Bài văn sách thời nhà Nguyễn nói về việc dùng văn võ trị quốc, được viết bởi hậu duệ của Mai An Tiêm.

Họ Mai ở Nga Sơn, Thanh Hóa

Theo gia phả họ Mai ở làng Hậu Trạch, xã Nga Sơn, Thanh Hóa thì vào đời vua Hùng Vương thứ 6, cụ tổ dòng họ Mai là Mai Yển – hiệu An Tiêm lâp nhiều công trạng nên được Vua yêu mến gả con gái cho. Mỗi lần có lễ trọng Vua đều ban quà cho Phò mã, nhưng thay vì cám ơn Vua như những kẻ khác, Mai Yển lại nói rằng “của biếu là của lo, của cho là của nợ” khiến Vua buồn bực. Bọn nịnh thần được dịp bêu xấu, Vua bắt Mai Yển đày ra đảo hoang để cho Mai Yển thấy nếu không có của cải Vua ban cho thì chỉ có chết.

Mai Yển khắc chữ vào vỏ quả dưa hấu, thả xuống nước theo thủy triều vào bờ, quan quân bắt được thì đem dưa hấu dâng Vua, nhà Vua và mọi người ăn ai cũng khen ngon.

Biết Mai Yển không chết mà còn nhớ đến mình, Vua liền cho người đưa Mai Yển về phong lại chức tước như xưa .

Ghi chép trong gia phả họ Mai này có phần giống như sự tích quả dưa hấu trong dân gian.

Hậu duệ Mai An Tiêm và bài văn sách dùng văn võ trị quốc
Khu di tích đền thờ Mai An Tiêm ở Nga Phú. (Ảnh: HoMaiVietNam.com)

Đến thời Lê Sơ khoảng năm 940, họ Mai sinh được Mai Thế Hùng. Năm 980, Mai Thế Hùng theo Lê Hoàn, trở thành Đô đốc thủy binh, đến thời Lý Công Uẩn được phong Ý Quận công.

Các đời Lý, Trần, Lê Sơ họ Mai luôn có nhân tài trong Triều đình. Đến thời Lê Trung Hưng (1533 – 1789), họ Mai đã có 31 người đỗ đạt cao và trở thành quan trong Triều đình.

Hậu duệ thi đỗ Thám hoa thời nhà Nguyễn

Một nhánh của họ Mai ở Thạch Giản, Nga Thạch, Nga Sơn, Thanh Hóa chuyển đến sinh sống ở thôn Hoàng Cầu, giáp Đông Các, huyện Vĩnh Thuận – Hà Nội (nay là Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) và sinh ra Mai Thế Tuấn.

Thuở nhỏ Mai Thế Tuấn tỏ ra thông minh, lại ham học, thuộc lòng kinh sử. Năm 16 tuổi Mai Thế Tuấn đi thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên, nhưng vào đến thi Hội thì không đỗ.

Đến khoa thi sau năm 1843, Mai Thế Tuấn đỗ đầu được phong Thám Hoa (Triều đình không lấy Trạng nguyên).

Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép rằng: “Mai Thế Tuấn là người đỗ đệ nhất giáp đầu tiên của bản triều”. Vua Thiệu Trị nói rằng bài văn của Mai Thế Tuấn hơn hẳn các bài của Tiến sĩ khoa này và nhiều khoa trước và phong cho ông danh hiệu “Tam khôi”. Đồng thời Vua cũng đổi tên ông từ Thế Tuấn thành Anh Tuấn nhằm ghi nhận tài năng của ông.

Mai Anh Tuấn làm quan trải qua các chức vụ sơ thụ Hàn lâm viện trước tác, sung Nội các Hành tẩu. Sau được thăng hàm Thị độc, rồi Thị độc Học sĩ, sung biện Nội các sự vụ. Ông làm quan thanh liêm, khảng khái, có khí tiết, thương người nghèo khó, nhiều lần dâng sớ đề nghị Triều đình làm những điều phúc thiện cho dân lành.

Năm 1851, vua Tự Đức cho quan thuyền hộ tống viên quan võ biền chức Bả Tổng của nhà Thanh là Ngô Hội Lân bị bão trôi dạt tới nước ta về lại Quảng Đông. Đồng thời dùng 20.000 lạng bạc của công để dự bị kiếm mua hóa vật ở chợ để đem về.

Mai Anh Tuấn lúc này đang giữ chức Thị độc học sĩ muốn ngăn chặn mầm mống xa xỉ lãng phí nên dâng sớ nói thống thiết về việc này.

Chuyện này khiến vua Tự Đức không hài lòng, kết tội ông “bất kính khi quân” hạ chức ông cho đi làm án sát tỉnh Lạng Sơn. Tại Lạng Sơn, Mai Anh Tuấn đánh dẹp bọn thổ phỉ giúp dân an cư lạc nghiệp.

Hy sinh tại biên giới

Năm 1851, thổ phỉ Lộc Binh từ nhà Thanh tập hợp 3.000 quân vượt biên giới kéo sang cướp phá vùng Tiên Yên tiến sâu vào Lạng Sơn. Mai Anh Tuấn cùng Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem hơn 1.000 quân đánh đuổi đến Yên Bác, quân thổ phỉ lui về giữ Thiết Khê.

Mai Anh Tuấn thấy địa thế hiểm trở liền muốn dừng quân xem thế giặc thế nào để liệu tiếp. Nhưng Nguyễn Đạc không nghe lời mà cùng quân tiên phong tấn công tiếp, kết quả Nguyễn Đạc thua và bị tử trận, tàn quân còn lại bị kẹt trong vùng núi.

Mai Anh Tuấn muốn dẫn quân liều mình cứu tàn quân sót lại, nhưng ai cũng can ngăn không nên. Ông nói: “Đạc dẫu chết, tản binh còn ở trong núi, ta nếu không tới thời vào hết trong tay giặc”, rồi cho quân tiến vào vùng núi.

Mai Anh Tuấn thu thập được tàn quân, nhưng chưa kịp rút thì bị thổ phỉ tấn công. Do quân ít Mai Anh Tuấn không chống cự được và hy sinh.

Vua Tự Đức thương tiếc lệnh đưa thi hài ông về an táng. Triều đình và người dân rất nhiều người đến tiễn đưa ông, một số nơi lập đền thờ để tưởng nhớ ông.

Bài văn sách xuất sắc thời nhà Nguyễn bàn về việc trị quốc

Bài thi văn sách của Mai Anh Tuấn được xem là xuất sắc vào thời đó, nói về việc dùng “văn – võ” để trị quốc. Dưới đây xin trích bản dịch bài Văn sách của Phan Văn Các.

Điều cốt yếu của việc trị nước là văn và võ: Văn là gì? Là nói về tu đức trị đạo vậy. Võ là gì? Là nói về công đánh dẹp vậy. Tác dụng tuy khác nhau nhưng Đạo thì là một. Vì thế đấng làm vua trị nước ắt phải dùng cả hai mới có thể khiến cho uy đức được tỏ rõ, há có thể bỏ một bên hay sao? Từ xưa đế vương dựng nền trị, không ai không dùng cả hai điều đó…

…Thần cúi đọc Chế sách nói rằng: Văn võ song hành, đức uy mới thành. Nên được đức uy thì dân sẽ thán và phục… Lớn thay lời nói của nhà vua! Thật là hiểu sâu đạo trọng yếu của việc trị nước vậy.

Thần trộm nghĩ: Đạo văn võ há có thể trái hay sao? Bởi văn để phấn sức trị binh, võ để ra uy với địch, thiếu một là không thể được. Dùng cả hai đường ấy, khiến dân biết yêu, biết sợ thì sau khi uy đức đã nên, tự dân sẽ thần và phục. Nếu như thiên lệch thì sao có thể được? Từ xưa đế vương không ai không kiêm cả hai điều đó để trị thiên hạ….

…Xưa kia Đế Thuấn vì Hữu Miêu không thần phục nên mệnh cho Bá Vũ đem quân đi đánh dẹp một tháng. Hạ Khải vì Hữu Hỗ không thần phục mà phải triệu sáu khanh chiến tranh ở đất Cam. Việc ấy há phải là hành động khinh suất hay sao? Trước khi chinh phạt một tháng, đức Đế Thuấn vốn đã tín thành, nhưng Hữu Miêu bị ngu tối lấp quá sâu. Nên sai Bá Vũ đánh dẹp, không thể không dùng việc đó để dỡ bỏ sự che lấp. Trước khi chiến tranh ở đất Cam, đức của Khải vốn đã sáng tỏ, nhưng Hữu Hỗ cậy mạnh không phục nên phải thệ sư thảo phạt, không thể không lấy việc ấy mà tỏ uy. Thế thì Miêu không thể không chinh phạt, Hỗ không thể không đánh dẹp, bất đắc dĩ mà phải dùng vũ khí, hai bậc thánh nhân vốn đã có sẵn kế sách vậy. Sau này múa can mà Miêu bảy tuần sau đến chầu, sửa đức mà Hỗ có thể không đánh mà tự phục, đều là thích hợp với thời mà thôi, không thể vì thế mà nghi ngờ trước đây làm việc khinh suất.

Xem nhà Hán, mở trường học để phát huy đạo lớn, Văn Đế chuyên dùng văn mà trị. Tuy Quảng võ đồn binh, Thượng lâm tập bắn, việc võ cũng chưa từng không có; nhưng thần vũ đều quy về nhân hậu, thấy rằng thâm trầm chuyên ở văn. Mở rộng lãnh thổ mà chấn khỏi võ công, Vũ Đế chuyên dùng võ mà trị. Tuy hiệu lệnh đáng xem, văn chương đáng thuật, văn cũng có thành tựu; nhưng hiệu lệnh đều thuộc về bạo uy, thấy rằng hùng lược chuyên ở võ. Nói rằng chuyên ở văn hay võ là đúng vậy.

Văn đức võ công nhà Đường còn thấy ở nhạc và múa, ở vào thời Trinh Quán thì khá tốt. Nhưng dùng văn giữ cơ nghiệp mà võ không nghiêm trong việc đề phòng Di Địch, có thể đảm bảo không có mối lo Di Địch hay không? Nhà Tống văn rộng mở võ uy nghiêm, thấy ở buổi ban đầu lập quốc, đều là Thái Tổ mở ra. Nhưng văn mở rộng mà võ lại không cường thịnh trong việc dùng quân nanh vuốt, vậy lấy gì để chấn khởi cái thế uỷ mị? Nghiệm đời Đường, đời Tống sở dĩ đến hỏng thì thấy việc trị có quan hệ đến văn võ vậy.

Lại xem hai thời Hán Chu, khi Lũng Thục chưa bình, chính là lúc nên dùng võ mà dẹp yên. Nhưng trường học là gốc của giáo hoá, thì ngay khi trên ngựa dẹp giặc cũng không thể không lấy việc dựng trường học làm việc mở đầu khi mới xuống xe (ý nói vừa xong việc võ công). Thời Thành Khang cực trị chính là lúc dùng văn mà phấn sức. Nhưng vẫn còn bọn ngoan dân nhà Ân nhòm ngó thì tuy là khi phượng hoàng kêu nơi đồng nội cũng không thể không lấy việc chăm quân làm kế giữ nước. Việc làm của Quang Vũ, lời dạy của Chu Công há chẳng phải là đã phù hợp với việc dùng văn dùng võ hay sao?

Vĩ đại thay Khổng Tử! Khi ngài làm tướng nước Lỗ, đánh Lai Di mà Tề hầu sợ hãi, dẹp người Phí mà Phí phải thua chạy. Xem hai việc ấy có thể thấy thánh nhân không chỉ chuyên ở văn. Linh Công hỏi chiến trận mà không trả lời, là sợ gợi lòng ham đánh dẹp. Tử Lộ hỏi sức mạnh mà liền ức chế, là muốn cho có cái dũng hợp nghĩa Thánh nhân xử sự như vậy há phải là vô tình.

Còn như bốn mùa dạy học là tiên vương dùng để dạy thế tử. Dùng Tụng, dùng Đàn, dùng Lễ, dùng Thư, về ý nghĩa có lẽ lấy từ chỗ phát tán “thu tàng”. Bốn mùa đi săn là tiên vương dùng để phòng bị việc quân, dùng Sưu, dùng Miêu, dùng Tiển, dùng Thú, về ý nghĩa có lẽ lấy từ chỗ sinh trưởng toại thành. Tham khảo lời chú kinh điển của tiên nho, ý nghĩa có thể xét được.

Lại nghe: Làm nhà ắt phải có hai cột rồi sau nhà mới dựng, làm xe ắt phải có hai bánh rồi sau xe mới đi, thực đúng như lời nói của Lục Giả…

… Kính nghĩ: Quốc gia ta, cõi Nam dựng nghiệp, non sông nghìn đời bền vững. Hoàng thiên yêu mến, phúc lớn ban xuống vô cùng. Từ đời đức Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế (chỉ chúa Nguyễn Hoàng) đến nay, thần truyền thánh nối, hơn hai trăm năm. Văn mô vũ liệt rỡ ràng, sáng ngời trong sử sách. Thực đã truyền lại vĩnh viễn cho đời sau.

Đức Thế Tổ Cao Hoàng đế (chỉ vua Gia Long) ta, dùng võ công định loạn mà trăm việc chấn chỉnh, kỹ càng quy mô phấn sức sửa sang, cho nên văn Hoa Hạ đã tràn khắp muôn phương.

Đức Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (chỉ vua Minh Mạng) ta, dùng văn giáo đưa đến trị bình, nhưng chinh phạt bốn phương, mở rộng hiệu quả trị lý. Vũ công đánh dẹp bốn phương khiến cho các phương xa xôi phải vào triều cống, vì thế thiên hạ thái bình, văn hồi được vận trinh nguyên. Phương xa nép phục, sáng đẹp thêm bức tranh vương hội (Bức vẽ các chư hầu vào triều bái thiên tử).

Kính nghĩ: Hoàng đế Bệ hạ, nắm quyền điển, lễ, mệnh, thảo mà cả nhận mệnh trời; kế nghiệp kiến, đốc, cơ, cần mà kính noi đạo trước. Vâng thấy từ buổi đầu ngự trị đã dụ cho bầy tôi không được thay đổi phép cũ, sắc cho Hữu ti phải tra xét điển lệ. Nghĩ đến nuôi dân là ở chỗ theo thời cho nên tha trốn hoãn thiếu. Ngửa trông ơn vua to lớn, thiên hạ đều nói: Đó là đức thông minh vận hành rộng lớn. Thiên Duyệt mệnh trong Kinh Thư có câu: Dân theo trị, ngày nay thiết tưởng đã thấy hiệu quả rồi. Cho rằng thay đổi phong tục trước hết giáo hoá phải tốt đẹp, cho nên khen người hiếu hạnh, thưởng người tiết nghĩa. Ngửa trông thánh hoá thịnh vượng, thiên hạ đều nói: Đó là khuôn phép phẳng bằng rộng lớn dựng nên. Đại Nhã trong Kinh Thi có câu: Dạy dân rất dễ, ngày nay thiết tưởng đã thấy mỹ tục rồi. Ngửa trông ơn giáo hoá, thỏa thích diều bay cá nhảy, tạo tựu tác thành, tưởng đã có tiếng khen người hiền tài đều được nổi danh. Khoa mục chọn người, châu huyện tiến cử, đường cầu hiền đã rộng vậy. Người được dự tuyển, vui vẻ kéo nhau như nhổ cỏ mao được cả đám, kẻ sĩ đại tài tưởng đã không còn sót nơi đồng nội. Thận trọng việc tuyển tướng, nghĩ dùng người kỳ cựu, biểu dương, khen thưởng chiến công, cất nhắc người xuất sắc, lấy đấy mà khích lệ lòng họ. Đội ơn triều đình khuyến khích có cách thì bầy tôi nắm cờ tiết cờ mao, ai không phấn chấn mà làm tướng cơ mưu. Nắm quân đội, tưởng cũng được người xứng đáng rồi vậy. Kỹ càng trong việc trị quân thì tuân theo định ngạch mà huấn luyện có phép, tra xét theo thời, lấy đó mà định chế độ. Ngửa trông triều đình chế binh có phép thì kẻ sĩ mặc giáp cầm binh há ai không phấn chấn mà làm quân vô địch. Người trong quân ngũ, thần nghĩ rằng cũng đều có tiết chế vậy…

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: