúp chúng ta theo nhiều cách, nhưng nó không nhất thiết là điều kiện tiên quyết cho sự quy phục tâm linh; trên thực tế, nó có thể đến như một kết quả của sự quy phục.

Với một đức tin chân chính, bạn có thể nhận thức được chân ngã lương thiện của mình và cảnh giác với những tư tưởng, quan niệm không đúng đắn (giả ngã) đang chi phối mình. Bởi vì bạn không còn bận tâm quá nhiều đến lợi ích bản thân, bạn có thể sống trọn vẹn cho hiện tại và mở rộng tâm thân để hòa hợp với đặc tính vũ trụ.

Đạt được sự khiêm nhường

Ngược lại, khiêm nhường là điều kiện tiên quyết cho sự quy phục tâm linh. Chỉ khi chúng ta thừa nhận sự yếu đuối và khiếm khuyết của bản thân, và rằng chúng ta phụ thuộc vào một trí huệ cao hơn, thì chúng ta mới có thể trao trọn trái tim mình cho lực lượng vô hình nhưng toàn năng đó. Để trau dồi tính khiêm nhường, hãy cố gắng coi mình là một phần nhỏ trong một tổng thể lớn hơn, nơi mọi người đều là một phần không thể thiếu của sự tồn tại tối cao.

Đức tin chân chính 

tha thứ cho người khác
Đôi khi đối mặt với sự sụp đổ, lại là lúc chúng ta khám phá ra sự bình yên sâu sắc của đức tin chân chính. (Ảnh: PopTika/Shutterstock)

Nhiều người đánh đồng đức tin với sự yếu đuối và chạy trốn cuộc sống nhưng không phải vậy. Đức tin cho bạn sức mạnh và sẵn sàng đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống vì bạn có niềm tin mãnh liệt rằng một sức mạnh vĩ đại nào đó có khả năng làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn miễn là bạn hành xử đúng. 

Giả sử bạn đang ở thời điểm khó khăn nhất – khi bạn đã mất hy vọng vào cuộc sống và đơn giản là không thể tiếp tục cố gắng để đạt được điều mình muốn. Hoàn toàn lạc lõng và bất lực, bạn buông xuôi phó mặc cho một sự an bài và bạn đột nhiên thấy rằng mọi thứ thay đổi kể từ thời điểm đó. Nhiều người tìm thấy đức tin trong những thử thách khó khăn nhất của họ. Có phải bởi vì Thần đã triển hiện khi chúng ta quy phục vô điều kiện?

Sự kiên nhẫn 

Tìm được đức tin chân chính không thể vội vàng. Giống như mọi thứ trong vũ trụ diễn ra theo tốc độ tự nhiên của nó, quy phục tâm linh là một quá trình. Khi chúng ta tiếp tục trên con đường tâm linh, trí tuệ tích lũy được sẽ tiết lộ rằng sự quy phục không phải là một tùy chọn. Nhưng trong khi chờ đợi để tìm được một đức tin chân chính, chúng ta phải kiên nhẫn với chính mình và những người khác.

Cuộc sống đang diễn ra và là nơi chúng ta hoàn thiện bản thân thông qua nhiều thử thách. Nếu chúng ta không làm tốt ở một số khía cạnh nào đó cũng không nên nản lòng. Hãy ngẩng cao đầu, và cố gắng làm tốt hơn vào lần tới.

Những nghi lễ tâm linh

king David
Vua David đang quỳ gối cầu nguyện, hình ảnh trong sách Illuminated Manuscript. (Ảnh: Walters Art Museum Illuminated Manuscripts/Public Domain)

Các nghi thức tinh thần thể hiện sự tôn kính đối với Thần Phật, đồng thời phủ nhận bản ngã và củng cố sự khiêm nhường. Quỳ gối, lễ lạy, cầu nguyện và thiền định đều có thể là những nghi thức thể hiện lòng thành kính.

Quỳ gối

Quỳ gối là một biểu hiện của sự khiêm tốn thường được thực hiện trong các tôn giáo – đặc biệt là các nhà thờ Thiên chúa giáo. Giống như các thần dân quỳ trước vua của họ vào thời cổ đại, những người có tín ngưỡng thừa nhận Chúa của họ là “Chủ”. Mặc dù tư thế phục tùng đơn giản này có thể giúp kìm hãm bản ngã, nhưng nhiều tôn giáo còn tiến xa hơn một bước.

Lễ lạy

shutterstock 201707441
Cầu nguyện Hồi giáo được thực hiện trong tư thế phủ phục. (Ảnh: Jasminko Ibrakovic/ Shutterstock)

Lễ lạy được thực hiện ở các mức độ khác nhau trong nhiều nghi lễ tôn giáo như cầu nguyện của người Hồi giáo, các ngày lễ quan trọng của người Do Thái, các nghi lễ của Cơ đốc giáo, và sự thờ phụng của Phật giáo và Ấn Độ giáo. Đặt cơ thể ở tư thế quỳ sấp – với tay và/hoặc đầu chạm đất – là một hành động sâu sắc nhằm vô hiệu hóa bản ngã, thể hiện sự tôn kính Thần Phật.

Ở Trung Quốc xưa, lễ lạy được sử dụng rộng rãi để thể hiện sự tôn kính – có thể là với người lớn tuổi, Hoàng đế hoặc Thần Phật. Lễ lạy có thể giúp một người từ bỏ lòng kiêu hãnh ích kỷ. Một số Phật tử tin rằng điều này cũng có thể giúp giải tỏa tinh thần.

Cầu nguyện

Thật vô ích khi một người chỉ cầu nguyện để xin những lợi ích cho bản thân mà không chịu sửa mình để trở nên tốt hơn. Cầu xin sự dẫn hướng, sự khôn ngoan và sự cứu rỗi là một hành động tôn kính với Thần Phật. Thông qua cầu nguyện, chúng ta ngày càng nhận thức được bản thân mình muốn hướng đến tiêu chuẩn tốt hơn và có xu hướng loại bỏ những suy nghĩ và hành động xấu của bản thân.

Những người thực sự tín Thần, họ tin rằng sinh mệnh sống trên đời hẳn phải là có ý nghĩa gì đó, hẳn là có một Đấng nhân từ vĩ đại luôn dõi theo và lắng nghe tiếng lòng của họ. Vì vậy, họ cầu nguyện để hướng sự tôn kính đến Ngài.

“Sáng Thế Chủ vì sao muốn cứu độ chúng sinh! Là vì Ngài yêu thương chúng sinh! Vì sinh mệnh của chúng sinh đều do Ngài ban cho.” (Trích Tại sao cần phải cứu độ chúng sinh).

Thiền định

lc video
Khi bạn quy phục và đồng hóa bản thân với đặc tính vũ trụ, thì cuối cùng sẽ đạt được sự tĩnh tại mà ban đầu bạn cảm thấy rất khó để làm được. (Ảnh chụp màn hình video)

Thường xuyên thiền định giúp rèn luyện và nâng cao khả năng nhẫn nại. Trong khi thiền định, chúng ta tách rời chân ngã với những tạp niệm – coi bản thân đang ngồi tĩnh lặng tại đây mà quan sát những tạp niệm đó, đó có thể là suy nghĩ về những gì bạn cần phải làm, những gì bạn nên nói với ai đó hoặc bất kỳ điều gì đang nảy sinh trong đầu bạn… Khi bạn dành nhiều thời gian hơn cho thực hành thiền định thì những thứ này sẽ trở nên nhỏ nhặt và mờ nhạt dần. Khi bạn quy phục và đồng hóa bản thân với đặc tính vũ trụ, thì cuối cùng sẽ đạt được sự tĩnh tại mà ban đầu bạn cảm thấy rất khó để làm được.

Ngọc Chi biên tập