Huyền sử cho rằng cuốn cổ thư mang tên “Dụng binh yếu chỉ” này xuất hiện từ thời Lĩnh Nam, giúp các nữ tướng nước ta nhiều lần ngăn bước quân Hán, bại 12 đại tướng, khiến 45 vạn quân tử trận, chấn động Trung Nguyên. Không chỉ thế, theo chiều dài lịch sử, cuốn sách này được các anh hùng Đại Việt sử dụng để làm nên những chiến công vang dội bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc. Dẫu có nhiều phần trong chuyện này có lẽ không phải là sự thực, nhưng trong lịch sử nước ta, xác thực có những cuốn cổ thư, binh thư là báu vật hộ quốc. Truyền kỳ về cuốn cổ thư “Dụng binh yếu chỉ” đáng để hậu nhân tham khảo vậy.

Sau khi Thánh Thiên mất, cuốn “Dụng binh yếu chỉ” vẫn được lưu truyền không trọn vẹn, sau này trở thành bí kíp giúp những anh hùng bảo vệ Giang Sơn. Không biết đã có bao nhiêu người đã dùng đến “Dụng binh yếu chỉ”, nhưng một số nguồn dã sử có ghi nhận 2 trường hợp sau:

Chỉ dùng 2 thiên trong “Dụng binh yếu chỉ” khiến quân Ngô thất điên bát đảo

Sau khi Lĩnh Nam mất vào tay nhà Hán, người Việt lại phải trải qua thời gian dài bị đô hộ. Đến năm 246, một người phụ nữ là Triệu Thị Trinh đã nổi lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô (thời Tam Quốc), quân sĩ đều tôn kính gọi là Bà Triệu.

Bấy giờ khi Bà Triệu khởi binh thì chỉ dùng tới 2 thiên của “Dụng binh yếu chỉ” là “đoản binh”“trận pháp” nhưng đã đánh nhiều trận khiến quân Ngô điên đảo. Từ căn cứ núi Nưa, Bà Triệu cho quân tiến xuống đánh khắp vùng đồng bằng, đánh đâu thắng đó khiến binh tướng nhà Ngô kinh hoàng.

Dụng binh yếu chỉ
Đền thờ Bà Triệu ở Hậu Lộc, Thanh Hóa. (Ảnh: Mai Trung Dung, Wikipedia, Public Domain)

Cuối cùng nhà Ngô phải cử Lục Dận (cháu của danh tướng Lục Tốn) sang Giao Châu. Lục Dận dùng vàng bạc của cải mua chuộc các thủ lĩnh địa phương và tù trưởng. Họ vì lợi trước mắt mà nhận của cải rời đi, khiến nghĩa quân của Bà Triệu không còn đủ số lượng để đương đầu với quân Ngô.

Bà Triệu không giữ được căn cứ, phải rút vào núi Tùng và tuẫn tiết trên núi.

“Dụng binh yếu chỉ” góp phần đánh tan quân Mông Thát

Đến thời nhà Trần thì “Dụng binh yếu chỉ” vốn có 36 thiên chỉ còn lại 5 thiên là Thủy chiến, Đoản binh, Hư thực, Dụng gián, Trận pháp.

Bấy giờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn học rất sâu rộng, ông nghiên cứu tất cả binh thư của Đại Việt, Trung Nguyên, Chiêm thành, Mông Cổ, trong đó có cả “Dụng binh yếu chỉ”, rồi soạn ra hai bộ sách:

  • Bộ “Binh thư yếu lược” gồm 18 thiên.
  • Bộ “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” gồm có 9 trận pháp. Biến hóa chín lần chín là 81 thế trận.

Phần phụ lục “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” có ghi chép 5 thiên còn sót lại trong “Dụng binh yếu chỉ” của Thánh Thiên.

Dụng binh yếu chỉ
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa tổng hợp: Trí Thức VN)

Bộ “Binh thư yếu lược” cùng “Vạn Kiếp tông bí truyền” được dùng để truyền dạy cho các tướng lĩnh là Hoàng thân nhà Trần. Những binh pháp trong đó đã được sử dụng để Đại Việt 3 lần đánh tan quân Mông Thát.

Tuy nhiên cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền” hiện cũng đã thất truyền, chỉ còn được biết tới nhờ lời đề tựa cho sách của Nhân Huệ Vương Khánh Dư. Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép đoạn Hưng Đạo Vương nhắn nhủ cho con cháu đời sau về cuốn sách này:

Sau này, con cháu và bồi thần của ta, ai học được bí thuật này phải sáng suốt mà thi hành, bày xếp thế trận; không được ngu dốt mà trao chữ truyền lời. Nếu không thế thì mình chịu tai ương mà vạ lây đến con cháu. Thế gọi là tiết lộ thiên cơ đó.

Phải chăng cũng chính vì việc trao truyền phải dựa vào sự lĩnh ngộ nên những tinh hoa binh pháp mà Hưng Đạo Vương soạn ra mới dần dần bị mai một mất? Đây cũng là một nguyên nhân đáng chú ý, bên cạnh một nguyên nhân khác…

Vì sao có lớp bụi dày suốt 20 thế kỷ

Nói về “Dụng binh yếu chỉ”, chúng ta luôn phải lưu ý rằng truyền kỳ về cuốn cổ thư này thuộc về huyền sử hoặc dã sử mà không được chính sử ghi chép lại. Điều này thật ra cũng có nguyên nhân riêng của nó.

Sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần thì lại không thể chống nổi sự xâm lược của quân Minh. Năm 1407 sau khi đánh bại nhà Hồ, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho đốt nhiều nguồn sử liệu, các sách quý bị lấy hết chở về thành Nam Kinh, trong đó bao gồm cả toàn bộ các nguồn sử liệu trước đây, kể cả các tác phẩm của Hưng Đạo Vương.

Thanh nha Ho vet tich 01
Thành nhà Hồ. (Ảnh: Cổng Nam Thành Nhà Hồ, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Các sách sử của nước ta chép sau thời kỳ này không còn có nhiều căn cứ nữa, phải dựa vào cả một số sách sử Trung Quốc để ghi chép lại; vì thế mà những trận đánh vang dội của các nữ tướng thời Lĩnh Nam cũng như “Dụng binh yếu chỉ” đều không được ghi chép lại.

Đơn cử như Đại Việt Sử ký toàn thư dựa vào cuốn sử nhà Nguyên là “Kinh thế đại điển tư lục” mà cho rằng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bị tử trận. Nhưng thực tế tất cả các gia phả họ Trần đều ghi chép rằng người tử trận là Hoài Nhân Vương Trần Quốc Kiện, còn Hoài Văn Hầu sau này được phong thành Hoài Văn Vương và sống thọ đến 92 tuổi. (Xem bài: Trần Quốc Toản không tử trận, lập 13 chiến công, uy vũ chấn động Trung Nguyên)

Các nguồn sử liệu nước ta bị lấy về Nam Kinh. Sau đó, trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, vào tháng 12 năm 1937, quân Nhật chiếm được thành Nam Kinh, nhiều tài liệu và sách quý bị lấy đi về mang về Nhật Bản, trong đó có cả các sách sử của người Việt. Điều này lại phủi thêm một lớp bụi mù lên lịch sử nước nhà. Chỉ có một số rất ít nhà nghiên cứu có điều kiện, cất công đi tìm hiểu từ Trung Quốc qua Nhật Bản, cộng thêm cơ duyên trùng hợp mới may mắn tìm hiểu được một phần sự thật của câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền sử này.

Một nguyên nhân khác

Tại bài viết “Bói đầu năm” đăng trong Tập San Sử Địa số 5, tác giả Hồ Hữu Tường cho biết, ông vẫn còn sở hữu cuốn “Binh thư yếu lược” của Hưng Đạo Vương, cuốn sách này vẫn còn được lưu truyền đến nay trong những người sưu tầm sách cổ. Ông cũng cho biết thêm, một nguyên nhân khác khiến “Binh thư yếu lược” thất truyền là bởi vì hậu nhân không thể hiểu được những điều được viết trong sách. Đơn cử một trích đoạn tại thiên “Thiên tượng” (天象) như sau:

“Chiếm nguyền đán thiên sắc vân khí bí pháp. Nguyền đán chánh nguyệt, sơ nhất nhật, tý thời, đăng lâu bí chiếm tứ phương. Hữu hoàng vân khí, hòa cốc đại thục. Bạch vân khí, hữu binh khởi. Nhược độc xuất kỳ phương hạ, tắc thị hữu phương binh khởi. Tứ phương vọng vô vân, nhi độc kiến xích bạch nhị sắc tương liên, xích vi huyết, bạch vi kim, sở giáng phương hạ tắc khởi loạn. Thanh sắc phong tai, Hắc sắc thủy tai. Chủ quốc cảnh bị”.

Dịch nghĩa:

“Phép bí mật để xem khí trời và sắc mây trong tiết Nguyên đán. Tiết Nguyên đán, đúng tháng giêng, ngày mồng một, giờ tý, lên lầu mà bí mật xem bốn phương. Nếu thấy khí mây màu vàng, thì năm ấy lúa trúng mùa lớn. Nếu thấy khí mây có sắc trắng, thì năm ấy có binh dậy. Nếu một vầng mây hiện ra một mình dưới một phương trời nào, thì ở phương ấy có binh dậy. Nếu trông bốn phương không có mây, mà chỉ thấy hai sắc đỏ trắng liền nhau, thì sắc đỏ tượng trưng cho máu, sắc trắng tượng trưng cho chất kim (gươm đao): hai sắc trắng đỏ hạ xuống phương nào, thì phương ấy bắt đầu loạn. Sắc xanh là điềm có nạn gió bão. Sắc đen là điềm có nạn mưa lụt. Nước nào có điềm ấy phải phòng bị”.

Tác giả Hồ Hữu Tường bình rằng: Trước chúng ta, gần bảy trăm năm, có biết bao kẻ, thử giở Binh Thư Yếu Lược mà đọc mấy dòng đầu, vội vã xếp sách lại và buột miệng nói:

“Ông già nầy (Hưng Đạo Vương) lẩm cẩm thật! Ngày Tết, mồng một tháng giêng, trời tối đen như mực, chỉ có sao mà không có trăng, dầu có leo lên lầu mà xem khí sắc của trời và mây, làm sao mà thấy mây sắc trắng, sắc vàng, sắc xanh, sắc đỏ?”

Mấy ai lĩnh ngộ được huyền cơ mang màu sắc tu luyện ấy trong sách của cổ nhân?

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: