Con người khi sinh ra có thiên tính là lương thiện, nhưng dần dần bởi vì sống trong hoàn cảnh khác nhau, tập quán khác nhau mà trở nên bất đồng ngày càng lớn. Do vậy, chọn người mà kết giao, chọn hoàn cảnh mà bản thân sinh sống đã trở thành một điểm then chốt trong việc đối nhân xử thế của cổ nhân.

kết giao
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, sống chung với dạng người nào thì lâu dần cũng sẽ chịu ảnh hưởng của người ấy mà có phần giống họ về thói quen, về sở thích, thậm chí giống cả về cách hành xử, đối nhân xử thế… Điều mà mọi người thường nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” cũng chính là đạo lý này.

Người phương Tây cũng có câu ngạn ngữ: “Sống cùng người ngốc, cả ngày sẽ vui chơi giải trí. Sống cùng trí giả, thời thời khắc khắc suy tư”. Những câu ngạn ngữ này đều là để nói tới đạo lý: Sức ảnh hưởng của môi trường sống, của bạn bè là vô cùng lớn, thậm chí lớn đến mức có thể thay đổi cuộc đời của một người.

Hoàn cảnh sinh sống giống như một chiếc chảo nhuộm lớn chứa đựng đủ loại người với muôn hình muôn vẻ. Nếu xung quanh một người đều là những cá nhân chú trọng việc tu tâm dưỡng tính, coi trọng đức, thì người ấy sẽ bị những lời nói và hành vi của người bên cạnh giáo hóa. Từ đó họ có thể tự giác ước thúc bản thân, khiến bản thân không ngừng vươn lên.

Trái lại, một người sống trong môi trường có đạo đức sa sút, toàn là lừa dối, thì người ấy cũng bị ảnh hưởng bởi hành vi của người bên cạnh. Từ đó, người ấy không còn phân biệt được tốt xấu, làm việc xấu mà không biết, sống “nước chảy bèo trôi, gặp sao hay vậy”.

Mời xem video:

Âu Dương Tu là văn học gia, sử học gia và vị quan nổi tiếng triều Tống. Ở lĩnh vực văn học, ông có nhiều thành tựu trác tuyệt, có nhiều sáng tác nổi tiếng. Có một câu chuyện kể rằng, lúc Âu Dương Tu còn làm Thái thú ở phủ Dĩnh Châu (nay là Phụ Dương, An Huy), có người trẻ tuổi tên là Lữ Công Trứ làm việc dưới trướng của ông.

Một lần nọ, bạn của Âu Dương Tu là Phạm Trọng Yêm trên đường đi ngang qua Dĩnh Châu đã ghé lại thăm. Âu Dương Tu nhiệt tình chiêu đãi, đồng thời nhờ Lữ Công Trứ phụ tiếp đãi Phạm Trọng Yêm.

Trong khi trò chuyện, Phạm Trọng Yêm nói với Lữ Công Trứ rằng: “Cận chu giả xích, cận mặc giả hắc. Cậu ở bên cạnh Âu Dương Tu, thật sự là điều quá tốt. Nên hướng đến ông ta xin thỉnh giáo kỹ xảo viết văn làm thơ.”

Lữ Công Trứ gật đầu cảm tạ về lời khuyên của Phạm Trọng Yêm. Về sau, qua những lời nói và những việc làm mẫu mực của Âu Dương Tu, năng lực sáng tác của Lữ Công Trứ đã nhanh chóng được nâng cao. Lữ Công Trứ cũng trở thành nhà văn nổi danh thời bấy giờ, với các sáng tác nổi tiếng như: “Ngũ châu lục”, “Lữ thân công chưởng ký”

Trong “Xuất sư biểu”, Gia Cát Lượng cũng có câu cách ngôn: “Thân cận người tài đức, xa rời kẻ tiểu nhân, đây là nguyên nhân khiến Tiên Hán hưng thịnh. Thân cận kẻ tiểu nhân, xa rời người tài đức, đây là nguyên nhân khiến Hậu Hán suy bại”. Sự hưng suy của một vương triều, hay của một cá nhân đều chính là quan hệ nhân quả của việc kết giao.

Kết giao với người kính Thần kính Thiên, chú trọng tu dưỡng tâm tính sẽ giúp bản thân biết việc gì nên làm việc gì không, từ đó mà có thể tích được đức đắc được phúc báo. Trái lại, kết giao với người xấu, người không sợ trời không sợ đất, không việc ác nào không dám làm thì bản thân cũng trở thành người như vậy, kết cục cuối cùng là khiến bản thân gặp phải tai họa.

Trải qua hàng ngàn năm, cổ nhân cũng đúc kết ra kinh nghiệm: Muốn biết một người có thể đi được bao xa, hãy nhìn xem họ cùng ai đồng hành. Muốn biết một người vĩ đại như thế nào, hãy nhìn xem họ có ai chỉ bảo. Muốn biết một người có bao nhiêu thành công hãy nhìn xem họ làm bạn với ai. Những lời này cũng thực sự rất có đạo lý, đáng để người hiện đại chúng ta suy ngẫm.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: