Người xưa cho rằng con cái sinh ra từ tinh huyết của cha mẹ, nên mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái là một loại quan hệ cảm ứng. Hàm ý của tinh huyết và cảm ứng này vượt qua quan niệm khoa học hiện đại ngày nay, và rất nhiều người kỳ thực có thể chứng nghiệm được đạo lý. Ví như có những người mà khi cha mẹ đau ốm nặng hay gặp họa nạn nào đó thì con cái cảm thấy bồn chồn, chột dạ. Hay như khi phần mộ tổ tiên bị phá hư thì trong mơ có người có thể nhìn thấy được cảnh tượng đó, thậm chí một số người có thể hiểu rõ được nguyên nhân và chỗ bị phá hư đó là ở đâu. Trong lịch sử có một câu chuyện nổi tiếng về lòng hiếu thảo cũng minh chứng cho điều này, câu chuyện mang tên: “Mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót”.

Vì sao người xưa giữ hiếu đạo 3 năm sau khi cha mẹ mất?
(Tranh minh họa thời Tống, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Tăng Tử tên thật là Tăng Sâm (505 TCN – 435 TCN), tự là Tử Dư, người ở ấp Vũ Thành thuộc nước Lỗ, sinh vào đời Xuân Thu, là học trò xuất sắc của Khổng Tử. Tăng Tử kế thừa và phát triển thêm tư tưởng của thầy, đặc biệt đề cao chữ Hiếu, và chữ Tín.

Tăng Tử rất hiếu thảo với cha mẹ, bữa ăn nào cũng cố gắng tìm đủ thức ăn ngon cho cha mẹ dùng. Khi cha mẹ dùng bữa xong, còn thừa món ăn nào, ông hỏi cha mẹ cho ai thì ông vâng mà cho người ấy.

Truyện kể rằng một hôm Tăng Tử vắng nhà để vào rừng kiếm củi, có người khách đến chơi. Mẹ ông muốn ông về nhà ngay, nhưng không biết phải làm cách nào. Cuối cùng bà bèn cắn vào đầu ngón tay để xúc động con mình. Quả nhiên ở trong rừng Tăng Tử cảm thấy trong lòng quặn đau, vội vã gánh củi về nhà. Đây chính là điển cố “Mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót”.

Người thời sau có bài thơ rằng:

Mẫu chỉ tài phương khiết,
Nhỉ tâm thống bất căm,
Phụ tân qui vị vãn,
Cốt nhục chí tình thâm.

Có nghĩa là:

Mẹ vừa cắn ngón tay,
Con quặn đau trong dạ,
Vội vàng đội cũi về,
Cốt nhục tình linh cảm.

Hiếu thảo là cái gốc làm người – Kỳ III: “Mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót”
Tượng Tăng Tử và mẹ ông. (Ảnh: Dingar, Wikipedia, Public Domain)

Kinh Thi bàn rằng:

Phụ hề sinh ngã
Mẫu hề cúc ngã
Ai ai phụ mẫu
Sinh ngã cù lao
Dục báo thâm ân
Hạo thiên võng cực.

Nghĩa là:

Cha sinh ra ta
Mẹ nuôi nấng ta
Thương thay cha mẹ
Sinh ta khó nhọc
Muồn đền ơn sâu
Như trời cao cùng cực.

Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái là mối liên hệ ân nghĩa, là mối liên hệ duyên phận, là mối liên hệ cảm ứng tương thông, cũng là thể hiện của đạo Trời vào sự duy trì nhân chủng. Vì thế mối liên hệ ấy là thiêng liêng, là vượt qua những phương diện đúng sai thông thường, và một người con cần phải thật sự hiểu rõ điều đó.

Bên cạnh lòng hiếu thảo nổi tiếng, về phương diện tu dưỡng bản thân, Tăng Tử nói rằng: “Mỗi ngày ta xét thân ta ba việc: Nhận làm thay người ta việc gì, ta có thực tâm làm không? Cùng với bè bạn giao ước điều gì, ta có thất tín không? Thầy dạy ta những gì, ta có nghiên cứu học tập không?”

Tăng Tử làm ra sách Đại học gồm 10 thiên, là một trong Tứ thư của Nho gia. Học trò của Tăng Tử là Khổng Cấp, cùng Nhan Hồi, Mạnh Tử và chính Tăng Tử được xem là Tứ phối của Nho gia – những đại biểu xuất sắc bậc nhất.

Quang Minh

Xem thêm:

Mời xem video: