Các vị Vua là đại diện cho cả một dân tộc, một đất nước trong một thời kỳ lịch sử. Khi có chiến tranh xảy ra, nếu Vua đầu hàng giặc thì mất nước và cả dân tộc đấy xem như cũng đầu hàng. Chính vì thế các vị Vua khi cùng đường đều chọn cái chết để giữ trọn khí tiết, cũng chính là bảo toàn chính khí của cả một dân tộc. Nhưng trong lịch sử cũng có trường hợp ngoại lệ, đó là Lý Phật Tử và Hồ Quý Ly. Cả hai người này đều có chung một đặc điểm là cướp ngôi Vua. Tuy nhiên cả hai đều không có kết cục tốt đẹp.

Hai vị vua Việt từ vong ân cướp ngôi đến bội nghĩa đầu hàng giặc
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Lý Phật Tử phụ ân tình cướp ngôi nhưng không có tài giữ nước

Tháng 5/545, nhà Lương cho viên tướng giỏi nhất của mình là Trần Bá Tiên đem 8 vạn quân sang đánh Vạn Xuân. Quân của Lý Nam Đế ít hơn không chặn được giặc mạnh, cuối cùng Lý Nam Đế phải rút về thung lũng Khuất Lão rồi mất tại đây vì bệnh nặng. Trước khi mất, Lý Nam Đế đã trao toàn quyền cầm quân chống giặc cho Triệu Quang Phục.

Triệu Quang Phục đưa quân đế đầm Dạ Trạch, khi thời cơ đến thì xuất quân đánh bại quân Lương rồi đuổi về nước. Triệu quang Phục lên ngôi Vua hiệu là Triệu Việt Vương vào năm 550.

Trong khi đó anh của Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo cùng cháu mình là Lý Phật Tử chạy đến Dã Năng của Ai Lao (thuộc Lào ngày nay) thì đóng quân cho đắp thành ở đây. Dân chúng tôn Lý Thiên Bảo lên ngôi Chúa.

Năm 555, Lý Thiên Bảo mất, cháu là Lý Phật Tử lên nối ngôi. Đến năm 557, Lý Phật Tử muốn ngôi vua Vạn Xuân nên đưa quân tiến đánh Triệu Việt Vương.

Hai bên có 5 lần giáp chiến lớn, lần nào Lý Phật Tử cũng bị bại trận, nhưng Triệu Việt Vương không muốn có cuộc tàn sát nội chiến nên chỉ nhìn theo quân Lý Phật Tử rút đi mà không cho quân truy đuổi theo.

Lý Phật Tử thua trận xin giảng hòa, Triệu Việt Vương rộng lượng đồng ý và còn cấp thêm cho đất. Hai bên lấy bãi Quân Thần (nay là Bắc Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới, phía tây thuộc về Lý Phật Tử. Lý Phật Tử cũng xin thề suốt đời giữ hòa hiếu giữa hai bên.

Nhưng Lý Phật Tử lại âm mưu để con trai của mình là Nhã Lang lấy con gái Cảo Nương của Triệu Việt Vương, sau đó ở rể. Nhã Lang tìm hiểu hết cách bố phòng rồi báo cho Lý Phật Tử.

Năm 571, Lý Phật Tử phụ lời thề đưa quân bất ngờ tấn công. Triệu Việt Vương bị lộ hết cách bố phòng, không chống được phải chạy, đến cửa biển Đại Nha thì cùng đường, đành chọn cách nhảy xuống biển.

Lý Phật Tử không ban hành được một chính sách nào nhằm trị quốc an dân. Dù ở ngôi Vua đến 30 năm nhưng không hề có được sự chuẩn bị nào nhằm giữ nước chống ngoại bang.

Năm 602, nhà Tùy đưa quân tiến đánh Vạn Xuân, Lý Phật Tử không chống nổi giặc, cũng không giữ được chính khí, nhanh chóng đầu hàng để quân nhà Tùy bắt đi, cuối cùng bị xử chết.

Hồ Quý Ly phụ lời thề, cuối cùng đầu hàng giặc

Khi Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông còn sống có nói với Hồ Quý Lý rằng: “Nhà ngươi là thân tộc nên bao nhiêu việc lớn nhỏ trong nước Trẫm đều ủy thác cho cả. Nay quốc thể suy nhược, Trẫm thì già rồi, ngày sau con Trẫm có nên thì giúp, không thì nhà ngươi tự làm lấy”.

Quý Ly cởi mũ, khấu đầu khóc mà thề rằng: “Nếu hạ thần không hết lòng hết sức giúp nhà vua thì trời tru đất diệt”.

Thế nhưng Hồ Quý Ly cuối cùng đã trở mặt, năm 1399 cho giết chết 400 tướng lĩnh nhà Trần, năm 1400 thì cướp ngôi nhà Trần, lên ngôi Vua.

Dù cướp ngôi nhà Trần nhưng Hồ Quý Ly lại không chống được quân Minh. Nhà Hồ chuẩn thành trì chắc chắn, chiến lũy cùng hệ thống phòng thủ khắp sông Hồng, quân binh đông đúc, vũ khí tốt, nhưng lại lâm vào một cuộc chiến đơn độc vì không có được lòng dân. Hồ Quý Ly nhanh chóng thất bại

Hồ Quý Ly chạy đến Đà Giang (Mã Giang) thì quân Minh đuổi kịp đánh cho quân nhà Hồ tan tác. Giữa lúc tình thế nguy nan, tướng quân Ngụy Thức đã tâu lên rằng: “Nước đã mất, làm ông vua không nên để cho người ta bắt được, xin Bệ Hạ tự đốt đi mà chết còn hơn”. Nhưng Hồ Quý Ly tức giận sai chém chết Ngụy Thức rồi chạy đến Nghệ An, đến biển Kỳ La (Hà Tĩnh) thì bị bắt.

Ngay sau khi nhà Hồ mất, các cuộc khởi nghĩa của dân chúng nổ ra. Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị tìm tôn thất nhà Trần là Trần Quý Khoáng lên ngôi Vua hiệu là Trùng Quang Đế, sử gọi đây là nhà Hậu Trần.

Sau 7 năm ròng rã đương đầu với quân Minh, cuối cùng cuộc khởi nghĩa nhà Hậu Trần thất bại, Trùng Quang Đế cùng các tướng của mình lần lượt bị bắt. Thế nhưng không giống như Hồ Quý Ly trước đó, tất cả đều chọn cái chết để bảo toàn khí tiết, Trùng Quang Đế chọn nhảy xuống biển, Đặng Dung và Nguyễn Súy cũng nhảy xuống biển theo Vua.

Nhận xét của hậu nhân

Nhiều vị Quân Vương và tướng lĩnh dù việc lớn không thành, khi lâm đường cùng chọn cái chết, đã bảo toàn khí tiết, giữ gìn chính khí cho dân tộc. Lịch sử đều xem họ như những tấm gương. Còn những người đã vong ân lại phụ nghĩa, cướp ngôi, thì lịch sử cũng có những đánh giá về họ.

Đánh giá về Lý Phật Tử, cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép rằng:

“Vua dùng thuật gian trá để gồm lấy nước, mới thấy bóng giặc đã hàng trước, việc làm trước sau đều phi nghĩa”.

“Lấy bá thuật mà xét thì Hậu [Lý] Nam Đế đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, lấy vương đạo mà xét thì việc ấy đã từng không bằng chó lợn. Sao thế? Là vì khi Tiền Lý Nam Đế ở động Khuất Lạo đem việc quân ủy cho Triệu Việt Vương. Việt Vương thu nhặt tàn quân giữ hiểm ở Dạ Trạch bùn lầy, đương đầu với Trần Bá Tiên là người hùng một đời, cuối cùng bắt được tướng của y là Dương Sàn. Tiên, người phương Bắc, phải lui quân. Bấy giờ vua [Hậu Nam Đế] trốn trong đất Di [Lạo], chỉ mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May mà Bá Tiên về Bắc, [Lý] Thiên Bảo chết, mới đem quân đánh [Triệu] Việt Vương, dùng mưu gian trá xin hòa, kết làm thông gia. Việt Vương lấy lòng thành đối đãi, cắt đất cho ở, những việc làm của Việt Vương đều là chính nghĩa, giao hảo phải đạo, thăm viếng phải thời, há chẳng phải là đạo trị yên lâu dài hay sao ? Thế mà [Hậu Nam Đế] lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ chính đạo nhân luân, kíp tham công lợi mà diệt nhân nghĩa, đánh cướp lấy nước, tuy rằng lấy được, mà Nhã Lang thì chết trước, bản thân cũng không khỏi làm tù, có lợi gì đâu?”.

Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên xem Hồ Quý Ly là “loạn thần tặc tử”, ông viết rằng:

“Họ Hồ giết Trần Thuận Tông mà cướp lấy nước, những người như Trần (Nguyên) Hãng, Trần Khát Chân mưu giết mà không được. Sau khi họ chết, trong khoảng 7, 8 năm, không còn ai có thể làm được việc ấy nữa. Họ Hồ tự cho là người trong nước không còn ai dám làm gì nữa. Nhưng bọn loạn thần tặc tử thì ai ai cũng có thể giết chết chúng được và trời cũng không một ngày nào tha trừng phạt chúng dưới gầm trời này! Người trong nước giết chúng không được thì người nước láng giềng có thể giết, người nước láng giềng giết không được thì người Di người Địch có thể giết. Vì thế người Minh mới có thể giết được chúng. Còn như người Minh giả nhân giả nghĩa, sát hại sinh linh thì chính là một bọn giặc tàn bạo. Cho nên Thái Cao Tổ Hoàng Đế ta lại có thể tiêu diệt được bọn chúng”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: