Đây là phòng học của học sinh lớp 2. Học sinh cả lớp đang đứng dậy và hát bằng giọng rất to. Học sinh nào cũng rất nghiêm túc. Tiếng hát của lũ trẻ ngân nga trong lớp học một lúc lâu. Nữ giáo viên khoảng hơn 35 tuổi vừa vỗ tay theo nhịp vừa nghe học sinh hát. Đây là quang cảnh giờ học thường thấy ở Việt Nam. Tại sao lại như vậy thì cũng không rõ lắm nhưng theo giáo viên đó thì “học sinh rất thích hát cho nên nếu trước giờ học mà cho hát thì các em sẽ có thể tập trung hơn trong giờ học”. Sau khi bài hát kết thúc, cô giáo chậm rãi viết “38+25” lên bảng đen. Đây là giờ học toán. Bài học hôm nay sẽ là cộng hai chữ số có nhớ vì thế mà “38+25” là tên bài trong sách giáo khoa.

“Ngày hôm nay chúng ta sẽ học phép cộng 38+25. Nào, các con bỏ bộ que tính ra nào”

Học sinh đồng loạt lấy bộ que tính ra và chuẩn bị tính. Bộ que tính là bộ giáo tài được sử dụng trong học toán bao gồm que tính, các viên bi, mô hình đồng hồ…và nó là thứ mà học sinh phải mua cùng lúc với sách giáo khoa.

“Nào, trước tiên hãy dùng bó và que để tạo ra “38” . Đây là ba bó “10” và 8 que nhỉ”.

Học sinh xếp 3 bó “10” và 8 que rời lên trên bàn.

“Cả lớp xong chưa?”, giáo viên hỏi.

Những học sinh đã làm xong giơ tay. Không rõ có phải do dễ không mà hầu hết học sinh đều giơ tay.

“Nào, bây giờ hãy cùng tạo ra số “25”.”

Học sinh sử dụng bó que tính “10” và que rời để tạo ra “25”. Trong khoảng thời gian đó, giáo viên vừa nhìn sách giáo khoa vừa kiểm tra phần thuyết minh tiếp theo. Một lát sau, khi chúng tôi nghĩ giáo viên nhìn lướt xuống phía học sinh thì giáo viên lên tiếng để xác nhận lại với học sinh “Đúng thế phải không nào. Hai bó 10 que và 5 que rời đúng không nào”. Tiếp theo, giáo viên đưa ra câu hỏi “Ta sẽ cộng thêm “25” vào “38”. Kết quả thế nào nhỉ?”.

Học sinh tiến hành thao tác với bó que tính và các que tính ở trên bàn. Hầu hết học sinh tiến hành mà không gặp vấn đề gì nhưng có vẻ như có vài học sinh lúng túng. Tuy nhiên, giáo viên không nhận ra điều đó. Giờ học vẫn tiếp tục tiến về phía trước.

“Đúng thế. Ta có 5 bó 10 . Và ta có tổng số 13 que. 13 que này sẽ được đổi thành bó 10 que. Khi đổi thành bó 10 que thì còn lại 3 que lẻ phải không nào”, giáo viên xác nhận.

Có vẻ như có vài học sinh không hiểu thao tác này. Tuy nhiên chúng bắt chước học sinh bên cạnh cứ xếp 6 bó 10 que và 3 que rời lên bàn. Giáo viên có vẻ như không nhận ra điều đó. Giờ học vẫn tiếp tục.

“Sau đây, các em hãy thu dọn que tính và chuẩn bị bảng”.

Học sinh đồng loạt cất que tính đi và lấy bảng ra. Mỗi học sinh đều có một tấm bảng đen nhỏ này.

“Sau đây, cô sẽ viết phép tính 38+45 và 58+36” – giáo viên vừa nói vừa viết hai phép tính đó lên bảng. Học sinh sau khi viết “38+45”, “58+36” lên bảng của mình thì bắt tay ngay vào tính toán. Những học sinh đã biết kết quả thì cẩn thận viết câu trả lời lên bảng. Tuy nhiên những học sinh trước đó lúng túng với bộ que tính có vẻ như không tìm ra được câu trả lời.

Một lát sau, đột nhiên “Cạch!” một âm thanh sắc nhọn vang khắp lớp học. Học sinh giơ tấm bảng lên trên đầu như một phản xạ. Chuyện gì đã xảy ra đây? Thực ra giáo viên đã lấy thước kẻ to gõ vào bảng để ra tín hiệu cho học sinh “hãy cho cô xem câu trả lời”. Sau đó, lại là tiếng “Cạch!” lần thứ hai. Học sinh đồng loạt quay ngược tấm bảng lại. Và rồi tiếng “Cạch!” lần thứ ba. Lần này học sinh đồng loạt đặt bảng xuống bàn.

Tôi kinh ngạc trước những động tác tuân thủ đúng quy tắc đó cho dù không rõ đó có phải là sự tuân thủ trật tự hay nên nhìn điều đó như nhìn những con búp bê hoạt động bằng máy móc. Trong khoảng thời gian ngắn tôi không thể kiểm tra toàn bộ câu trả lời của tất cả học sinh viết trên bảng nhưng có vẻ như có vài câu trả lời sai. Tuy nhiên, giáo viên hoàn toàn không chú ý đến điều đó. Trái lại có vẻ như giáo viên chú ý hơn đến việc tất cả học sinh có đưa bảng lên trên đầu cùng với tín hiệu mình đưa ra hay không.

Tanaka Yoshitaka, 2008

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời độc giả tham khảo tại đây hoặc liên hệ Nhà sách Vương Gia.

Tanaka Yoshitaka sinh năm 1964 tại Kyoto, tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Shiga (Nhật Bản), lấy bằng thạc sĩ ngành Hành chính quốc tế tại Mĩ. Hiện tại ông là nghiên cứu viên chính của Trung tâm phát triển quốc tế, hội viên Hội Giáo dục học Nhật Bản, chuyên nghiên cứu phát triển giáo dục, phát triển xã hội. Cho đến nay ông đã đến làm cố vấn giáo dục ở nhiều nước châu Á như Thái Lan, Việt nam, Indonesia…

Xem thêm:

Mời xem video: