Mạc Đĩnh Chi là Trạng nguyên nổi tiếng bậc nhất trong sử Việt. Ông nhiều lần đi Sứ lập công lớn, nhiều câu chuyện về ông cũng được dân gian lưu truyền lại, tuy nhiên việc ông có hậu duệ sinh sống ở Cao Ly thì không phải ai cũng biết rõ.

Hậu duệ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ở xứ Cao Ly
Đền thờ Mạc Đĩnh Chi tại quê ông. (Ảnh: Bigland/Wikipedia, Public Domain)

Mạc Đĩnh Chi người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, thi đỗ Trạng nguyên năm 1304 dưới thời vua Trần Anh Tông, làm quan trải 3 đời vua Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông. Ông nổi tiếng không chỉ vì đỗ Trạng nguyên, mà còn có đóng ghóp quan trọng trong việc đi Sứ. Ông cũng là tổ 7 đời của Mạc Đăng Dung.

Bấy giờ sau 3 lần quân Nguyên thua bại, Đại Việt vẫn cần phải bang giao với nhà Nguyên. Mạc Đĩnh Chi lãnh trọng trách đi sứ, chắc chắn phải đối diện với việc Triều đình nhà Nguyên tìm cách hạ nhục.

Trong hoàn cảnh này, Mạc Đĩnh Chi với tài năng của mình đã làm tròn sứ mệnh, khiến Triều đình nhà Nguyên phong cho ông là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Nhiều câu chuyện nổi tiếng trong 2 lần đi sứ của ông còn được lưu truyền đến nay. Bên cạnh đó ít ai biết rằng trong một lần đi Sứ sang nhà Nguyên, ông đã ghé thăm Cao Ly và để lại hậu duệ ở đây.

Vào đầu thế kỷ 20, nhà nghiên cứu Lê Khắc Hòe có bài viết trongAn Nam tạp chí số 4 năm 1926 với tựa: “Người Triều Tiên đi bán sâm là hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi”.

Theo bài viết này thì có lần ông Lê Khắc Hòe đi một chuyến xe về phủ Khoái Châu (Hưng Yên) thăm cha mẹ ở quê, khi xe chạy đến gần đình Dù thì hỏng máy, ông ngồi nghỉ ở lều tranh bên đường cùng một người Cao Ly. Dù 2 người tiếng nói khác nhau nhưng lại cùng dùng chung chữ Hán, vì thế mà 2 người dùng giấy và bút chì để bút đàm cùng nhau.

Theo bài viết của ông Hòa thì người này thông minh xuất chúng, thái độ đĩnh đạc. Người này kể rằng ông là người Cao Ly nhưng thuộc dòng dõi Mạc Đĩnh Chi, đỗ cử nhân khi 16 tuổi, làm quan đến quận trưởng, vì không chịu được việc áp bức của người Nhật nên từ quan, đi buôn sâm.

Người Cao Ly này kể lại rằng Hoàng đế nhà Nguyên phong cho cả Trạng Việt và Trạng Cao Ly là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Sứ thần của Cao Ly rất mến tài Trạng Việt, hai người trở nên thân thiết với nhau. Hết hời gian đi Sứ, Trạng Cao Ly muốn mời Trạng Việt ghé thăm Kinh đô Cao Ly và Mạc Đĩnh Chi vui vẻ nhận lời.

Sau đó Trạng Cao Ly đã mai mối cháu gái của mình cho Mạc Đĩnh Chi. Sau 4 tháng ở Cao Ly, Mạc Đĩnh Chi cùng người vợ này sang Trung Quốc. Thời gian này ở Trung Quốc người vợ của Mạc Đĩnh Chi sinh được 1 trai và 1 gái. Sau 5 năm thì người vợ này cùng 2 con về Cao Ly.

Mười năm sau, Mạc Đĩnh Chi sang Cao Ly thăm vợ con, ở Cao Ly 6 tháng và đã đi khắp nơi. Hết 6 tháng, ông về nước thì người vợ ở Cao Ly cũng có thai, sau đó sinh được bé trai. Bà nuôi các con khôn lớn, khi lớn tuổi thì ở với người con trai út, lúc về già bà chọn vào chùa, thọ đến 93 tuổi.

Người Cao Ly bán sâm nọ cũng nói rằng mình thuộc ngành trưởng. Người con trai trưởng có 12 con (8 trai, 4 gái). Ngành trưởng sinh ra nhiều người giàu có; ngành thứ thì nhân tài, phần nhiều là những người dũng nghĩa, liêm khiết.

Người con trai thứ thi đỗ cử nhân năm 19 tuổi, nhưng không muốn làm quan mà ở nhà bốc thuốc dạy học, sinh được 4 người con trai đều học giỏi, trong đó người con trai thứ 3 văn võ song toàn, sau này đánh đuổi quân Tàu, nổi tiếng đánh đông dẹp bắc.

Vào năm 1966, một người Hàn Quốc đến Sài Gòn và cho rằng mình là hậu duệ Mạc Đĩnh Chi, đến Việt Nam nhằm tìm gặp tổ tiên. Nhưng khi ấy nam bắc cách trở, ông không được như ý nguyện. Chuyện này đã được đăng tải nhiều trên thông tin đại chúng miền nam lúc ấy.

Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở thôn Long Động đón nhận nhiều người họ Mạc sống ở khắp nơi trên thế giới về thăm cụ tổ. Có những giai đoạn rất nhiều người đến. Như năm 2012 có một phái đoàn 170 người họ Mạc ở khắp thế giới đến, 1 tháng sau có 7 người Hàn Quốc cũng đến thăm lại cụ tổ.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: