Trong lịch sử khoa bảng, những người đỗ đại khoa đa số là ở khu vực Kinh thành và tứ trấn xung quanh, nơi có điều kiện học tập tốt hơn. Trong khi đó ở nơi khác số lượng người thi đỗ thấp hơn nhiều. Tuy nhiên người dân Hà Tĩnh cũng tự hào khi có được hai vị Bảng nhãn góp công xây dựng quê hương bản quán, cả hai đều được phong làm Thành Hoàng của làng.

Hai vị Bảng nhãn được phong Thánh ở Hà Tĩnh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Ở đợ vẫn thi đỗ Bảng nhãn

Vào thế kỷ 15 thời Lê Sơ, ở làng Thần Đầu, huyện Kỳ Hoa, phủ Hà Hoa, xứ Nghệ An (nay là xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) có hai anh em Lê Quảng Chí và Lê Quảng ý gia cảnh rất nghèo khó, hai anh em phải đi ở đợ cho nhà giàu, cuộc sống vất vả.

Theo gia phả dòng họ thì dù phải đi ở đợ nhưng cả hai anh em đều hiếu học, lại được trời phú cho tư chất thông minh. Sau khi làm hết các việc của gia chủ, đến tối hai anh em bắt đom đóm bỏ vào lọ thủy tinh làm đèn học.

Có hôm tối đến đói quá, phải vừa học vừa đùa vui để quên đi cơn đói, Quảng Chí ra câu đối “sáng khoai, trưa khoai, khoai một rổ”, người em cũng ứng khẩu lại “anh đậu, em đậu, đậu một tràng”.

Đến khoa thi năm 1478, Lê Quảng Chí đăng ký dự thi, vượt qua tất cả các trường thi, vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Lê Quảng Chí xuất sắc vượt trên các sĩ tử đến từ Kinh thành và vùng tứ trấn để đỗ đầu. Do khoa thi này không có Trạng nguyên nên ông đỗ Bảng nhãn.

Đến khoa thi năm 1499 thì người em là Lê Quảng Ý đỗ tiến sĩ thời vua Lê Hiến Tông.

Lê Quảng Chí làm quan đến Tả thị lang bộ Lễ kiêm Đông các Đại học sĩ, ông là người văn võ kiêm toàn, nhiều lần vâng mệnh Vua cầm quân đi đánh giặc.

Lê Quảng Ý làm đến Hàn lâm viện thị thế, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu hiến sứ, kiêm Đệ lĩnh tú thành quân vụ, tước Bảng quận công.

Hai anh em đều tài giỏi lại cương nghị, để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, đặc biệt là là 5 bài thơ nổi tiếng.

Sau khi hai anh em mất, người dân ở quê nhà làng Thần Đầu tưởng nhớ lập đền thờ hai anh em và gọi là Thánh Trạng.

Sau này người dân làng Thần Đầu tưởng nhớ hai anh em, thường bảo nhau rằng hai hòn núi Đụn đứng song song trong làng, hòn cao là anh, hòn thấp là em, và gọi hai hòn này là “nguy nga song bút”.

Cháu nội của Trần Nguyên Hãn

Theo gia phả và di chỉ của dòng họ thì Trần Nguyên Hãn có người con trai thứ là Pháp Độ công, là bậc hiền thần, làm quan đến chức Thiết chế Lễ tướng công tại bộ Lễ. Nhưng vì ông là con trai của Trần Nguyên Hãn nên bị Triều đình nghi kỵ, phải từ quan về hưu vào năm 1474 khi mới 51 tuổi.

Không chỉ từ quan, ông cũng phải rời Kinh thành, đưa vợ cùng 3 người con trai đến Thanh Hóa. Sau ông để vợ cùng một người con ở lại, rồi cùng hai con trai đến Nghệ An. Pháp Độ công đi lại giữa Thanh Hóa và Nghệ An, đồng thời giấu kín tung tích là hậu duệ của Trần Nguyên Hãn.

Một lần Pháp Độ công đến ngôi chùa ở làng Khải Mông thuộc Hà Tĩnh. Tại ngôi chùa ông gặp và quen biết một gia đình hào phú sùng bái Phật. Do mến mộ tài đức của ông mà gia đình này đã gả cô con gái cho. Năm 1483 ông và người vợ thứ sinh hạ được người con trai và đặt tên là Trần Bảo Tín. Sau 4 năm thì ông dời về lại Nghệ An, Bảo Tín lớn lên ở làng Khải Mông quê ngoại.

Trần Bảo Tín rất thông minh, lại được gia đình bên ngoại vốn là hào phú chăm sóc nên có điều kiện học hành thành tài. Đến khoa thi năm 1511 thời vua Lê Tương Dực, Trần Bảo Tín qua kỳ thi Hương, lại vượt qua tứ trường kỳ thi Hội.

Vào đến thi Đình, Trần Bảo Tín làm bài văn sách xuất sắc, đỗ cao thứ hai tức Bảng nhãn. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép rằng:

“Năm Tân Mùi – 1511 tháng 3, thi Hội các sĩ nhân trong nước đến thi Đình, vua thân hành xem bài thi rồi định bậc cao thấp. Cho bọn Hoàng Nghĩa Phú, Trần Bảo Tín, Vũ Duy Chu 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ”.

Trần Bảo Tín làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang. Tuy nhiên lúc này nhà Lê Sơ đã đi vào mạt, các tướng lập cát cứ khiến chiến loạn khắp nơi, vì thế mà Trần Bảo Tín làm quan nhưng không phát huy được được khả năng của mình.

Năm 1527 thì nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Trần Bảo Tín từ quan về lại quê nhà. Ông cùng dân lập chiến Lũy không cho quân Mạc xuống phía nam, tránh được việc phu phen lao dịch, dân chúng được yên bình.

Ông cũng giúp dân lập trang trại, khai khẩn ruộng hoang, đắp đường mở chợ, mở trường học và nơi chữa bệnh giúp dân chúng.

Sau khi Trần Bảo Tín mất, dân làng lập đền thờ ông ở núi Hồng Lĩnh, gọi ông là Thánh Bảng, phong ông là Thành Hoàng của làng.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video “Trọng tâm của giáo dục không phải nằm ở tri thức”: