Các đời chúa Nguyễn đều có công mở rộng lãnh thổ về phương nam, duy chỉ có Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan vì ham mê nữ sắc, bỏ bê triều chính nên thời kỳ này lãnh thổ Đàng Trong không được mở rộng. Năm 1648, chúa Nguyễn Phúc Lan mất, con là Nguyễn Phúc Tần lên thay, thường được gọi là Chúa Hiền. Liệu Chúa Hiền có học được bài học, dứt bỏ được họa nữ sắc hay không?

Chua Hien vuot ai nu sac 02
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Giai thoại Chúa Hiền vượt ải nữ sắc

Chúa Hiền từ lúc lên ngôi lo việc quốc sự, tránh mỹ nữ và ít khi có những yến tiệc linh đình.

Năm 1652, quần thần nạp vào phủ Chúa một ca nhi tài sắc tên là Đào Thừa khiến Chúa si mê. Đào Thừa vốn là người Nghệ An, không chỉ có nhan sắc rực rỡ mà còn hát hay đàn giỏi. Sự xuất hiện của Đào Thừa làm lu mờ hết các cung phi.

Chúa Hiền từ một bậc minh quân trị quốc, bỗng chốc si mê nữ sắc, suốt ngày bên cạnh Đào Thừa mà quên cả việc triều chính. Nhiều người đã can gián, nói về họa nữ sắc nhưng không sao lay chuyển được Chúa.

Chuyện kể rằng một hôm, Chúa Hiền đọc sách Quốc Ngữ đến thời Xuân Thu, Việt Vương Câu Tiễn đánh nước Ngô nhưng thua trận, liền theo kế của Phạm Lãi dâng người đẹp Tây Thi lên cho Ngô Vương Phù Sai. Từ đó Phù Sai mê mẩn Tây Thi quên cả quốc sự. Sau đó Câu Tiễn đưa quân đến đánh, Phù Sai thua trận phải tự sát.

Đọc truyện này Chúa Hiền giật mình vì thấy tình cảnh của mình giống với Phù Sai. Lại nghĩ sâu hơn, thấy Đào Thừa là người Nghệ An ở Đàng Ngoài, nghĩ rằng có thể chúa Trịnh tìm mỹ nữ đến quyến rũ mình như Câu Tiễn thời Xuân Thu. Chúa liền nói Đào Thừa mang một bộ triều phục mới đến tư dinh của Nguyễn Cửu Kiều, từ đó không ai còn thấy bóng dáng Đào Thừa nữa.

Người ta lưu truyền rằng, Nguyễn Cửu Kiều đã theo ý Chúa, diệt Đào Thừa để trừ hậu họa. Sau này không ai rõ Đào Thừa có phải theo kế của chúa Trịnh hay không.

Mở rộng bờ cõi đến tận Gia Định

Sau chuyện Đào Thừa, Chúa Hiền luôn chú ý quốc sự.

Năm 1653, Chiêm Thành cho quân tấn công quấy nhiễu Đại Việt ở Phú Yên, Chúa Hiền sai Hùng Lộc đưa quân đến Phú Yên đánh bại quân Chiêm Thành, đồng thời vượt đèo Hổ Dương (núi Thạch Bi) đuổi theo quân Chiêm đến tận kinh thành nước Chiêm. Vua Chiêm là Po Nraup chạy trốn khỏi kinh thành rồi sai con là Xác Bà Ân dâng thư xin hàng.

Chúa Hiền đồng ý cho hàng, lấy sông Phan Rang làm biên giới, sáp nhập hai Phủ Thái Khang và Diên Ninh (thuộc tỉnh Khánh Hòa ngày nay), mở rộng thêm biên giới lãnh thổ.

Lúc này Triều đình Cao Miên rối ren, anh em chú cháu chém giết nhau giành ngai vàng. Hai hoàng tử Ang Sur và Ang Tan cầu cứu Chúa Hiền. Chúa đưa quân đến giúp đỡ, đưa hai anh em lên ngôi Vương. Từ đó Cao Miên thần phục và cống nạp, người Việt cũng được tự do đến phương nam khai phá đất đai và định cư sinh sống.

Từ đấy đất đai của người Việt cũng dần mở rộng thêm cả vùng Trấn Biên và Gia Định rộng lớn và màu mỡ.

ban do den gia dinh
Lãnh thổ Đại Việt được mở rộng thời Chúa Hiền (Tranh: [email protected])

Chúa Hiền nhờ vượt qua được ải nữ sắc mà trở thành vị minh quân mở cõi, tiếp tục sự nghiệp nam tiến vốn đã bị dừng lại từ thời Chúa Thượng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Có thể buông bỏ mới có thể đắc được”: